Saturday, January 31, 2009

Ngát miền thơ ấu

Dòng đời tuôn chảy mang ta đi xa vòng tay quê hương nhỏ bé, mộc mạc và giản đơn. Càng đi xa, nỗi nhớ về một miền quê bình yên càng quay quắt, khi ầm ào như muốn có phép thần chắp cánh bay ngay về miền quê hiền lành xưa, khi dịu êm lịm vào trong tâm thức, khi chơi vơi hụt hẫng giữa xứ người, lòng nhớ về một miền thơ ấu đong đầy tâm thức với bao kỷ niệm đẹp.


Ký ức tuổi thơ thường gắn với khung cảnh quê nhà với bờ rào bờ dậu đầy hoa đồng cỏ nội. Ký ức còn lưu lại nhiều nhất là mấy ngọn đồi trọc và rừng thưa gần nhà Ngoại. Mỗi lần về Ngoại, như chim sổ lồng, tôi nhập nhóm cùng bao đứa trẻ như tôi, mê mẩn suốt ngày với đồi với núi. Tôi thích nhất là cùng với nhóm bạn trạc tuổi mình đi giữ bò. Đưa bò vào rừng, lui ra bìa rừng, thế là mặc sức chạy nhảy, chơi đùa trên các mỏm đá, sà vào các lùm hoa dại ngắm nhìn không chán mắt, ngửi hương không muốn rời rồi bày các trò chơi không biết mệt. Trong cảnh núi rừng yên ắng, cỏ cây hoa lá kết thành một bức tranh đẹp. Yêu nhất là các loài hoa dại nhiều màu sắc quyện lẫn vào nhau, hoa sim tím ngát, hoa mua tím mặn mà mộc mạc, hoa ngũ sắc (ở quê tôi gọi là bông trâm hôi) nhiều màu sặc sỡ, sao mà nhẹ nhàng và thanh thoát nổi bật trên nền xanh mướt của lá và xanh nhạt của trời đến thế.

Thêm vào đó là âm thanh của vài tiếng chim lạc đàn gọi hoảng. Tiếng ong mật u u bay tới bay lui chọn hoa trước khi sà xuống. Bướm nhiều màu chấp chới bay lượn vui như ngày hội. Làm nền cho khung cảnh yên bình song vẫn đầy sức sống này là mùi hương nhè nhè nhưng đậm đà của các loài hoa. Hoa chặc chìu nho nhỏ màu trắng ngà nấp trong nách lá trong chiều tà toát lên một mùi hương thơm lừng. Hoa dủ dẻ e ấp trong bụi rậm, càng về đêm càng thơm quyện một mùi đằm thắm rất đỗi ‘quê hương’. Hương các loài cỏ dìu dịu ngọt ngào đến quyến luyến ở triền núi miền quê bán sơn địa của mình theo tôi suốt hành trình xa quê. Theo làn gió nhẹ, hương hoa ổi vương nhẹ từ mấy cây ổi rừng nở hoa trắng xóa, hòa với hương các loài hoa dại tạo thành một mùi hương tao nhã. Tất cả tạo thành bản giao hưởng của thiên nhiên trên nền đồi hoang sơ. Nhớ làm sao cái màu tím ngát hoa sim rừng loang trên vách đá, màu tím sậm hơn của hoa mua dân dã, vị ngọt say người của những trái sim rừng tròn trịa đỏ mọng và hương thơm nồng thắm mùi quê của hoa dủ dẻ e ấp giấu mình trong chùm lá!

