Wednesday, December 31, 2008
Saturday, December 27, 2008
Giống nhau thôi...
Xưa nay con người thích nói cái đẹp, cái cao vời, mà không quen đề cập đến sự xấu xa dơ bẩn của bản thân. Năm 1969 Việt Phương đã có câu thơ cảnh tỉnh ''Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày / Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao". Thói hợm hĩnh tự đề cao là cố tật, căn bệnh của những dân tộc nhược tiểu."
Monday, December 22, 2008
Thái độ
Giờ điểm tâm ở ký thúc xá là 8 am đến 8.30 am. Tôi thường xuống nhà ăn từ 8.05 am hoặc trễ nhất là 8.10 am, vì tôi không muốn ăn quá trễ khi ghế ngổn ngang và bàn la liệt những mẩu bánh mì vụn hay vây ố những vết nước trà bẩn. Hôm nay, như mọi ngày, tôi có mặt ở nhà ăn lúc 8.05 am. Trong nhà ăn, có hai bạn sinh viên đang ngồi đọc báo.
Theo menu, sáng nay chúng tôi dùng paratha (một loại bánh bột mì nướng), mà chưa thấy gì cả, ngay cả trà sữa, vẫn chưa có trên bàn. Thêm vài bạn trai bước vào, cùng ngồi đợi. Tôi cảm thấy không được vui lắm khi phải mất ít nhất 15 phút để chờ đợi mấy chú nhà bếp chuẩn bị cán bột và nướng bánh. Tôi ngồi thừ ra, để tờ báo trước mặt, nhìn mà lại không đọc, đang phân vân đi lên phòng trở lại hay nán ở nhà ăn. Hai sinh viên nam nữa bước vào, thấy trên bàn chưa có bánh paratha cũng như trà, hai bạn bước thẳng xuống nhà bếp.
Nhìn xuyên qua cửa giữa nhà ăn nối với nhà bếp, tôi thấy một bạn phụ nhồi bột, một bạn nắn bánh, thao tác rất nhanh gọn như thể đã quen phụ bếp như thế ở nhà rồi. Ở trên nhà ăn, mấy bạn đọc báo hoặc cùng nhau nói chuyện hay đơn giản chỉ ngồi đợi mà không ai tỏ ra khó chịu hay bất bình cả.
Nhìn tới nhìn lui, chỉ có mình tôi là bất an (dù bề ngoài, chắc không ai phát hiện ra). Tôi vội nhớ câu tôi để trên sidebar của blog “chúng ta không thể làm thay đổi quá khứ. Chúng ta cũng không thể thay đổi được cách làm cách nghĩ của người khác. Chúng ta không thể làm thay đổi những gì không thể đổi thay. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tạo cho mình một điểm tựa, đó là thái độ sống [tích cực].” Trễ nãi là chuyện muôn thuở của người Ấn, sao mình lại khó chịu trong lòng chứ? Mấy người phục vụ này trễ, nhưng họ cũng đang làm đó mà. Vả lại, vẫn tốt hơn những ngày đình công không có điểm tâm, cơm trưa chiều gì cả thì sao? Thế là lòng tôi yên ổn lại, tôi đọc báo. Chừng 10 phút sau, tôi cũng được phục vụ hai cái bánh paratha như bao người khác.
Nếu ngay từ đầu, tôi biết nhìn cuộc sống bằng ‘nửa ly nước đầy’, tôi sẽ đỡ lỗ lã hơn rồi!
Saturday, December 20, 2008
Sport Day
Trời đất ạ, giáo sư B.B., làm đội trưởng đội giáo viên! Cười không chịu nổi. Năm ngoái, chỉ làm đội phó thôi mà năm này lên chức đội trưởng rồi. Cả một năm thấy ngồi hoài trong văn phòng, rồi lại ở giảng đường, không biết đến cây chày (bat) là gì mà cũng lên chức hen! Chắc có số…làm quan; bình thường làm trưởng khoa, riêng hôm nay làm đội trưởng đội bóng chày nữa chứ, oai thật! Hôm nay ra sân vận động, thấy 'đội trưởng' oai nhờ chiếc mũ lưỡi trai quá!
Cùng ra sân, cả hai đội có vài động tác warm-up để chuẩn bị vào cuộc. Nhóm giáo viên còn rủ nhau chạy một vòng quanh sân vận động nữa chứ. Thế là 'đội trưởng' chạy trước, lính chạy sau. Có người ục ịch cũng ráng mà chạy, quá chừng tếu luôn! Mấy bạn sinh viên, khi rảnh vẫn chơi môn thể thao này, nên khá điêu luyện, trong khi các thầy cô giáo chỉ ngồi bàn giấy và quen bục giảng, cầm phấn quen hơn cầm chày đánh banh, giờ vào sân, chỉ nhìn thôi đã mắc cười không nín được. Có hơn nửa đội là…bụng phệ và ngần ấy người thuộc U50, U60, tóc bạc gần hết, cùng nhau chạy, nhảy và huơ tay chân khởi động, tôi đành ngó lơ để có thể nín cười...
Sau khi tung đồng tiền sấp-ngửa để chọn quyền ưu tiên, đội sinh viên thắng, thế là đội trưởng chọn đánh trước, đội giáo viên quăng banh! Ah, lại đội trưởng (phe giáo viên) mở hàng quăng banh cho đội trưởng (sinh viên) đánh, cả sân vỗ tay reo hò động viên. Mới quăng đến banh thứ ba, cô B.B. đã 'gets-out' được một người ở phe đội bạn rồi! Thế là cả nhóm chạy lại, xúm nhau chúc mừng ‘đội trưởng’ và ôm nhau nhảy cẫng lên ăn mừng chiến thắng, trông giống trẻ con, không nín cười được…
Tiếng cổ động viên la ó, vỗ tay, trống đánh dập dồn và giọng bình luận viên sôi nổi làm náo động sân chơi. Hôm nay trời mù, gió đông hơi lạnh, nhưng tất cả cảm thấy nóng lên với không khí của ngày thể thao!
Sẵn sàng...ra sân!
Đội trưởng dẫn 'lính' chạy 'khởi động' một vòng quanh sân vận động
Cùng nhau chúc may mắn và 'ngoéo tay' cùng quyết thắng!
Friday, December 19, 2008
up after down!!!
Thursday, December 18, 2008
Foundation week
Ngày 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ độc lập. Đến ngày 29 tháng 8 năm 1947, Bộ giáo Dục chính thức thành lập với đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Bộ này. Ngày 19 tháng 12 năm 1947, Pandit Jawaharlal Nehru, tổng thống đầu tiên của Ấn Độ, cùng với Maulana Abdul Kalam Azad, bộ trưởng giáo dục đầu tiên, đã đến nơi đây làm lễ 'Đặt đá' xây dựng cơ sở CIE này với mục đích đào tạo giáo viên và coi đây là cơ sở nghiên cứu khoa học về giáo dục cũng như đào tạo nhân tài cho đất nước. Điều này cho thấy Ấn Độ chú trọng đến giáo dục như thế nào và rõ ràng, CIE có một vai trò khá quan trọng trong sự nghiệp giáo dục ở đất nước này.
Ngày đầu tiên trong chuỗi sự kiện này, sự sáng tạo, năng động và tinh thần tập thể của thầy-trò CIE được thể hiện qua các hoạt động văn hóa xoay quanh một số chủ đề tự chọn. Ngày thứ hai, ngày chính thức tổ chức sinh nhật. Thường thì sau phần tổng kết của Trưởng khoa, khách mời đặc biệt sẽ có bài nói chuyện chừng 2 tiếng đồng hồ. Theo thông lệ, hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường đại học Delhi chủ trì buổi lễ chính thức này.
