Tinh tấn là từ được dùng nhiều trong
đạo Phật, chỉ cho sự nỗ lực, siêng năng, phấn đấu không ngừng trong cuộc sống.
Đây là một từ Hán Việt, trong đó, ‘tinh’ nghĩa là tinh chuyên, thuần nhất,
không xen tạp, ‘tấn’ là đi tới không thối lui. Tinh tấn là động lực giúp người thực
hành pháp nỗ lực, siêng năng không ngừng để sống thiện. Theo truyền thống, con
đường thực hành giáo lý của đạo Phật được cụ thể hóa thành 37 phương pháp, chia
thành 7 nhóm, để ứng dụng lời Phật dạy hầu đem lại hạnh phúc chân thật cho
mình. Trong số 7 nhóm này, yếu tố tinh tấn xuất hiện trong 6 nhóm. Vậy đủ biết
nó quan trọng đến mức nào đối với sự tu tập của một người. Đã bước vào con
đường tu tập, ai cũng hiểu rằng, thiếu tinh tấn sẽ không thể nào thành tựu.
Tinh tấn đưa ta về đích
Tinh tấn không mệt mỏi mới có thể
theo con đường đức Phật đã đi qua và chỉ lại cho chúng ta. Trên con đường ấy,
không hề tìm thấy dấu chân của người lười biếng hay nỗ lực nửa vời. Điều này
cũng đúng cho tất cả các lãnh vực khác trong cuộc sống. Không có sự lười biếng
nào đưa đến kết quả tốt đẹp, chẳng có sự nỗ lực nửa vời nào mang đến thành
công. Cơ hội chỉ đến với những người biết nỗ lực hết mình. Khi chúng ta thấy
nhiều người thể hiện một kỹ năng nào đó, nhẹ nhàng như thể chơi, ta cứ ngỡ họ
làm điều ấy không tốn hao công sức, nỗ lực gì nhiều. Không đâu, khi một ai đó
thuần thục, điêu luyện một kỹ năng nào đó đến mức làm như chơi, thì phải hiểu rằng
họ đã đặt vào đó quá nhiều nỗ lực, quá nhiều tâm huyết và miệt mài tập luyện
không thối chí mới có được kết quả như vậy. Trên đường tu cũng vậy, thấy nhiều
người có vẻ như không làm gì cả, vô tích sự lắm, chỉ đi ra đi vào, nhưng đừng
có lầm, không phải ai cũng làm được cái vô sự, đi ra đi vào thong dong tự tại vậy
đâu. Trạng thái nhàn ấy chỉ có thể đạt được sau khi trải qua một chặng đường
dài nỗ lực không hề nhàn nhã. Ta chỉ thấy cái nhàn mà không thấy cái họ đã dụng
tâm, dụng công. Như trong một buổi xem xiếc, ta mãn nhãn với màn đi trên dây nhẹ
nhàng như chơi,như thể đi trên mặt đất của một diễn viên xiếc, nhưng không hề
biết họ đã khổ luyện ra sao.
Chánh tinh tấn
Để đạt được kết quả tốt, tinh tấn là
yếu tố cần thiết, nhưng tinh tấn như thế nào để công sức ta bỏ ra đem lại kết
quả tốt đẹp là điều quan trọng chúng ta cần lưu tâm. Chánh tinh tấn, nói một
cách dễ hiểu là khéo tinh tấn. Đó là loại tinh tấn hỗ trợ tích cực, đưa người
thực hành về đích. Không phải có bao nhiêu sức lực đều xổ tung ra hết, dồn hết
vào việc mình đang làm mà gọi là khéo tinh tấn. Cứ nhìn những vận động viên cán
đích đầu tiên trong các cuộc thi thể thao thì rõ. Chỉ những những biết điều tiết
sức lực cho cả chặng đường đua mới làm nên chuyện và hơn thua nhau là chỗ này. Trên
đường thực hành pháp cũng vậy, cần liệu sức mình và biết điều tiết sức lực, dụng
tâm, dụng công vừa phải, tinh tấn đúng mức mới có thể đi đến cuối con đường.
Tinh tấn như thế đức Phật gọi là chánh tinh tấn.
Trong kinh điển, chánh tinh tấn được
định nghĩa là:
“Và
này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục
đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi,
khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho
các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh
tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa
sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm;
với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu
mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý
muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh
tinh tấn” ((Trung bộ kinh, số 141 : Kinh phân biệt sự thật; Tương ưng bộ kinh, tập V,
chương I, phẩm 1).