Hoa sim

Sim là một loại cây mộc mạc, hoang dã nhưng đậm chất thi ca. Ca dao có câu “Buồn lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Nói đến hoa sim, tôi nghĩ ngay đến một loài cây có sức sống mãnh liệt và dễ chịu. Trên đất khô cằn cỗi, triền đồi hay ven suối, thậm chí chen trong kẽ đá, nó vẫn vươn cành tươi tốt, mặc cho đất trời mưa hay nắng. Lúc nào và ở đâu, cây sim rừng cũng bằng lòng với cuộc sống mà biểu hiện rõ nhất là luôn tươi tắn nở hoa. Nhằm mùa thì hoa rộ đính đầy thân cây, trái mùa thì lác đác vài nụ. Thường thì từ tháng 12, sim bắt đầu vươn cành đâm nụ và cây rộ hoa vào mùa xuân, nhất là ngay trước và sau tết nguyên đán. Sẽ không quá lời nếu gọi hoa sim là hoa xuân của núi, mặc dù có nhiều loài hoa khác cùng đua nở trong tiết xuân. Cái đẹp vừa bình dị dân dã vừa quý phái thanh tao của sim, cái sức sống khỏe và dẻo dai của sim choàng lên núi rừng một lớp áo mới mỗi độ xuân sang. Khi xuân tàn, hoa sim cũng tàn theo để kết trái rồi chín mọng treo lủng lỉu trên cành vào mùa hè. Sim khi chín màu tím thẫm, căng tròn, mọng nước, ngọt lịm và có hương thơm dịu nhẹ. Nếu chưa chín muồi, sim có màu tươi hơn và có thêm vị chua và chát nhẹ như mang theo hương vị hoang dại của núi rừng. Chính có vị chát tự nhiên này, lá sim non và nụ sim được dùng chữ bệnh tiêu chảy. Lá sim còn có công dụng sát trùng nữa. Đi trên triền đồi hay lội trong rừng, thỉnh thoảng chúng tôi bị vấp té, trầy sướt gì cũng hái mấy lá sim, nhai nhuyễn rồi đắp vào, thế là cầm máu.

Sim gợi nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ bài nhạc ra đời, nổi tiếng nhất là bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, do Chinh Dzũng phổ nhạc. Những đồi sim quê tôi cũng từng làm cho nhà thơ đất Quảng Bùi Giáng ‘tức cảnh sanh tình’. Ông đã tái hiện đồi sim quê hương qua các vần thơ ông viết vào năm 1950, khi ông còn chăn bò trong các đồi sim:

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín,
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim,
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín,
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh.
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa,
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh,
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả,
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình…


Bọn trẻ chúng tôi chỉ đợi đến mùa sim chín, cũng là lúc nghỉ hè, tha hồ mà rong ruổi trên đồi sim. Dạo một hồi, từ tay đến răng miệng, đứa nào cũng nhuộm một màu tím ngắt, trông ngây ngô và dễ thương làm sao. Cây sim giản đơn mà thanh tao vì cành dài uyển chuyển thon thả, lá trơn và thon dài ra dáng mộc mạc mà thư sinh. Sim vốn dễ thích nghi, cứ phong trần ngẩng cao vẫy tay cùng nắng gió, trông thảnh thơi lắm. Hoa sim có cấu trúc đơn giản, cánh tươi, mỏng, đẹp nhẹ nhàng với màu tím biêng biếc. Nhụy hoa màu thẫm hơn một tí, mỗi tia nhuy mang theo túi phấn vàng rực làm cho cả nụ hoa toát lên nét đẹp hoang sơ mà đằm thắm. Sáng sớm, cứ nhìn những giọt sương đêm còn đọng trên phiến lá và lăn nhẹ trên cánh hoa, trong như pha lê trong làn gió sớm, lắng nghe đất trời sao quá đỗi thiêng liêng. Chiều xuống, hoa tiễn nắng về cuối trời nên ta có cảm giác màu hoa buổi chiều thẫm hơn một tí, nhuộm chiều tà một màu tím mênh mang. Trên cao là trời xanh thật xanh, mây trắng thật trắng. Thiên nhiên thật toàn bích!

Hoa mua

Cây hoa mua chân chất, mộc mạc ra dáng một cô thôn nữ. Thân mua thấp, cành mập mạp, lá dày và có lông. Hoa mua màu tím thẫm hơn hoa sim nhưng không kém phần quyết rũ. Trái mua tròn trịa, có lông và không ăn được, khi chín thường bị nứt nẻ. Thay vì phơi mình trên ven đường triền núi như sim, mua chọn cách e ấp mình nơi ven suối. Kín đáo, mặn mà và mộc mạc, mua chân tình với màu tím ngát. Cánh hoa mua lớn hơn Cánh hoa mua hớn hơn cánh hoa sim một tí, nhưng không vì thế mà thiếu đi nét mềm mại, nhẹ nhàng và tế nhị. Mua có mùi thơm ngọt ngào lắm. Tuy không là nguồn thơ dạt dào như sim, mua cũng là đề tài khá đặc biệt để nhiều ngòi bút gởi tâm sự kín đáo của mình vào cánh hoa quê này. Nhà thơ hay mượn tên của cây mua để dùng từ ‘mua’chơi chữ với nghĩa ‘mua bán’. Câu cổ nhạc quen thuộc ta thường nghe là “Hoa mua ai bán mà mua, mẹ không ngã giá cho vừa lòng quan...”. Thanh Trắc Nguyễn Văn có bài thơ ‘Hoa Mua’ cũng rất là duyên, có đoạn đầu thế này:

