Wednesday, January 7, 2009

Nhiều vấn đề 'tế nhị' [bài phỏng vấn gs Nguyễn Đăng Hưng] (Đọc blog)




Đây là bài trả lời phóng vấn của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng . Đọc thấy có mấy đoạn ...kinh quá! Xin chép về đây làm tài liệu từ trang blog của chính giáo sư:


http://blog.360.yahoo.com/h.nguyendang
Trả lời phỏng vấn nhân dịp Xuân Kỷ Sửu, 2009

Lời nói đầu: Sau đây những câu trả lời của tôi dành cho một tờ báo Xuân Kỳ Sửu sắp lên khuôn tại Sài Gòn... Bài phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề thời sự khá tế nhị. Tôi không chắc nguyên văn sẽ được in tuy tôi đã cố gắng, theo thói quen rất nhẹ nhàng trong cách phát biều. Xin đăng lên trang blog này, bản chính của bài phỏng vấn, ghi lại tại Sài Gòn ngày 12/12/2008.

Phóng viên (PV). Giáo sư vừa tổ chức lể phát bằng lần cuối cùng tại hai trường Đại học Bách Khoa TP HCM và Hà Nội, kết thúc hai chương trình đào tạo cao học quốc tế với mô hình du học tại chỗ rất mới mẻ và đạt hiệu quả rất cao tại Việt Nam. Xin GS có biết cảm nghĩ của mình.

Nguyễn Đăng Hưng (NĐH). Xin cám ơn nhà báo. Phải nói trong thời gian dài trên 12 năm qua, báo chí Việt Nam đã có rất nhiều cảm thông, nhiều ưu ái dành cho tôi. Trước hết, tôi xin chân thành đa tạ mọi người. Chính đây là niềm khích lệ quí hoá làm tôi rất cảm động, thúc dục tôi bước tiếp.

Tôi quan niệm đi dạy là làm việc thiện, nhà giáo là một nghề cao quý. Cho nên nếu phải làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn nghề làm thầy giáo. Nhất là nghề giáo sư đại học cho tôi rất nhiều tự do, nhiều thời gian giao lưu cùng bạn bè quốc tế đặc biệt trở về quê mẹ trong những năm gần buổi về hưu có điều kiện triển khai nhất là tham gia tích cực giảng dạy cũng như điều phối công việc. Tôi bắt tay vào việc trong hoàn cảnh đặc biệt, những năm đầu của thập kỷ 90, đất nuớc chúng ta vừa tỉnh ra, thức dậy, vươn lên đổi mới để hoà nhập vào thế giới.

PV. Trong giai đoạn nhá nhem của giai đoạn này tại Việt Nam, lòng người còn ly tán, bóng tối vẫn còn rình rập và vật cản không phải chỉ đến từ một phía !

NĐH. Tôi đã luôn luôn ý thức đến tính bấp bênh và phức tạp của việc mình thực hiện tại Việt Nam, đến tính giới hạn của nó trước những đòi hỏi cấp bách và to lớn của một quốc gia hơn 80 triệu dân đã quá lâu ngày bị khép kín và chệch hướng. Biết trước như thế nhưng vẫn lao vào công việc như là một bức bách của số phận, của hoàn cảnh, của tình thế. Chờ đợi không được nữa vì tuổi già đã vụt đến đến rồi. Phải có hành động cụ thể để bức xúc ngui ngoai. Tôi có cảm giác như dù phải yêu người tình không được trọn vẹn nhưng không thối lui được, không chối từ được. Và dỉ nhiên sau những thành quả ban đầu, mối tương quan thân thiết với đám học trò đã đem lại cho tôi vô vàn niềm vui, những bài học xã hội, những tấm tình ấm áp. Những phần thưởng này đối với tôi quý giá hơn bao nhiêu lần những bằng khen, những huân chương từ hai phía!

Cũng có những hạt sạn, những đố kỵ, dèm pha từ những phía không ngờ được, những người phe « bạn » ! Có kẻ vu khống tôi với cơ quan chức năng, ngay cả với công an an ninh !

Trong khoản trên 700 học viên mà tôi đã có dịp tiếp xúc từ Nam ra Bắc xuất phát tư nhiều miền của đất nước trong khuôn khổ hai chương trình cao học EMMC và MCMC có ít ra hai học viên đã cố tình phản bội tôi, phá hoại việc tôi làm, một trong Nam một ngoài Bắc ! Một cậu viết thư nặc danh, đặt điều tố cáo tôi với giới chức trách Bỉ. Một cậu khác tán phát rộng rãi thư nặc danh phủ định toàn bộ giá trị tinh thần của việc làm của tôi. Kết quả lại ngược lại, lại là những cơ may cho tôi.
Chánh phù Bỉ đã gởi một phái đoàn đi kiểm định mà không cho tôi hay. Sau đó họ bảo với tôi là cơ quan chúc năng tín nhiệm tôi gấp bội và sẳn sàng tiếp tục tài trợ tối đa cho tôi. Thảo nào tôi tiếp tục được những 15 năm, một kỷ lục của thời gian tài trợ !

