3.
Tôn
trọng người khác
Tôn trọng người khác rất được
đề cao trong giáo lý Đức Phật. Điều này được phản ánh rất nhiều trong kinh điển
khi đề cập đến thái độ tôn trọng. Kinh điển mô tả chi tiết cung cách người cư
sĩ tại gia thời Đức Phật thể hiện lòng tôn trọng đối với Ngài và tăng đoàn bằng
nhiều cách khác nhau. Trong phần duyên khởi ở các bài kinh, cách thể hiện lòng
tôn trọng Đức Phật và tăng đoàn một cách truyền thống nhất là khi người cư sĩ
đến yết kiến Đức Phật, cung kính đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên, sau đó mới lễ
phép bạch hỏi điều cần thưa hỏi.
Tăng chúng còn có những cách
thể hiện lòng tôn kính chuẩn mực hơn đối với Đức Phật. Trong hội chúng, bao giờ
cũng có một vị trí đặc biệt hơn được soạn sẵn dành cho Ngài và chư tăng bao giờ
cũng cung kính, đảnh lễ và lắng lòng nghe những gì Ngài chỉ dạy. Sự tôn trong
giữa các thành viên trong tăng đoàn với nhau cũng rất đặc biệt, khi chư tăng “sống
hòa hợp hoan hỷ, không có luận tranh, sống như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với
cặp mắt ái kính” (Tăng chi bộ kinh,
chương III, phẩm X, kinh số 93; , chương III, phẩm XIII, kinh số 122; chương V,
phẩm VI, kinh số 54; chương V, phẩm VIII, kinh số 78). Đối với những vị sống
độc cư ở núi rừng, không ở trong các hội chúng đông đảo, không nhiều kinh nghiệm
trong cuộc sống cộng đồng, Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử lớn của Đức Phật, cũng nhắc
nhở chư huynh đệ rằng “Này chư hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng
Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh. Nếu không, có người sẽ
quở trách, chê cười” (Kinh Gulissani,
Trung bộ kinh, số 69).
Nhiều đoạn kinh Phật giáo mô
tả về các tu sĩ theo những trường phái triết học khác thường phê phán nhau vì
họ không chỉ thiếu tôn trọng đối với người ngoài mà giữa họ với nhau cũng không
có thái độ tôn trọng, cung kính nhau. Học trò thì có biểu hiện bất kính với
thầy, khi có dịp hội họp lại với nhau, họ thường lộn xộn, ầm ỹ và không tự làm
chủ mình. Họ lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm (Kinh Maha Sakuludayi, Trung bộ kinh số 77; Kinh Samanamandika, Trung bộ kinh
số 77).Tất
cả những cách thể hiện này đều trái ngược với tinh thần lịch sự và tương kính
mà người học Phật thường thể hiện khi hội họp lại với nhau. Do đó, các bài kinh
này cũng diễn tả, khi thấy Đức Phật và chư tăng đệ tử Ngài đi tới, thầy trò
những người này bảo nhau “hãy nhỏ tiếng, hãy lặng tiếng. Sa môn Gotama và các
đệ tử đang đi tới, và họ ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh. Nếu biết
chúng ta an tịnh, rất có thể các vị ấy sẽ ghé thăm.”
Thật ra, sự tôn trọng
Đức Phật và chư tăng là biểu hiện của sự tôn trọng dành cho những bậc có trí tuệ
và đạo đức, là sự tôn trọng dành cho những người thực hành giới luật, thực hành
pháp, có khả năng chia sẻ kinh nghiệm thực hành pháp và hướng dẫn người khác thực
hành. Đó là hiện thân của sự tôn trọng pháp – những lời dạy của Đức Phật dành
cho những ai muốn hành trì để được hạnh phúc chân thật. Một điều lý thú đặc biệt là cách thể hiện lòng tôn kính đối
với người nói Pháp trong cộng đồng người tu học Phật. Nhiều điều luật quy định
chư tăng ni không được phép giảng dạy giáo pháp cho những ai thể hiện thái độ
bất kính, vì không tôn trọng người nói pháp nghĩa là không tôn trọng pháp, do
vậy không đáng được nghe pháp. Tôn trọng người nói pháp là truyền thống của
Phật giáo. Một điều được kinh sách ghi lại cũng như trong thực tế rằng, chỗ của
người ngồi nói pháp cũng đặc biệt hơn, thường là bố trí ở một nơi trang trọng
hơn, ở vị trí cao hơn để tỏ lòng tôn kính pháp và người nói pháp. Sách sử kể
lại, chính Đức Phật cũng chần chừ khi dạy bài pháp đầu tiên cho năm người bạn
đồng tu, cho đến khi những vị này không còn xem Ngài ngang bằng với họ, Ngài
mới thuyết pháp.