Ngày xưa hai đứa chiều chiều,
Rủ nhau chơi hái thật nhiều hoa mua,
Hoa mua em bán tôi mua,
Tiền là lá rụng cuối mùa vàng bay.
Rồi tôi kết lá thành dây,
Kết hoa vào lá, kết ngày vào đêm,
Kết thành hoa cưới trao em,
Vòng hoa tím mái tóc mềm bến song,
Cô dâu cười ửng má hồng,
Dắt tay chú rể chạy rong khắp làng …

Cái nét đẹp mặn mà của hoa mua làm tôi mê mẩn. Cành hoa rắn khỏe, đài hoa tròn và dày chắc, nâng đỡ những cánh hoa tím ngát, trong suốt, mỏng manh và rung rinh trong gió đầy quyến rũ và bí ẩn. Nét hương đồng cỏ nội, vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên và cả cái bao la khoáng đạt của đất trời dường như gói trọn trong cánh hoa mua tim tím này thì phải. Mua chọn cho mình một chỗ đứng kín khuất bên bờ ao trũng hay ven suối, như cô thôn nữ e ấp dịu dàng. Loài hoa này hay được nhắc đến là do vẻ đẹp mộc mạc dễ thương trong khung cảnh hoang sơ của núi rừng hay cảnh đồng quê thôn dã.

Hoa dủ dẻ 

Có một loài hoa gắn liền với tuổi thơ của tôi và nằm nguyên trong ký ức, dù qua bao chặng đường đời lúc bình yên hay khi va đập, mãi đến tận bây giờ là hoa dủ dẻ. Đó là một loài hoa cánh vàng mơ nhạt, nhụy như một gương sen tí hon điểm vàng lấm tấm. Hoa này đặc biệt có mùi thơm rất quyến rũ, quyện trong gió lan tỏa ra xa và chỉ tỏa hương khi chạng vạng tối trở về đêm. Ở quê tôi, loài thảo mộc này nhiều lắm. Chúng lặng lẽ đứng bên vệ đường làng, triền núi hay ẩn mình nơi cuối bờ đê.

Dủ dẻ mọc thành bụi, lá lớn nhưng hoa nhỏ xíu. Hoa dủ dẻ không đẹp, nhưng có mùi thơm rất đặc biệt, càng về đêm càng thơm. Hễ nghe mùi dủ dẻ ở đâu, những cặp mắt ngây thơ của chúng tôi cứ sục tìm theo làn hương quyện tỏa và mừng rỡ khi phát hiện ra đóa hoa nhỏ nhắn nấp mình trong lá. Con nít chúng tôi, không đứa nào không thích hương thơm hoa dủ dẻ. Mùi hương loài hoa này rất quyến rũ tuổi thơ. Tôi ghiền hoa dủ dẻ đến độ mỗi chiều tôi phải tìm hái ít nhất một hoa đem về để vào cái hộp nhỏ, có nắp đậy kín, để trên bàn học, cho mùi hương thoang thoảng tràn đầy không gian.

Cứ mỗi khi chiều xuống cũng là lúc mùi thơm của loài hoa quê mùa chân chất này bắt đầu tỏa hương, đan quyện trong gió, cuốn lên trong không trung bàng bạc. Mùi hương dịu nhẹ thoảng ra từ những cây dủ dẻ mọc hoang ven đường, triền dốc khiến người đi đường ngây ngất. Còn bọn trẻ chúng tôi chưa một lần bước qua bụi dủ dẻ đang ngát hương mời gọi mà không ghé vào. Chiều chiều, đưa trâu về chuồng là lúc hái được nhiều hoa dủ dẻ nhất. 
Màn đêm càng dày, cảnh vật càng lặng là lúc hương hoa càng nồng. Tôi còn nhớ, hầu như mỗi chiều, đều chạy vào hàng rào nhà bác tôi, nơi có nhiều hoa dủ dẻ, tìm hoa nở, luôn tiện ơi ới gọi đứa bạn cùng lớp nhà ở bên kia hàng rào! Tuổi thơ đẹp và trong veo như trời vào Hạ! 

Hoa dủ dẻ đi vào thơ ca không ít, nhất là xuất hiện trên những trang viết về hồi ức của người tha phương khi nghĩ nhớ quê nhà (nếu quê nhà các văn thi sĩ có loại hoa dại mang tên ‘dủ dẻ' cho hương thơm thật đậm đà và thật ngát này). Hồ Ngạc Ngữ trong bài thơ “Bông dủ dẻ” đã viết “Muốn tặng em bông hoa dủ dẻ/ Sợ trống hương thơm một khoảng trời.” Quê tôi nhiều dủ dẻ, nên không lạ gì nhiều nhà thơ, nhà văn đất Quảng viết về hoa dủ dẻ. Nhà văn Dạ Thảo Linh (Nguyễn Một) có một tập truyện ngắn lấy tên loài hoa dại quê ông “Hoa dủ dẻ”. Huỳnh Ngọc Chiến cũng có bài viết về loài hoa này. Nhà thơ Lê Hân hồi tưởng lại:

Những buổi trưa cúi lom khom trong bụi,
Trốn tàu bay do thám đảo vòng vòng,
Bàn tay cầm một nụ hoa dủ dẻ,
Hương cùng lòng như bay bổng lên không.


Hoa dủ dẻ biết mình không đẹp nên đã ẩn giấu trong lá và âm thầm tỏa hương thơm ngọt ngào để bù vào phần sắc. Thế nhưng, ai đã một lần ngửi hương hoa này thì không thể nào quên. Thuở bé, không khi nào trong túi áo của tôi thiếu hoa dủ dẻ. Hoa để lâu, cánh sẽ chuyển từ màu vàng sang màu nâu thẫm, trông càng xấu xí, nhưng mùi thơm vẫn không kém đậm đà, để đến ngày sau mùi vẫn còn vương. Yêu mùi hương thơm lừng của dủ dẻ, tôi có thói quen lấy hoa ướp vào quần áo tự lúc nào cũng không biết. Mấy cô gái mới lớn trong làng lấy hoa dủ dẻ cài trên mái tóc làm duyên là chuyện thường. Lớn rồi, khi học cấp 3 trường thị xã, tôi vẫn thường nhét trong cặp vài đóa hoa dủ dẻ để tặng bạn bè thị xã, những người chưa từng biết đến hoa dủ dẻ tràn ngập đường quê.

Không chỉ hoa dủ dẻ hút hồn bọn trẻ chúng tôi mà các bộ phận khác của cây đều phục vụ cho bọn nhóc. Với lá dủ dẻ thon dài, chúng tôi vấn kèn lá dủ dẻ là một trò chơi không đứa trẻ nào ở xóm tôi bỏ qua. Chiều chiều, sau khi lùa bò vào sâu trong rừng, chúng tôi nằm nhìn trời xanh, ngắm mây trắng và thổi kèn lá dủ dẻ tò te du dương trầm bổng, thú vị vô cùng. Âm thanh ngân vang, tan loãng vào không trung, trôi bồng bềnh theo từng áng mây, tâm hồn bay bổng. Cảnh vật miền quê trầm lắng và yên ả, như không thể nào yên ả hơn. Thổi kèn chán thì chúng tôi đi hái nụ hoa dủ dẻ. Chọn búp nụ mập mạp, tròn trĩnh, chúng tôi hái cất vào túi, về nhà làm con vụ, chạy tít xoay tròn trên nền nhà, nhìn vui mắt lắm. Các hoa nở có các cánh cân đối, thẳng trục với cuống hoa cũng được ngắt về làm con vụ. Trái dủ dẻ chín màu vàng tươm kết thành quầy cũng không qua mắt chúng tôi được. Những lúc chơi đồ hàng thì chúng tôi gọi trái dủ dẻ là chuối. Trái dủ dẻ ăn cũng hay hay, mùi thơm, vị ngọt, cơm ít hạt nhiều, hạt cứng màu đen, đậm đà hương đồng nội.

