Với mỗi một con người, khi nói ra được một sự thật thì tâm hồn người đó thêm một lần trong sạch, thêm một cơ hội sống chân chánh với chính mình và thêm một lần củng cố niềm tin nơi người khác. Chân thật là thước đo bản chất và nhân cách của mỗi người. Thực tế, có biết bao sự thật bị bóp méo và bị vùi dập vì lý do này hay lý do khác do con người không đủ bản lĩnh để đối diện với con người thật của chính mình.
Khi một người có lương tâm đứng trước một sự thật bị bóp méo hay bị vùi dập mà bất lực đứng nhìn thì con người đó sẽ thấy bị sỉ nhục, mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Có lỗi hay thậm chí có tội không có gì xấu nếu biết hồi tâm cải sửa và tránh tội lỗi đã tạo ra. Người dám nhìn sự thật và nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi của mình là người đáng trân trọng và đáng được tha thứ vì lương tâm họ được đánh thức và nhận ra được sai lầm của mình.
Người che giấu sự thật không đáng cho người khác tin tưởng. Như trò chơi ghép hình mất đi vài mảnh ghép, người không thật thường làm cho người nghe bối rối và nghi ngờ khi không đủ dữ liệu cần thiết để hiểu một câu chuyện hoàn chỉnh. Người nghe không thể nào tái hiện câu chuyện hoặc tình huống với những thông tin bị cắt xén hoặc thêm vào theo chủ ý của người nói. Câu chuyện vì thế trở nên què quặt (vì bị cắt xén) hoặc dị dạng (với các thông tin thêm vào thiếu hợp lý). Người nào cố tình tránh né sự thật một cách có ý thức, thậm chí chuẩn bị những cách biện hộ bào chữa khi sự thật lỡ được soi ra trong ánh sáng, là còn đang nuôi dưỡng sai lầm và tội lỗi. Chọn lọc, thậm chí thêm vào, các chi tiết có lợi cho mình để nói và ém nhẹm các chi tiết có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh của mình trong mắt người khác là một cách sống dối trá có toan tính. Một nửa chiếc bánh thì vẫn là bánh nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Nói thật và sống thật, kể ra, không dễ dàng tí nào!
Trong cuộc hành trình mình đi qua bao nhiêu năm tháng trên cuộc đời, bao dấu chân mình lưu lại sau lưng. Con đường mình đã đi, dấu chân in trên đường đời ắt là hiển nhiên. Dù mình có ngoảnh mặt lại nhìn hay không, sự thật vẫn là sự thật. Dẫu có ai đó chối từ dấu chân mình hay chấp nhận chúng, sự thật vẫn là sự thật, mọi người cũng sẽ thấy dấu chân mình. Dấu chân ấy, có khi in trên con đường thẳng tắp, có khi hằn trên vũng sình lầy, có lúc bên vực thẳm tưởng chừng tí xíu nữa là lao xuống hố. Có đoạn các dấu chân đều đặn thành hàng trên đường thênh thang cho thấy những bước chân vững chãi và thảnh thơi đã bước qua. Có khúc dấu dài dấu ngắn chệch choạng ghi lại những bước đi lảo đảo trong những lúc lơ đễnh thiếu quan sát cẩn thận. Dấu chân nào rồi cũng của ta. Dấu chân chỉ là sự ghi lại sự có mặt và hành trạng của mình trong quá khứ. Do đó, hãy thanh thản nhìn nhận chúng để định hướng đi tới, bớt đi những bước chân chệnh choạng, lảo đảo và có thêm những bước đi thăng bằng và tự tin hơn. Những gì mình nói và làm trong cuộc sống chính là những dấu chân mình lưu lại. Đó như là cái bóng của cuộc đời mình. Muốn để lại dấu chân thế nào, cần ý thức khi cất bước và đặt bước. Hình cong thì bóng vạy, hình thẳng thì bóng ngay. Đừng mất công đi sửa cái bóng mà hãy sửa hình!