Nói về sự suy tàn của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ, theo Ngài Dalai Lama (mà Ngài nói với người phỏng vấn rằng, đây là quan điểm của một tác giả trong cuốn sách mà người ấy gởi cho Ngài), có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, những người ủng hộ đạo tràng ngày càng có chiều hướng nghiêng về các truyền thống phi Phật giáo. Thứ hai, những thế lực bên ngoài như Hồi giáo và các thế lực khác cố tình hủy diệt Phật giáo. Thứ ba, chính các tu viện và người xuất gia đã trở nên giàu có và ky cóp nhiều vàng bạc dưới danh nghĩa của kinh luận. Thật ra, những người này đã sa đọa trong rượu chè và sắc dục. Những chuyện như thế đã xảy ra. Cho nên dân chúng mất niềm tin, có người oán ghét các người tu và không còn tin tưởng những người xuất gia nữa. (The Story of Tibet: Conversations with the Dalai Lama, do Thomas Laird biên soạn, trang 94).
Để trả lời câu hỏi, phải chăng những cuộc tấn công của Hồi giáo là nguyên nhân suy tàn của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ không, đức Dalai Lama đã trả lời như thế. Tôi tin rằng, bây giờ, nếu có ai hỏi về nguyên nhân suy tàn của Phật giáo nói chung hay ở bất cứ một nơi nào, Ngài cũng sẽ trả lời tương tự vì vấn đề này đã quá rõ. Một tôn giáo suy tàn tất nhiên do tác động từ bên ngoài cũng như mục ruỗng từ bên trong, trong đó, các yếu tố nội bộ đóng vai trò quyết định hơn. Với Phật giáo, yếu tố bên trong là tăng ni xuất gia và cư sĩ tại gia. Nếu hai thành phần này ung thối thì không có thế lực nào khác có thể chống đỡ ngôi nhà Phật pháp được.
Ở trang tiếp theo (trang 95), Ngài khẳng định “Tôi nghĩ rằng trường hợp của người Tây tạng cũng tương tự như trường hợp của người Ấn, có khuynh hướng đi tìm kiếm những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng nhìn vào những thế lực bên ngoài đã ăn sâu vào tâm thức con người và rất khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều đối với những người khác, đối với các thế lực bên ngoài. Nhưng chính chúng ta, nếu không hành trì, không giữ gìn giới luật cho tinh nghiêm thì tôn giáo của mình sẽ trở thành đạo đức giả. Đây là một sự thật. Đây cũng chính là lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây tạng.”
Có những sự thật ai cũng biết mà cần có người nhắc thì mình mới ‘tỉnh’ ra! Về các nguyên nhân gây nên sự hủy diệt của Đạo Phật cũng như tâm lý cho là ‘chỉ do thế lực bên ngoài’ của người trong đạo không phải chúng ta không biết. Vả lại, không chỉ Ngài Dala Lama mà trước đó, nhiều tác giả như Kanai Lal Hazra hay Träumereien eines Denker cũng nói đến vấn đề này rồi. Tuy nhiên, có người nhắc thì ý tưởng này được hâm nóng một lần nữa. Điều quan trọng là, nếu chúng ta xác định ‘mình là người đạo Phật’ thì mình là đối tượng nào và nên làm gì? Nếu là cư sĩ phật tử, mình có chiều hướng nghiêng về các truyền thống phi Phật giáo không? Liệu mình đã hiểu đúng và nắm được cốt lõi của tôn giáo mình chưa? Nếu mình là người xuất gia, mình có đang trở nên giàu có và ky cóp nhiều vàng bạc và bắt đầu có cuộc sống sa đọa mà xa rời mục đích của người xuất gia không?
Những ai là ‘người Đạo Phật’ có thể trả lời được câu hỏi này mà cảm thấy thanh thản trong lòng thì tôi tin chắc rằng, người ấy, nếu không có thể làm gì để góp phần xiển dương Phật pháp, cũng không góp phần hủy hoại tôn giáo đã khơi thông nguồn mạch tâm linh và nuôi dưỡng thiện căn của mình. Thế nhưng, thế nào gọi là 'phi Phật giáo', là ‘ky cóp nhiều’ và sao gọi là ‘sa đọa’ thì mỗi người có định nghĩa và tiêu chuẩn riêng cho mình tùy vào mục tiêu và nỗ lực của từng cá nhân vậy.