Tuesday, December 16, 2008

Càng đơn giản, càng dễ hiểu


Có những cuốn sách, mỗi lần đọc, mỗi lần thấy mới. Với tôi, cuốn “Mindfulness in Plain English”(Chánh niệm trong tiếng Anh thông dụng) của Trưởng lão Henepola Gunaratana là một trong những cuốn như thế.

Cuốn sách này hướng dẫn người học đạo về phương diện thực hành bằng một thứ ngôn ngữ thông thường, đơn giản, dễ hiểu chứ không phải ngôn ngữ hàn lâm hay chuyên môn. Theo quan điểm của tác giả, càng đơn giản, càng dễ hiểu. Trong ‘Lời nói đầu’, Ngài viết “theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy cách hiệu quả nhất để trình bày cho mọi người hiểu một vấn đề là dùng ngôn từ đơn giản nhất. Ngoài ra, qua những năm tháng giảng dạy, tôi nhận thấy rằng càng dùng ngôn từ cứng nhắc, việc truyền đạt càng kém hiệu quả. Ngôn từ cứng nhắc và khó hiểu ít khi được tiếp nhận, nhất là khi thuyết giảng những vấn đề không liên quan gì đến cuộc sống thường ngày…” Do đó, trong cuốn sách này, tác giả dùng ngôn từ đơn giản (plain), bình thường của quảng đại quần chúng để giảng dạy thiền định về phương diện thực hành phương pháp dưỡng tâm này.


Cuốn "Mindfulness in Plain English" có thể tìm thấy dễ dàng trên vài trang web miễn phí. Tiếng Anh dùng trong cuốn sách này rất đơn giản, dễ hiểu; nội dung cuốn sách khá hay và thực tế, cả người tu sĩ lẫn cư sĩ đều có thể áp dụng được.


Sau đây là một đoạn Ngài viết về mối liên hệ giữa đạo đức, thiền định và trí tuệ (chương 2, trang 23, 24), nhatkyao chuyển ngữ sang tiếng Việt.


Có ba yếu tố hòa quyện vào nhau trong thiền Phật giáo: đạo đức, thiền định và trí tuệ. Các yếu tố tăng trưởng khi chúng ta thực hành thiền ngày càng sâu. Chúng liên quan mật thiết và tác động lẫn nhau nên cần phát triển các yếu tố này đồng thời, chứ không phải lần lượt từng yếu tố một. Khi bạn có trí tuệ thông hiểu được tình thế, yếu tố từ bi sẽ đến tự nhiên. Có từ bi nghĩa là bạn tự biết điều chỉnh tư tưởng, lời nói và hành động của mình để không làm tổn hại đến ai. Như vậy, những thể hiện hành vi của bạn tự động sẽ có đạo đức. Nếu không hiểu các vấn đề này một cách tường tận, bạn có thể tạo nên phiền phức. Thật là một sai lầm nếu không nhận thức được mối tương quan mật thiết trong các hành động của mình. Người nào chờ đến khi hoàn thiện đức rồi mới bắt đầu thực hành thiền định thì chỉ biết ngồi đó mà đợi chữ ‘nhưng’ vốn không bao giờ đến. Người xưa gọi người như thế giống như kẻ mong chờ biển lặng mới chịu xuống tắm.

Hiểu đầy đủ được mối quan hệ giữa các yếu tố này rồi, chúng tôi xin trình bày ba mức độ đạo đức như sau. Mức độ thấp nhất là tuân thủ một số luật lệ do người khác, như một đấng tiên tri, quốc gia, tộc trưởng hay cha mình, áp đặt. Không cần biết ai ra lệnh, người thi hành chỉ biết vâng lời. Một người máy cũng có thể làm được việc này. Và một con khỉ được huấn luyện cũng có thể làm được nếu những luật lệ này đơn giản và nếu nó không muốn ăn đòn vì vi phạm những điều đã quy định. Mức độ này tuyệt nhiên không cần đến thiền. Chỉ cần luật lệ và một người cầm cây roi nhịp nhịp là đủ.

Mức độ đạo đức kế tiếp là tuân theo luật lệ như trên và không cần có người cầm cây roi để quất. Bạn vâng lời vì tự bên trong, bạn tự ý thức được cần tuân thủ luật lệ. Bạn chính là người quất mình mỗi khi vi phạm quy chế. Mức độ này cần có sự kiểm soát tâm mình một tí. Nếu tư duy bị rối loạn, hành động cũng bị rối loạn theo. Và tâm có rèn luyện sẽ giúp người thực hành giảm thiểu rối loạn tinh thần.

Mức độ thứ ba là đạo đức, có thể gọi là đạo lý. Đây là mức phát triển cao nhất, một bước đột phá đáng kể. Người ở mức độ đạo đức này không nhất thiết tuân thủ quyền lực một cách cứng nhắc và ngay lập tức. Thay vào đó, người ấy hành xử theo nhu cầu của từng tình huống. Đạo đức ở mức độ này đòi hỏi có trí tuệ thật sự và có khả năng nhìn bao quát tất cả những yếu tố trong mọi tình huống và đưa đến một giải pháp duy nhất, sáng tạo và phù hợp trong từng tình huống.

Hơn nữa, mỗi cá nhân quyết định những nhu cầu của mình cần biết được hạn chế trong quan điểm chủ quan của bản thân. Người ấy phải thấy toàn bộ tình huống từ cái nhìn khách quan, biết cân nhắc nhu cầu vừa mình vừa người mà không để ai thua thiệt. Nói cách khác, bạn phải chế ngự tham, sân, si và những thói ích kỷ thường tình khác khiến bạn không thể thấy vấn đề từ góc độ của người khác. Chỉ có vậy, bạn mới có thể chọn lựa giải pháp chính xác và thật sự tối ưu cho hành động của mình trong từng tình huống cụ thể. Mức độ đạo đức cao nhất này đòi hỏi thiền tập, ngoại trừ trường hợp người mới sanh ra đã là bậc thánh. Không còn cách nào khác hơn để có được kỹ năng này. Thế nhưng, tiến trình sàng lọc cần thiết ở mức độ này khá mệt mỏi. Nếu người thực hành vận dụng mọi yếu tố trong một tình huống với tâm có ý thức, người ấy sẽ kiệt sức ngay. Tri thức không thể giữ nhiều trái banh trong không trung cùng một lúc. Đó là một việc làm quá sức. May mắn sao, tầng sâu hơn của ý thức có thể đảm nhiệm việc này một cách dễ dàng. Thiền định có khả năng thực hiện công việc chọn lựa cho người thực hành. Điều này cho mình một cảm giác rất lạ.
...