Wednesday, December 17, 2008

Sự truyền đạo vĩ đại

Nguồn:

Chuyển ngữ tiếng Việt: nhatkyao

Tượng Phật ở Ayuthaya, Thái Lan. Giữa hoang tàn đổ nát của nhiều tu viện ở Ayuthaya, những công trình nghệ thuật điêu khắc này nhắc chúng ta nhớ về một thời hoàng kim trong quá khứ của khu thánh địa này.

Thật là là một điều hấp dẫn khi các ý tưởng triết học và văn hóa vào thời xa xưa được truyền bá rộng rãi và tự do như không hề có sự chướng ngại ghê gớm của vấn đề ngăn sông cách núi. Ý tưởng vốn có cuộc sống riêng và không thể kềm giữ chúng trong phạm vi một đất nước hay một lãnh thổ địa lý nào. Một trong những câu chuyện đáng nói nhất về ý tưởng truyền bá Đạo Phật rằng, con đường Đạo Phật đi qua là xuyên thẳng Châu Á lục địa.

Theo quan điểm Ấn Độ cổ đại, cuộc sống đầy lòng từ bi. Cuộc sống vốn là chung nhất trong thể nhất như của tạo hóa. Chia ra cách hình thức khác nhau của thế giới là maya hay mithya (thế giới vật chất có thể tri giác được) là sự nhận thức ảo qua cảm nhận chủ quan vốn giới hạn của con người. Chúng ta tin rằng sự phân chia đồng nhất thể và ngã là một sự sai lầm lớn nhất. Nó cột trói chúng ta trong tham đắm vào của cải vật chất thế gian. Chính vì vậy, cuộc đời là khổ, vì không có một mục đích ảo nào có thể đem đến hạnh phúc cho chúng ta được cả. An bình và hạnh phúc chỉ đến với người khi không còn ham muốn.

Tất cả chúng sanh đều ý thức được cuộc đời đầy khổ đau. Như vậy, triết học đều được chào đón nồng nhiệt bất cứ nơi nào nó có mặt. Triết học gây ảnh hưởng đáng kể và thâm nhập vào đời sống bất cứ quốc gia nào mà nó đi qua. Văn hóa của lục địa này (Châu Á) được định hình khi thẩm thấu được đạo đức thâm thúy ấy.

Triết học cũng có khái niệm phi thường của các thần linh. Theo triết mỹ học Ấn Độ, giây phút cảm nhận thẩm mỹ rất gần với trạng thái an lạc của giải thoát. Trách nhiệm của chúng ta đối với cái đẹp được coi như là cảm nhận của mình đối với sự tao nhã của tất cả những gì ẩn tàng trong đó. Trong giây phút cảm nhận cái đẹp, chúng ta có xúc động mạnh. Tóm lại, chúng ta đã mất đi ham muốn vật chất: chúng ta cảm nhận một cái gì đó vượt lên trên ảo giác của mình. Vì thế, triết học và nghệ thuật Ấn Độ cổ đại thường xuyên phô bày cái đẹp siêu phàm của các thần linh trước mắt chúng ta.

Tu viện Phật giáo ở Ayuthaya. Đến thế kỷ 18, thủ đô của Thái Lan là Ayuthaya. Vào thời ấy, đây là một trong những trung tâm Phật giáo hoành tráng nhất Châu Á.

Thiên thần được nhân cách hóa về ý tưởng và đặc tính. Những đặc tính như trí tuệ, từ bi, tốt bụng và can đảm vốn có trong con người mỗi chúng ta. Chúng ta thấy sự miêu tả này qua nghệ thuật: chúng ta tập trung vào các công trình nghệ thuật ấy cho đến khi nào chúng ta cảm nhận những đặc tính ấy nơi chính mình. Những đặc tính này tăng trưởng và dần dần thấm nhuần hoàn toàn vào trong ta.


Triết lý này, cùng với những tín ngưỡng của Phật giáo và Bà la môn giáo, đã lan rộng đến toàn cõi Châu Á từ thời xa xưa ấy. Các truyền thống nghệ thuật nổi lên khắp nơi để tạo nên các thiên thần siêu phàm để hỗ trợ chúng ta trên con đường giác ngộ. Quan điểm về cuộc sống được định hướng rõ, cần phải vượt lên trên vật chất thế gian để đạt đến sự an bình miên viễn.