Như vậy, chánh tinh tấn được hiểu là sự nỗ lực nào chỉ đem lại niềm vui và bình an, không
đem lại cho chúng ta khổ đau, căng thẳng, bất an, không phát sinh và đoạn trừ
các pháp ác, làm phát sinh và tăng trưởng các pháp thiện. Ngẫm lại trong cuộc sống
của mình, rất nhiều lần chúng ta nỗ lực
trong cố gắng, siêng năng trong miễn cưỡng và kiên trì trong khổ đau để được
người khác nhìn nhận là tinh tấn và lắm lúc bản thân mình cũng cứ ngỡ đó là
tinh tấn. Không đâu, tinh tấn đúng là ngay trong sự nỗ lực ấy, chưa chạm đến đích
cuối cùng, ta vẫn cảm nhận được hạnh phúc và cảm thấy hoàn toàn thoải mái, nhẹ nhàng với sự nỗ lực không gắn gượng, trì chí
không bất đắc dĩ ấy. Lao tâm lao lực không niềm vui để chờ mong đích đến là
toàn thiện, là hạnh phúc là điều trái với lời Phật dạy. “Không niềm vui” bản
thân nó đã là pháp ác. Tinh tấn mà làm cho pháp ác của không niềm vui sinh khởi
thì đâu trọn nghĩa “chánh tinh tấn”?
Tinh tấn đúng mức: nghệ thuật lên dây đàn
Để tinh tấn được trọn nghĩa “chánh”,
ta cần phải biết điều tiết năng lượng, thời gian và công sức trong mỗi nỗ lực của
mình. Dụng công, dụng lực nhiều hơn mức cần thiết cũng không tốt, mà ít quá
cũng không xong. Hình ảnh sinh động nhất về sự tinh tấn đúng mức này được mô tả
trong kinh điển cũng như lên dây đàn tỳ bà vừa phải mới có thể cho âm thanh thánh
thót, êm tai. Khi những sợi dây đàn tỳ-bà
quá căng thẳng, hoặc dây đàn chùng quá thì không thể cho âm thanh hay. Cũng vậy,
khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động ; khi tinh cần tinh
tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, phải an trú tinh tấn một
cách vừa phải (Chương VI, phẩm VI, kinh số
55).
Học cách lên dây đàn tỳ bà để điều tiết
và điều chỉnh năng lượng của mình cho phù hợp với các hoạt động trong cuộc sống.
Để ngân lên cung đàn thánh thót, dây đàn lên vừa phải; căng quá thì dễ đứt và
không cho âm thanh hay, dùn quá cũng không tạo âm thanh đặc trưng của loại nhạc
cụ này. Mỗi người đều có một tone riêng, âm vực riêng và biết ở cung bậc nào,
ta có thể ngân lên cung điệu du dương, mượt mà nhất. Đây là cả một nghệ thuật sống
đòi hỏi ta phải biết lắng nghe từ lòng mình, lắng nghe từ bên ngoài để tạo nên
một bản hợp xướng hòa điệu nhịp nhàng nhất, tấu lên âm điệu thánh thót nhất để
cống hiến cho đời.
Tinh tấn đúng mức là chọn con đường
trung đạo, con đường lý tưởng của đạo Phật, để đi. Chánh tinh tấn là nguồn năng
lượng hoạt động thiện, được ví như khả năng mang ách trong bài kinh Cày ruộng (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VII, phẩm
2). Chính khả năng mang ách này đưa con trâu đi từng đường cày và quyết định
khi nào mảnh ruộng được cày xong. Tinh tấn phải là người bạn đồng hành trong đời
sống chúng ta mới có thể đưa ta đến đích an toàn. Không có tinh tấn, ta như lục
bình trôi theo dòng nước lớn ròng, không định hướng, không tự chủ, tự lực và chẳng
biết đời sẽ đưa ta về đâu. Do vậy, để có được tinh tấn, sự nỗ lực kiên trì bền
bỉ qua thời gian thì không được bốc đồng xốc nổi the kiểu “một phút huy hoàng rồi
chợt tắt”mà phải biết lượng sức để có thể đi trên “đường dài trăng lặn”.