Người hành trì giới luật tinh
nghiêm và tán thán người hành trì giới (Trung
bộ kinh số 104, kinh làng Sama), thấu hiểu pháp, chuyên tâm hành trì pháp, có
chánh kiến (Tăng chi bộ kinh, chương IV,
phẩm XXIII, kinh 222), chánh niệm tỉnh giác, làm chủ cảm xúc của mình, tâm
ý, lời nói và hành động đều thiện lành (Trung
bộ kinh số 129, Kinh Hiền ngu; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm 1), an
trú trong chánh định (Tăng chi bộ kinh,
chương V, phẩm III, kinh số 27) và hoan hỷ trong việc chia sẻ kinh nghiệm
tu tập để đem lại lợi ích cho người khác (Tăng
chi bộ kinh, chương III, phẩm XII, kinh số 115) được Đức Phật gọi là người
trí. Ngài dành cho người trí một sự tôn trọng đáng kể được ghi lại trong nhiều
bài kinh. Người có trí có chỉ lỗi và khiển trách thì nên trân trọng như được cả
kho báu. Thân cận người có trí sẽ được nhiều lợi ích (Pháp cú, câu 76). Với giáo pháp cao siêu đưa đến giải thoát khỏi
khổ đau, Đức Phật thường nói “chỉ có người trí mới tự mình giác hiểu” hoặc những pháp “sâu
kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông,
tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu” (Trường
bộ kinh, kinh Phạm võng).
Người trí có một vị trí vô cùng tôn trọng, pháp nào được người trí hành trì,
được người trí tán thán là bảo chứng cho chánh pháp của Đức Phật. (Trung bộ kinh số 95, Kinh Canki; Tăng chi bộ
kinh, chương III, phẩm VII, kinh số 70).
Như Đức Phật có lần nói, kết
bạn với những người đáng ngưỡng mộ là toàn bộ cuộc sống thánh thiện, vì những
lời nói và gương sáng của các vị ấy sẽ giúp chúng ta trên con đường giải thoát.
Điều này không có nghĩa là chúng ta cần tuân thủ theo những lời dạy của các vị
ấy hoặc chấp nhận chúng mà không hề suy nghĩ gì. Đơn giản là chúng ta nhắc mình
cần lắng nghe các vị ấy một cách trân trọng và hãy thử áp dụng những lời dạy ấy
một cách chân thành, nếu có kết quả tốt đẹp, ta không phải phí thời gian và
năng lượng của mình. Đồng thời, khi chúng ta tỏ thái độ tôn trọng với những ai
đã nắm vững lộ trình tu tập, nghĩa là chúng ta đang tôn trọng những đặc tính mà
chúng ta muốn phát triển cho mình. Và khi những người này thấy rằng chúng ta
tôn trọng những đặc tính tốt ở họ và ở chính bản thân ta, họ cảm thấy phấn chấn
muốn chia sẻ trí tuệ của họ với mình, và sẵn lòng chia sẻ những điều tốt đẹp
nhất.
Người học Phật hiểu rằng thái
độ tôn trọng người khác là điều kiện tiên quyết cho việc học nên lựa chọn cho
mình một thái độ như vậy để học được nhiều nhất từ người khác. Học một điều gì
đó từ người mình tôn trọng thường dễ dàng hơn so với người mình không tôn
trọng. Thái độ tôn trọng làm cho tâm rộng mở và những định kiến giảm dần, không
gian của tâm trở nên thông thoáng để tiếp thu các kiến thức và kỹ năng mới.
Đồng thời, người coi trọng giá trị của tri thức có động cơ mạnh mẽ hơn khi dạy
người có thái độ tôn trọng so với người không có thái độ tôn trọng. Đây là lý
do tại sao hệ thống giới luật dành cho người xuất gia nhấn mạnh đến nghi lễ thể
hiện thái độ tôn trọng đối với các bậc thầy và các bậc tôn túc trong tăng đoàn.
Như vậy, tự tôn trọng và tôn trọng người khác có quan hệ hữu cơ với nhau.