Hoa dủ dẻ là một loài hoa dại rất phổ biến ở quê hương tôi. Đi đâu, dù miền cát trắng gần biển hay trên các triền núi đất đá cằn cỗi, hay ven song êm ả, ta đều có thể thấy dủ dẻ. Khi lớn lên, có dịp đi xa, nhớ hương dủ dẻ quê nhà, đến miền khác, tôi cũng thử tìm cây dủ dẻ, nhưng tôi không thể tìm được loại cây này. Hương dủ dẻ, từ trong tâm tưởng, trở thành một thứ hương quê, kết quyện đặc sánh trong lòng. Suốt nhiều năm tuổi thơ tôi gắn liền với hương hoa dủ dẻ đã giữ lại trong tôi một miền thơ ấu dấu yêu. Làm sao quên được, chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, một loài hoa dại khiêm tốn ẩn mình trong lùm cây ven đường làng hay triền đồi bắt đầu tỏa hương thơm nức.

Hoa dủ dẻ không có sắc, chỉ có hương thơm dịu ngọt quyện tỏa khi màn đêm bắt đầu buông rèm trên bầu trời xam xám. Cái duyên ngầm của dủ dẻ là ở mùi hương ấy. Cứ mỗi hoàng hôn, tụi trẻ chúng tôi dắt nhau lục tìm hoa dủ dẻ, cất vào túi, vào cặp sách để ướp hương, theo cái kiểu người lớn xài nước hoa vậy. Cái mùi hương làm cho bao người, cũng như tôi nghiện lúc nào không biết. Những dịp về quê nhà, tôi đều tìm hoa dủ dẻ nhưng tiếc rằng càng bụi hoa dủ dẻ, cũng như hoa sim hoa mua, ngày càng ít đi. Những con đường đượm màu hoang dã với cây cỏ um tùm ngày càng ít đi, nhường chỗ cho các con đường bê tông hóa đến từng thôn xóm. Nhiều người Quảng ở Sài Gòn, đem sim, mua và dủ dẻ về phố thị để mong tìm lại chút hương quê của người xa xứ nhưng rồi nó cũng cọc còi tàn phai héo úa dù được chăm sóc cẩn thận. Những cây hoa dại này vốn quen với đất cát khô cằn sỏi đá nơi quê nghèo mà không thích nghi được với ánh đèn xanh đỏ nơi các đường phố nhộn nhịp suốt ngày đêm của phố thị phồn hoa.Giờ đây, giữa dòng đời ngược xuôi hối hả, những kỷ niệm êm đềm của một miền thơ ấu mở ra trong từng ngăn hoài niệm thật đẹp trong từng chặng đường đi qua. Hoài hương, trong lòng tôi là những hình ảnh của một miền quê yên ả, tĩnh mịch, dân dã và thấm đẫm hương đồng nội. Quê hương là nơi ta gởi lại một thời thơ ấu. Quê hương là hoa sim tím phớt dáng duyên, là hoa mua tím ngát mặn mà. Quê hương là con đường làng nồng nàn mùi hương thơm dịu dàng sâu lắng của hoa dủ dẻ. Quê hương là hình ảnh bụi chuối sau hè, những con cuốc kêu buồn trong đêm hè oi ả.
Quê hương là tiếng chim cu gáy gù gù quen thuộc như vừa gần vừa xa trong sớm mai yên bình, là những ngọn cỏ ngậm giọt sương mai trong veo. Quê hương là làn gió khe khẽ len trên từng phiến lá, nhẹ nhàng mơn man từng cánh hoa trong buổi sáng hè. Quê hương là trời cao xanh xa tít, là mây trong vắt như dải lụa mềm. Quê hương là những đêm trăng thanh gió mát và cả tiếng ễnh ương ộp oạp trong những ngày đông mưa dầm u ám. Nhớ quê hương, nhớ miền thơ ấu với đầy ắp kỷ niệm kết gom từ chuỗi ngày tuổi thơ gắn với hương đồng cỏ nội. Một trời nhớ thương òa vỡ trong lòng.