Tinh tấn là cần một năng lượng hoạt động
thiện có độ bền bỉ, bền bỉ với thời gian, bền bỉ với ngoại ma nội chướng, đủ sức
vượt qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống và đủ sức vượt qua lực ma sát
của bao tâm lý tiêu cực như lười biếng, dao động, kiêu căng, tự ái… trì kéo để
nâng con người mình đi. Ta cần năng lượng trải dài trên suốt đường đi chứ không
phải lực tập trung nhất thời như nâng tạ lên rồi thả ngay xuống. Do vậy, nếu sức
ta có thể nâng 100 ký thì khi đi đường dài, ta chỉ nên mang nặng chừng 70 ký
thôi. 70 ký trong trường hợp này là tinh tấn đúng mức. Mục tiêu là ta mang được
nó về đích. Sự dẻo dai, bền bỉ, kiên trì vô cùng quan trọng khi thực hiện một
hoạt động thiện nào đó; vì thiện mà gián đoạn thì ác chen vào ngay (Pháp cú, kệ 116), và tinh tấn
đúng mức là cung cấp nguồn năng lượng bền bỉ ấy.
Tinh tấn về lượng
Chúng ta có thể hiểu được lời Phật dạy
sâu hơn khi soi vào những trải nghiệm của mình trong đời sống hằng ngày. Cần phải
xác định đâu là ngưỡng của bản thân mình trong mỗi một phương diện của cuộc sống
để không phải hoài phí thời gian, tâm lực và sức lực khi đầu tư vào một việc
nào đó. Tinh tấn ở bốn phương diện: gieo mầm thiện, nuôi gốc thiện, diệt mầm ác
và nhổ gốc ác được nêu ra từ kinh điển là sự nỗ lực cá nhân, diễn ra ở hai phạm
vi: tinh tấn biểu hiện về lượng ở mức độ vĩ mô qua hành vi mà người ngoài có thể
quan sát dễ dàng và tinh tấn biểu hiện về chất ở mức vi mô diễn ra trong tâm mỗi
người. Tinh tấn đúng pháp là tinh tấn cả về lượng cũng như chất. Nó cách khác,
cần đầu tư thời gian, công sức, tâm lực một cách có phương pháp và nghệ thuật để
đảm bảo sự đầu tư của mình đưa đến sự thay đổi tích cực: phát triển pháp thiện,
diệt trừ pháp ác ngay cả ở mức độ phôi thai. Tinh tấn về lượng dễ làm, dễ thấy
và là nền tảng để phát triển tinh tấn về chất. Không ai có thể tạo nghiệp lành
qua thân, miệng và ý mà suốt ngày cứ ngủ li bì, hoặc biếng nhác.
Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể dễ
dàng ghi nhận tinh tấn biểu hiện qua sự nỗ lực, siêng năng ở mức độ vĩ mô thông
qua những hành vi biểu hiện bên ngoài dễ quan sát, dễ nhận thấy. Ví dụ đối với một người mới nhập môn, thức khuya dậy sớm,
sáng chiều công phu, siêng năng công quả một cách tự nguyện, tự giác được ghi
nhận là tinh tấn. Điều này có nghĩa là, cái tướng thể hiện bên ngoài bằng sự
siêng năng, nỗ lực, cần mẫn, có vẻ như có tinh thần cầu tiến được đánh giá là
tinh tấn. Vì lẽ đó, một số người thầy xuất phát điểm là tâm từ mẫn, thương yêu,
sợ học trò lười biếng, giải đãi sẽ không tiến bộ trên đường tu học, cứ thúc giục
học trò mình phải siêng năng lên, phải tinh tấn lên, nhưng không phải lúc nào sự
nỗ lực cũng có kết quả. Chỉ có bản thân cá nhân ấy mới hiểu mình thật sự có
tinh tấn đúng hướng hay không. Khi sự siêng năng, nỗ lực ấy tỷ lệ thuận với các
pháp thiện và niềm vui khi thực hành thì đó là tinh tấn đúng pháp.
