Tự tin là một trong những kỹ năng sống rất quan trọng đưa ta đến thành công. Chính tự tin là yếu tố để quyết định người thắng kẻ bại trong cuộc sống. Con người hơn nhau chỗ có được sự tự tin hay không. Người tự tin không bao giờ đầu hàng số phận và đổ thừa cho hoàn cảnh, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất. Đứng trước thất bại, người tự tin xác định, dù có mất tất cả, ta cũng còn một cái, đó là niềm tin. Rồi ý niệm “thất bại là mẹ thành công” là động lực để người ấy toàn bộ tâm lực, trí lực và quyết tâm với niềm tin thành công. Người tự tin làm được nhiều điều kỳ diệu hơn mong đợi. Người tự tin ít khi tin vào may rủi trong cuộc sống mà tự tin vào chính bản thân họ có khả năng xoay chuyển tình thế và tận dụng những điều kiện khách quan bên ngoài để làm đòn bẩy cho đời mình.
Tự tin không phải là một yếu tố di truyền, cho nên chúng ta hãy tin tưởng, như bao người khác, bản thân chúng ta có khả năng thành người tự tin và là chủ nhân của đời sống chính mình. Tự tin chủ yếu qua sự giáo dục. Do đó, tính cách này cần được luyện tập càng sớm càng tốt, sớm đến mức không thể nào sớm hơn thì càng hay. Trong gia đình, chính cha mẹ là người đảm nhận giáo dục kỹ năng này, cũng như nhiều kỹ năng sống khác cho đứa trẻ. Một em bé 6, 7 tháng tuổi, trong giai đoạn bé tập ngồi, chúng ta đã có thể tập cho trẻ phát triển tính tự tin bằng ánh mắt khuyến khích, lời nói và cử chỉ có tính động viên và tán thưởng khi bé tập thành công một kỹ năng mới là ngồi chẳng hạn. Trẻ chừng 10 tháng tuổi nên khuyến khích trẻ tự tin ngay từ những bước chân chập chững đầu đời.
Khi được tán thưởng, trẻ em rất thích và muốn lặp lại những gì bé vừa làm được. Sự tự tin được hình thành và nuôi dưỡng từ thuở bé nếu cha mẹ và người thân biết cách. Nhà phân tâm học Freud đã đưa ra nhiều bằng chứng sau nhiều năm nghiên cứu về tâm lý trẻ rằng, những đặc tính tâm lý được hình thành ở trẻ trong giai đoạn đầu của cuộc đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của cá nhân đó ở các giai đoạn sau. Ví dụ một đứa bé ngán cơm, cứ bị ép ăn và không có quyền lựa chọn, phải ói ọe, phun cơm ra thì lớn lên, cá nhân ấy có nhiều khả năng trở thành người ưa nói những lời châm chỉa, xỉa xói, phỉ nhổ người khác. Đứa bé nào trong khoảng 1 tuổi rưỡi trở lên, được hướng dẫn tập đi vệ sinh đúng giờ giấc, lớn lên thường trở thành người có nguyên tắc sống tốt. Tự tin cũng như vậy, cần phải tập từ nhỏ và tiếp tục phát triển để trở thành một đặc tính ổn định của một con người. Cần phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và cách hành xử khi làm công tác bảo mẫu đối với trẻ nhỏ. Ví dụ một đứa bé chạy chơi trong nhà, chẳng may bị té, bé đau và khóc. Nếu cha mẹ hay người bảo mẫu muốn tập cho bé tính tự tin thì hãy để cho bé tự đứng dậy, nếu bé tự đứng được. Chỉ khi nào bé cần, mới đưa tay giúp bé đứng dậy. Hãy để cho bé khóc, đừng nóng ruột. Hãy chọn lời lẽ hợp lý, nói nhẹ nhàng với tâm đầy yêu thương để an ủi vỗ về bé, can thiệp ở mức độ vừa phải. Tuyệt đối không được tỏ thái độ bực bội và đổ thái độ nóng giận ấy vào lời nói, dù rằng, có thương con nóng ruột mà bực bội, mình đã sai trong phương pháp dạy con rồi. Chỉ cần nói “đau lắm không con? Con đừng chạy quá nhanh, lại té nữa bây giờ”. Nói được lời trên với con, đứa bé sẽ nhận ra được chính nó là chủ nhân của việc làm vừa rồi và dần dần, bé sẽ nhận ra được liên hệ nhân-quả trong hành động và lời nói của bé. Với cách dạy thế này, tôi tin đứa bé sẽ phát triển tính tự tin rất sớm và không bao lâu, tự tin sẽ trở thành một tính cách khá vững bền trong nhân cách của bé. Nếu vì nóng ruột mà la mắng bé, một thời gian sau, bé bắt đầu la mắng lại. Có lẽ người bé la mắng đầu tiên sẽ là cha mẹ, người thân thiết nhất của bé. Chắc hẳn không cha mẹ nào muốn con mình hành xử như vậy cả, nên cần phải ý thức khi thể hiện những hành vi với trẻ nhỏ. Không ít cha mẹ, khi con bị té đau, khóc như vậy thì chạy lại, đánh vào chỗ đất bé vừa bị té, vừa vỗ tay xuống đất vừa nói “đất này, mày hư này, mày làm em té…Uh, nín đi con, đất làm con té hả? Mẹ đánh đất rồi đó…” Thế là đứa bé nín. Cách hành xử như vậy thật không nên tí nào. Con bạn có thể nín lúc đó, nhưng vô tình bạn sai lầm khi nuôi dưỡng cái bản ngã của đứa bé và đổ thừa tác nhân gây ra sự việc té ngã là đất. Đừng đối xử như vậy nếu bạn không muốn con bạn trở thành người trốn tránh trách nhiệm khi bé lớn lên. Hầu hết những đứa trẻ tự tin thành công trong học tập và giao tiếp, có cái nhìn tích cực vào cuộc sống khi chúng nhận ra rằng, những gì chúng đạt được xứng đáng với công sức chúng bỏ ra. Con cái có tự tin hay không và tự tin đến mức nào phần lớn phụ thuộc vào phương cách giáo dục của cha mẹ và thầy cô giáo.
Sau đây là một số gợi ý để cha mẹ giúp con em mình rèn luyện tính cách tự tin:
Hãy chấp nhận và tôn trọng sự khác nhau trong khả năng và tính cách của trẻ. Con cái trong cùng một gia đinh, tuy cùng thừa hưởng cùng một nguồn gien di truyền từ cha mẹ, nhưng mỗi đứa mỗi khác. Tránh so sánh một cách công khai giữa các anh chị em trong nhà về sắc mạo, trí thông minh, năng khiếu… vì làm như vậy, bạn không giúp gì cho con cả mà chỉ tạo nên tâm lý tiêu cực cho các con bạn mà thôi. Để con bạn phát triển tính cách tự tin, bạn hãy gần gũi và phát hiện ra những khả năng đặc biệt của mỗi đứa trẻ để rồi khen thưởng, khuyến khích trẻ nhỏ phát triển sở trường, khắc phục sở đoản mà không sanh tâm tự cao hay tự ti đối với các anh chị em của mình. Hãy bình đẳng, trung thực và công bằng khi làm việc này. Không nên chê bai con bạn mà hãy góp ý trong tinh thần xây dựng, góp ý và khuyến khích. Cũng không nên chê bai hay nói lỗi con mình với người khác, nhất là nói trước mặt chúng. Những từ như “con cố gắng đi, con có khả năng làm được việc này tốt hơn ở lần sau” sẽ giúp đứa trẻ tự tin nhiều lắm.
Lời nói và việc làm của người lớn, nhất là cha mẹ tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triến tính cách tự tin ở trẻ em mà lắm khi chính cha mẹ cũng không ý thức hết được. Bạn la rầy, phàn nàn con cái thường chỉ để giải tỏa tâm lý của chính con người bạn. Như vậy là quá ích kỷ rồi, bạn đã sống cho bản thân mình hơn là cho con. Tính cách của con cái, sự tự tin của con trong cuộc sống cùng những hạnh phúc và thành công của đứa trẻ phần lớn ảnh hưởng từ lời nói cũng như việc làm của cha mẹ. Hãy ghi nhận những gì các em làm được trước khi góp ý những gì các em cần sửa là một trong những cách làm tăng trưởng tính tự tin ở trẻ. Đối với những gì các em chưa làm tốt, người lớn cũng nên đưa ra nhiều gợi ý để các em tham khảo và áp dụng.
Hãy dành thời gian nhiều hơn cho con cái. Hãy tiếp xúc, lắng nghe và tôn trọng con cái cũng như ý kiến của chúng. Sự thành công và niềm hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều về cách cư xử của cha mẹ. Đến với con trong tinh thần của một người bạn và hãy quên đi quyền lực của cha mẹ, con bạn sẽ chia sẻ thật lòng, tiếp thu ý kiến của chamẹ trong tinh thần cởi mở và quan trọng nhất là các em tự tin rất nhiều khi thấy mình được tôn trọng và ý kiến mình được lắng nghe. Tập cho các em biết quản lý thời gian, sắp xếp thời khóa biểu làm việc cho chính mình và cả việc quản lý chi tiêu. Đừng dành quá nhiều tiền cho con em mà hay vào đó, hãy dành nhiều thời gian. Khi có dịp, hãy để các em va chạm với thực tế để có thêm nhiều vốn sống và tự tin hơn. Đừng bao bọc các em như búp bê trong tủ kính để rồi các em chỉ biết màu hồng màu xanh rồi sẽ vấp ngã và mất niềm tin trong cuộc sống khi biết ra cuộc đời không chỉ có vậy.
Cha mẹ cần làm gương cho con từ cuộc sống thực tế của mình. Thường thì cha mẹ là thần tượng của con. Con cái học rất nhiều từ cha mẹ qua quan sát, bắt chước và ảnh hưởng một cách không ý thức trong quá trình chung sống và giao tiếp. Nhà tâm lý học Albert Bandura cho rằng, trẻ em rất nhạy trong việc bắt chước các hành động của người lớn mà chúng quan sát được. Thực nghiệm nổi tiếng nhất về mô hình hành vi kích động của ông là thực nghiệm búp bê bobo
[1] để rồi ông đưa ra bằng chứng cho thấy trẻ em học bằng cách bắt chước như thế nào. Trẻ em học qua tất cả các mối quan hệ trong môi trường giao tiếp xã hội. Cha mẹ và thầy cô giáo nên nhớ điều này để ý thức hơn trong việc dạy dỗ các em, không chỉ tri thức mà còn kỹ năng sống, trong mọi lúc mọi nơi. Hiểu được điều này, cha mẹ và thầy cô giáo cần làm gương bằng chính những lời nói và việc làm hằng ngày của mình để tạo điều kiện tốt nhất để các em phát huy khả năng của mình, hình thành tính cách tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống. Một khi cha mẹ tự tin trong cuộc sống, con em sẽ tự động noi gương.Cha mẹ không nên tạo môi trường bất an cho trẻ em. Muốn cho các em ham học, đừng bao giờ tạo áp lực dưới bất kỳ hình thức nào để các em phải sợ trường học. Muốn các em coi gia đình là tổ ấm, những người lớn trong gia đình cần thể hiện tình thương yêu, trách nhiệm và quan tâm lẫn nhau, là chỗ dựa tinh thần, là nơi đáng tin cậy để các em chia sẻ những buồn vui mà không phải lo ngại gì. Đừng dọa nạt trẻ vì như thế, sẽ không có lợi ích hoặc lợi ích tạm thời trong thời gian ngắn, nhưng cái hại thì nhiều hơn và ảnh hưởng lâu dài trong quá trình phát triển nhân cách ở trẻ. Lại càng không nên đánh đập, bạo hành thể xác cũng như tinh thần trẻ nếu không muốn các em trở thành người thích dung bạo lực và sau này có nguy cơ trở thành những thành phần bất hảo trong xã hội. Các em sẽ thiếu tự tin vào bản thân nếu được nuôi dưỡng trong môi trường bạo hành và bất an như vậy.
Cha mẹ hãy mở lòng, bao dung và kiên nhẫn với con cái. Khi trẻ em trẻ mắc phải lỗi lầm, hãy phân tích nguyên nhân và hậu quả của việc các em vừa làm và cho các em cơ hội để sửa sai. Đừng đặt tiêu chuẩn quá cao và đòi hỏi các em lúc nào cũng đúng. Làm như thế, cha mẹ sẽ thất vọng và khổ sở, con thì chịu áp lực nặng nề mà không tiến bộ gì. Hãy chấp nhận lỗi lầm của con như một phần của quá trình phát triển nếu không muốn trẻ em chúng ta trở thành người nói dối và thiếu tự tin trong cuộc sống. Hãy kiên nhẫn vì nuôi dưỡng tính cách một con người không phải chuyện của một, hai ngày mà là một quá trình theo dõi sâu sát liên tục của người lớn có trách nhiệm.
Để giúp trẻ em tự tin, một điều không thể bỏ qua của các bậc phụ huynh là tập cho trẻ cùng tham gia công việc với mình, đầu tiên với tư cách người phụ việc vặt, sau đó, cắt một phần công việc phù hợp với trẻ giao cho chúng. Theo Vygotsky, trong môi trường giao tiếp với người lớn hay bạn bè có khả năng hơn, trẻ em có khả năng phát triển ở mức độ cao hơn so với khả năng thực tế của các em khi làm việc một mình. Do đó, cha mẹ và thầy cô giáo nên lưu tâm điều này để có thể tiếp cận trực tiếp với các em qua công việc. Những lời dạy suông sẽ không có tác dụng bằng những hướng dẫn, góp ý trong quá trình cùng làm việc chung. Không nên cảm thấy khó chịu khi trẻ em không thể làm nhanh và hoàn chỉnh như người lớn. Hãy nhớ rằng, trong những lúc thế này, nhiệm vụ của mình là tiếp cận, hướng dẫn con em mình để chúng phát triển tính tự tin vào bản thân chứ mục đích không phải là xong việc. Hãy để các em tự thể hiện mình. Một em bé 3 tuổi muốn tự mặc chiếc áo thun chui cổ, hãy để em tự mặc. Loay hoay một hồi, em bé cũng sẽ tự mặc được, hoặc cuối cùng không được, bạn hãy giúp. Nếu em mặc không đúng, cổ ảo ngược ở phía sau lưng cùng đừng nóng vội phản ứng hay cười, em sẽ lung túng mất tự tin ngay. Hãy tập em bé quan sát để nhận biết mặt trước sau của áo để cho em tự tìm câu trả lời. Nên hãy nhìn nhận nỗ lực các em bằng vài lời khen hợp lý. Những câu nói như “mẹ thích cách con giúp mẹ dọn bàn ăn trưa nay”; “con trai mẹ ngoan thật, biết dọn dẹp đồ chơi gọn gàng”; “con gái mẹ biết nhường nhịn em như vậy thật đáng khen”… không mất tiền mua nhưng có tác dụng rất lớn trong việc giúp trẻ tự tin. Đừng quên tập cho các em tự đánh giá thành quả của mình. Làm được điều này, các em rất tự tin vào bản thân.
Hãy lắng nghe ý kiến các em. Mặc dù các em còn nhỏ, các em vẫn có ý kiến, quan điểm riêng của mình và người lớn nên tôn trọng, nhất là ý kiến về các vần đề có liên quan trực tiếp đến các em. Đừng ép một em bé mặc chiếc áo màu đỏ trong khi em thích mặc chiếc áo màu xanh. Thậm chỉ cha mẹ nên chấp nhận con sử dụng phương pháp ‘thử và sai’ (trial and error) để rồi tự các em rút ra quy luật vấn đề từ kinh nghiệm chính bản thân. Trong mỗi việc làm của trẻ, trong điều kiện có thể, chúng ta nên giám sát, theo dõi, hướng cho các em cách giải quyết vấn đề và chỉ can thiệp khi cần thiết và cũng chỉ ở mức độ cần thiết mà thôi.
Ai trong chúng ta cũng muốn con em mình thành người tốt, thành công trong cuộc sống. Hầu hết người làm cha làm mẹ cứ nghĩ rằng phải nỗ lực tạo ra của cải vật chất để mong con cháu mình có điều kiện để ổn định và phát triển cuộc sống. Ý niệm như vậy hoàn toàn đúng, nhưng dồn hết thời gian và tâm lực vào phương diện này mà vô tình coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là một thiếu sót lớn. Trên đây là vài cách để cha mẹ giúp con em mình rèn luyện tự tin - một tính chất rất quan trọng góp phần làm nên thành công của một đời người. Khi con em mình có tự tin, cha mẹ không phải lo nhiều khi chúng đến tuổi sống xa môi trường gia đình hòa nhập và cuộc sống.
[1] Bandura đưa ra một đoạn phim ngắn trong đó một người phụ nữ phụ đánh vào búp bê bobo (một loại búp bê được bơm phồng, có tính đàn hồi, nó có thể trở lại trạng thái ban đầu sau khi đánh cho nó xẹp). Cô ta đánh vào con búp bê, la hét lên, đấm đá, chửi rủa, dùng một chiếc búa nhựa nhỏ đánh nó, v..v. Sau đó, ông ta chiếu đoạn phim đó cho trẻ em học ở trường mẫu giáo. Chúng rất thích bộ phim. Khi coi xong, nhóm trẻ em được đưa vào phòng chơi có một con búp bê bobo và nhiều những chiếc búa nhựa nhỏ. Ông cho ghi hình lại những gì trẻ nhỏ làm trong phòng chơi. Ông thấy chúng dùng những chiếc búa nhỏ đánh con búp bê, la hét om sòm, chúng đá con búp bê, ngồi lên nó, cấu xé. Con búp bê và mấy cái búa nhựa vẫn ở trong phòng chơi từ lâu, nhưng lâu nay chúng chỉ chơi với búp bê chứ không hành hạ. Rõ ràng, trẻ đã học hành vi hung hăng thông qua việc bắt chước.