Rồi có một ngày thể thao trong chuỗi các sự kiện này (năm nay là ngày 20/12), thầy cô cùng sinh viên tham gia môn thể thao ưa thích nhất của người Ấn là bóng chày. Thầy cô giáo một đội, sinh viên một đội và cuộc chơi thật sôi động, hào hứng nhưng không kém phần nghiêm túc. Có cả bình luận viên nữa, còn cổ động viên thì...chật cả sân chơi! Chưa vào cuộc chơi, kết quả đã rõ: lúc nào đội sinh viên cũng thắng và điều này, ai cũng có thể hiểu được! Còn thầy cô, trước khi chơi đã nắm chắc phần thua, ấy thế mà cũng rất hăm hở. Được cái là sinh viên cũng biết...'lấy lòng' (vì còn học đến 4 tháng rưỡi nữa í mà) nên cổ vũ vô cùng nồng nhiệt cho phe giáo viên, nhất là cô giáo; hễ cô nào cầm được cái chày (bat) mà đánh trúng trái banh, chưa được điểm (tính bằng 'run' trong cricket) nào, cũng nhận được sự cổ vũ chưa từng thấy ở CIE!
Ngày sau đó, một hội chợ nhỏ gọi là 'Bal mela' ('Children's Fair') được tổ chức cho các em học sinh Tiểu học của một nhỏ trực thuộc CIE. Trường này, CIE lập ra, dự định sẽ làm nơi thực tập cho sinh viên CIE trong các nghiên cứu nhỏ khi cần trong quá trình học. Thế nhưng, với kinh phí tài trợ giới hạn, trường không đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Thế là trường này trở thành cơ sở giáo dục dành cho trẻ em nghèo. Nhân dịp kỷ niệm thành lập trường, các em được ‘chiêu đãi’ với nhiều trò chơi, đồ chơi và ăn uống. Các anh chị sinh viên sẽ là người ‘đăng cai’ hội chợ này và các em nhỏ này được một ngày vui chơi thỏa thích!
Ngày cuối cùng sẽ là ngày biểu diễn văn nghệ và thế là cả một nhóm mấy chục sinh viên sắp chật sân khấu chỉ để hát một bài đồng ca. Trong buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật ấy, ai cũng là diễn viên và ai cũng là khán giả cả! Trong ngày này, toàn bộ sinh viên lần lượt lên sân khấu biểu diễn. Thế nhưng, vào một dịp đặc biệt khác, ngày hết khóa (gọi là hết khóa chứ thật ra là hết chương trình học chứ chưa thi cuối năm) thì tất cả thầy cô biểu diễn văn nghệ cho sinh viên coi! Có lẽ mục đích buổi văn nghệ này là giúp sinh viên giải stress vì mùa thi gần kề! Sòng phẳng như vậy là cùng!
Hôm nay, ngày đầu tiên trong tuần lễ kỷ niệm, sinh viên B.Ed. chia làm 4 ‘gia đình’ gọi là ‘house’: Gandhi house, Jammu-Kashmir house, Manupur house và Orissa house. Mỗi ‘gia đình’ tha hồ trổ tài bằng mọi cách để diễn tả những nét văn hóa đặc sắc nhất đại diện cho ‘gia đình’ mình. Tất cả phải là ‘cây nhà lá vườn’, tự làm mọi thứ để thể hiện năng lực sáng tạo tối đa chứ không được mua hàng ‘ready-made’. Thế là các ‘gia đình’ thi nhau nghĩ ra ý tưởng, thực hiện hóa ý tưởng đó bằng cách tạo dựng lại nếp sống văn hóa ở địa phương mình ở hay những cảnh trí đặc trưng, diễn kịch, múa hát…rất sinh động. Tôi lấy làm lạ là với lịch học khá dày và nhất là lịch thực tập ở trường thật căng thẳng, các bạn tập kịch, múa hát lúc nào mà thật nhuyễn. ‘Nhà’ nào cũng thể hiện được nét đặc thù của ‘gia đình’ mình cả.
Gandhi house: tạo tượng của Gandhi, sưu tầm tranh ảnh, các tài liệu liên quan đến cuộc đời Gandhi. Một vở kịch khá sinh động diễn tả lại cảnh Gandhi hướng dẫn quần chúng trong một cuộc đấu tranh bất bạo động. Hát, múa cũng khá nhiều, nhạc du dương, từng bước chân di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển trông thật đẹp mắt nhưng nội dung các ca từ, tuyệt nhiên tôi không hiểu vì dốt Hindi.
Manupur house: trưng bày các sản phẩm thủ công rất đẹp và tinh xảo. Tương tự các ‘nhà’ khác, một nhóm sinh viên mặc y phục truyền thống của vùng đất này và biểu diễn một số tiết mục văn nghệ đặc trưng.
Orissa house: ‘nhà’ này phác họa nhiều nét văn hóa đặc sắc của bang Orissa. Orissa xưa kia chính là vùng Kalinga, nơi xảy ra cuộc chiến lịch sử dưới triều đại vua Ashoka (năm thứ 8 sau khi vua Ashoka đăng quang). Cuộc chiến đẫm máu này đã đánh động tâm thức của Ashoka với hơn 100 ngàn người chết cho cuộc chiến và nhà vua trở thành Phật tử và là người chủ trương bất bạo động sao đó. Trong dịp foundation, sự kiện này được sinh viên ‘gia đình’ Orissa tóm tắt và viết trên một tờ giấy rô-ki lớn khổ treo ở một gốc cây và sinh động nhất là một màn kịch ngắn được dàn dựng về Ashoka cải đạo sang Phật giáo.
Ngày đầu tiên trong tuần lễ kỷ niệm thành lập khoa, CIE tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động thật bổ ích mà các bạn B.Ed. đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Sáng sớm bày ra, dàn dựng đủ thứ và tối lại thu dẹp gọn gàng mọi thứ, khép lại một ngày hoạt động vui nhộn ở CIE trong màn sương mỏng mùa Đông đang nhè nhẹ buông...
Manipur house: tư liệu
Manipur house: trang phục truyền thống
Wednesday, December 17, 2008
Sự truyền đạo vĩ đại
Nguồn:
Tượng Phật ở Ayuthaya, Thái Lan. Giữa hoang tàn đổ nát của nhiều tu viện ở Ayuthaya, những công trình nghệ thuật điêu khắc này nhắc chúng ta nhớ về một thời hoàng kim trong quá khứ của khu thánh địa này.
Theo quan điểm Ấn Độ cổ đại, cuộc sống đầy lòng từ bi. Cuộc sống vốn là chung nhất trong thể nhất như của tạo hóa. Chia ra cách hình thức khác nhau của thế giới là maya hay mithya (thế giới vật chất có thể tri giác được) là sự nhận thức ảo qua cảm nhận chủ quan vốn giới hạn của con người. Chúng ta tin rằng sự phân chia đồng nhất thể và ngã là một sự sai lầm lớn nhất. Nó cột trói chúng ta trong tham đắm vào của cải vật chất thế gian. Chính vì vậy, cuộc đời là khổ, vì không có một mục đích ảo nào có thể đem đến hạnh phúc cho chúng ta được cả. An bình và hạnh phúc chỉ đến với người khi không còn ham muốn.