Tinh tấn về chất
Tinh tấn về phương diện lượng là điều
kiện cần thiết, là nền tảng cho sự phát triển tinh tấn về phương diện chất,
nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có khi chính sự khuyến khích, thúc giục của
người thầy lại phản tác dụng, gây áp lực cho học trò, nhất là với học trò ở lứa
tuổi còn nhỏ, lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà đã vào chùa xuất gia. Không
ít trường hợp vì sợ bị quở phạt mà ráng dậy sớm, dậy trong áp lực “phải dậy” chứ
chẳng hề thấy thoải mái, an vui gì với việc dậy sớm ấy vì bao nhiêu năm sống với
gia đình, dậy trễ quen mắt rồi. Giờ vào chùa, bất đắc dĩ phải dậy lúc mà người
đời cho là “nửa đêm”, mắt mở mắt nhắm cay xè mà thích gì nổi. Bắt đầu một ngày
uể oải, cá ngày trôi qua một cách chậm chạp, nặng nề và uể oải. Một ngày uể oải
tiếp nối nhiều ngày uể oải như thế, đời không còn gì vui. Vì muốn thể hiện là
người trò ngoan, tinh tấn, tuân thủ nội quy mà ráng thì đây chưa phải là dấu hiệu
của tinh tấn đúng nghĩa.
Với người “chưa thấm tương chao”, chỉ một việc dậy sớm
thôi cũng cả một vấn đề khó khăn. Tôi từng chứng kiến có em vào chùa được thời
gian, siêng năng công quả, công phu, ngoan ngoãn vâng lời, chăm làm siêng học,
thức khuya dậy sơm. Ai cũng thầm khen em tinh tấn. Thế mà đùng một cái, em xin
không tu nữa về nhà với mẹ, lý do là… thiếu ngủ trầm trọng! Nhiều người thuyết
phục em mà không được, em nói “ráng hết nổi rồi”, thế là em theo đường em, thời
gian sau, trở lại thăm chùa với mái tóc ngang vai! Nếu phải ráng để làm việc
gì, việc ấy không thể duy trì lâu dài, vì khi ráng, con người gần đuối rồi,
năng lượng để duy trì hoạt động này đã đến hồi cạn kiệt, như chút hơi ấm còn vương
sót từ đốm lửa tàn.
Tinh tấn đúng nghĩa cả lượng lẫn chất
là siêng năng, kiên trì tuân thủ nội quy tu viện và các hoạt động hằng ngày với
tâm hoan hỷ, tự nguyện và nhất là tìm thấy niềm vui, an lạc và cảm nhận rõ ràng
lợi ích trong mỗi việc làm của mình. Với động lực từ bên trong, chúng ta có nguồn
năng lượng dồi dào, tự chế tác để nuôi chí nguyện, bền bỉ đi trên con đường đã
chọn. Với cách này, ta mới có đủ năng lượng, đủ ý chí và nghị lực để đi đến
đích cuối cùng. Để có thể nuôi dưỡng tinh tấn về chất, cần có sự quán chiếu về
mối tương quan nhân-quả giữa việc mình làm và kết quả tương ứng và kịp thời điều
chỉnh để mỗi một kết quả tốt từ tác ý thiện trở thành động cơ để sống thiện. Khi
công sức, tâm lực, năng lượng bỏ ra có thể giúp ta biến tâm nguyện thiện lành thành
hiện thực sinh động trong cuộc sống, ta có niềm vui và chính niềm vui này là chất
xúc tác để ta tinh tấn nhiều hơn nữa.
Ứng dụng trong môi trường giáo dục tu
viện
Kinh điển ghi lại rằng, với tâm từ thương yêu tất cả
và mong những người thực hành pháp đều đạt được hạnh phúc, đức Phật luôn khuyến
khích chư đệ tử Ngài luôn tinh tấn để đoạn tận khổ đau, thành tựu giải thoát.
Theo truyền thống này, hầu hết những vị làm thầy, với tâm từ đối với người học
đạo, luôn khuyến tấn đệ tử mình nỗ lực, tinh cần thực hành pháp để được nhiều
lợi ích, hạnh phúc trong cuộc sống của người xuất gia. Tuy nhiên, để tình
thương và thiện chí của người thầy dành cho đệ tử được hiện thực hóa qua việc
khuyến tấn, người thầy cần biết thêm rằng:
Tinh tấn thể hiện qua hành vi chúng ta có thể quan sát
được là tinh tấn về lượng, chưa đảm bảo đưa đến kết quả tốt đẹp nếu lượng ấy
chưa biến thành chất hoặc không thể biến thành chất. Có nhiều người mới vào
chùa, chưa quen với nếp sống của người xuất gia thì cần nỗ lực đúng cách cả
lượng lẫn chất mới thích nghi, hòa nhập vào môi trường hoàn toàn khác cuộc sống
gia đình trước đó. Hiểu được điều này, người thầy cần sát sao để giám sát, khơi
dậy tâm lý tích cực, tinh thần lạc quan và hướng dẫn đệ tử biết tìm cách niềm
vui đích thực trong cuộc sống tu học. Bên cạnh đó, thay vì quở phạt, la rầy khi
người đệ tử ấy chưa thuần thục với nếp sống đạo, với tâm cảm thông, người thầy
nên gợi ý giải pháp tốt nhất để người học trò ấy hòa nhập dễ dàng vào môi
trường sống mới.