4. Tôn trọng theo tinh thần của đạo Phật là “ba trong một”
Tôn trọng mình, tôn trọng
chân lý duyên sinh và tôn trọng người khác là ba phương diện không thể tách rời
mà cùng hòa quyện vào nhau. Điều quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân
biết tự tôn trọng mình là dành cho sự chú tâm và chủ tâm một thái độ tôn trọng
đặc biệt trong suốt quá trình sống mà không bao giờ được vơi đi, để điều hướng
và thực thi nghiệp thiện lành, hầu đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong
hiện tại và tương lai. Nghiệp thiện lành được vận hành từ sự chủ tâm và chủ tâm
của cá nhân, với sự tôn tọng tối đa các hạt giống thiện nơi bản thân, tạo tác thuận
theo sự vận hành của nguyên lý khách quan của duyên sinh, nhân quả vốn chi phối
toàn bộ đời sống con người. Trong quá trình này, cần học hỏi, tiếp thu tri thức
và kinh nghiệm từ người trí để việc học tập và ứng dụng trở nên đúng hướng, nhanh
chóng và hiệu quả hơn. Như vậy, kỹ năng cần thiết cho sự kết hợp hai yếu tố chú
tâm và chủ tâm để trước hết mang lại các kết quả vui trong vòng luân hồi, và cao
hơn nữa là mức độ siêu xuất, hoàn toàn chấm dứt khổ đau tùy thuộc vào thái độ
tôn trọng của mình ở ba phương diện trên. Và đây chính là nơi bản chất của thái
độ tôn trọng trở nên cần thiết, vì nếu không có thái độ tôn trọng nghiêm túc
dành cho ba yếu tố: chính bản thân mình, nguyên lý nhân quả vận hành trong đời
sống chúng ta và trí tuệ của người khác, chúng ta không thể kết tinh được sự
kiên định cần thiết để quán triệt nguyên lý duyên sinh nhân quả và hiểu được
tiềm năng của mình trong việc phát triển kỹ năng kết hợp giữa chú tâm và chủ
tâm đến đâu. Như vậy tôn trọng mình là tôn trọng chân lý và tôn trọng trí tuệ
của người khác vậy. Đây như cái vạc ba chân vững chắc đưa người thực hành vững
chãi trên con đường học pháp và tu đạo.
“Ba trong một”, tự tôn
trọng mình, tôn trọng người trí và
nguyên lý duyên sinh nhân quả được phản ánh rõ nét nhất trong bài pháp của Đức
Phật được ghi lại trong bài kinh giảng cho người Kalamas (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VII, kinh số 65). Mặc dù bài
kinh này thường được trích dẫn như là sự cho phép của Đức Phật về sự toàn quyền
hành động theo khả năng cảm nhận đúng sai của mỗi người, thật ra thông điệp bài
kinh này muốn chuyển tải hoàn toàn khác. Bức thông điệp ấy là, đừng đơn giản
chỉ tin theo truyền thống, nhưng cũng không đơn giản là thuận theo những gì
mình muốn theo bản năng và cảm xúc, vì các trạng thái này ở người bình thường
không thể tin tưởng để làm thước đo chân lý được. Sau khi quán sát hành động
của mình và kết quả tương ứng của các hành động ấy, nếu chúng ta thấy rằng
duyên theo một tâm thái nào đó đã gây nên sự tổn hại và khổ đau, chúng ta nên
từ bỏ tâm thái ấy và kiên quyết không lặp lại trong tương lai. Và điều này được
người trí tán thán.
Đây
là một tiêu chuẩn khá khắt khe, đòi hỏi người thực hành phải đặt pháp vượt lên
trên sự chọn lựa có tính tiền định của mình. Và chúng ta cần phải tỉnh giác rất
cao để đề phòng bất cứ khuynh hướng nào có thể làm đảo lộn thứ tự ưu tiên này
và đặt sự chọn lựa của mình lên trên hết. Như vậy, sự chọn lựa của bản thân về
những gì cần tin, cần làm đòi hỏi sự thẩm sát thể hiện sự tự tôn trọng chủ tâm
và chú tâm của mình. Lựa chọn ấy phải đặt trên nền tảng duyên sinh: quán xét
hành động tạo tác và kết quả tương ứng khi quyết định vấn đề là tôn trọng chân
lý. Tuy nhiên, trong
quá trình quán sát tiến trình nhân quả trong hành động của mình, chúng ta cũng
nên đối chiếu sự quán sát của mình với lời dạy của những người có trí. Đây là kết
hợp thái độ tôn trọng cả ba phương diện với nhau. Bởi vì có khi từ nguyên nhân đưa
đến kết quả tương ứng là cả một khoảng thời gian dài, chúng ta không dễ dàng
thấy hết những mối liên kết quan trọng giữa nhân và quả. Đồng thời, chướng ngại
chính của sự hành trì là vô minh, vốn là đặc tính tâm lý mà chúng ta phải nhọc
công lắm mới có thể nhận ra nó trong tâm mình. Do vậy, dù tôn trọng mình, tôn
trọng chân lý, nhưng khi đang ở trong mê mờ, chúng ta không biết mình đang mê
mờ. Do đó, bày tỏ thái độ tôn trọng đối với trí tuệ của người khác thể hiện sự
khôn ngoan của chúng ta.
