Thursday, December 18, 2008

Foundation week


Ngày 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ độc lập. Đến ngày 29 tháng 8 năm 1947, Bộ giáo Dục chính thức thành lập với đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Bộ này. Ngày 19 tháng 12 năm 1947, Pandit Jawaharlal Nehru, tổng thống đầu tiên của Ấn Độ, cùng với Maulana Abdul Kalam Azad, bộ trưởng giáo dục đầu tiên, đã đến nơi đây làm lễ 'Đặt đá' xây dựng cơ sở CIE này với mục đích đào tạo giáo viên và coi đây là cơ sở nghiên cứu khoa học về giáo dục cũng như đào tạo nhân tài cho đất nước. Điều này cho thấy Ấn Độ chú trọng đến giáo dục như thế nào và rõ ràng, CIE có một vai trò khá quan trọng trong sự nghiệp giáo dục ở đất nước này.
Từ đó, CIE được biết đến như là Viện giáo dục quốc gia, như tên gọi của nó, CIE và có ngày 'sinh nhật' là 19 tháng 12 hàng năm! Mãi đến ngày nay, cái tên CIE thân thương gắn trên môi và ghi trong tim bao người. CIE mỗi năm lần lượt đón chào và đưa tiễn bao nhiêu sinh viên, song hình ảnh của nó vẫn luôn sống động nguyên vẹn trong mỗi người và các hoạt động của CIE được tái hiện và làm mới khi các bạn về công tác ở các trường học. Bắt đầu từ hôm nay, CIE (Central Institute of Education) có một tuần (ngày 18 đến ngày 23 tháng 12) kỷ niệm lần thứ 61 ngày thành lập khoa.





Sau này, CIE sáp nhập vào trường Đại học Delhi cùng với hai college nữa tạo thành một khoa (Faculty), gọi là 'khoa Giáo dục' và bản thân CIE trở thành một phân khoa (Department), thế nhưng, nói ‘khoa giáo dục của trường Delhi’ thì ít người biết, còn nói CIE thì hầu như chẳng xa lạ với nhiều người. Cái danh tiếng của trường mình học đôi khi là áp lực cho tụi sinh viên chúng tôi vì thấy khả năng mình không xứng với tầm cỡ của cơ sở nơi mình được đào tạo. Mỗi lần về các trường phổ thông đi thực tế hay đi đến tổ chức, cơ sở giáo dục nào, chúng tôi được biết đến với cái tên là 'dân CIE'!



Mặc dù là một khoa thành viên của trường đại học Delhi, CIE hoạt động tương đối độc lập theo liên kết ngành dọc với các tổ chức và cơ sở giáo dục trong và ngoài nước hơn là với các khoa thành viên của trường Delhi.

Với trọng trách đào tạo những người giáo viên năng động, sáng tạo và yêu nghề yêu trẻ, ngoài giờ học, thảo luận, thực tập giảng dạy, làm nghiên cứu, viết tiểu luận…sinh viên B.Ed. (bachelor of Education; B.Ed. khác với BA; tiêu chuẩn tối thiểu để vào khóa B.Ed. là có bằng BA) còn tham gia vào rất nhiều hoạt động khác của CIE. Tất cả các hoạt động này nhằm trang bị cho sinh viên, ngoài việc giảng dạy, còn có thêm nhiều kỹ năng khác nhau như quản lý, diễn thuyết trước công chúng, làm việc cộng đồng và tổ chức sáng tạo. Kỷ niệm thành lập trường năm nào cũng được tổ chức trong một tuần với nhiều hoạt động khác nhau, tạo điều kiện cho tất cả thầy cô giáo và sinh viên tham gia. Cơ hội tham gia các hoạt động trong những ngày này chia đều cho tất cả.


Ngày đầu tiên trong chuỗi sự kiện này, sự sáng tạo, năng động và tinh thần tập thể của thầy-trò CIE được thể hiện qua các hoạt động văn hóa xoay quanh một số chủ đề tự chọn. Ngày thứ hai, ngày chính thức tổ chức sinh nhật. Thường thì sau phần tổng kết của Trưởng khoa, khách mời đặc biệt sẽ có bài nói chuyện chừng 2 tiếng đồng hồ. Theo thông lệ, hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường đại học Delhi chủ trì buổi lễ chính thức này.


Rồi có một ngày thể thao trong chuỗi các sự kiện này (năm nay là ngày 20/12), thầy cô cùng sinh viên tham gia môn thể thao ưa thích nhất của người Ấn là bóng chày. Thầy cô giáo một đội, sinh viên một đội và cuộc chơi thật sôi động, hào hứng nhưng không kém phần nghiêm túc. Có cả bình luận viên nữa, còn cổ động viên thì...chật cả sân chơi! Chưa vào cuộc chơi, kết quả đã rõ: lúc nào đội sinh viên cũng thắng và điều này, ai cũng có thể hiểu được! Còn thầy cô, trước khi chơi đã nắm chắc phần thua, ấy thế mà cũng rất hăm hở. Được cái là sinh viên cũng biết...'lấy lòng' (vì còn học đến 4 tháng rưỡi nữa í mà) nên cổ vũ vô cùng nồng nhiệt cho phe giáo viên, nhất là cô giáo; hễ cô nào cầm được cái chày (bat) mà đánh trúng trái banh, chưa được điểm (tính bằng 'run' trong cricket) nào, cũng nhận được sự cổ vũ chưa từng thấy ở CIE!

Ngày sau đó, một hội chợ nhỏ gọi là 'Bal mela' ('Children's Fair') được tổ chức cho các em học sinh Tiểu học của một nhỏ trực thuộc CIE. Trường này, CIE lập ra, dự định sẽ làm nơi thực tập cho sinh viên CIE trong các nghiên cứu nhỏ khi cần trong quá trình học. Thế nhưng, với kinh phí tài trợ giới hạn, trường không đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Thế là trường này trở thành cơ sở giáo dục dành cho trẻ em nghèo. Nhân dịp kỷ niệm thành lập trường, các em được ‘chiêu đãi’ với nhiều trò chơi, đồ chơi và ăn uống. Các anh chị sinh viên sẽ là người ‘đăng cai’ hội chợ này và các em nhỏ này được một ngày vui chơi thỏa thích!

Ngày cuối cùng sẽ là ngày biểu diễn văn nghệ và thế là cả một nhóm mấy chục sinh viên sắp chật sân khấu chỉ để hát một bài đồng ca. Trong buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật ấy, ai cũng là diễn viên và ai cũng là khán giả cả! Trong ngày này, toàn bộ sinh viên lần lượt lên sân khấu biểu diễn. Thế nhưng, vào một dịp đặc biệt khác, ngày hết khóa (gọi là hết khóa chứ thật ra là hết chương trình học chứ chưa thi cuối năm) thì tất cả thầy cô biểu diễn văn nghệ cho sinh viên coi! Có lẽ mục đích buổi văn nghệ này là giúp sinh viên giải stress vì mùa thi gần kề! Sòng phẳng như vậy là cùng!

Hôm nay, ngày đầu tiên trong tuần lễ kỷ niệm, sinh viên B.Ed. chia làm 4 ‘gia đình’ gọi là ‘house’: Gandhi house, Jammu-Kashmir house, Manupur house và Orissa house. Mỗi ‘gia đình’ tha hồ trổ tài bằng mọi cách để diễn tả những nét văn hóa đặc sắc nhất đại diện cho ‘gia đình’ mình. Tất cả phải là ‘cây nhà lá vườn’, tự làm mọi thứ để thể hiện năng lực sáng tạo tối đa chứ không được mua hàng ‘ready-made’. Thế là các ‘gia đình’ thi nhau nghĩ ra ý tưởng, thực hiện hóa ý tưởng đó bằng cách tạo dựng lại nếp sống văn hóa ở địa phương mình ở hay những cảnh trí đặc trưng, diễn kịch, múa hát…rất sinh động. Tôi lấy làm lạ là với lịch học khá dày và nhất là lịch thực tập ở trường thật căng thẳng, các bạn tập kịch, múa hát lúc nào mà thật nhuyễn. ‘Nhà’ nào cũng thể hiện được nét đặc thù của ‘gia đình’ mình cả.

Gandhi house: tạo tượng của Gandhi, sưu tầm tranh ảnh, các tài liệu liên quan đến cuộc đời Gandhi. Một vở kịch khá sinh động diễn tả lại cảnh Gandhi hướng dẫn quần chúng trong một cuộc đấu tranh bất bạo động. Hát, múa cũng khá nhiều, nhạc du dương, từng bước chân di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển trông thật đẹp mắt nhưng nội dung các ca từ, tuyệt nhiên tôi không hiểu vì dốt Hindi.

Jammu-Kashmir house: sơn vẽ các tấm bạt dựng nên một vùng dân cư ở rừng núi Hy-mã-lạp-sơn. Từng dải vải màu xanh mỏng căng từ trên cao chạy xuống tượng trưng cho các dòng suối từ núi đồi đổ về xuôi. Đền thần, chùa thờ Phật theo tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng cũng được tái hiện trong một sân cỏ nhỏ của CIE trông khá sinh động. Các sản phẩm của Kashmir như thảm, khăn, lụa…được trưng bày. Y phục truyền thống của người dân vùng này được giới thiệu. Các điệu múa dân gian khá nổi bật với cách ănmặc và thao tác tay chân thật đặc biệt.

Manupur house: trưng bày các sản phẩm thủ công rất đẹp và tinh xảo. Tương tự các ‘nhà’ khác, một nhóm sinh viên mặc y phục truyền thống của vùng đất này và biểu diễn một số tiết mục văn nghệ đặc trưng.

Orissa house: ‘nhà’ này phác họa nhiều nét văn hóa đặc sắc của bang Orissa. Orissa xưa kia chính là vùng Kalinga, nơi xảy ra cuộc chiến lịch sử dưới triều đại vua Ashoka (năm thứ 8 sau khi vua Ashoka đăng quang). Cuộc chiến đẫm máu này đã đánh động tâm thức của Ashoka với hơn 100 ngàn người chết cho cuộc chiến và nhà vua trở thành Phật tử và là người chủ trương bất bạo động sao đó. Trong dịp foundation, sự kiện này được sinh viên ‘gia đình’ Orissa tóm tắt và viết trên một tờ giấy rô-ki lớn khổ treo ở một gốc cây và sinh động nhất là một màn kịch ngắn được dàn dựng về Ashoka cải đạo sang Phật giáo.

‘Gia đình’ Orissa còn diễn tả sự phong phú về văn hóa và tôn giáo ở đây qua các đền thờ đạo Hindu, Kỳ-na giáo và Phật giáo. Mỗi tôn giáo, được dựng một cái lều nho nhỏ để trang trí và diễn kịch trong đó. (Điều này làm tôi nhớ lại những lần đi trại ở Việt Nam hết sức). Hầu hết trong các bản kịch, sinh viên đều dùng lời thoại là tiếng Hindi. Riêng vở kịch ngắn diễn tả nội dung Đức Phật dạy La-hầu-la tai hại của việc nói dối qua hình tượng chậu nước, các sinh viên dùng tiếng Anh (nội dung từ kinh số 61, Trung bộ). ‘Gia đình’ này cũng tái hiện lại cuộc sống dân dã ở tiểu bang nghèo nhất Ấn Độ này qua hình ảnh ngôi bếp làng.

Ngày đầu tiên trong tuần lễ kỷ niệm thành lập khoa, CIE tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động thật bổ ích mà các bạn B.Ed. đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Sáng sớm bày ra, dàn dựng đủ thứ và tối lại thu dẹp gọn gàng mọi thứ, khép lại một ngày hoạt động vui nhộn ở CIE trong màn sương mỏng mùa Đông đang nhè nhẹ buông...

Mọi người ra về. Đêm xuống. Không gian yên tĩnh về đêm của CIE được trả lại nguyên vẹn. Ngày mai, ngày lễ chính thức, một sự kiện khác trong chuỗi các hoạt động trong tuần lễ kỷ niệm diễn ra: buổi thuyết trình của Dr. Kiran Datar, cố vấn NKC (National Knowledge Commission), về đề tài "Giáo dục: đổi thay và phát triển" dưới sự chủ trì của hiệu phó trường Đại học Delhi.

Suốt một tuần với các hoạt động dày đặc như thế, nhưng thật vui, nhất là đối với những sinh viên bước vào cổng CIE năm trước và bước ra khỏi cổng trường sau một năm. Các bạn ấy sẽ mang theo rất nhiều hành trang được trang bị từ CIE về các trường phổ thông. Tôi ở đây nhiều năm, chứng kiến nhiều lần tổ chức, với sự chi phối của tâm lý 'nhàm', cùng với thời gian, tôi không háo hức và năng động nhiều như các bạn trẻ mới bước vào CIE từ đầu năm học này, nhưng vẫn thấy các hoạt động trong dịp này thật hay và ý nghĩa vì nội dung mỗi năm mỗi mới.




Manipur house: tư liệu

Manipur house: trang phục truyền thống



Jammu-Kasmir house: sản phẩm thủ công


Jammu-Kasmir house: tái hiện cuộc sống vùng núi Hy-mã-lạp-sơn


'suối' ở Jammu-Kasmir của sinh viên CIE


Gandhi house: dựng tượng Gandhi và sưu tầm tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của ông.


Gandhi house: diễn kịch về đấu tranh bất bạo động của Gandhi


Gandhi house: người theo chủ trương của Gandhi cố gắng dàn hòa xung đột


Gandhi house: đồng ca

Orissa house: đền thờ đạo Jain

Orissa house: bếp làng

Orissa house: cảnh đồng quê