Triết học cũng có khái niệm phi thường của các thần linh. Theo triết mỹ học Ấn Độ, giây phút cảm nhận thẩm mỹ rất gần với trạng thái an lạc của giải thoát. Trách nhiệm của chúng ta đối với cái đẹp được coi như là cảm nhận của mình đối với sự tao nhã của tất cả những gì ẩn tàng trong đó. Trong giây phút cảm nhận cái đẹp, chúng ta có xúc động mạnh. Tóm lại, chúng ta đã mất đi ham muốn vật chất: chúng ta cảm nhận một cái gì đó vượt lên trên ảo giác của mình. Vì thế, triết học và nghệ thuật Ấn Độ cổ đại thường xuyên phô bày cái đẹp siêu phàm của các thần linh trước mắt chúng ta.
Tu viện Phật giáo ở Ayuthaya. Đến thế kỷ 18, thủ đô của Thái Lan là Ayuthaya. Vào thời ấy, đây là một trong những trung tâm Phật giáo hoành tráng nhất Châu Á.
Thiên thần được nhân cách hóa về ý tưởng và đặc tính. Những đặc tính như trí tuệ, từ bi, tốt bụng và can đảm vốn có trong con người mỗi chúng ta. Chúng ta thấy sự miêu tả này qua nghệ thuật: chúng ta tập trung vào các công trình nghệ thuật ấy cho đến khi nào chúng ta cảm nhận những đặc tính ấy nơi chính mình. Những đặc tính này tăng trưởng và dần dần thấm nhuần hoàn toàn vào trong ta.
Triết lý này, cùng với những tín ngưỡng của Phật giáo và Bà la môn giáo, đã lan rộng đến toàn cõi Châu Á từ thời xa xưa ấy. Các truyền thống nghệ thuật nổi lên khắp nơi để tạo nên các thiên thần siêu phàm để hỗ trợ chúng ta trên con đường giác ngộ. Quan điểm về cuộc sống được định hướng rõ, cần phải vượt lên trên vật chất thế gian để đạt đến sự an bình miên viễn.
Vào thời cổ đại, các thương nhân ở Ấn Độ thường đến buôn bán ở các nước trong vùng Địa Trung Hải, Tây Á, Nam Á cũng như Đông Nam Á. Những ý tưởng triết học cũng theo chân các thương gia mà truyền bá nhanh chóng đến các vùng đất này. Nhiều bản chữ cổ, liên hệ với người Hy Lạp là tín đồ của Phật giáo hay Bà la môn giáo trong giai đoạn trước và đầu tây lịch. Cũng có nhiều khu thuộc địa lớn của người La Mã ở Ấn Độ.
Dấu ấn văn hóa Châu Á là chuyến du hành sang Tích Lan của công chúa Sanghamitra, con vua Asoka, vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch. Phật giáo được chào đón nồng nhiệt trên đảo quốc này. Nhiều thế kỷ sau, Tích Lan trở thành trung tâm Phật giáo nguyên thủy, gọi là Phật giáo Theravada.
Vào thế kỷ 12, triều đại Chola trị vì toàn cõi Nam Ấn và nhiều phần của đảo quốc Tích Lan. Các loại tranh họa của thế kỷ thứ 10 được tìm thấy trong ngôi chùa Brihadisvara ở Thanjavur (thuộc Ấn Độ) rất gần gũi với những tranh họa ở Tích Lan. Những bức tranh Phật giáo họa khắc trên tường vào thế kỷ 12 ở thành Polonnaruva minh họa các câu chuyện trong ‘Truyện tiền thân’ (các câu chuyện về những kiếp sống quá khứ của Đức Phật). Những câu chuyện này thể hiện chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống như là một phương tiện chính để chuyển tải giá trị đạo đức vào trong hình thức Phật giáo giai đoạn đầu này. Chúng ta thấy những minh họa của các câu chuyện tiền thân được thể hiện qua nghệ thuật Phật giáo ở các hoa văn trên thanh chắn của tháp Bharut (thuộc bang Madhya Pradesh) từ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch trở về trước.
Phật giáo có một truyền thống lâu dài về nghệ thuật đục đẽo các hang động đá. Các hang đá này có thể được sử dụng để hành thiền và là nơi trú ngụ của chư tăng. Từ thời xa xưa, các tường đá này được vẽ tranh và chạm khắc. Tích Lan đã bảo tồn và phát triển được truyền thống xưa là vẽ tranh trong hang động. Sự thiêng liêng từ các vách đá tĩnh lặng bên trong tạo nên một không khí an bình, xa rời những ồn náo của thế giới vật chất đời thường. Những hang động Dambulla có nhiều công trình hội họa và điêu khắc từ những thời kỳ dầu đến thế kỷ 18.
Miến Điện chịu nhiều thử thách khắc nghiệt để rồi Phật giáo và nghệ thuật Phật giáoảnh hưởng đến đất nước này trong nhiều thế kỷ. Cuối thiên niêm kỷ đầu tiên, Miến Điện có quan hệ sâu sắc với trung tâm Phật giáo ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) Bihar, nơi Đức Phật thành tựu giác ngộ. Thật ra, các hình thức kiến trúc ở ngôi Đại Tháp ở Bồ đề đạo tràng được mô phỏng để xây dựng những ngôi chùa ở Bagan (Miến Điện) vào các thế kỷ 11 và 12.
Những tranh họa bên trong tường các ngôi chùa này là những bức tranh đẹp nhất và tinh tế nhất trong toàn bộ truyền thống Phật giáo. Những đề tài những tranh họa này thể hiện lấy từ cuộc sống Đức Phật và từ các câu chuyện tiền thân của Ngài.
Vào thời xưa, không có ranh giới giữa các truyền thống tín ngưỡng ở Ấn Độ. Thật ra, các vua ở Miến Điện cũng xức dầu vẩy nước trong khi làm lễ theo truyền thống Ấn giáo. Trong bài tham luận ở một cuộc hội thảo quốc tế, vua Rama IX của Thái Lan đọc thông điệp rằng, các vua Thái là hiện thân của các vị thần Ấn giáo là Siva, Vishnu và Brahma. Theo như lời của học giả người Thái Thanphuying Putrie Viravaidya, “những người bà la môn thi hành nhiệm vụ trong lễ đăng quang. Nhờ đó, các bà la môn này mở cổng trời cho các thần Ấn giáo xuống và họ làm cho con người của vua giống như thần thánh, chứa đựng chân giá trị và nho nhã.”
Từ thời xa xưa, Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng triết học Ấn Độ từ Tích Lan và Miến Điện. Quan hệ giao lưu với nước láng giềng Cam-pu-chia và giao dịch thương mại với Ấn Độ bằng đường biển đã đem đến đất nước này những truyền thống thờ thần Ấn giáo. Văn hóa Thái Lan phát triển như một sự tổng hợp kỳ diệu trong sự ảnh hưởng các truyền thống Phật giáo và Bà la môn giáo qua nhiều nguồn khác nhau. Truyền thống chính của người Thái là Phật giáo và một trong những văn hóa mạnh nhất là sử thi Ramayana hay Ramakien của Ấn giáo.
Sự phân chia các truyền thống tín ngưỡng Ấn Độ thành các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Ấn giáo, Kỳ na giáo chỉ là một hiện tượng sau này. Các học giả và những người đi chiếm thuộc địa Châu Âu, những người có hiểu biết đặt trên cơ sở của sự phân biệt rạch ròi giữa các truyền thống tôn giáo Semit (giữa Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do thái giáo) không thể hiểu được khi tín đồ thuộc truyền thống tôn giáo này mà lại tôn thờ thần linh của các truyền thống khác.
Từ thời xa xưa, các vua ở khu vực Tây Tạng, đầy nhiệt huyết và thiện chí với Ấn Độ, đã hấp thụ truyền thống Phật giáo. Tạng kinh điển Sanskrit được đem sang Tây Tạng để sẵn sàng làm nền tảng cho tạng kinh Tây Tạng.
