Có một câu chuyện Thiền thế này. Có một người thích ngắm ánh hoàng hôn buông xuống trên dòng sông lặng nên anh ta thường thả mình trong một chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông trong mỗi chiều tà. Anh ta thưởng ngoạn đất trời sông nước đến khi bóng tối lan dần trùm cả dòng sông. Một hôm, có chiếc thuyền từ trên thượng nguồn xuôi dòng đổ về phía anh ta, cứ nhằm vào thuyền anh ta mà lao tới. Lúc đầu, anh cảm thấy vui vui vì nghĩ, cũng có người thích ngắm hoàng hôn trên sông vào mùa hè lộng gió giống như mình. Thế nhưng anh thấy chiếc thuyền cứ thẳng về phía anh, xăm xăm trườn đến, càng lúc càng nhanh. Thế rồi anh ta sanh tâm bực mình, nghĩ bụng, người này không nhìn thấy ta sao? Anh ta bắt đầu la hét “nhìn phía trước mà đi chứ! bộ không thấy thuyền của tôi à? trời đất ơi, tránh qua một bên đi chứ.” Chiếc thuyền vẫn cứ mỗi lúc một gần anh ta hơn và lao vút nhanh hơn trước nữa. Anh ta không chịu nổi nữa rồi, đứng bật dậy, hét lớn hơn và giơ cao nắm đấm. Vừa lúc đó, chiếc thuyền cũng vừa kịp đâm sầm vào chiếc thuyền anh ta. Bấy giờ anh mới vỡ lẽ: thuyền không có người lái! Ngay lập tức, anh ta dịu cơn giận.
Đây là câu chuyện có tính cổ điển được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau. Hôm nay, tôi liên tưởng câu chuyện này với cách phản ứng của chúng ta trong cuộc sống. Ta có thể thay đổi thái độ với cuộc sống để mình có được an lành hơn và ít dao động hơn với những tác động từ bên ngoài. Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời đối với kẻ ngang ngược, man trá, đê hèn thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi.”Nếu có thái độ này, chúng ta sẽ dễ chịu hơn nhiều và không phải nhọc tâm với những việc không đâu do những người không đâu gây nên. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Mình mà giận gai thì chính mình bị cười chê. Xử sự được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.
Thuyền không người lái nên cứ thế mà trôi. Nếu lỡ đâm phải ta, do cơn gió dữ vô tri vô giác tự nó tạt nhầm. Ta nên coi những sự ngang ngược, xúc phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái. Nếu lỡ đâm phải ta, do các cơn gió dữ tham, sân và si tạo nên một bầu trời u ám mịt mờ nên chẳng khác nào thuyền không người lái. Nghĩ cho cùng, có gì là đáng giận chứ? Bị người dối gạt, dùng tiểu xảo vì mục đích riêng, thậm chí thóa mạ, đối xử tàn tệ, ta thường buồn giận nặng lòng. Ta có thái độ như thế vì ta mong người ta tốt hơn trong khi họ không thể. Ta giận vì ta nghĩ đó là người ‘có trí’. Nếu đó là người điên không có trí, ta nào có giận làm chi? Nếu giận, thì ta lại hóa điên hóa dại mất rồi. Người mang nặng tâm tham, sân, si chính là những người mất trí về phương diện tâm linh, là người điên hiểu theo nghĩa bóng. Họ là chiếc thuyền không người lái, cứ lênh đênh trên dòng sông sanh tử, mặc cho dòng đời đôi lúc lặng êm, lắm khi đầy bão dông sấm sét, mặc cho sóng gió nghiệp lực và ngoại duyên xô dạt đi đâu, về đâu. Lỡ có va trúng mình, nên có thái độ như đối với chiếc thuyền không người lái! Vì thấy có người đó, nhưng mà người mất trí, nào có khác chiếc thuyền không?!
Trong cuộc sống, khi gặp phải người chưa được tốt làm điều gì tổn thương đến mình, chúng ta nên có tâm niệm của người ngắm hoàng hôn trên sông gặp phải chiếc thuyền không người lái, nhẹ nhàng tránh nhẹ hoặc đẩy mũi thuyền ra hướng khác. Hoặc ta có thể nhớ lời Mạnh Tử mà nghĩ mình là người đi đường chẳng may vướng vào gai, nên thong thả đứng lại mà gỡ dần ra. Buồn người mất trí, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đều vô nghĩa và chỉ tự làm tổn thương bản thân mình thôi. Hãy nhẹ lách mũi thuyền mình để tránh chiếc thuyền không người lái ấy mà tiếp tục với thú ngắm hoàng hôn trên dòng sông bàng bạc gió nước trời mây. Hãy nhẹ nhàng bước ra khỏi bụi gai rậm để bước tiếp trên con đường rộng rãi quang đãng dài tít tắp trước mặt.
Lỡ bị nạn thì khéo cho qua, không buồn giận. Thế nhưng về phía mình, cần quán sát từ xa để chúng ta không phải húc đầu vào chiếc thuyền không người lái hay đâm sầm vào bụi gai bên đường.
Sông nước đầy, đường thênh thang...