Saturday, January 31, 2009

Ngát miền thơ ấu

Dòng đời tuôn chảy mang ta đi xa vòng tay quê hương nhỏ bé, mộc mạc và giản đơn. Càng đi xa, nỗi nhớ về một miền quê bình yên càng quay quắt, khi ầm ào như muốn có phép thần chắp cánh bay ngay về miền quê hiền lành xưa, khi dịu êm lịm vào trong tâm thức, khi chơi vơi hụt hẫng giữa xứ người, lòng nhớ về một miền thơ ấu đong đầy tâm thức với bao kỷ niệm đẹp.


Ký ức tuổi thơ thường gắn với khung cảnh quê nhà với bờ rào bờ dậu đầy hoa đồng cỏ nội. Ký ức còn lưu lại nhiều nhất là mấy ngọn đồi trọc và rừng thưa gần nhà Ngoại. Mỗi lần về Ngoại, như chim sổ lồng, tôi nhập nhóm cùng bao đứa trẻ như tôi, mê mẩn suốt ngày với đồi với núi. Tôi thích nhất là cùng với nhóm bạn trạc tuổi mình đi giữ bò. Đưa bò vào rừng, lui ra bìa rừng, thế là mặc sức chạy nhảy, chơi đùa trên các mỏm đá, sà vào các lùm hoa dại ngắm nhìn không chán mắt, ngửi hương không muốn rời rồi bày các trò chơi không biết mệt. Trong cảnh núi rừng yên ắng, cỏ cây hoa lá kết thành một bức tranh đẹp. Yêu nhất là các loài hoa dại nhiều màu sắc quyện lẫn vào nhau, hoa sim tím ngát, hoa mua tím mặn mà mộc mạc, hoa ngũ sắc (ở quê tôi gọi là bông trâm hôi) nhiều màu sặc sỡ, sao mà nhẹ nhàng và thanh thoát nổi bật trên nền xanh mướt của lá và xanh nhạt của trời đến thế.

Thêm vào đó là âm thanh của vài tiếng chim lạc đàn gọi hoảng. Tiếng ong mật u u bay tới bay lui chọn hoa trước khi sà xuống. Bướm nhiều màu chấp chới bay lượn vui như ngày hội. Làm nền cho khung cảnh yên bình song vẫn đầy sức sống này là mùi hương nhè nhè nhưng đậm đà của các loài hoa. Hoa chặc chìu nho nhỏ màu trắng ngà nấp trong nách lá trong chiều tà toát lên một mùi hương thơm lừng. Hoa dủ dẻ e ấp trong bụi rậm, càng về đêm càng thơm quyện một mùi đằm thắm rất đỗi ‘quê hương’. Hương các loài cỏ dìu dịu ngọt ngào đến quyến luyến ở triền núi miền quê bán sơn địa của mình theo tôi suốt hành trình xa quê. Theo làn gió nhẹ, hương hoa ổi vương nhẹ từ mấy cây ổi rừng nở hoa trắng xóa, hòa với hương các loài hoa dại tạo thành một mùi hương tao nhã. Tất cả tạo thành bản giao hưởng của thiên nhiên trên nền đồi hoang sơ. Nhớ làm sao cái màu tím ngát hoa sim rừng loang trên vách đá, màu tím sậm hơn của hoa mua dân dã, vị ngọt say người của những trái sim rừng tròn trịa đỏ mọng và hương thơm nồng thắm mùi quê của hoa dủ dẻ e ấp giấu mình trong chùm lá!

Hoa sim

Sim là một loại cây mộc mạc, hoang dã nhưng đậm chất thi ca. Ca dao có câu “Buồn lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Nói đến hoa sim, tôi nghĩ ngay đến một loài cây có sức sống mãnh liệt và dễ chịu. Trên đất khô cằn cỗi, triền đồi hay ven suối, thậm chí chen trong kẽ đá, nó vẫn vươn cành tươi tốt, mặc cho đất trời mưa hay nắng. Lúc nào và ở đâu, cây sim rừng cũng bằng lòng với cuộc sống mà biểu hiện rõ nhất là luôn tươi tắn nở hoa. Nhằm mùa thì hoa rộ đính đầy thân cây, trái mùa thì lác đác vài nụ. Thường thì từ tháng 12, sim bắt đầu vươn cành đâm nụ và cây rộ hoa vào mùa xuân, nhất là ngay trước và sau tết nguyên đán. Sẽ không quá lời nếu gọi hoa sim là hoa xuân của núi, mặc dù có nhiều loài hoa khác cùng đua nở trong tiết xuân. Cái đẹp vừa bình dị dân dã vừa quý phái thanh tao của sim, cái sức sống khỏe và dẻo dai của sim choàng lên núi rừng một lớp áo mới mỗi độ xuân sang. Khi xuân tàn, hoa sim cũng tàn theo để kết trái rồi chín mọng treo lủng lỉu trên cành vào mùa hè. Sim khi chín màu tím thẫm, căng tròn, mọng nước, ngọt lịm và có hương thơm dịu nhẹ. Nếu chưa chín muồi, sim có màu tươi hơn và có thêm vị chua và chát nhẹ như mang theo hương vị hoang dại của núi rừng. Chính có vị chát tự nhiên này, lá sim non và nụ sim được dùng chữ bệnh tiêu chảy. Lá sim còn có công dụng sát trùng nữa. Đi trên triền đồi hay lội trong rừng, thỉnh thoảng chúng tôi bị vấp té, trầy sướt gì cũng hái mấy lá sim, nhai nhuyễn rồi đắp vào, thế là cầm máu.