Vào thế kỷ thứ 8, đại sư Santarakshita (Thiện Hải Tịch Hộ) từ đại học Nalanda sang Tây Tạng xây dựng ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên đất nước này (tu viện Samye, mô hình kiến trúc mô phỏng theo ngôi Đại viện Odantpuri ở Bihar) và đặt nền tảng cho đời sống tu viện ở đây. Ngài đến cầu thỉnh đại sư Padmasambhava (Liên Hoa Sanh), cũng ở Nalanda, đến viếng thăm Tây Tạng và hỗ trợ trong việc giáo hóa chúng sanh về truyền thống tôn giáo mới (Phật giáo). Padmasambhava, khi ấy đang dạy ở Kashmir, đã đem sang Tây Tạng điệu múa Cham, một điệu múa tâm linh theo truyền thống Kim cương thừa.
Người ta tin rằng, khi múa vũ điệu này, đất đai nơi ấy trở nên thanh tịnh và ma quỷ đều không còn ở đó nữa. Vũ điệu này được trình diễn để mừng cái thiện chiến thắng cái ác: con người vượt lên trên tự ngã của chính mình vốn cột trói người ấy vào trong những dục vọng thế gian thấp hèn. Thời kỳ đại sư Padmasambhava được cho là thời kỳ đầu tiên của cuộc đại truyền bá Phật giáo sang các vùng Hy mã lạp sơn. Cho đến ngày nay, Ngài là vị đạo sư được tôn kính nhất trong cộng đồng Phật tử vùng này.
Vào thế kỷ thứ 10, Yeshe ’Od lên ngôi vua ở Guge, bao gồm Ladakh, Lahaul-Spiti, Kinnaur và miền tây của Tây Tạng. Vào thời bấy giờ, Phật giáo đã suy tàn ở Tây Tạng. Điều làm nhà vua băn khoăn là, dẫu có thực hành theo Phật giáo một tí thôi, sự thực hành ấy cũng bị sai lạc. Các nghi lễ chứa đầy dẫy niềm tin có tính ma mị trong dân gian.
Yeshe ’Od phái Rinchen Zangpo và các học giả khác đến Kashmir để thỉnh kinh điển thuần chân Phật giáo đem về Tây Tạng. Thế rồi, tạng kinh ấy được Zangpo, vị dịch giả danh tiếng được gọi là Lohtsawa hay Đại dịch giả, dịch sang tiếng Tây Tạng. Rinchen Zangpo tiếp tục được sùng kính ở vùng núi Hy mã lạp sơn. Thật ra, trong tâm khảm mọi người, Ngài là hiện thân của một vị thần trong hình thức một con người lịch sử với năng lực siêu phàm.
Yeshe ’Od và các vị kế thừa sau Ngài xây dựng một dãy gồm 108 tu viện ngang qua Guge. Nhiều công trình điêu khắc và hội họa là tác phẩm của các nghệ nhân đến từ Kashmir. Đây được cho là giai đoạn của cuộc đại truyền bá thứ hai của Phật giáo tại vùng Hy mã lạp sơn. Những tu viện này đặt nền tảng cho nghệ thuật và văn hóa Phật giáo tại vùng rừng núi này.
Nepal, một đất nước vùng đồi núi Hy mã lạp sơn, đã bảo tồn cả Phật giáo và Ấn giáo trong nhiều thế kỷ qua. Đất nước này có vài ngôi tháp uy nghiêm nhất mà cho đến nay, người ta đến lễ bái mỗi ngày. Nepal, về phương diện địa lý, gần gũi với các trung tâm văn hóa của Ấn Độ đại lục và có một di sản triết học và nghệ thuật vĩ đại mà Nepal có được nhờ vào quá trình giao thoa tiếp biến với Ấn Độ qua nhiều thế kỷ. Khi các trung tâm Phật giáo ở Ấn Độ suy tàn vào thế kỷ 12 và 13, số đông chư tăng và học giả chạy sang Nepal lánh nạn. Chư vị này mang theo sang Nepal những gì quý giá nhất, nhiều kinh điển và tranh vẽ vô cùng giá trị.
Ngang qua khu tây Tạng, Nepal cũng thâm nhập các khái niệm thờ thần Shiva của người Kashmir. Thung lũng Kathmandu giống như một chảo pha chế, nơi ấy các tư tưởng triết học miền Đông Ấn Độ giao thoa với tư tưởng triết học từ Kashmir. Phật giáo và Ấn giáo ở Nepal cùng tồn tại như thể không có ranh giới rõ ràng giữa hai truyền thống. Tại tháp Swayambhunath ở Kathmandu, chúng ta thấy nhiều tượng Phật được khắc trên các hình tượng Siva-lingas. Trên đó cũng có cái chùy kim cương lớn (vajra) là biểu tượng của Kim cương thừa Phật giáo.
Bhutan, một vương quốc nhỏ vùng núi, dã giữ được sự đặc thù và riêng biệt của truyền thống Mật tông. Người ta tin rằng Đại sư Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) có giáng lâm đất nước này trên lưng một con hổ. Ngài đã làm cho vùng đất này trở nên thanh tịnh không còn ma quỷ vốn cản trở sự truyền bá Phật pháp ở đây. Cho đến ngày nay, đại sư Liên Hoa Sanh được coi như một vị thần được sùng kính mến mộ nhất và được cho là hiện thân bằng nhiều hình thức khác nhau ở Bhutan.
Bhutan đã giữ được nghệ thuật tranh họa thuần túy Phật giáo. Nơi đây, người ta có thể cảm nhận được nét sùng kính và vẻ quán chiếu thiền định thể hiện trên các tranh tượng. Theo truyền thống xưa, mục đích của người nghệ nhân không phải tạo nên một công trình nghệ thuật mà tạo nên các công trình này là hành động thể hiện tâm thành kính đối với chân lý vĩnh cửu.
Phật giáo từ Ấn Độ đã du hành trên con đường tơ lụa cùng trên các chuyến xe chở hàng hóa. Đạo Phật đến Trung Quốc từ Trung Á qua Pakistan, Afghanistan và Uzbekistan. Vòng quanh sa mạc Taklamakan vắng đến rợn người là một chuỗi các ốc đảo, nguồn sống của đại lục cằn cỗi. Nhiều hang động Phật giáo nơi đây đã đánh dấu một giai đoạn phát triển đầu tiên của Phật giáo và nghệ thuật Ấn Độ ở Trung Á và Trung Quốc.
Các tên tuổi của các vị đại học giả và dịch giả sáng lấp lánh trên các chặng đường lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc. Nổi bật nhất trong số các vị này là ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) vào thế kỷ thứ 4. Ngài là con của một học giả người Kashmiri là Kumarayana và công chúa Jiva ở Kucha. Lúc lên 9, mẹ Ngài đưa Ngài đến Kashmir và Ngài bắt đầu nghiên cứu Phật giáo nhiều năm ở đây.
Trên đường trở về Kucha, Ngài dịch hơn 40 bản kinh Phật giáo quan trọng, bao gồm kinh Pháp Hoa, sang tiếng Hoa. Những bản kinh này vẫn còn được coi là những bản kinh quan trọng nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Một tác giả nổi tiếng là ông Shu Suyun viết rằng “Ngài [Cưu Ma La Thập] thông hiểu Sanskrit và tiếng Hoa. Bản dịch của Ngài rất hay và thể hiện khả năng rất uyên thâm của Ngài. Cho đến ngày nay, khi đã có nhiều bản dịch, nếu ta hỏi chư tăng Trung Quốc, quý vị thích bản dịch nào nhất, họ sẽ trả lời là họ thích bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập. Bản thân tôi cũng thấy bản dịch của Ngài thật là tuyệt vời.”
Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo được đón nhận nồng nhiệt trên khắp các nước Trung Á và Trung Quốc. Từ đây, thông điệp của Đức Phật được truyền đi xa hơn đến các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Viễn Đông, Nhật Bản là đất nước xa nhất tiếp nhận ảnh hưởng của Phật giáo và Ấn giáo.
Triết học về thần linh và thẩm mỹ được phát triển ở Ấn Độ và tăng trưởng hơn ở Nhật Bản. Hơn bất kỳ một nơi nào trên thế giới, văn hóa Nhật Bản rất nhạy cảm với cái đẹp của mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống quanh ta. Tinh thần an bình và hòa hợp cùng với sự nhận chân được giá trị của cái đẹp được thấm nhuần trong cuộc sống của người Nhật.
Phật giáo là một nếp văn hóa vĩ đại nhất về lối sống an bình và đạo đức. Đây là khả năng cảm nhận cuộc sống giúp chúng ta xa rời những ồn náo và hỗn loạn khổ đau của thế giới vật chất đời thường. Phật giáo dạy chúng ta từ bỏ những ham muốn do đắm chìm trong ảo giác của vô minh. Bức thông điệp của Đạo Phật là hãy nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy được sự an lạc và bình an tối thượng. Giống như các truyền thống tôn giáo Ấn Độ khác, Đạo Phật mang theo bức thông điệp về lòng từ bi rộng lớn và vẫn tôn trọng các thần linh của các tôn giáo khác.
Tuesday, December 16, 2008
Càng đơn giản, càng dễ hiểu
Cuốn sách này hướng dẫn người học đạo về phương diện thực hành bằng một thứ ngôn ngữ thông thường, đơn giản, dễ hiểu chứ không phải ngôn ngữ hàn lâm hay chuyên môn. Theo quan điểm của tác giả, càng đơn giản, càng dễ hiểu. Trong ‘Lời nói đầu’, Ngài viết “theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy cách hiệu quả nhất để trình bày cho mọi người hiểu một vấn đề là dùng ngôn từ đơn giản nhất. Ngoài ra, qua những năm tháng giảng dạy, tôi nhận thấy rằng càng dùng ngôn từ cứng nhắc, việc truyền đạt càng kém hiệu quả. Ngôn từ cứng nhắc và khó hiểu ít khi được tiếp nhận, nhất là khi thuyết giảng những vấn đề không liên quan gì đến cuộc sống thường ngày…” Do đó, trong cuốn sách này, tác giả dùng ngôn từ đơn giản (plain), bình thường của quảng đại quần chúng để giảng dạy thiền định về phương diện thực hành phương pháp dưỡng tâm này.
Cuốn "Mindfulness in Plain English" có thể tìm thấy dễ dàng trên vài trang web miễn phí. Tiếng Anh dùng trong cuốn sách này rất đơn giản, dễ hiểu; nội dung cuốn sách khá hay và thực tế, cả người tu sĩ lẫn cư sĩ đều có thể áp dụng được.
Sau đây là một đoạn Ngài viết về mối liên hệ giữa đạo đức, thiền định và trí tuệ (chương 2, trang 23, 24), nhatkyao chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Có ba yếu tố hòa quyện vào nhau trong thiền Phật giáo: đạo đức, thiền định và trí tuệ. Các yếu tố tăng trưởng khi chúng ta thực hành thiền ngày càng sâu. Chúng liên quan mật thiết và tác động lẫn nhau nên cần phát triển các yếu tố này đồng thời, chứ không phải lần lượt từng yếu tố một. Khi bạn có trí tuệ thông hiểu được tình thế, yếu tố từ bi sẽ đến tự nhiên. Có từ bi nghĩa là bạn tự biết điều chỉnh tư tưởng, lời nói và hành động của mình để không làm tổn hại đến ai. Như vậy, những thể hiện hành vi của bạn tự động sẽ có đạo đức. Nếu không hiểu các vấn đề này một cách tường tận, bạn có thể tạo nên phiền phức. Thật là một sai lầm nếu không nhận thức được mối tương quan mật thiết trong các hành động của mình. Người nào chờ đến khi hoàn thiện đức rồi mới bắt đầu thực hành thiền định thì chỉ biết ngồi đó mà đợi chữ ‘nhưng’ vốn không bao giờ đến. Người xưa gọi người như thế giống như kẻ mong chờ biển lặng mới chịu xuống tắm.
Hiểu đầy đủ được mối quan hệ giữa các yếu tố này rồi, chúng tôi xin trình bày ba mức độ đạo đức như sau. Mức độ thấp nhất là tuân thủ một số luật lệ do người khác, như một đấng tiên tri, quốc gia, tộc trưởng hay cha mình, áp đặt. Không cần biết ai ra lệnh, người thi hành chỉ biết vâng lời. Một người máy cũng có thể làm được việc này. Và một con khỉ được huấn luyện cũng có thể làm được nếu những luật lệ này đơn giản và nếu nó không muốn ăn đòn vì vi phạm những điều đã quy định. Mức độ này tuyệt nhiên không cần đến thiền. Chỉ cần luật lệ và một người cầm cây roi nhịp nhịp là đủ.
Monday, December 15, 2008
Sự thật!
“Nếu bạn muốn biết sự thật, anh ta đã ném chiếc giày có size số 10” (George Bush, 14th December, 2008)
Nguồn: BBC
Sunday, December 14, 2008
Saturday, December 13, 2008
Tin khủng!
Đúng rồi! một trường hợp bạo hành học đường, tùy theo mức độ, có ảnh hưởng đến một lớp, một khối lớp hay cả một trường, nên ông giám đốc Plan phát biểu vậy là đúng. Ông chỉ nói đây là trường hợp phổ biến và có ảnh hưởng đến số đông (hàng triệu) trẻ em, thế mà phóng viên viết lại bằng con số xác định như thế. Blah! Blah! Hết biết! Hơn nữa, theo chỗ tôi hiểu, 'hứng chịu bạo hành' có nghĩa là 'trực tiếp bị bạo hành' thì cái tít bài đã không phản ánh đúng nội dung ông giám đốc Plan phát biểu rồi. Lại thêm 'mỗi ngày' nữa chứ! Nghiên cứu, khảo sát nào cũgn thực hiện trên một khoảng thời gian nhất định, nhưng không thể mỗi ngày được. Việc bạo hành trường học xảy ra, dù nhiều và phổ biến, cũng không thể tính bao nhiêu em bị bạo hành trong mỗi ngày được. Tôi thiết nghĩ, ngôn ngữ nghiên cứu cần rõ ràng và không thể hiểu nhiều nghĩa cho một câu phát biểu có tính chất như một 'finding' thế này.
Theo những thông tin tôi đọc được, từ năm 2003 đến nay, tổ chức Plan làm nghiên cứu ở nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác. Thường thì người ta chọn theo địa hình địa lý: Bắc-Trung-Nam hoặc đồng bằng-cao nguyên-miền núi, hoặc thành phố-nông thôn. Phương pháp họ sử dụng thường là khảo sát cộng đồng lớn (survey) với các câu hỏi (questionnaire) và tổng kết tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng số cá thể họ chọn để nghiên cứu có ý kiến này hay ý kiến khác. Từ đó, họ có thể tổng quát hóa và khái quát hóa khi giả thuyết rằng số cá thể chọn ra nghiên cứu có thể đại diện cho toàn thể cộng đồng. (Vì vậy, phương pháp nghiên cứu nào cũng chỉ có giá trị tương đối thôi.)