Còn nữa. Có lẽ vì lý do với tư cách chủ nhiệm hội đồng giám khảo luận văn, tôi thường trong điều kiện cho phép, kiểm tra nghiêm túc tính trung thực của các luận văn, thẳng thẳn ngăn chặn những hành động gian dối và hậu quả bất ngờ là tôi đã nhận được trong thời gian dài hơn 6 tháng cuối năm 2007, qua điện thoại những trách mắng hạ cấp, những hăm doạ liên quan đến tính mạng bản thân. Thật tính phức tạp của xã hội Việt Nam ngày nay là khôn lường được!

Rất may là mỗi lần như thế, tôi đuợc hàng loạt đồng nghiệp cũng như học trò khác đứng ra bênh vực, đính chính, an ủi... Ngày bảo vệ cuối cùng, các học viên đồng loạt tháp tùng đưa tôi về nhà, xuống xe che chở cho tôi, trải chiếu nghỉ đêm tại nhà để bảo vệ tôi. Tôi lại có một dịp gần gủi học trò, hát karaoke cho tới khuya !

Tôi đã chấm dứt đúng lúc và trao lại những gì cần thiết cho các cơ quan chúc năng đôi bên.
Sớm hơn thì hơi uổng, trễ hơn thì không tiện ! Âu cũng là một quyết đinh khá sáng suốt ! Đôi khi tôi cũng tự nghĩ : thành lập tổ chức một cơ sở quốc tế giảng dạy tại Việt Nam sao khó thế. Còn chấm dứt thì vèo, chỉ một bức thư là xong !

Hiện chương trình hợp tác cũng có tiếp tục bằng cách khác, tuy không có qui mô như trước nhưng cũng khá khả quan. Một đồng nghiệp trẻ tại Bỉ GS Michel Hogge Khoa trưởng khoa Khoa học Ứng dụng xin được tài trợ mỗi năm 10 học viên Việt Nam sang Bỉ theo học chương trình Master chính thống của ĐH Liège, du học thật sự chứ không tại chỗ nữa.

Các học viên bảo vệ thành công khoá thạc sỹ ngoài Bắc cũng như trong Nam lần lược tiếp tục được bạn bè khoa học năm châu của tôi mời mọc lên đường, có học bổng xuất ngoại, chuẩn bị theo học bậc tiến sỹ ở các nuớc tiên tiến.

Chương trình EMMC và MCMC đã trở thành những thương hiệu có tính quốc tế ngay những ngày không còn hiện hữu trên thực tế nữa !

PV. Thưa giáo sư, trở về Việt Nam từ những năm đầu sau khi đất nước thống nhất và đặc biệt, từ năm 2006 đến nay khi về VN định cư; điều gì khiến giáo sư cảm thấy vui nhất khi đề cập đến sự phát triển của đất nước?

NĐH. Tôi cho việc Việt Nam chánh thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO tháng 11 năm 2006 là sự kiện làm tôi vui nhất sau ngày thống nhất đất nước. Tôi vui vì đây là mốc lịch sử khẳn định bước đi lên dứt khoát của công cuộc đổi mới, giai đoạn hòa nhập toàn diện vào cộng đồng thế giới văn minh bắt đầu. Vì nghĩ rằng Việt Nam là một dân tộc thông minh và quả cảm, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chế ngự được những thách thức trước mắt và sẽ tận dụng được những cơ hội mà thị trường toàn cầu sẽ đem đến. Ngoài ra chính sách mở cửa sẽ mở rộng thông tin, khai thông cầu nối, cạnh tranh kinh tế sẽ tạo động lực khách quan thúc đẩy đổi mới tư duy, cải tiến cơ chế theo hướng tiến bộ thông thoáng và dân chủ cần thiết cho sự nghiệp công nghệ hóa hiện đại hóa, phát triển đất nước.

PV. Vậy, những điều mà GS còn băn khoăn, trăn trở?

NĐH. Phải nói băn khoăn trăn trở thì rất nhiều. Xin tóm tắt những điều chính. Trước nhất là tôi hằng mong đợi đợt đổi mới lần thứ hai nhưng tôi có cảm tưởng việc này ngày càng lùi xa ra! Sau đó tình trạng tham nhũng không những không giảm thiểu mà ngày càng trầm trọng, tác hại đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhất là những phương tiện cần thiết để chống tham nhũng như báo chí, lại bị vô hiệu hóa một cách nhứt nhối xót xa.

Việc làm tôi lo lắng nhất là thế đứng chiến lược: tuy đã là thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng vị thế an ninh quốc phòng Việt Nam, tương quan lực lượng vẫn còn quá chênh vênh trước những thế lực bành trướng tại biển Đông.

Thứ đến là những vấn đề xã hội.

Việt Nam đã có những thành quả rất tốt trên bình diện chống đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn, tải điện về làng, cùng nhân dân xây dựng đường làng bằng bê tông vân vân… Nhưng những khoảng cách giàu nghèo ngày càng chênh lệch, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, vấn nạn kẹt xe, ngập nước ngày càng trầm trọng…

PV. Nâng cao dân trí – chắc hẳn đó là một trong những vấn đề mà GS quan tâm?

NĐH. Nâng cao nhân trí là mối quan tâm hàng đầu của bao thế hệ sỹ phu nước nhà, tiêu biểu nhất là chí sỹ Phan Châu Trinh.

Ngày nay chính là là việc cải tổ nền giáo dục hiện hành, có quá nhiều bất cập không thích ứng với yêu cầu của đại cục, không xứng đáng với một nước ngàn năm văn hiến như nước Việt Nam chúng ta. Đây là vấn đề cốt lõi mà toàn bộ xã hội đã và đang bức xúc! Đã có biết bao nhiêu ý liến của các bậc thức giả, các nhà giáo tâm huyết trong và ngoài nước cho việc này. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần phát biểu, đã viết nhiền bài báo được đăng tải trên các cơ quan ngôn luận đại chúng… Nhưng việc đổi thay sao quá chậm chạp! Ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khá năng nỗ, nhưng tôi có cảm tường sai lầm đã chồng chất quá nhiều thập kỹ, cỗ xe thì quá cồng kềnh, sức ỳ quá lớn, lợi ích cục bộ phe phái quá nhiều nên mọi chuyện có vẻ đâu rồi cũng vào đấy. Bánh xe đổi mới chưa lăn, dốc còn quá cao chăng?

Những sai lầm từ những thập kỷ đã qua dần dần ai cũng thấy:
1. Vai trò người thầy trong giáo dục chưa được coi trọng dúng mức.
2. Đề cao số lượng coi thường chất lượng.
3. Đề cao bằng cấp, coi thường học thực.
4. Xem học đường là một cơ sở tuyên truyền thay vì một lò tập luyện hiểu biết và nhân cách.

Theo tôi muốn có thay đổi căn bản phải chạy chửa cho được những căn bệnh trầm kha trên. Động tác này cũng cần sự đổi mới tư duy triệt để. Khi tư duy đã dứt khoát, hướng đi đã xác định, thì vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

PV. Trong một phát biểu trước đây đề cập đến việc thành lập, điều hành các trường đại học tại VN, GS có nói rằng: Nếu không có sự tham gia của những giáo sư, những chuyên gia tầm cỡ đã được nuôi dưỡng và cọ sát thường xuyên với môi trường các nước tiên tiến có nền giáo dục và khoa học hiện đại, thì khó mà đề ra những biện pháp hợp lý. Không có yếu tố ban đầu này tôi e rằng qua trắc nghiệm của thời gian, không bao lâu ta sẽ có nhiều thất vọng về "Đại học gọi là có đẳng cấp quốc tế". Giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này ?

NĐH. Đúng vậy, ĐH đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT) trước hết phải có đông đảo giáo sư đằng cấp quốc tế giảng dạy. Đẳng cấp này phải đước xác định bằng các công trình nghiên cứu có giá trị, các cống hiến khoa học hay công nghệ được quốc tế công nhận. Đây là điều kiện cần thiết hàng đầu nhưng không phải duy nhất. Một khía cạnh không kém quan trọng là ĐHĐCQT phải được tổ chức như là một môi trường hàn lâm tự do và độc lập với các thế lực chính trị trong đó tư duy khoa học đích thực phải là chủ đạo. Cũng phải nói thêm đẳng cấp thường được xét qua chất lượng của sản phẩm phát sinh. Ở đây thành tích phải được chứng tỏ qua thời gian đủ dài để thành phần tốt nghiệp được thử thách trong nghiệp vụ.

PV. Vậy theo GS, hiện nay nước ta đã có trường ĐH nào gọi là "có đẳng cấp quốc tế" chưa? Vì sao vậy?

