Sáng nay, thấy trên blog "Chu tieu online" có bài này hay, xin về đây cất dành nè:
Cò ơi!
Vậy là con đã được 6 tuổi rồi đó! Ngày mai con sẽ chập chững bước vào lớp 1 cũng giống như là tía 21 năm về trước . Tía thiệt là sung sướng khi nhìn thấy con trai tía mới tí tuổi mà đã khôi ngô tuấn tú, ăn nói hơn người. Mỗi ngày thấy con đem về khoe mấy chục cục cu li thắng được từ mấy đứa bằng tuổi hoặc già hơn con, tía thấy tự hào về con vô bờ bến ! Tuy vậy, tía vẫn phải nhắc nhở con mấy điều quan trọng sau đây khi con sắp chuyển từ môi trường bắn cu li sang môi trường học tập nghiêm túc.
Thứ nhất, con phải là một học sinh tiếp thu tốt kiến thức ở trường nhưng không bao giờ được là một-học-sinh-phục-tùng. Khi con học Văn, nếu cô giáo biểu cả lớp viết một bài luận để ca ngợi một nhân vật hay một sự kiện nào đó mà trong lòng con còn nghi vấn hoặc không thuyết phục thì con hãy luôn luôn viết theo ý con. Con có thể nghĩ và viết rằng nàng Tấm thật ác độc khi đổ nước sôi giết chết nàng Cám, hoặc nàng Kiều không phải là "tài đành họa hai" khi chọn con đường làm gái để cứu gia đình. Con đừng sợ mình khác với số đông, bởi vì mỗi cá nhân là mỗi tư tưởng lớn nếu được phép phát triển trong môi trường tự do, con phải tự cho mình cái quyền tự do vô cùng quan trọng đó. Khi con học Lịch Sử, con đừng chỉ nên đọc và học theo một quyển sách sử, vì không một cá nhân hay một quốc gia nào đó có thể tự làm nên hoặc phán xét lịch sử một cách khách quan. Thay vào đó, con hãy đọc thật nhiều sách vở từ các nguồn khác nhau và nắm lấy sự thật từ chính sự khảo nghiệm của bản thân. Lịch sử trong nhà trường không phải là một môn học cần con đầu tư trí tuệ (để học thuộc lòng) mà chỉ cần đủ điểm đậu thôi là tía con mình đã hoan hỉ cúng ông Địa một nải chuối thiệt bự rồi con ạ! Dặn dò con điều này, tía đã sẵn sàng chấp nhận việc con mang về nhà những điểm số lẹt đẹt trong các môn xã hội vì tội "khác người". Con đừng sợ khi lãnh "một con ngỗng xấu xí" cho bài làm văn của con hay một bài lịch sử điểm 5 với đầy dấu X chỉ vì con không học thuộc lòng những điều mà tất cả các bạn con phải học. Con có thể oán trách tía xúi dại con, nhưng một khi con trở thành một người đàn ông trưởng thành bước ra khỏi nhà trường, con sẽ hiểu tại sao nên như vậy và con sẽ biết ơn tía vô vàn!
Thứ hai, con phải là một học sinh kính trọng những người dạy dỗ con nhưng không bao giờ bị họ đồng hóa với số đông. Thầy cô của con là những người sẽ truyền cho con kiến thức, họ rất quan trọng trong giai đoạn trưởng thành của con, nhưng họ cũng chỉ là những con người như bao người bình thường khác với sai sót, cảm tính và sự ích kỷ. Con không nên sợ hãi thầy cô vì áp lực điểm số hay hạnh kiểm. Khi cô giáo đánh đập hoặc mắng chửi con hay một người bạn nào đó của con là "ngu như bò", "ngu như heo", "lỗ tai cây", con phải mạnh dạn đứng lên và dõng dạc nói rằng cô giáo đã sai vì nghề của cô là dạy dỗ con người chớ không phải là chăn trâu. Lúc đó chắc cô của con sẽ đỏ bừng lên vì tức và nhục, cô sẽ bắt con lên văn phòng gặp ban giám hiệu. Không hề gì, con sẽ trình bày với các thầy cô khác những gì đã diễn ra, đừng cúi gầm mặt vì sợ hãi. Nếu cả hiệu trưởng hiệu phó lẫn các thầy cô giáo khác đều cho rằng con là đứa mất dạy thì tía sẽ phấn khởi hồ hởi mà cho con thoát ra khỏi cái trường chẳng khác gì một cái lò heo! Còn nữa, mỗi năm vào cái "sự kiện 20-11", khi các bạn con nô nức quà lớn quà nhỏ tặng thầy cô, con đừng ngạc nhiên khi tía sẽ chỉ mua cho con những tấm thiệp xinh xắn (và rẻ tiền) để con ngồi nắn nót viết tặng thầy cô những lời thành thật nhất từ đáy lòng con. Thời của tía, quà tặng thầy cô trong ngày 20-11 là một nỗi ám ảnh dai dẳng vì chẳng có ai dám