Thấy con số cụ thể về trẻ em (mà không phải tỉ lệ phần trăm) tôi e không chính xác vì số liệu nghiên cứu về 'trẻ em' nhất thiết phải thuộc nhóm tuổi nào trong các nghiên cứu của Plan chứ. Rõ ràng trong bài viết này, tôi không thấy phóng viên trưng dẫn kết quả nghiên cứu nào của Plan với con số thống kê (dù là tỉ lệ hay số lượng) mà sao lại có một câu kết luận chắc nịch và giật thành tít của bài báo như thế nhỉ?
Friday, December 12, 2008
Nguyên nhân suy tàn
Để trả lời câu hỏi, phải chăng những cuộc tấn công của Hồi giáo là nguyên nhân suy tàn của Phật giáo trên đất nước Ấn Độ không, đức Dalai Lama đã trả lời như thế. Tôi tin rằng, bây giờ, nếu có ai hỏi về nguyên nhân suy tàn của Phật giáo nói chung hay ở bất cứ một nơi nào, Ngài cũng sẽ trả lời tương tự vì vấn đề này đã quá rõ. Một tôn giáo suy tàn tất nhiên do tác động từ bên ngoài cũng như mục ruỗng từ bên trong, trong đó, các yếu tố nội bộ đóng vai trò quyết định hơn. Với Phật giáo, yếu tố bên trong là tăng ni xuất gia và cư sĩ tại gia. Nếu hai thành phần này ung thối thì không có thế lực nào khác có thể chống đỡ ngôi nhà Phật pháp được.
Ở trang tiếp theo (trang 95), Ngài khẳng định “Tôi nghĩ rằng trường hợp của người Tây tạng cũng tương tự như trường hợp của người Ấn, có khuynh hướng đi tìm kiếm những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng nhìn vào những thế lực bên ngoài đã ăn sâu vào tâm thức con người và rất khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều đối với những người khác, đối với các thế lực bên ngoài. Nhưng chính chúng ta, nếu không hành trì, không giữ gìn giới luật cho tinh nghiêm thì tôn giáo của mình sẽ trở thành đạo đức giả. Đây là một sự thật. Đây cũng chính là lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây tạng.”
Có những sự thật ai cũng biết mà cần có người nhắc thì mình mới ‘tỉnh’ ra! Về các nguyên nhân gây nên sự hủy diệt của Đạo Phật cũng như tâm lý cho là ‘chỉ do thế lực bên ngoài’ của người trong đạo không phải chúng ta không biết. Vả lại, không chỉ Ngài Dala Lama mà trước đó, nhiều tác giả như Kanai Lal Hazra hay Träumereien eines Denker cũng nói đến vấn đề này rồi. Tuy nhiên, có người nhắc thì ý tưởng này được hâm nóng một lần nữa. Điều quan trọng là, nếu chúng ta xác định ‘mình là người đạo Phật’ thì mình là đối tượng nào và nên làm gì? Nếu là cư sĩ phật tử, mình có chiều hướng nghiêng về các truyền thống phi Phật giáo không? Liệu mình đã hiểu đúng và nắm được cốt lõi của tôn giáo mình chưa? Nếu mình là người xuất gia, mình có đang trở nên giàu có và ky cóp nhiều vàng bạc và bắt đầu có cuộc sống sa đọa mà xa rời mục đích của người xuất gia không?
Những ai là ‘người Đạo Phật’ có thể trả lời được câu hỏi này mà cảm thấy thanh thản trong lòng thì tôi tin chắc rằng, người ấy, nếu không có thể làm gì để góp phần xiển dương Phật pháp, cũng không góp phần hủy hoại tôn giáo đã khơi thông nguồn mạch tâm linh và nuôi dưỡng thiện căn của mình. Thế nhưng, thế nào gọi là 'phi Phật giáo', là ‘ky cóp nhiều’ và sao gọi là ‘sa đọa’ thì mỗi người có định nghĩa và tiêu chuẩn riêng cho mình tùy vào mục tiêu và nỗ lực của từng cá nhân vậy.
Thursday, December 11, 2008
Tro tàn
Tôi nhớ đến bài ‘White Ashes’ của Rennyo (1414-1499) nên dịch post lên đây như là một sự nhắc nhớ:
Khi tôi trầm tư về bản chất thay đổi của cuộc sống con người, tôi nhận ra rằng, từ lúc bắt đầu đến khi chấm dứt, cuộc sống vô thường, khác nào ảo ảnh phù du. Chúng ta chưa thấy người nào có thể sống một vạn năm. Cuộc đời chóng vánh làm sao!
Như thế đấy, bản chất phù du tạm bợ của kiếp sống con người là cái chết đến với tất cả, già cũng như trẻ không hề phân biệt. Do đó, chúng ta nhanh chóng ghi vào tâm trí vấn đề quan trọng nhất trước khi qua kiếp sống sau là một lòng thâm tín vào Đức Phật A Di Đà, và không quên niệm danh hiệu Ngài.
Bạo hành trẻ em
Những chuyện như vậy không phải đến bây giờ mới xảy ra. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cô giáo vẫn thường đánh và phạt học trò. Trong các thầy cô giáo dạy tôi hồi cấp I, cô Vu dạy lớp 1 là đáng sợ nhất. Hình phạt đánh hay vặn tai thì cô áp dụng cá nhân còn phạt thì cả lớp cùng lãnh đòn dù chỉ một vài cá nhân gây ra. Hình phát phổ biến nhất là bắt cả lớp đứng trong thời gian khá lâu, đôi khi quỳ trên ghế. Còn ngậm thước kẻ hay giơ hai tay ‘đầu hàng’ được 'ưu tiên' áp dụng thường xuyên hơn. Có hôm có thầy hiệu phó đi ngang, chúng tôi được ‘giải cứu’ sớm hơn thời hạn. Nhiều hôm, giờ ra chơi, chúng tôi có dịp cười lăn cười lộn khi lắm đứa bỗng dưng có râu vì vấy mực khi ngậm thước kẻ. Vui nhất là mình thấy mặt người khác mà không tự thấy mặt mình, nên cứ ‘tự tin’ mà cười bạn. Đến khi nghe “mặt mi cũng lem nhem chứ có thua ai đâu” mới tiu nghỉu, mặt mày bí xị, lo mà ‘cạo râu’ bằng cách kỳ cọ đến đỏ da. Những hình phạt đó cứ theo tôi suốt tận bây giờ. Không sao quên được. Hồi đó, suy nghĩ của chúng tôi chưa đủ lớn để có thể nghĩ gì, nhưng hầu hết học trò trong lớp, đứa nào cũng ghét cô giáo cả. Bản thân tôi có đêm mất ngủ chỉ vì cô đánh một bạn ngồi bên cạnh. Trời đất ạ, trẻ em mà bắt ngồi im như thóc thì có nước người mụ mị thêm ra. Tinh nghịch một chút thì ăn đòn thường xuyên mới ác chứ! Trẻ con mà, đòn thì cũng sợ mà bảo không nghịch không chơi thì chết mất!