Sim gợi nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ bài nhạc ra đời, nổi tiếng nhất là bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, do Chinh Dzũng phổ nhạc. Những đồi sim quê tôi cũng từng làm cho nhà thơ đất Quảng Bùi Giáng ‘tức cảnh sanh tình’. Ông đã tái hiện đồi sim quê hương qua các vần thơ ông viết vào năm 1950, khi ông còn chăn bò trong các đồi sim:

Anh lùa bò vào đồi sim trái chín,
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim,
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín,
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh.
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa,
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh,
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả,
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình…


Bọn trẻ chúng tôi chỉ đợi đến mùa sim chín, cũng là lúc nghỉ hè, tha hồ mà rong ruổi trên đồi sim. Dạo một hồi, từ tay đến răng miệng, đứa nào cũng nhuộm một màu tím ngắt, trông ngây ngô và dễ thương làm sao. Cây sim giản đơn mà thanh tao vì cành dài uyển chuyển thon thả, lá trơn và thon dài ra dáng mộc mạc mà thư sinh. Sim vốn dễ thích nghi, cứ phong trần ngẩng cao vẫy tay cùng nắng gió, trông thảnh thơi lắm. Hoa sim có cấu trúc đơn giản, cánh tươi, mỏng, đẹp nhẹ nhàng với màu tím biêng biếc. Nhụy hoa màu thẫm hơn một tí, mỗi tia nhuy mang theo túi phấn vàng rực làm cho cả nụ hoa toát lên nét đẹp hoang sơ mà đằm thắm. Sáng sớm, cứ nhìn những giọt sương đêm còn đọng trên phiến lá và lăn nhẹ trên cánh hoa, trong như pha lê trong làn gió sớm, lắng nghe đất trời sao quá đỗi thiêng liêng. Chiều xuống, hoa tiễn nắng về cuối trời nên ta có cảm giác màu hoa buổi chiều thẫm hơn một tí, nhuộm chiều tà một màu tím mênh mang. Trên cao là trời xanh thật xanh, mây trắng thật trắng. Thiên nhiên thật toàn bích!

Hoa mua

Cây hoa mua chân chất, mộc mạc ra dáng một cô thôn nữ. Thân mua thấp, cành mập mạp, lá dày và có lông. Hoa mua màu tím thẫm hơn hoa sim nhưng không kém phần quyết rũ. Trái mua tròn trịa, có lông và không ăn được, khi chín thường bị nứt nẻ. Thay vì phơi mình trên ven đường triền núi như sim, mua chọn cách e ấp mình nơi ven suối. Kín đáo, mặn mà và mộc mạc, mua chân tình với màu tím ngát. Cánh hoa mua lớn hơn Cánh hoa mua hớn hơn cánh hoa sim một tí, nhưng không vì thế mà thiếu đi nét mềm mại, nhẹ nhàng và tế nhị. Mua có mùi thơm ngọt ngào lắm. Tuy không là nguồn thơ dạt dào như sim, mua cũng là đề tài khá đặc biệt để nhiều ngòi bút gởi tâm sự kín đáo của mình vào cánh hoa quê này. Nhà thơ hay mượn tên của cây mua để dùng từ ‘mua’chơi chữ với nghĩa ‘mua bán’. Câu cổ nhạc quen thuộc ta thường nghe là “Hoa mua ai bán mà mua, mẹ không ngã giá cho vừa lòng quan...”. Thanh Trắc Nguyễn Văn có bài thơ ‘Hoa Mua’ cũng rất là duyên, có đoạn đầu thế này:

Ngày xưa hai đứa chiều chiều,
Rủ nhau chơi hái thật nhiều hoa mua,
Hoa mua em bán tôi mua,
Tiền là lá rụng cuối mùa vàng bay.
Rồi tôi kết lá thành dây,
Kết hoa vào lá, kết ngày vào đêm,
Kết thành hoa cưới trao em,
Vòng hoa tím mái tóc mềm bến song,
Cô dâu cười ửng má hồng,
Dắt tay chú rể chạy rong khắp làng …

Cái nét đẹp mặn mà của hoa mua làm tôi mê mẩn. Cành hoa rắn khỏe, đài hoa tròn và dày chắc, nâng đỡ những cánh hoa tím ngát, trong suốt, mỏng manh và rung rinh trong gió đầy quyến rũ và bí ẩn. Nét hương đồng cỏ nội, vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên và cả cái bao la khoáng đạt của đất trời dường như gói trọn trong cánh hoa mua tim tím này thì phải. Mua chọn cho mình một chỗ đứng kín khuất bên bờ ao trũng hay ven suối, như cô thôn nữ e ấp dịu dàng. Loài hoa này hay được nhắc đến là do vẻ đẹp mộc mạc dễ thương trong khung cảnh hoang sơ của núi rừng hay cảnh đồng quê thôn dã.

Hoa dủ dẻ 

Có một loài hoa gắn liền với tuổi thơ của tôi và nằm nguyên trong ký ức, dù qua bao chặng đường đời lúc bình yên hay khi va đập, mãi đến tận bây giờ là hoa dủ dẻ. Đó là một loài hoa cánh vàng mơ nhạt, nhụy như một gương sen tí hon điểm vàng lấm tấm. Hoa này đặc biệt có mùi thơm rất quyến rũ, quyện trong gió lan tỏa ra xa và chỉ tỏa hương khi chạng vạng tối trở về đêm. Ở quê tôi, loài thảo mộc này nhiều lắm. Chúng lặng lẽ đứng bên vệ đường làng, triền núi hay ẩn mình nơi cuối bờ đê.

Dủ dẻ mọc thành bụi, lá lớn nhưng hoa nhỏ xíu. Hoa dủ dẻ không đẹp, nhưng có mùi thơm rất đặc biệt, càng về đêm càng thơm. Hễ nghe mùi dủ dẻ ở đâu, những cặp mắt ngây thơ của chúng tôi cứ sục tìm theo làn hương quyện tỏa và mừng rỡ khi phát hiện ra đóa hoa nhỏ nhắn nấp mình trong lá. Con nít chúng tôi, không đứa nào không thích hương thơm hoa dủ dẻ. Mùi hương loài hoa này rất quyến rũ tuổi thơ. Tôi ghiền hoa dủ dẻ đến độ mỗi chiều tôi phải tìm hái ít nhất một hoa đem về để vào cái hộp nhỏ, có nắp đậy kín, để trên bàn học, cho mùi hương thoang thoảng tràn đầy không gian.

Cứ mỗi khi chiều xuống cũng là lúc mùi thơm của loài hoa quê mùa chân chất này bắt đầu tỏa hương, đan quyện trong gió, cuốn lên trong không trung bàng bạc. Mùi hương dịu nhẹ thoảng ra từ những cây dủ dẻ mọc hoang ven đường, triền dốc khiến người đi đường ngây ngất. Còn bọn trẻ chúng tôi chưa một lần bước qua bụi dủ dẻ đang ngát hương mời gọi mà không ghé vào. Chiều chiều, đưa trâu về chuồng là lúc hái được nhiều hoa dủ dẻ nhất. 
Màn đêm càng dày, cảnh vật càng lặng là lúc hương hoa càng nồng. Tôi còn nhớ, hầu như mỗi chiều, đều chạy vào hàng rào nhà bác tôi, nơi có nhiều hoa dủ dẻ, tìm hoa nở, luôn tiện ơi ới gọi đứa bạn cùng lớp nhà ở bên kia hàng rào! Tuổi thơ đẹp và trong veo như trời vào Hạ! 