Tôi trở lại với trường hợp chưa quen dậy sớm, vì thấy
vấn đề này rất thực tế. Người thầy cần khuyên đệ tử, để có thể dậy sớm không
khó khăn, cần phải ngủ sớm, vì khi ngủ sớm ắt sẽ dễ dàng dậy sớm khi ngủ đủ
giấc. Thêm vào đó, hãy tôn trọng giấc nghỉ trưa của tất cả chứ đừng nghĩ, nghỉ
trưa chỉ là đặc quyền của người lớn, còn mới vào chùa hành điệu thì trưa phải…
trông chùa! Có dịp, nhắc cho học trò mình cuộc sống của rất nhiều người bình
thường cũng bắt đầu từ rất sớm với các cô chú làm nghề buôn bán ở chợ đêm, chợ
đầu mối hay các bác nông dân ở làng quê. Người thầy cũng cần tạo điều kiện để
người đệ tử tiếp xúc với đất trời buổi sáng sớm để cảm nhận sự an bình, tinh
khôi của thiên nhiên trong buổi sớm. Dậy sớm để cảm nhận trọn vẹn một ngày mới toanh
nó đẹp và hấp dẫn thế nào. Với cách này, đảm
bảo người đệ tử sẽ tự nguyện, hoan hỷ dậy sớm mà không hề thấy mệt mỏi,
nặng nề. Khởi đầu một ngày mới đầy hưng phấn như thế, ta sẽ dễ dàng hoàn thành
một ngày thật tròn trịa, thật đầy với tâm an tịnh và hoan hỷ. Mỗi việc cứ theo
cách như vậy, người đệ tử có thể sống trọn vẹn, tuân thủ thời khóa tu viện
trong niềm vui từ trong tâm mình mà không phải tự tạo cho mình áp lực từ các
yếu tố bên ngoài để phải ráng.
Chúng ta chỉ có thể vui sống khi thấy những gì mình
làm có ý nghĩa. Đức Phật dạy, một cuộc sống ý nghĩa nhất là sống thực hành theo
chánh pháp, cụ thể hóa thành ba điều căn bản: không làm ác, làm lành, giữ tâm
an tịnh (Pháp cú 183). Thực hành
chánh pháp cũng có nghĩa là sống với chánh tinh tấn, như trên đã nói, là kiên
trì, bền bỉ trên con đường không làm ác, làm lành một cách tự nguyện và hoan hỷ. Làm thế nào để
kích hoạt được tinh thần tự nguyện và tâm lý hoan hỷ nơi người đệ tử là nghệ
thuật và tùy vào tâm huyết của người thầy.
Việc khơi nguồn, mồi đèn cho thế hệ sau là cả một
trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của người làm thầy trong hệ thống giáo dục
tu viện. Tiếp cận học trò trong tinh thần cởi
mở, nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, đánh động tâm thức người đệ tử bằng tâm
từ thật sự chứ không phải bằng những mệnh lệnh, chỉ đạo khô khan mang tính gia
trưởng. Khai thông tâm của người đệ tử, mở lối cho người mới nhập đạo có thể
tìm nguồn vui, ý nghĩa sống trong tinh thần vô tham, vô chấp, sống vị tha để từ
đó, họ biết tự tạo một nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm nguyện tu tập của mình.
Sống như vậy mới có thể tinh tấn trọn đời không thối lui, đi cho đến đích mà
không hề mệt mỏi, vui sống trong từng phút giây tỉnh giác mà không phải đối phó
chịu đựng và đặc biệt, không gồng mình ráng, cố để được ghi nhận trong mắt người khác.
Sống như chơi, thong dong, vững chãi, tự tại, đời sẽ vui và đáng sống biết
dường nào!