Có một lần, thằng Nghĩa ngồi gần tôi bị đòn, trận đòn mà tôi còn nhớ như in trong tâm trí đến tận giờ này. Đơn giản là hôm đó, trong giờ học, nó đứng dậy, trườn người về phía bàn trước, đưa hai hòn bi chai cho thằng Nam, nói “mi cất giùm hai hòn bi, chút nữa, hai đứa mình chơi. Túi quần tao bị lủng mất.” Hồi đó, bọn con nít tụi tôi cái gì cũng cười được. Nghe thằng Nghĩa nói cái túi quần lủng mà mấy đứa bên cạnh (có cả tôi) cười rúc rích, đủ để cô giáo đang viết bài trên bảng, quay xuống lườm mắt. Chưa nín ngay được, vài đứa còn khúc khích, thế là cô đi ngay đến chỗ bàn tôi ngồi. Cô hỏi “em nào?”. Với cô, la rầy đánh đập là "chuyện thường ở huyện", nên khi nghe hỏi gọn lỏn "em nào?", chúng tôi đứa nào cũng hiểu "em nào gây mất trật tự trong lớp?". Thằng Nghĩa vội vàng đứng lên nhận tội “dạ em!”. Sẵn cây thước trong tay, cô nện cho nó hai phát thẳng tay, miệng cô quát “dạ em! dạ em!” Thằng Nghĩa mặt cắt không còn giọt máu. Nó đau quá, đưa tay ra sau che mông, cô nện cái thứ ba, không quên rít qua kẽ răng “dạ em!” rồi quay ngoắt đi lên như không xảy ra chuyện gì. Thước cô nện vào mu tay thằng Nghĩa đau quá, nó vẩy vẩy tay trong không khí, miệng rên rỉ “đau quá! đau quá!”, tôi thấy thương nó vô cùng. Chúng tôi ngồi im thin thít. Từ đó đến giờ ra chơi, tôi không biết cô giảng gì nữa. Đêm đó, tôi, một con bé 6 tuổi, không sao ngủ được. Hình ảnh cô giáo, giọng cô rít lên giận dữ, hình ảnh thằng Nghĩa vẩy tay lẩy bẩy, mặt tái mét hằn trong tâm trí tôi.
Thầy cô sử dùng hình phạt đánh đập, dọa nạt, la mắng nặng lời với học sinh, liệu có bao giờ nghĩ rằng những hành vi ấy sẽ theo suốt cuộc đời của những đứa trẻ bị bạo hành ấy không? Tôi viết ra câu chuyện của mình hơn 30 năm về trước từ trong ký ức nguyên vẹn của mình đủ thầy nó hằn thế nào trong tâm hồn non nớt của tuổi thơ. Không những tôi, bạn bè lớp tôi, nhiều đứa vẫn còn nhớ câu chuyện này. Cách đây hai năm, tôi có duyên gặp lại mấy đứa, tụi nó còn nhắc lại, chuyện cô giáo Vu hay đánh học trò và chúng tôi thường xuyên ‘mọc râu’, cũng có đứa nhắc lại chuyện thằng Nghĩa, cả bọn nhao nhao giành nhau kể rồi cười...
Gần đây, chúng ta thấy nạn bạo hành học đường ngày càng nhiều. Điều này không có nghĩa trước đây tình trạng này ít hay không có. Chẳng qua, hiện nay, những câu chuyện bạo hành trở nên lan rộng hơn là nhờ truyền thông và công luận. Thế nhưng, những câu chuyện trên báo chỉ cũng chỉ là đại diện như tảng băng trên mặt nước thôi. Phần chìm khuất còn nhiều hơn và đáng nói hơn. Biết bao nhiêu chuyện bạo hành trường học đau lòng khác xảy ra ở nhiều nơi mà không được can thiệp hay biết đến qua các phương tiện truyền thông.
Từ năm 2003 đến 2005, UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc) cùng với CPFC (tổ chức bảo vệ trẻ em Thụy Điển và kế hoạch quốc tế) đã làm nhiều nghiên cứu về bạo hành đối với trẻ em ở Việt Nam. Một trong số các nghiên cứu đó là khả sát trên 2800 trẻ em ở ba tỉnh An Giang, Lào Cai và Hà Nội. Kết quả cho thấy rằng, bạo hành trẻ em ở gia đình và nhà trường rất phổ biến tại Việt Nam.
Các tổ chức này đã công bố số liệu nghiên cứu mới nhất về “Trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại Việt Nam” được thực hiện bằng cách khảo sát ý kiến 499 trẻ em và 306 người lớn. Kết quả cho thấy có 94% trẻ tham gia khảo sát cho biết bị phạt thân thể và tinh thần tại nhà; 93% trẻ em cho biết bị phạt ở trường. Hình phạt nhẹ là bị mắng chửi, nặng là bị đánh vào cánh tay, bàn tay, vào mông. Ngoài ra còn nhiều loại hình phạt không roi vọt như đứng im ngoài trời, úp mặt vào tường, đuổi ra khỏi lớp, bị phạt quỳ.
Như vậy, bạo hành trẻ em thời nào cũng vậy, có khác gì đâu. Hơn 30 năm trước, chúng tôi cũng bị đòn như các cháu bây giờ. Về tình hình đáng buồn trong giáo dục này, ông Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Trương Đình Mậu thừa nhận rằng “gần đây, tình hình bạo hành học đường xảy ra ngày càng phổ biến; không chỉ riêng mầm non mà cả ở phổ thông. Qua thu thập ý kiến, cũng có luồng cho rằng, bạo hành bắt nguồn từ áp lực công việc: chỉ tiêu giờ lên lớp đều "đội" lên nhưng chế độ đãi ngộ thấp.” Tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính của việc dùng hình phạt làm tổn thương đến thể xác cũng như tinh thần các em như thế. Đây là vấn đề thiếu chuyên môn sư phạm của thầy cô giáo, là đạo đức nghề nghiệp yếu kém của những người làm công tác sư phạm. Cá thầy cô đứng lớp có biết rằng, nhân cách căn bản của con người định hình trong những năm đầu đời của trẻ và thầy cô giáo là người có trách nhiệm định hướng và tác động lớn đến quá trình hình thành và nhân cách cho các em không? Tôi thấy đây không chỉ là vấn đề đạo đức của người thầy mà liên quan đến chuyện rèn luyện kỹ năng sống của mỗi người trong xã hội chúng ta. Nếu cứ dùng hình phạt như thế rồi đổ lỗi áp lực này, áp lực nọ, thì làm sao có thể trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sống vững vàng đây?!
Wednesday, December 10, 2008
Tỉ lệ bỏ học chỉ có 1%: Ai mà tin được? (đọc báo)
Hôm nay, đọc báo, thấy tác giả bài này DÁM nghi ngờ Bộ Giáo dục (Ông dám viết: 'ai mà tin')!!! E rằng nội dung này sẽ không còn trong nay mai, xin về đây làm tài liệu vì có vài con số thông kê 'thật' và 'ảo' trong bài viết.
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/817781/
06:44' 10/12/2008 (GMT+7)
- Ngành giáo dục đang chú ý đến khảo thí và kiểm định chất lượng, song cũng cần phải kiểm định số lượng sao cho chính xác minh bạch để có được sự nhất trí tin tưởng của cả xã hội và quốc tế. Nếu tuyên bố tỉ lệ bỏ học dưới 1% thì có nghĩa là tỉ lệ bỏ học ở nước ta gần bằng tỷ lệ của Singapore. Điều này khó mà tin được!
Ngành giáo dục đang nợ một lời giải thích
Xóa mù chữ cho người trên 36 tuổi chẳng để làm gì?
Điều chưa nói từ con số thống kê mù chữ
0,94%: chưa rõ ràng!
Sau giờ học các em học sinh THCS xã Tân Hùng - Tiểu Cần, Trà Vinh đi câu cá để giúp gia đình giảm tiền mua thức ăn hằng ngày. Ảnh: Vĩnh TràTháng 3/2008, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: hiện tượng bỏ học năm nào cũng có, nhưng năm nay số học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng đột biến. Tuy nhiên, đến ngày họp báo thường kỳ trong tháng, Bộ lại đưa ra số liệu tỉ lệ HS bỏ học rất thấp so với năm trước. THCS bỏ học giảm 5 lần và tiểu học bỏ học giảm 20 lần.