Hoa dủ dẻ đi vào thơ ca không ít, nhất là xuất hiện trên những trang viết về hồi ức của người tha phương khi nghĩ nhớ quê nhà (nếu quê nhà các văn thi sĩ có loại hoa dại mang tên ‘dủ dẻ' cho hương thơm thật đậm đà và thật ngát này). Hồ Ngạc Ngữ trong bài thơ “Bông dủ dẻ” đã viết “Muốn tặng em bông hoa dủ dẻ/ Sợ trống hương thơm một khoảng trời.” Quê tôi nhiều dủ dẻ, nên không lạ gì nhiều nhà thơ, nhà văn đất Quảng viết về hoa dủ dẻ. Nhà văn Dạ Thảo Linh (Nguyễn Một) có một tập truyện ngắn lấy tên loài hoa dại quê ông “Hoa dủ dẻ”. Huỳnh Ngọc Chiến cũng có bài viết về loài hoa này. Nhà thơ Lê Hân hồi tưởng lại:

Những buổi trưa cúi lom khom trong bụi,
Trốn tàu bay do thám đảo vòng vòng,
Bàn tay cầm một nụ hoa dủ dẻ,
Hương cùng lòng như bay bổng lên không.


Hoa dủ dẻ biết mình không đẹp nên đã ẩn giấu trong lá và âm thầm tỏa hương thơm ngọt ngào để bù vào phần sắc. Thế nhưng, ai đã một lần ngửi hương hoa này thì không thể nào quên. Thuở bé, không khi nào trong túi áo của tôi thiếu hoa dủ dẻ. Hoa để lâu, cánh sẽ chuyển từ màu vàng sang màu nâu thẫm, trông càng xấu xí, nhưng mùi thơm vẫn không kém đậm đà, để đến ngày sau mùi vẫn còn vương. Yêu mùi hương thơm lừng của dủ dẻ, tôi có thói quen lấy hoa ướp vào quần áo tự lúc nào cũng không biết. Mấy cô gái mới lớn trong làng lấy hoa dủ dẻ cài trên mái tóc làm duyên là chuyện thường. Lớn rồi, khi học cấp 3 trường thị xã, tôi vẫn thường nhét trong cặp vài đóa hoa dủ dẻ để tặng bạn bè thị xã, những người chưa từng biết đến hoa dủ dẻ tràn ngập đường quê.

Không chỉ hoa dủ dẻ hút hồn bọn trẻ chúng tôi mà các bộ phận khác của cây đều phục vụ cho bọn nhóc. Với lá dủ dẻ thon dài, chúng tôi vấn kèn lá dủ dẻ là một trò chơi không đứa trẻ nào ở xóm tôi bỏ qua. Chiều chiều, sau khi lùa bò vào sâu trong rừng, chúng tôi nằm nhìn trời xanh, ngắm mây trắng và thổi kèn lá dủ dẻ tò te du dương trầm bổng, thú vị vô cùng. Âm thanh ngân vang, tan loãng vào không trung, trôi bồng bềnh theo từng áng mây, tâm hồn bay bổng. Cảnh vật miền quê trầm lắng và yên ả, như không thể nào yên ả hơn. Thổi kèn chán thì chúng tôi đi hái nụ hoa dủ dẻ. Chọn búp nụ mập mạp, tròn trĩnh, chúng tôi hái cất vào túi, về nhà làm con vụ, chạy tít xoay tròn trên nền nhà, nhìn vui mắt lắm. Các hoa nở có các cánh cân đối, thẳng trục với cuống hoa cũng được ngắt về làm con vụ. Trái dủ dẻ chín màu vàng tươm kết thành quầy cũng không qua mắt chúng tôi được. Những lúc chơi đồ hàng thì chúng tôi gọi trái dủ dẻ là chuối. Trái dủ dẻ ăn cũng hay hay, mùi thơm, vị ngọt, cơm ít hạt nhiều, hạt cứng màu đen, đậm đà hương đồng nội.

Hoa dủ dẻ là một loài hoa dại rất phổ biến ở quê hương tôi. Đi đâu, dù miền cát trắng gần biển hay trên các triền núi đất đá cằn cỗi, hay ven song êm ả, ta đều có thể thấy dủ dẻ. Khi lớn lên, có dịp đi xa, nhớ hương dủ dẻ quê nhà, đến miền khác, tôi cũng thử tìm cây dủ dẻ, nhưng tôi không thể tìm được loại cây này. Hương dủ dẻ, từ trong tâm tưởng, trở thành một thứ hương quê, kết quyện đặc sánh trong lòng. Suốt nhiều năm tuổi thơ tôi gắn liền với hương hoa dủ dẻ đã giữ lại trong tôi một miền thơ ấu dấu yêu. Làm sao quên được, chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, một loài hoa dại khiêm tốn ẩn mình trong lùm cây ven đường làng hay triền đồi bắt đầu tỏa hương thơm nức.