nói hay viết ra để chấm dứt cái truyền thống "hối lộ" lố bịch đó cả. Thà cô giáo con bị bệnh nặng hay gia cảnh khó khăn, tía có thể cho con rất nhiều tiền để giúp đỡ cô, nhưng tía sẽ không cho phép con tập tành trở thành một cá nhân vụ lợi, luồn cúi và học thói quen "đưa hối lộ" ngay từ tuổi nhỏ. Rồi con có thể gặp những thầy cô giáo thực dụng, họ "gài hàng" để con phải đi học thêm và đóng tiền cho họ, nếu không thì con sẽ bị "đì". Chắc con không bao giờ tưởng tượng cảnh một cô giáo ngồi phe phẩy ghi sổ nợ tiền học thêm và nhắc học sinh "về nói ba mẹ đóng gấp". Những kẻ xem việc kinh doanh kiến thức lớn hơn nghĩa vụ sư phạm chân chính thì dứt khoát không phải là thầy cô của con. Con hãy tự học và nắm vững kiến thức thật chắc để không ai có thể hà hiếp hay bắt bẻ con. Việc này là khó, nhưng con trai tía sẽ có đủ bản lĩnh làm được
Thứ ba là vấn đề tiêu xài của con trong lúc còn đi học. Khi con chưa làm ra đồng tiền, con chỉ nên giới hạn việc sử dụng tiền bạc ở mức "đủ sống", nghĩa là ăn uống no nê và dư ra một tí để đi chơi với những bạn bè lành mạnh. Tía sẽ cho con đủ tiền để ăn sáng mỗi ngày và uống một ly sữa đậu nành thiệt bổ; thỉnh thoảng tía sẽ cho con tiền để đi sinh nhật bạn. Con sẽ không được phép xài điện thoại di động, không quần áo thời trang, đầu tóc không nhuộm xanh nhuộm vàng. Để con của tía trở thành một người đàn ông khôn ngoan trong tương lai, tía phải nghiêm khắc giũa rèn con không chạy theo những trào lưu đua đòi nhảm nhí của giới trẻ. Con phải nhìn thấy mình thật hạnh phúc khi được ăn học và chăm lo đầy đủ. Thử đặt mình vào hoàn cảnh những người đồng lứa nhưng phải mưu sinh vất vả để kiếm ăn, con sẽ thấy việc tiêu xài hoang phí thật là vô lý! Con phải tập cho mình lòng nhẫn nại, khoan dung, khôn ngoan và độ lượng để sống giữa xã hội. Được như vậy thì về sau con muốn bao nhiêu tiền cũng có. (nói nào ngay tía cũng thuộc loại giỏi nói mà không giỏi làm, cho nên tía phải dồn hết tâm huyết để giúp con thực hiện lý tưởng đời tía đã dang dở, không thì cả tía lẫn con đều chết vì nhục).
Thứ tư là vấn đề đọc sách. Con phải đọc thật nhiều sách con à! Vì sao hả? Vì tía đã thấy một vài người tía quen có kiến thức uyên bác và khả năng ngôn ngữ cực kỳ sắc sảo, chung quy lại đều là từ thói quen và sở thích đọc nhiều sách mà ra. Khả năng trình bày là một khả năng tối quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất khi con vào đời. Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam khi rời khỏi nhà trường trở thành những cá nhân nhạt nhẽo, yếu đuối trong tư tưởng và lập luận bởi phải học và đọc theo sự chỉ định trong một thời gian dài, dần dần họ (trong đó có tía) mất đi bản năng tìm tòi và ham thích khám phá từ những sách vở hay nhưng "ngoại đạo." Con người và cuộc sống xung quanh có thể không thể dạy con những bài học nhân sinh quan trọng, nhưng sách vở sẽ bổ khuyết cho con tất cả những điều đó. Tía sẽ không tiếc tiền mua cho con bất cứ quyển sách nào con thích, tía sẽ nai lưng ra làm việc để cho con được học thật nhiều ngoại ngữ. Tía không cần con phải "ráng" có năng khiếu piano hay vẽ đẹp để tía nở mày nở mặt với chòm xóm và mấy vị phụ huynh khác nhưng tía chỉ tha thiết mong con hình thành một sở thích duy nhất: đọc sách.
Trông con ngủ đáng yêu quá Cò à! Tướng con khi ngủ giống hệt như tía hồi trẻ: có gì đó trăn trở khổ sở, có gì đó bức bách như muốn bùng nổ. Những điều tía dặn con trên đây, có thể con chưa hiểu ngay khi mới 6 tuổi đầu, nhưng mỗi năm khi con lên lớp mới, con nhớ lấy ra đọc lại để xem tía có lý hay là vô lý. Nếu có lý con hãy tiếp tục nghe theo và phát huy lời tía dạy, còn nếu thấy không có lý thì mày không phải là con tao.
Chào con,
Tía của con