Hội nghị tổng kết năm học 2007 - 2008 và triển khai nhiệm vụ năm học 2008 - 2009 tại Hải Phòng, Bộ GD-ĐT cho biết, chưa có số liệu thống kê để nói Việt Nam so với các nước khác số bỏ học khá cao.
Ngày 12/11/2008, trên báo Hà Nội Mới, với câu hỏi "Trên thực tế, con số học sinh bỏ học là bao nhiêu" Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời: Cụ thể năm 2006 là 0,92%, năm 2007 là 0,9%, năm 2008 là 0,94%, tương ứng với khoảng 150.000 HS bỏ học trong tổng số 16 triệu HS các cấp.
Theo tôi, câu trả lời này chưa rõ ràng ở 2 điểm:
Thứ nhất, tỷ lệ HS bỏ học từ trước đến nay tính theo năm học chứ không phải tính theo năm lịch. Thứ hai, nếu tính theo năm lịch thì còn 2 tháng nữa mới hết năm 2008, mà Bộ đã biết trước tỉ lệ HS bỏ học là 0,94%?
1%: Quá thấp!
Lớp học vắng vì nhiều học sinh đã bỏ học!Trong khi Bộ đánh giá tình hình bỏ học quá lạc quan như vậy thì các Giám đốc Sở GD-ĐT nói gì?
Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng nhận định: Tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều ở nơi này (Tây Nguyên) đang là nỗi lo cho ngành giáo dục và các đơn vị trường học. Đa số học sinh bỏ học là người dân tộc thiểu số và những em có học lực quá yếu.
Ngày 24/11, hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2008 - 2009 bao gồm 12 Sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ HS bỏ học đầu năm học này tại các tỉnh còn khá cao. Các tỉnh có tỷ lệ bỏ học cao ở cả 3 cấp học là Cà Mau 18,67%, An Giang: 14,34%, Bạc Liêu 13,23%, Hậu Giang: 10,19%. Nguyên nhân tỉ lệ HS yếu kém không theo kịp chương trình phải bỏ học là 40%.
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long thừa nhận: Căn cứ vào số liệu hàng năm, tỉ lệ bỏ học chiếm khoảng 6% trong khi năm nay, chỉ mới thống kê ở những tháng đầu năm học đã chiếm 4,43% chắc chắn đến cuối năm, thống kê con số này sẽ còn tăng lên nữa. Chúng tôi đã làm quyết liệt nhưng không thể rút nhỏ lại con số này được. Xin nói thêm, Vĩnh Long là một tỉnh giáo dục đào tạo phát triển cao ở ĐBSCL.
Căn cứ vào thực tiễn của tình trạng HS bỏ học hiện nay và căn cứ vào thống kê về tỉ lệ HS bỏ học mấy chục năm qua, tôi thấy rằng Bộ công bố tỉ lệ HS bỏ học các cấp dưới 1% là quá thấp, không đúng với thực trạng giáo dục hiện nay.
Điều này trái với nhận định của nhiều địa phương, của nhiều cán bộ giáo viên trong ngành và báo chí quan tâm tới giáo dục.
Ví du, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng đã viết: "mỗi năm nước ta có 1,2 triệu HS bỏ học". Tôi cũng đồng thuận với ý kiến này, đánh giá của bà giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng và của ông giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long... đã nêu ở trên và xin dẫn chứng thêm vài điểm sau:
Chưa năm nào dưới 5%
Năm học 1999 - 2000, tỉ lệ HS bỏ học ở tiểu học là 4,67%. Đây là năm học hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn quốc gia nên có tỉ lệ HS bỏ học thấp, số HS đến trường đạt cao nhất trong những năm qua (10.063.025 học sinh), tỉ lệ HS bỏ học ở cấp THCS là 8,51%, ở cấp THPT là 7,68%.
Cũng theo thống kê của Bộ, tỉ lệ HS trung học bỏ học năm 2003 - 2004 là 6,29%, năm học 2004 - 2005 là 7,59%, năm học 2005 - 2006 là 6,59%. Tính trung bình hơn 10 năm học quả, tỉ lệ bỏ học của HS tiểu học là khoảng 5%, THCS là 8,5%, THPT là gần 4%. Như vậy, số HS bỏ học hàng năm trên dưới 1 triệu em.
2. Nếu tỉ lệ HS bỏ học giảm một cách đột biến như Bộ công báo thì số HS tới trường phải tăng lên. Nhưng mấy năm qua, số HS tiểu học giảm 3 triệu em, số HS THCS cũng liên tục giảm gần 1 triệu em. Cụ thể, số HS THCS 2004-2005 có 6792000 HS, năm học 2007-2008 còn 5740000 học sinh. Số HS THPT cũng bắt đầu giảm. Cụ thể, năm học 2006 - 2007 có 3111280 học sinh, năm học 2007-2008 còn 3052620, giảm 58660 học sinh. Người ta có thể giải thích số học sinh giảm là do kết của phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, nhưng cả nước đã phổ cập đúng độ tuổi đâu? Còn ở các tỉnh giáo dục phát triển thì số HS đi học đúng và gần đúng độ tuổi đã đạt từ lâu rồi. Mặt khác, giả sử 100% HS 6 tuổi đều đến lớp 1 và sau 5 năm đều lên lớp 5 đúng độ tuổi 100% thì số HS tiểu học cũng là 7 triệu (vào lớp 1: 1,4 triệu, lên lớp 5: 1,5 triệu; 1,4 triệu x5 = 7 triệu). Còn THCS đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành phổ cập vào năm 2010 mà tại sao số HS lại giảm? THCS đã phổ cập giáo dục đúng độ tuổi đâu.
Tóm lại, số HS giảm chỉ có thể giải thích với lý do chủ yếu là tỉ lệ HS bỏ học ở các cấp còn cao hơn như các thống kê giáo dục của Bộ đã có hàng chục năm qua. Mặt khác, còn nhiều em đang ở độ tuổi học mà chưa đến trường như UNESCO vừa đưa ra con số 1 triệu trẻ "ở ngoài nhà trường".
Ngành ta đang chú ý đến khảo thí và kiểm định chất lượng, song cũng cần phải kiểm định số lượng sao cho chính xác minh bạch để có được sự nhất trí tin tưởng của cả xã hội và quốc tế nếu tuyên bố tỉ lệ bỏ học dưới 1% thì có nghĩa là tỉ lệ bỏ học ở nước ta gần bằng tỷ lệ của Singapore. Điều đó "hổng dám đâu"! Quan trọng hơn là có đánh giá đúng mới có quyết tâm cao và biện pháp đúng để giữ vững và phát triển quy mô giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Nhà giáo Trần Hữu Trù (nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT)
TIN LIÊN QUAN
UNESCO đính chính thông tin HS Việt Nam bỏ học
Nguy cơ bỏ học ở vùng lũ Tây Bắc tăng cao
Trẻ nghèo bỏ học vì tiền không đến đúng đối tượng
Số liệu mới nhất: Hơn 147.000 học sinh bỏ học
Nghệ An: Học sinh bỏ học sẽ tăng!
Bộ GD-ĐT nói gì về thống kê bỏ học "vênh" thực tế?
Cô không bỏ trò, trò đừng bỏ học
3 điều “kỳ lạ” trong bản thống kê HS bỏ học
SOS: Tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL