Tết là thời khắc thiêng liêng nhất của một năm. Để đón chào thời khắc này, người ở quê thường dành nhiều ngày chuẩn bị một cách rất trang trọng . Công việc đồng áng, mùa vụ cần phải hoàn tất trước khi năm cũ hết, năm mới sang. Trong những ngày giáp Tết, không khí càng rộn ràng và tất bật hơn.
Tết là một dịp vô cùng quan trọng đối với bọn trẻ chúng tôi theo cách riêng của trẻ thơ. Mấy ngày này không phải học hành, lại được thỏa thuê vui chơi, ăn uống nhiều loại bánh ngon trái lạ cùng với niềm vui của áo quần đẹp giày dép mới. Một điều quan trọng không kém là trong mấy ngày Tết, lỡ có lỗi gì cũng không bị la rầy vì người lớn kiêng kỵ. Tất cả những điều ấy, chỉ có trong dịp đặc biệt này, nên không có niềm vui nào lớn hơn mỗi khi Tết về với nhiều ngày đợi chờ và đếm thời gian trôi ngược. Từ lúc còn chừng 20 ngày, rồi 19…18…, tâm trạng hồi hộp, chờ đợi và vui mừng đan quyện vào nhau trong đứa con nít tôi thời ấy.
Mong đợi nhất là đêm 29 Tết, cả nhà cùng nhau thức canh lửa nồi bánh tét. Không khí gia đình ấm cúng và vui lạ. Mặc dù ngoài trời, gió đông hụ từng cơn đến rợn người. Bên chái bếp, ánh lửa bập bùng suốt một ngày một đêm sưởi ấm cả một góc nhà. Thường thì sáng sớm ngày 29 âm lịch, mẹ tôi gói bánh, mấy chị cột bánh bằng lạt dây dang chẻ mỏng. Nhà tôi nấu bánh tét suốt 48 tiếng mới vớt ra. Vì nấu kỹ như vậy, bánh để được nhiều ngày mà không bị ‘sống’ nếp trở lại. Ban đêm, cả nhà ngồi xúm xít nhau canh lửa bánh tét là thú vị nhất. Từng câu chuyện xưa cũ của cha mẹ hồi ông bà còn trẻ trở thành đề tài sôi nổi cho con cái và là nguồn gây nên những tràng cười giòn tan cứ liên tục vang lên. Lớn nhỏ gì cũng có chuyện để góp vào cuộc vui chung của đêm canh bánh tét. Bên cạnh nồi bánh tét to đùng trên bếp, một nồi nước lá chanh thơm phức đặt ké bên để mấy chị em chúng tôi lần lượt lấy nước nóng tắm ‘tất niên’. Tắm xong, chúng tôi trở lại quanh bếp lửa hồng bập bùng giữa trời đêm cô tịch. Ngoài lý do kể chuyện và hóng chuyện người lớn kể về quãng đời thơ ấu của mình, tôi có một lý do khác để ngồi đợi bên nồi bánh tét là trong nồi bánh này, tôi được phép giữ riêng cho mình hai chiếc bánh ú nhỏ xíu với chút nếp thừa và nhân đậu xanh dư. Hai chiếc bánh ấy sẽ được vớt trong đêm trong khi các cây bánh tét đến tận ngày mai. Được sở hữu riêng hai chiếc bánh ú nhỏ xinh xắn là niềm vui của tuổi thơ chứ nào có ăn uống gì. Niềm vui thời thơ ấu giản đơn vậy thôi. Khi đem hai chiếc bánh ú cất riêng rồi thì tôi yên tâm đi ngủ được rồi, nồi bánh còn lại, ai thức canh lửa, thay nước là chuyện của mấy chị, tôi không còn quan tâm nữa. Hai chiếc bánh ú ấy tôi cất mấy ngày sau mới ăn và những ngày lưu trữ nó bên mình là cả một niềm vui lớn, nó cứ lâng lâng trong người. Khi lớn rồi nghĩ lại thấy…đúng là trẻ con!
Ngày 30, ai cũng có việc nhằm dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sau trước, lau dọn bàn thờ, cúng bông chưng trái, hái cà nhổ rau.., chuẩn bị mọi thứ mới mẻ để đón chào năm mới. Đêm 30, năm nào cũng thế, sau khi mấy chị đi Chùa về, mẹ căn dặn chúng tôi những điều cần làm trong 3 ngày Tết. Mỗi năm, mẹ lặp lại một cách trịnh trọng những điều nên làm và cấm kỵ vốn rất kinh điển. Đại loại là sáng sớm mồng một không được làm người đầu tiên đến nhà người khác để rồi chịu tiếng là người ‘đạp đất’ để tránh bị ‘đổ thừa’ nếu gia đình người ta không được may mắn tài lộc trong năm ấy. Chỉ vì tục ‘đạp đất’ ngay cả đối với nhà mình, không năm nào chị em tôi được đón giao thừa tại chùa cả. Mẹ tôi còn bảo con cái, đứa nào nặng vía thì sáng mồng Một không được dậy sớm. Lỡ có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, được mẹ ‘phân công’ từ đêm giao thừa, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường. Có năm tôi được 'phân công', nhưng vẫn cứ lo, liệu mình có đem vận không may đến cho gia đình không nhỉ. Thấy 'trách nhiệm' nặng nề cho suốt một năm, sau lần đó, tôi không bao giờ nhận làm người đặt chân xuống đất đầu tiên ngày mồng Một Tết nữa. Suốt ngày mồng một không được quét dọn vì nếu làm như thế, mình đã ‘quét’ tiền của và vận may ra khỏi nhà (he he). Tất cả mặc quần áo mới trong ngày mồng một với mong cầu cả năm được no cơm ấm áo. Khách đến thăm nhà thì ra thưa chào lễ phép rồi đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện. Ngày thường chúng tôi hóng chuyện người lớn thì khách về là bị la liền. Còn mấy ngày Tết, đứa nào hóng chuyện thì bị ‘ghi sổ nợ’, sau ba ngày Tết mới đem ra xử. Ở quê nghèo nên không có khách nào lì xì chúng tôi nên khoản này mẹ tôi không dặn là chúng tôi được phép nhận hay không. Một điều khá quan trọng là chúng tôi không được mặt ủ mày ê mà phải tươi cười vui vẻ, không được gây gổ lẫn nhau để mong cầu một năm vui vẻ bình an, trên thuận dưới hòa, gia đình êm ấm.
Thời gian trôi, chúng tôi lớn dần rồi mỗi người mỗi ngả. Trong cuộc sống, bao đổi thay nơi con người mình, bao sự việc đến rồi đi, tâm thức dập dềnh theo từng nhịp sống. Trong bao điều đổi thay, có những điều không thay đổi mà vẫn còn lưu dấu trong tiềm thức như một tài sản mà hễ có dịp nghĩ về, nhắc tới là cảm xúc trào dâng. Những chuyện cỏn con ngày Tết hay không khí gia đình ấm cúng dấy lên trong lòng tôi mỗi dịp xuân về. Khi đi xa, kỷ niệm đẹp trở thành đẹp và lung linh hơn. Nơi quê người, nhớ không khí Tết nhà quê đến rạo rực trong lòng.