NĐH. Hiện nay tại nước ta có tiêu chí nào căn bản đề ra ở trên được các ĐH Việt Nam ứng nghiệm và thực hiện mà cứ bảo là "có đẳng cấp quốc tế". Tuy nhiên, vấn đề là phải có tư duy để hướng tới đẳng cấp. Có tư duy tốt, có định hướng rõ việc đẳng cấp chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng phải nói là hiện nay tôi vẫn chưa thấy Việt Nam thoát ra ngỏ cụt của tư duy, xác định một hướng đi đồng bộ và quyết liệt. Không có những động tác này thì mọi vấn đề vẫn còn trong dự định mà thôi…

PV. Đã gần 5 năm từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Giáo sư nhận định thế nào về sự tác động của NQ này đối với cuộc sống của kiều bào?

NĐH. Phải nói sau gần 5 năm tác động của NQ 36 không như mong đợi ban đầu. Những biện pháp cải tiến chỗ đứng của VK trong cộng đồng dân tộc như miễn chiếu khán (VISA), cấp lại quốc tịch Việt Nam, không phủ nhận việc có hai quốc tịch, mở rộng diện được sở hữu nhà tại Việt Nam đến hơi "bị chậm", đôi khi thiếu tính đồng bộ và dứt khoát. VK quá quen với những khẩu hiệu, VK thường nhìn ở hành động. Tôi có cảm tường nhà cầm quyền bằng lòng với việc chất xanh tự động rót về ngày càng tăng trưởng của VK nhưng chưa quan tâm nhiều đến chất xám. Hay có quan tâm họ cũng chưa muốn hay chưa tạo được điều kiện cần thiết để thu hút chất xám đích thực một cách có hiệu quả. Thứ kim loại đặc biệt quý giá này đòi hỏi một môi trường thông thoáng, tôn trọng tính độc lập của tri thức, tôn trọng sự thực, luật pháp nghiêm minh, tự do tư tưởng...

PV. Chắc hẳn hàng ngày GS vẫn thường xuyên theo dõi báo chí? Những tờ báo mà GS thường xuyên đọc?

NĐH. Ở Bỉ hay ở Việt Nam, tôi có thói quen đọc nhiều báo, mỗi ngày hai ba tờ, chưa kể các tuần báo, các báo điện tử… Tôi thích những tờ báo đa chiều, độc lập với các thế lực chính trị. Tại Việt Nam gần đây, báo chí có vẻ co cụm lại để tự vệ. Mọi người sợ thổi còi, vào tù, đồng loạt qua lề bên phải thận trọng bước chậm lại để tồn tại. Các tờ báo tôi đọc hằng ngày như nhẹ đi. Tôi mua mỗi ngày đến ba tờ nhật báo mà chỉ tốn mười lăm phút là đọc hết. Những vấn đề đặt ra na ná như nhau, quan điểm mất hẳn tính đặc sắc của những tờ báo gần gủi người dân…

PV. Có khi nào GS so sánh báo chí trong nước với báo chí nước ngoài? Có điều gì khác biệt?

NĐH. Làm sao so sánh được báo chí trong nước với báo chí nước ngoài, đặc biệt báo chí Châu Âu, nơi mà tôi đã sống gần năm mươi năm. Tại Châu Âu, tự do báo chí là thiêng liêng… Báo chí không khách quan, không phát hiện sự thực, không có tâm của người viết là không có người đọc, là bị đào thải... Xin đơn cử với nhà báo một ví dụ, một nhân chứng… Trong những năm 70 chính tôi đã từng làm báo sinh viên tại Liège, Vương quốc Bỉ, vừa là nhà biên tập, vừa người tài trợ và phân phát báo... Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, ngay trên nước có Tổng hành dinh NATO, sinh viên chúng tôi ra báo để đấu tranh đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, tôn trọng nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, ủng hộ cách mạng Việt Nam. Chúng tôi ra ra báo (tờ Tranh Đấu và sau đó tờ Hiện Diện) mà chẳng cần xin phép ai cả, chỉ phải ghi rõ trên trang đầu tên tuổi và địa chỉ của người trách nhiệm, thế là hợp lệ, là đúng luật. Vậy mà báo sống dài qua năm tháng, chỉ chấm dứt khi mục tiêu đấu tranh không còn nữa (hay tài chính cạn kiệt…) mà thôi… Tôi còn giữ một ít phiên bản của các báo này. Có dịp sẽ giới thiệu cho nhà báo xem.

