Thursday, December 11, 2008

Bạo hành trẻ em

Mỗi lần đọc tin, thấy chuyện trẻ em bị bạo hành là tôi cứ nhớ lại những chuyện bạo hành học đường như thế hồi tôi còn bé…

Những chuyện như vậy không phải đến bây giờ mới xảy ra. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cô giáo vẫn thường đánh và phạt học trò. Trong các thầy cô giáo dạy tôi hồi cấp I, cô Vu dạy lớp 1 là đáng sợ nhất. Hình phạt đánh hay vặn tai thì cô áp dụng cá nhân còn phạt thì cả lớp cùng lãnh đòn dù chỉ một vài cá nhân gây ra. Hình phát phổ biến nhất là bắt cả lớp đứng trong thời gian khá lâu, đôi khi quỳ trên ghế. Còn ngậm thước kẻ hay giơ hai tay ‘đầu hàng’ được 'ưu tiên' áp dụng thường xuyên hơn. Có hôm có thầy hiệu phó đi ngang, chúng tôi được ‘giải cứu’ sớm hơn thời hạn. Nhiều hôm, giờ ra chơi, chúng tôi có dịp cười lăn cười lộn khi lắm đứa bỗng dưng có râu vì vấy mực khi ngậm thước kẻ. Vui nhất là mình thấy mặt người khác mà không tự thấy mặt mình, nên cứ ‘tự tin’ mà cười bạn. Đến khi nghe “mặt mi cũng lem nhem chứ có thua ai đâu” mới tiu nghỉu, mặt mày bí xị, lo mà ‘cạo râu’ bằng cách kỳ cọ đến đỏ da. Những hình phạt đó cứ theo tôi suốt tận bây giờ. Không sao quên được. Hồi đó, suy nghĩ của chúng tôi chưa đủ lớn để có thể nghĩ gì, nhưng hầu hết học trò trong lớp, đứa nào cũng ghét cô giáo cả. Bản thân tôi có đêm mất ngủ chỉ vì cô đánh một bạn ngồi bên cạnh. Trời đất ạ, trẻ em mà bắt ngồi im như thóc thì có nước người mụ mị thêm ra. Tinh nghịch một chút thì ăn đòn thường xuyên mới ác chứ! Trẻ con mà, đòn thì cũng sợ mà bảo không nghịch không chơi thì chết mất!

Có một lần, thằng Nghĩa ngồi gần tôi bị đòn, trận đòn mà tôi còn nhớ như in trong tâm trí đến tận giờ này. Đơn giản là hôm đó, trong giờ học, nó đứng dậy, trườn người về phía bàn trước, đưa hai hòn bi chai cho thằng Nam, nói “mi cất giùm hai hòn bi, chút nữa, hai đứa mình chơi. Túi quần tao bị lủng mất.” Hồi đó, bọn con nít tụi tôi cái gì cũng cười được. Nghe thằng Nghĩa nói cái túi quần lủng mà mấy đứa bên cạnh (có cả tôi) cười rúc rích, đủ để cô giáo đang viết bài trên bảng, quay xuống lườm mắt. Chưa nín ngay được, vài đứa còn khúc khích, thế là cô đi ngay đến chỗ bàn tôi ngồi. Cô hỏi “em nào?”. Với cô, la rầy đánh đập là "chuyện thường ở huyện", nên khi nghe hỏi gọn lỏn "em nào?", chúng tôi đứa nào cũng hiểu "em nào gây mất trật tự trong lớp?". Thằng Nghĩa vội vàng đứng lên nhận tội “dạ em!”. Sẵn cây thước trong tay, cô nện cho nó hai phát thẳng tay, miệng cô quát “dạ em! dạ em!” Thằng Nghĩa mặt cắt không còn giọt máu. Nó đau quá, đưa tay ra sau che mông, cô nện cái thứ ba, không quên rít qua kẽ răng “dạ em!” rồi quay ngoắt đi lên như không xảy ra chuyện gì. Thước cô nện vào mu tay thằng Nghĩa đau quá, nó vẩy vẩy tay trong không khí, miệng rên rỉ “đau quá! đau quá!”, tôi thấy thương nó vô cùng. Chúng tôi ngồi im thin thít. Từ đó đến giờ ra chơi, tôi không biết cô giảng gì nữa. Đêm đó, tôi, một con bé 6 tuổi, không sao ngủ được. Hình ảnh cô giáo, giọng cô rít lên giận dữ, hình ảnh thằng Nghĩa vẩy tay lẩy bẩy, mặt tái mét hằn trong tâm trí tôi.
Sau này lớn lên, mỗi lần nghĩ lại cách hành xử phi giáo dục này của cô giáo lớp 1, tôi buồn kinh khủng. Mới bước vào lớp 1, lớp đầu tiên trong môi trường học đường, cô giáo đã sử dụng những biện pháp hình phạt làm tổn thương đến thể xác và tinh thần bọn trẻ con chúng tôi như vậy thật không thể tưởng tượng nổi. Thằng bé biết mình có lỗi, ngoan ngoãn đứng lên nhận lỗi liền mà bị đánh như thế đó, vậy cái tâm của người lớn, đừng nói là người làm công tác giáo dục, cất ở đâu mất rồi?

Thầy cô sử dùng hình phạt đánh đập, dọa nạt, la mắng nặng lời với học sinh, liệu có bao giờ nghĩ rằng những hành vi ấy sẽ theo suốt cuộc đời của những đứa trẻ bị bạo hành ấy không? Tôi viết ra câu chuyện của mình hơn 30 năm về trước từ trong ký ức nguyên vẹn của mình đủ thầy nó hằn thế nào trong tâm hồn non nớt của tuổi thơ. Không những tôi, bạn bè lớp tôi, nhiều đứa vẫn còn nhớ câu chuyện này. Cách đây hai năm, tôi có duyên gặp lại mấy đứa, tụi nó còn nhắc lại, chuyện cô giáo Vu hay đánh học trò và chúng tôi thường xuyên ‘mọc râu’, cũng có đứa nhắc lại chuyện thằng Nghĩa, cả bọn nhao nhao giành nhau kể rồi cười...

Gần đây, chúng ta thấy nạn bạo hành học đường ngày càng nhiều. Điều này không có nghĩa trước đây tình trạng này ít hay không có. Chẳng qua, hiện nay, những câu chuyện bạo hành trở nên lan rộng hơn là nhờ truyền thông và công luận. Thế nhưng, những câu chuyện trên báo chỉ cũng chỉ là đại diện như tảng băng trên mặt nước thôi. Phần chìm khuất còn nhiều hơn và đáng nói hơn. Biết bao nhiêu chuyện bạo hành trường học đau lòng khác xảy ra ở nhiều nơi mà không được can thiệp hay biết đến qua các phương tiện truyền thông.

Từ năm 2003 đến 2005, UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc) cùng với CPFC (tổ chức bảo vệ trẻ em Thụy Điển và kế hoạch quốc tế) đã làm nhiều nghiên cứu về bạo hành đối với trẻ em ở Việt Nam. Một trong số các nghiên cứu đó là khả sát trên 2800 trẻ em ở ba tỉnh An Giang, Lào Cai và Hà Nội. Kết quả cho thấy rằng, bạo hành trẻ em ở gia đình và nhà trường rất phổ biến tại Việt Nam.

Các tổ chức này đã công bố số liệu nghiên cứu mới nhất về “Trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại Việt Nam” được thực hiện bằng cách khảo sát ý kiến 499 trẻ em và 306 người lớn. Kết quả cho thấy có 94% trẻ tham gia khảo sát cho biết bị phạt thân thể và tinh thần tại nhà; 93% trẻ em cho biết bị phạt ở trường. Hình phạt nhẹ là bị mắng chửi, nặng là bị đánh vào cánh tay, bàn tay, vào mông. Ngoài ra còn nhiều loại hình phạt không roi vọt như đứng im ngoài trời, úp mặt vào tường, đuổi ra khỏi lớp, bị phạt quỳ.

Như vậy, bạo hành trẻ em thời nào cũng vậy, có khác gì đâu. Hơn 30 năm trước, chúng tôi cũng bị đòn như các cháu bây giờ. Về tình hình đáng buồn trong giáo dục này, ông Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Trương Đình Mậu thừa nhận rằng “gần đây, tình hình bạo hành học đường xảy ra ngày càng phổ biến; không chỉ riêng mầm non mà cả ở phổ thông. Qua thu thập ý kiến, cũng có luồng cho rằng, bạo hành bắt nguồn từ áp lực công việc: chỉ tiêu giờ lên lớp đều "đội" lên nhưng chế độ đãi ngộ thấp.” Tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính của việc dùng hình phạt làm tổn thương đến thể xác cũng như tinh thần các em như thế. Đây là vấn đề thiếu chuyên môn sư phạm của thầy cô giáo, là đạo đức nghề nghiệp yếu kém của những người làm công tác sư phạm. Cá thầy cô đứng lớp có biết rằng, nhân cách căn bản của con người định hình trong những năm đầu đời của trẻ và thầy cô giáo là người có trách nhiệm định hướng và tác động lớn đến quá trình hình thành và nhân cách cho các em không? Tôi thấy đây không chỉ là vấn đề đạo đức của người thầy mà liên quan đến chuyện rèn luyện kỹ năng sống của mỗi người trong xã hội chúng ta. Nếu cứ dùng hình phạt như thế rồi đổ lỗi áp lực này, áp lực nọ, thì làm sao có thể trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sống vững vàng đây?!