Những pho tượng từ thế kỷ thứ 6 này cũng là chứng cứ cho sự liên hệ khắng khít giữa các nền văn hóa cổ Châu Á, về phong cách nghệ thuật, rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Ấn Độ.
Tượng Bồ tát từ thời Đông Ngụy
Hiện tại, có một cuộc triển lãm 35 pho tượng với chủ đề “Sự bình an trong đá: Khám phá ở Thanh Châu ” tại viện bảo tàng Peranakan, ở Singapore, đã làm nổi bật phong cách thay đổi nhanh chóng khi đưa hình ảnh Đức Phật vào giai đoạn 50 năm từ khi triều đại Bắc Ngụy (386-534) tan rã đưa đến sự phát triển của triều đại Đông Ngụy (534-550) và Bắc Tề (550-577). Các nhà nghiên cứu đoán rằng, khoảng 90 % các tượng đá có khắc niên đại từ năm 529 đến 577 được tìm thấy tại vùng đất mà sau này, người ta xây chùa Long Hưng ở Thanh Châu, Trung Quốc.
Tượng Phật ngồi cuối thời Bắc Tề
Các nhà vua triều đại Bắc Ngụy hết lòng ủng hộ Phật giáo, mặc dù những giáo lý Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ đã được pha trộn với văn hóa và tín ngưỡng dân tộc (đặc biệt là Đạo Khổng và Đạo Lão). Nghệ thuật Phật giáo phát triển và chịu ảnh hưởng bởi các đặc điểm của người Trung Quốc sâu sắc, bằng chứng rõ ràng nhất là những đường nét trên khuôn mặt giống nét mặt người Trung Quốc, y phục cũng vậy,tương tự như y phục của các học giả người Trung Quốc, nhiều nếp gấp với những đường nét thanh tú.
Ông Liu Yang, người phụ trách bộ phận nghệ thuật Trung Quốc tại phòng nghệ thuật ở tiểu bang New South Wales (NSW) Úc Châu, đồng tổ chức cuộc triển lãm văn minh Châu Á tại viện bảo tàng ở Singapore, phát biểu rằng, ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, người ta tìm thấy những mảnh trang trí bàn thờ Phật giáo bằng đồng đã mở đường đến việc tìm ra những tượng đá có khắc niên đại từ đầu thế kỷ thứ 6. Thế nhưng, trong khi những mẫu tượng có tính sáng tạo hơn lại có thể tìm thấy ở những nơi khác. Tại tỉnh Sơn Đông, có bộ ba tượng: một tượng Phật ở giữa và hai bên là các vị Bồ- tát là mô hình chủ đạo. Ông Liu nói thêm rằng, những hình tượng miêu tả mới như cặp rồng uốn mình ngậm hoa sen tạc trên đế tượng là yếu tố mới được đưa vào nghệ thuật chạm khắc cuối thời Bắc Ngụy.
Trong bia khắc tượng Phật Di Lặc với hai vị bồ tát, ghi niên đại là 529, hai khuôn mặt cười ở góc trên của tượng, mỗi vị cầm một chiếc đĩa tròn. Cô Tan Huism, phó giám đốc Viện bảo tàng Văn minh Châu Á, nói rằng, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hai đĩa đó, trong đạo Lão, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.
Cô Tan nói tiếp: “Một điều làm cho chúng ta vô cùng ngạc nhiên trong cuộc triển lãm này là bạn có thể thấy phong cách tượng thay đổi trong một thời gian rất ngắn. Vào cuối thời Bắc Ngụy, tượng Phật trông rất trang trọng, thế đứng thẳng cứng, phần thân thì phẳng. Bạn không thể nhận thấy thân thể sau lớp y phục. Thế nhưng, kiểu tượng trong thời Bắc Tề, bạn có thể thấy đường nét của thân thể sau làn y mỏng. Kiểu dáng này trở nên tự nhiên hơn nhiều.”
Cô nói thêm, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi phản ánh những ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Gupta ở Sarnath (nơi Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni giảng bài pháp đàu tiên) và phong cách nghệ thuật tượng Mathura, trường phái phát triển tại trung tâm Bắc Ấn vào giai đoạn này. Tượng tạc trong thời kỳ Bắc Tề có thân thể lớn hơn, vai rộng hơn và kiểu y phục mới được thêm vào, không có nếp gấp ở thân, chỉ có nếp gấp quanh đường viền . Một số y phục, ảnh hưởng nhiều từ trường phái Mathura, tạo nên nếp gấp ngang thân như những gợn sóng. Kiểu dáng y phục như thế không có trong các tượng theo phong cách Trung Quốc, vì khác với phong cách Ấn Độ, phong cách Trung Quốc thường tạo những chi tiết đối xứng.
Tượng Phật đứng từ thời Bắc Tề
Cô Tan cho biết: “Có một sự nỗ lực thật sự để làm nổi bật thân hình sau lớp y phục. Một số tượng là ví dụ điển hình theo phong cách ‘áo vừa nhúng nước theo trường phái nghệ thuật Cao’ giống như áo thun ướt, cho ta có cảm nhận là làn vải dính vào thân thể.” Thuật ngữ ‘áo vừa nhúng nước theo trường phái nghệ thuật Cao’ là kiểu tạc tượng điêu khắc trên thân có nếp gấp do một nghệ nhân tên Cao Zhongda thời Bắc Tề sáng chế ra.
Còn nhiều chi tiết khác biệt giữa các phong cách tạc tượng Ấn Độ và Trung Quốc. Ví dụ nhục kế trên đỉnh đầu Đức Phật (nhục kế trên đầu tượng trưng cho trí tuệ) chỉ tìm thấy ở các tượng theo phong cách Gupta, còn tượng thời Bắc Tề thì đỉnh đầu phẳng đi nhiều rồi.
Tượng bồ tát cũng được chạm khắc ngày càng công phu và tinh tế hơn, đặc biệt tượng trong thời Bắc Tề, có đeo đồ trang sức nhiều hơn và đeo dây chuyền dài. Bồ tát thường được tạc với khuôn mặt đẹp, không rõ giới tính. Có lẽ là người ta tin rằng, một hình tượng như vậy, không nhất thiết giới tính hay hình thức nào, đều có thể giúp chúng sanh trên con đường tiến đến Niết Bàn và cũng có thể, người Trung Quốc coi lòng từ là một đặc tính của phái nữ.
Tượng bồ tát Quan Âm đứng thời Bắc Tề
Ông Kenson Kwok, giám đốc Viện bảo tàng Văn minh Châu Á, phát biểu rằng, “Trên quan điểm lịch sử của nghệ thuật, thì đây là một cuộc triển lãm rất quan trọng.” Những pho tượng này đẹp sắc sảo và đang được bảo trì rất đặc biệt. Một số tượng, bạn thấy có lớp sơn phủ trên lớp mạ vàng. Điều này cũng hiếm thấy vì màu nhuộm thường không bám chắc vào vàng.” Ông nói thêm: “Các nhà sử học nghiên cứu nghệ thuật sẽ thấy rằng tượng của Hy Lạp và La Mã cổ cũng được sơn, nhưng chúng ta thấy rất ít tượng tìm được còn nhìn thấy được màu sắc. Ở đây, bạn có thể thấy nghệ nhân đã rất kỹ lưỡng khi tạo nên những pho tượng thế này.”
400 pho tượng và các mảnh vỡ được tìm thấy dưới lớp đất sâu 1.5 mét trong một cái hố dài 8.7 mét, rộng 6.8 mét và sâu 2 mét. Nhờ vào những đồng tiền cắc xung quanh khu vực chôn tượng và những đồ gốm từ thế kỷ 12, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng các tượng này, hầu hết đều được chạm khắc từ bột đá vôi xanh xám, thường được dùng để xây mộ hay tạo hình tượng thiêng liêng vào thế kỷ thứ 12. Vì vẻ mặt và phong cách các pho tượng khác nhau, các nhà nghiên cứu tin rằng những tượng này được đem về từ nhiều ngôi chùa khác nhau trong tỉnh Sơn Đông, nơi Thanh Châu tọa lạc.
Tượng Phật đứng từ thời Bắc Tề
Qua lời của thông dịch viên, ông Xie Zhixiu, phó giám đốc kiêm chánh văn phòng Sở Văn hóa tỉnh Sơn Đông, phát biểu: “Những mảnh tượng cháy được tìm thấy vẫn còn là một điều bí mật và là vấn đề gây tranh cãi cho các nhà nghiên cứu. “Một giả thuyết thông thường được chấp nhận là các tượng ở Thanh Châu bị thiêu trong suốt thời kỳ chống đối Phật giáo. Vì e rằng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Phật giáo sẽ đe dọa quyền lực của mình, các nhà cầm quyền ra lệnh phá hủy hàng loạt ngôi chùa và tượng Phật giáo.”
Ông Xie nói thêm: “Tuy nhiên, không thể nói rằng, các tượng ở Thanh Châu do lực lượng chống đối Phật giáo phá hủy. Ngược lại, những đồ vật dùng để thiết bày nghi lễ cúng kính một cách cẩn thận cho thấy các tượng này được các tín đồ Phật giáo chôn cất để bảo tồn di sản quý giá này. Nhiều pho tượng được tìm thấy không hề có dấu hiệu bị thiêu đốt gì cả, mà những vết rạn nứt chỉ vì trải qua thời gian lâu trong lòng đất. Cũng có thể những pho tượng này được chôn cất vội vàng trong một tình huống khẩn trương nào đó.”