Nếu báo không xúc phạm đến nhà vua, không thóa mạ ai, chỉ nói lên quan điểm chính đáng của người viết một cách ôn hòa, không kích động bạo lực thì không ai có quyền thổi còi cả…

Trước năm 60 ngày còn là học sinh ở Sài Gòn, tôi đã sống dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tuy lúc bấy giờ, báo chí tư nhân được phát hành nhưng những quan điểm thiên tả, thiên cách mạng bị kiểm duyệt chặt chẻ. Tuy còn quá trẻ, tôi cũng đã rất bức xúc vì không khí ngột ngạt ấy. Ngày 21 tháng 12 năm 1960 khi đến phi trường Buxelles, lần đầu tiên đặt chân đến Châu Âu bất đầu du học dài hạn, tôi đã đứng thẫn thờ trước một sạp bán báo, nước mắt chảy ràng rụa vì xúc động trước bối cảnh tự do báo chí của xứ Bỉ. Trên sạp, tôi tìm thấy bày biện, ngoài những tờ báo thông thường phương Tây, nhan nhản những tờ báo cộng sản chánh cống: báo "Humanité" (Nhân Loại) của đảng cộng sản Pháp, báo "Drapeau Rouge" (Cờ Đỏ) của đảng cộng sản Bỉ, báo "La Pravda" (Sự Thật) của đảng cộng sản Liên Xô. Tôi còn tìm thấy ngay cả Nhật báo Nhân Dân của đảng cộng sản Trung Quốc, báo La Voie du People (Con đường Nhân dân) của đảng cộng sản Bỉ, ly khai thân Trung Quốc!

Báo chí Việt Nam và báo chí Châu Âu khác nhau xa đến trăm năm ánh sáng…

Vấn đề tự do báo chí tại Châu Âu đã được tranh cải vả giải quyết rất sớm ngay trong thế kỷ 18 kia. Ta nhớ câu nói của văn hào Voltaire người Pháp (1694-1778) được tôn vinh là một trong những danh nhân nỗi tiếng, rất sớm nặng tình với việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Xin trích lời phát biểu nỗi tiếng của ông : « Je hais vos idées, mais je me ferai tuer pour que vous ayez le droit de les exprimer » (I do not agree with what you have to say, but I'll defend to the death your right to say it, Tôi không đồng ý với điều ông phát biểu, nhưng tôi sẽ hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ quyền ông nói lên điều ấy).

PV. Những thể loại bài viết nào trên báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của cá nhân GS? Vì sao như thế?

NĐH. Tôi quan tâm đến những phóng sự về cuộc sống của người dân, đến những bài báo mang hào khí đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đến những bài báo nói lên sự thật, binh vực lẻ phải, kẻ yếu… Đặc biệt, tôi chú ý những bài báo nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân, những bài báo cổ súy cho cái hay, cái đẹp cái đổi mới… Tôi thích những thông tin nhiều chiều nhưng nghiêm túc và có cơ sở.

Tôi phẫn nộ về những bài báo dụng ý xấu, bôi nhọ cá nhân vô chứng cứ. Tôi ngưởng mộ những nhà báo không sợ hãi trước bạo hành, có tâm với nghề làm báo, luôn luôn đứng bên cạnh sự thật và lẻ phải. Tôi không quan niệm nhà báo là một viên chức nhất thời mà một cái nghề đích thực, đòi hỏi chẳng những tài ba mà còn là tâm huyết, tinh thần hy sinh cao cả…

PV. Vậy theo GS, báo chí đóng vai trò thế nào trong sự vận hành chung của xã hội?

NĐH. Tôi có cảm nhận báo chí là nhân tố không thể thiếu được cho một xã hôi văn minh và ổn định. Người ta vẫn thường nói báo chí là tứ đại quyền, ba đại quyền khác là hành pháp, tư pháp và lập pháp. Vấn đề là phải có cơ thế công nhận tính độc lập của quyền này, ấn định và tôn trọng sự vận hành của nó trong xã hội. Nhà nước cần báo chí để công bố và phổ biến thông tin kịp cho nhân dân và quốc tế các chính sách, biện pháp điều hành của mình. Người dân cũng cần báo chí để thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình Cho nên báo chí giữ vai trò then chốt trong tương quan biện chứng dân chúng-chánh quyền. Củng cố uy tín của mình : thông tin xác thực và kịp thời, phản biện chính xác và đúng mức là điều kiện cho việc phát triển hài hòa của xã hội. Có thể nói báo chí vừa là trí tuệ của quốc gia vừa là tai mắt của nhân dân. Chỉ cần đọc báo người ta cũng có thể đóan được trình độ của người dân bạn đọc, đẳng cấp của nhà cầm quyền. Văn minh hay lạc hậu của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào công tác báo chí vậy.

PV. Xin chân thành cảm ơn giáo sư.