Với thái độ tôn trọng, có lẽ
kỹ năng nhạy bén nhất là học cách cân bằng cả ba phương diện của thái độ tôn
trọng: tôn trọng chính mình, tôn trọng chân lý duyên sinh và tôn trọng trí tuệ
của người khác. Sự cân bằng này cần thiết để nuôi dưỡng và phát triển bất kỳ
một kỹ năng nào, một đặc tính nào. Ví dụ nếu chúng ta muốn trở thành một người
thợ gốm, chúng ta không chỉ học từ người thầy của mình, mà còn học kinh nghiệm
bản thân từ chính hành động và khả năng quan sát của mình, cũng như học từ những
quy luật chi phối chất liệu là gốm nữa. Rồi chúng ta phải thận trọng cân nhắc
tất cả các yếu tố này với nhau để thành thạo nghề gốm. Trên con đường tu tập,
nếu chúng ta quá thiên nặng về thái độ tự tôn trọng mình mà xem nhẹ thái độ tôn
trọng chân lý duyên sinh và trí tuệ của người khác, chúng ta sẽ thấy khó chấp
nhận những lời phê bình hoặc khó cười vào mặt mình vì sự ngu dốt của chính
mình. Điều này khiến cho chúng ta không thể nào học được. Mặt khác, nếu chúng
ta tôn trọng thầy mình hơn tôn trọng bản thân và tôn trọng chân lý, chúng ta có
thể mở lòng với cả những người bất tài ưa lòe bịp mà đóng cửa lòng mình đối với
chân lý mà kinh điển gọi là “được các bậc trí tự mình thấy biết.”
Dành sự tôn trọng cho ba yếu
tố trên là tìm ra một cách học với sự điều chỉnh phù hợp cho mình để đạt hiệu
quả nhất. Tuy nhiên, cách học mà Đức Phật nhấn mạnh không phải đơn giản là tích
lũy thông tin. Đó là một kỹ năng đưa đến sự giải thoát khỏi khổ đau và căng
thẳng trong cuộc sống. Và đây là chỗ thái độ tự tôn trọng có sự liên hệ với
nhân quả, vì học thuyết nhân quả của Phật giáo tập trung vào vấn đề là làm thế
nào để học một kỹ năng, để điều hướng tâm mình theo chủ ý để có kết quả tương
ứng tốt nhất với hành vi tạo tác. Bởi vì chủ tâm và chú tâm rất quan trọng
trong việc hình thành và điều chỉnh kinh nghiệm, chúng ta có thể tôn trọng khả
năng phát triển các kỹ năng cần thiết để hiểu và quán triệt bản chất nhân quả
nhằm đạt đến chân hạnh phúc. Bắt đầu từ sự tôn trọng bản thân với tất cả giá
trị, tiềm năng hướng thiện của con người. Các đặc tính thiện như tỉnh thức, tâm
thương yêu rộng lớn, tâm bình thản hay sáng suốt, khi chúng vừa mới sinh khởi
trong tâm, dường như không có gì nổi bật, nhỏ bé và yếu ớt, giống như một chồi
non mới nhú mọc giữa rừng cỏ dại. Nếu chúng ta không chăm nom và dành cho chúng
một thái độ tôn trọng đặc biệt, cỏ dại sẽ lấn át làm cho chúng chết đi, hoặc
chính chúng ta sẽ giẫm chúng dưới gót chân mình. Kết quả là chúng ta sẽ không
bao giờ biết được bóng của chúng sẽ tỏa mát đến đâu trong khu rừng ấy. Nuôi
dưỡng chúng trong mối tương quan với chân lý duyên sinh nhân quả, cùng với sự
phản hồi từ cách sống và thái độ của người trí, ta sẽ biết cách chăm sóc mảnh
vườn tâm ngày càng xanh tốt.
HẾT