Vào thời cổ đại, các thương nhân ở Ấn Độ thường đến buôn bán ở các nước trong vùng Địa Trung Hải, Tây Á, Nam Á cũng như Đông Nam Á. Những ý tưởng triết học cũng theo chân các thương gia mà truyền bá nhanh chóng đến các vùng đất này. Nhiều bản chữ cổ, liên hệ với người Hy Lạp là tín đồ của Phật giáo hay Bà la môn giáo trong giai đoạn trước và đầu tây lịch. Cũng có nhiều khu thuộc địa lớn của người La Mã ở Ấn Độ.


Dấu ấn văn hóa Châu Á là chuyến du hành sang Tích Lan của công chúa Sanghamitra, con vua Asoka, vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch. Phật giáo được chào đón nồng nhiệt trên đảo quốc này. Nhiều thế kỷ sau, Tích Lan trở thành trung tâm Phật giáo nguyên thủy, gọi là Phật giáo Theravada.

Các chùa tháp ở Bagan, Miến Điện. Bagan, với công trình kiến trúc, điêu khắc và hội họa uy nghiêm, trở thành một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng trên thế giới.

Những bức họa xuất hiện sớm nhất ở Tích Lan được tìm thấy ở một hang động trong một ngọn núi đá lớn cao sừng sững Sigiriya. Những bức họa có niên đại ở thế kỷ thứ 5 được tìm thấy ở ngọn núi này có đường nét thanh nhã, chuyển tải ý tưởng thâm thúy, chứa đựng các đặc trưng của truyền thống hội họa được tìm thấy ở hang động Ajanta. Có sự tương đồng lớn giữa các bức họa ở Sigiriya và các bức họa vào thời kỳ sau của Ajanta. Những tranh họa này được tạo ra cùng một giai đoạn. Các đường nét diễn tả chiều sâu nội tâm và đây là một đặc điểm phổ biến của nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ thời bấy giờ. Cảm xúc tinh tế của các nghệ nhân đã truyền vào các tác phẩm của mình tâm đồng cảm và từ bi đến với nhân loại. Những bức họa này, qua các đường nét nhanh nhã nhẹ nhàng, nhắc chúng ta rằng khổ đau có thể chấm dứt trên cuộc đời này.

Vào thế kỷ 12, triều đại Chola trị vì toàn cõi Nam Ấn và nhiều phần của đảo quốc Tích Lan. Các loại tranh họa của thế kỷ thứ 10 được tìm thấy trong ngôi chùa Brihadisvara ở Thanjavur (thuộc Ấn Độ) rất gần gũi với những tranh họa ở Tích Lan. Những bức tranh Phật giáo họa khắc trên tường vào thế kỷ 12 ở thành Polonnaruva minh họa các câu chuyện trong ‘Truyện tiền thân’ (các câu chuyện về những kiếp sống quá khứ của Đức Phật). Những câu chuyện này thể hiện chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống như là một phương tiện chính để chuyển tải giá trị đạo đức vào trong hình thức Phật giáo giai đoạn đầu này. Chúng ta thấy những minh họa của các câu chuyện tiền thân được thể hiện qua nghệ thuật Phật giáo ở các hoa văn trên thanh chắn của tháp Bharut (thuộc bang Madhya Pradesh) từ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch trở về trước.

Phật giáo có một truyền thống lâu dài về nghệ thuật đục đẽo các hang động đá. Các hang đá này có thể được sử dụng để hành thiền và là nơi trú ngụ của chư tăng. Từ thời xa xưa, các tường đá này được vẽ tranh và chạm khắc. Tích Lan đã bảo tồn và phát triển được truyền thống xưa là vẽ tranh trong hang động. Sự thiêng liêng từ các vách đá tĩnh lặng bên trong tạo nên một không khí an bình, xa rời những ồn náo của thế giới vật chất đời thường. Những hang động Dambulla có nhiều công trình hội họa và điêu khắc từ những thời kỳ dầu đến thế kỷ 18.

Miến Điện chịu nhiều thử thách khắc nghiệt để rồi Phật giáo và nghệ thuật Phật giáoảnh hưởng đến đất nước này trong nhiều thế kỷ. Cuối thiên niêm kỷ đầu tiên, Miến Điện có quan hệ sâu sắc với trung tâm Phật giáo ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) Bihar, nơi Đức Phật thành tựu giác ngộ. Thật ra, các hình thức kiến trúc ở ngôi Đại Tháp ở Bồ đề đạo tràng được mô phỏng để xây dựng những ngôi chùa ở Bagan (Miến Điện) vào các thế kỷ 11 và 12.

Tranh tường (trong bức họa là vũ công, nhạc công) ở các tu viện ở Bagan vào khoảng thế kỷ 12. Tường bên trong của các tu viện ở Bagan được vẽ rất nhiều tranh tượng. Còn một số tranh tường có niên đại vào thế kỷ 12 là những tranh đẹp nhất trong Phật giáo. Những tranh này rất giống với nghệ thuật hội họa vào thời đại Pala của Ấn Độ cũng như tranh tường thời đại Chola cuối thế kỷ thứ 10 ở tu viện Brihadisvara, Thanjavur.
Vào khoảng thế kỷ 12 và 13, với sự suy tàn của Phật giáo trên bình địa Ấn Độ, các học giả và các nghệ nhân với tâm đạo thuần thành, từ Ấn Độ chạy sang trú ẩn ở Miến Điện. Bagan thời ấy, trở thành một thánh địa với hàng ngàn ngôi chùa. Cảm hứng nghệ thuật ở đây được tiếp thu từ miền Đông Ấn cũng như từ Tích Lan.
Những tranh họa bên trong tường các ngôi chùa này là những bức tranh đẹp nhất và tinh tế nhất trong toàn bộ truyền thống Phật giáo. Những đề tài những tranh họa này thể hiện lấy từ cuộc sống Đức Phật và từ các câu chuyện tiền thân của Ngài.

Vào thời xưa, không có ranh giới giữa các truyền thống tín ngưỡng ở Ấn Độ. Thật ra, các vua ở Miến Điện cũng xức dầu vẩy nước trong khi làm lễ theo truyền thống Ấn giáo. Trong bài tham luận ở một cuộc hội thảo quốc tế, vua Rama IX của Thái Lan đọc thông điệp rằng, các vua Thái là hiện thân của các vị thần Ấn giáo là Siva, Vishnu và Brahma. Theo như lời của học giả người Thái Thanphuying Putrie Viravaidya, “những người bà la môn thi hành nhiệm vụ trong lễ đăng quang. Nhờ đó, các bà la môn này mở cổng trời cho các thần Ấn giáo xuống và họ làm cho con người của vua giống như thần thánh, chứa đựng chân giá trị và nho nhã.”

Từ thời xa xưa, Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng triết học Ấn Độ từ Tích Lan và Miến Điện. Quan hệ giao lưu với nước láng giềng Cam-pu-chia và giao dịch thương mại với Ấn Độ bằng đường biển đã đem đến đất nước này những truyền thống thờ thần Ấn giáo. Văn hóa Thái Lan phát triển như một sự tổng hợp kỳ diệu trong sự ảnh hưởng các truyền thống Phật giáo và Bà la môn giáo qua nhiều nguồn khác nhau. Truyền thống chính của người Thái là Phật giáo và một trong những văn hóa mạnh nhất là sử thi Ramayana hay Ramakien của Ấn giáo.

Các hang động ở Dumbulla, Tích Lan. Những tranh tượng công phu oai nghiêm trên các tường bên trong các tu viện là nhân chứng của một thời Phật giáo hưng thịnh trên hai thiên niên kỷ.
Các ngôi chùa ở Bangkok và các nơi khác ở Thái Lan thể hiện một sự pha trộn tuyệt vời giữa các truyền thống Phật giáo và Ấn giáo. Những chùa tháp này được xây dựng để cúng dường Đức Phật và trên các bức tường, nhiều cảnh trong sử thi Ramayana được minh họa bằng tranh vẽ với đường nét tinh xảo và tỉ mỉ.

Sự phân chia các truyền thống tín ngưỡng Ấn Độ thành các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Ấn giáo, Kỳ na giáo chỉ là một hiện tượng sau này. Các học giả và những người đi chiếm thuộc địa Châu Âu, những người có hiểu biết đặt trên cơ sở của sự phân biệt rạch ròi giữa các truyền thống tôn giáo Semit (giữa Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do thái giáo) không thể hiểu được khi tín đồ thuộc truyền thống tôn giáo này mà lại tôn thờ thần linh của các truyền thống khác.

Từ thời xa xưa, các vua ở khu vực Tây Tạng, đầy nhiệt huyết và thiện chí với Ấn Độ, đã hấp thụ truyền thống Phật giáo. Tạng kinh điển Sanskrit được đem sang Tây Tạng để sẵn sàng làm nền tảng cho tạng kinh Tây Tạng.

Nữ thần Apsaras, tranh tường ở Sigiriya (Tích Lan), thế kỷ thứ 5. Những tranh họa này được tạo ra trong hang động góp phần tạo nên nghệ thuật Phật giáo cổ đại quý giá nhất. Những hoa văn trên bề mặt với đường nét tinh tế và sự biểu cảm qua các hình ảnh trong bức họa nhắc lại nghệ thuật cổ điển ở hang động Ajanta.

Vào thế kỷ thứ 8, đại sư Santarakshita (Thiện Hải Tịch Hộ) từ đại học Nalanda sang Tây Tạng xây dựng ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên đất nước này (tu viện Samye, mô hình kiến trúc mô phỏng theo ngôi Đại viện Odantpuri ở Bihar) và đặt nền tảng cho đời sống tu viện ở đây. Ngài đến cầu thỉnh đại sư Padmasambhava (Liên Hoa Sanh), cũng ở Nalanda, đến viếng thăm Tây Tạng và hỗ trợ trong việc giáo hóa chúng sanh về truyền thống tôn giáo mới (Phật giáo). Padmasambhava, khi ấy đang dạy ở Kashmir, đã đem sang Tây Tạng điệu múa Cham, một điệu múa tâm linh theo truyền thống Kim cương thừa.

Người ta tin rằng, khi múa vũ điệu này, đất đai nơi ấy trở nên thanh tịnh và ma quỷ đều không còn ở đó nữa. Vũ điệu này được trình diễn để mừng cái thiện chiến thắng cái ác: con người vượt lên trên tự ngã của chính mình vốn cột trói người ấy vào trong những dục vọng thế gian thấp hèn. Thời kỳ đại sư Padmasambhava được cho là thời kỳ đầu tiên của cuộc đại truyền bá Phật giáo sang các vùng Hy mã lạp sơn. Cho đến ngày nay, Ngài là vị đạo sư được tôn kính nhất trong cộng đồng Phật tử vùng này.

Bồ tát, tranh tường, ở Polonnaruva (Tích Lan), thế kỷ thứ 12. Sự biểu cảm tinh tế trên khuôn mặt của Bồ tát thể hiện nghệ thuật Phật giáo độc đáo nhất trong phật giáo. Những bức họa này nằm trong những kiệt tác trong số các tranh tượng Phật giáo thời trung đại ở Châu Á.

Vào thế kỷ thứ 10, Yeshe ’Od lên ngôi vua ở Guge, bao gồm Ladakh, Lahaul-Spiti, Kinnaur và miền tây của Tây Tạng. Vào thời bấy giờ, Phật giáo đã suy tàn ở Tây Tạng. Điều làm nhà vua băn khoăn là, dẫu có thực hành theo Phật giáo một tí thôi, sự thực hành ấy cũng bị sai lạc. Các nghi lễ chứa đầy dẫy niềm tin có tính ma mị trong dân gian.

Yeshe ’Od phái Rinchen Zangpo và các học giả khác đến Kashmir để thỉnh kinh điển thuần chân Phật giáo đem về Tây Tạng. Thế rồi, tạng kinh ấy được Zangpo, vị dịch giả danh tiếng được gọi là Lohtsawa hay Đại dịch giả, dịch sang tiếng Tây Tạng. Rinchen Zangpo tiếp tục được sùng kính ở vùng núi Hy mã lạp sơn. Thật ra, trong tâm khảm mọi người, Ngài là hiện thân của một vị thần trong hình thức một con người lịch sử với năng lực siêu phàm.

Truyền thống sùng kính thần linh và thánh nhân qua cử chỉ cúng dường hoa lại tìm thấy trong các tranh họa ở hang động tại Sigiriya (Tích Lan).

Yeshe ’Od và các vị kế thừa sau Ngài xây dựng một dãy gồm 108 tu viện ngang qua Guge. Nhiều công trình điêu khắc và hội họa là tác phẩm của các nghệ nhân đến từ Kashmir. Đây được cho là giai đoạn của cuộc đại truyền bá thứ hai của Phật giáo tại vùng Hy mã lạp sơn. Những tu viện này đặt nền tảng cho nghệ thuật và văn hóa Phật giáo tại vùng rừng núi này.

Nepal, một đất nước vùng đồi núi Hy mã lạp sơn, đã bảo tồn cả Phật giáo và Ấn giáo trong nhiều thế kỷ qua. Đất nước này có vài ngôi tháp uy nghiêm nhất mà cho đến nay, người ta đến lễ bái mỗi ngày. Nepal, về phương diện địa lý, gần gũi với các trung tâm văn hóa của Ấn Độ đại lục và có một di sản triết học và nghệ thuật vĩ đại mà Nepal có được nhờ vào quá trình giao thoa tiếp biến với Ấn Độ qua nhiều thế kỷ. Khi các trung tâm Phật giáo ở Ấn Độ suy tàn vào thế kỷ 12 và 13, số đông chư tăng và học giả chạy sang Nepal lánh nạn. Chư vị này mang theo sang Nepal những gì quý giá nhất, nhiều kinh điển và tranh vẽ vô cùng giá trị.

Ngang qua khu tây Tạng, Nepal cũng thâm nhập các khái niệm thờ thần Shiva của người Kashmir. Thung lũng Kathmandu giống như một chảo pha chế, nơi ấy các tư tưởng triết học miền Đông Ấn Độ giao thoa với tư tưởng triết học từ Kashmir. Phật giáo và Ấn giáo ở Nepal cùng tồn tại như thể không có ranh giới rõ ràng giữa hai truyền thống. Tại tháp Swayambhunath ở Kathmandu, chúng ta thấy nhiều tượng Phật được khắc trên các hình tượng Siva-lingas. Trên đó cũng có cái chùy kim cương lớn (vajra) là biểu tượng của Kim cương thừa Phật giáo.

Tượng Phật vĩ đại ở Polonnaruva. Nét từ ái được biểu hiện qua hình tượng Đức Phật làm cho bức tượng này nổi bật nhất trong các cảnh quan ở Tích Lan. Truyền thống tạc tượng Đức Phật khổng lồ được tìm thấy trong các hang động ở vùng Tây Ấn vào thế kỷ thứ 5 và 6. Nghệ thuật này chẳng bao lâu được truyền sang các nước Châu Á.

Bhutan, một vương quốc nhỏ vùng núi, dã giữ được sự đặc thù và riêng biệt của truyền thống Mật tông. Người ta tin rằng Đại sư Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) có giáng lâm đất nước này trên lưng một con hổ. Ngài đã làm cho vùng đất này trở nên thanh tịnh không còn ma quỷ vốn cản trở sự truyền bá Phật pháp ở đây. Cho đến ngày nay, đại sư Liên Hoa Sanh được coi như một vị thần được sùng kính mến mộ nhất và được cho là hiện thân bằng nhiều hình thức khác nhau ở Bhutan.

Bhutan đã giữ được nghệ thuật tranh họa thuần túy Phật giáo. Nơi đây, người ta có thể cảm nhận được nét sùng kính và vẻ quán chiếu thiền định thể hiện trên các tranh tượng. Theo truyền thống xưa, mục đích của người nghệ nhân không phải tạo nên một công trình nghệ thuật mà tạo nên các công trình này là hành động thể hiện tâm thành kính đối với chân lý vĩnh cửu.

Phật giáo từ Ấn Độ đã du hành trên con đường tơ lụa cùng trên các chuyến xe chở hàng hóa. Đạo Phật đến Trung Quốc từ Trung Á qua Pakistan, Afghanistan và Uzbekistan. Vòng quanh sa mạc Taklamakan vắng đến rợn người là một chuỗi các ốc đảo, nguồn sống của đại lục cằn cỗi. Nhiều hang động Phật giáo nơi đây đã đánh dấu một giai đoạn phát triển đầu tiên của Phật giáo và nghệ thuật Ấn Độ ở Trung Á và Trung Quốc.

Đôn Hoàng, hang động Mộ Cao số 45. Tượng Đức Phật ngồi trong chánh điện với chư Tăng và các hộ pháp. Các tượng này được khắc và vẽ theo các truyền thống điêu khắc Ấn Độ. Khoảng 500 hang động nằm trên một khu đất rộng lớn, là một trong những di sản quý báu lớn nhất của nghệ thuật Phật giáo trên thế giới.

Các tên tuổi của các vị đại học giả và dịch giả sáng lấp lánh trên các chặng đường lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc. Nổi bật nhất trong số các vị này là ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) vào thế kỷ thứ 4. Ngài là con của một học giả người Kashmiri là Kumarayana và công chúa Jiva ở Kucha. Lúc lên 9, mẹ Ngài đưa Ngài đến Kashmir và Ngài bắt đầu nghiên cứu Phật giáo nhiều năm ở đây.

Động Đôn Hoàng

Trên đường trở về Kucha, Ngài dịch hơn 40 bản kinh Phật giáo quan trọng, bao gồm kinh Pháp Hoa, sang tiếng Hoa. Những bản kinh này vẫn còn được coi là những bản kinh quan trọng nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Một tác giả nổi tiếng là ông Shu Suyun viết rằng “Ngài [Cưu Ma La Thập] thông hiểu Sanskrit và tiếng Hoa. Bản dịch của Ngài rất hay và thể hiện khả năng rất uyên thâm của Ngài. Cho đến ngày nay, khi đã có nhiều bản dịch, nếu ta hỏi chư tăng Trung Quốc, quý vị thích bản dịch nào nhất, họ sẽ trả lời là họ thích bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập. Bản thân tôi cũng thấy bản dịch của Ngài thật là tuyệt vời.”

Chùa Vàng (Kinkaikuji), ngôi chùa Phật giáo ở Kyoto. Ngôi chùa bằng vàng này nguyên được xây dựng vào năm 1397 có dáng như một biệt thự. Sau đó, cơ sở này được xây theo kiến trúc chùa vào thế kỷ thứ 15. Sau một trận hỏa hoạn, ngôi chùa được xây lại lần nữa vào năm 1955. Đó là ngôi chùa ta thấy hiện nay.

Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo được đón nhận nồng nhiệt trên khắp các nước Trung Á và Trung Quốc. Từ đây, thông điệp của Đức Phật được truyền đi xa hơn đến các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Viễn Đông, Nhật Bản là đất nước xa nhất tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo và Ấn giáo.

Triết học về thần linh và thẩm mỹ được phát triển ở Ấn Độ và tăng trưởng hơn ở Nhật Bản. Hơn bất kỳ một nơi nào trên thế giới, văn hóa Nhật Bản rất nhạy cảm với cái đẹp của mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống quanh ta. Tinh thần an bình và hòa hợp cùng với sự nhận chân được giá trị của cái đẹp được thấm nhuần trong cuộc sống của người Nhật.

Phật giáo là một nếp văn hóa vĩ đại nhất về lối sống an bình và đạo đức. Đây là khả năng cảm nhận cuộc sống giúp chúng ta xa rời những ồn náo và hỗn loạn khổ đau của thế giới vật chất đời thường. Phật giáo dạy chúng ta từ bỏ những ham muốn do đắm chìm trong ảo giác của vô minh. Bức thông điệp của Đạo Phật là hãy nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy được sự an lạc và bình an tối thượng. Giống như các truyền thống tôn giáo Ấn Độ khác, Đạo Phật mang theo bức thông điệp về lòng từ bi rộng lớn và vẫn tôn trọng các thần linh của các tôn giáo khác.