Hoa dủ dẻ không có sắc, chỉ có hương thơm dịu ngọt quyện tỏa khi màn đêm bắt đầu buông rèm trên bầu trời xam xám. Cái duyên ngầm của dủ dẻ là ở mùi hương ấy. Cứ mỗi hoàng hôn, tụi trẻ chúng tôi dắt nhau lục tìm hoa dủ dẻ, cất vào túi, vào cặp sách để ướp hương, theo cái kiểu người lớn xài nước hoa vậy. Cái mùi hương làm cho bao người, cũng như tôi nghiện lúc nào không biết. Những dịp về quê nhà, tôi đều tìm hoa dủ dẻ nhưng tiếc rằng càng bụi hoa dủ dẻ, cũng như hoa sim hoa mua, ngày càng ít đi. Những con đường đượm màu hoang dã với cây cỏ um tùm ngày càng ít đi, nhường chỗ cho các con đường bê tông hóa đến từng thôn xóm. Nhiều người Quảng ở Sài Gòn, đem sim, mua và dủ dẻ về phố thị để mong tìm lại chút hương quê của người xa xứ nhưng rồi nó cũng cọc còi tàn phai héo úa dù được chăm sóc cẩn thận. Những cây hoa dại này vốn quen với đất cát khô cằn sỏi đá nơi quê nghèo mà không thích nghi được với ánh đèn xanh đỏ nơi các đường phố nhộn nhịp suốt ngày đêm của phố thị phồn hoa.Giờ đây, giữa dòng đời ngược xuôi hối hả, những kỷ niệm êm đềm của một miền thơ ấu mở ra trong từng ngăn hoài niệm thật đẹp trong từng chặng đường đi qua. Hoài hương, trong lòng tôi là những hình ảnh của một miền quê yên ả, tĩnh mịch, dân dã và thấm đẫm hương đồng nội. Quê hương là nơi ta gởi lại một thời thơ ấu. Quê hương là hoa sim tím phớt dáng duyên, là hoa mua tím ngát mặn mà. Quê hương là con đường làng nồng nàn mùi hương thơm dịu dàng sâu lắng của hoa dủ dẻ. Quê hương là hình ảnh bụi chuối sau hè, những con cuốc kêu buồn trong đêm hè oi ả.
Quê hương là tiếng chim cu gáy gù gù quen thuộc như vừa gần vừa xa trong sớm mai yên bình, là những ngọn cỏ ngậm giọt sương mai trong veo. Quê hương là làn gió khe khẽ len trên từng phiến lá, nhẹ nhàng mơn man từng cánh hoa trong buổi sáng hè. Quê hương là trời cao xanh xa tít, là mây trong vắt như dải lụa mềm. Quê hương là những đêm trăng thanh gió mát và cả tiếng ễnh ương ộp oạp trong những ngày đông mưa dầm u ám. Nhớ quê hương, nhớ miền thơ ấu với đầy ắp kỷ niệm kết gom từ chuỗi ngày tuổi thơ gắn với hương đồng cỏ nội. Một trời nhớ thương òa vỡ trong lòng.

Friday, January 30, 2009

Thuyền không người lái


Có một câu chuyện Thiền thế này. Có một người thích ngắm ánh hoàng hôn buông xuống trên dòng sông lặng nên anh ta thường thả mình trong một chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông trong mỗi chiều tà. Anh ta thưởng ngoạn đất trời sông nước đến khi bóng tối lan dần trùm cả dòng sông. Một hôm, có chiếc thuyền từ trên thượng nguồn xuôi dòng đổ về phía anh ta, cứ nhằm vào thuyền anh ta mà lao tới. Lúc đầu, anh cảm thấy vui vui vì nghĩ, cũng có người thích ngắm hoàng hôn trên sông vào mùa hè lộng gió giống như mình. Thế nhưng anh thấy chiếc thuyền cứ thẳng về phía anh, xăm xăm trườn đến, càng lúc càng nhanh. Thế rồi anh ta sanh tâm bực mình, nghĩ bụng, người này không nhìn thấy ta sao? Anh ta bắt đầu la hét “nhìn phía trước mà đi chứ! bộ không thấy thuyền của tôi à? trời đất ơi, tránh qua một bên đi chứ.” Chiếc thuyền vẫn cứ mỗi lúc một gần anh ta hơn và lao vút nhanh hơn trước nữa. Anh ta không chịu nổi nữa rồi, đứng bật dậy, hét lớn hơn và giơ cao nắm đấm. Vừa lúc đó, chiếc thuyền cũng vừa kịp đâm sầm vào chiếc thuyền anh ta. Bấy giờ anh mới vỡ lẽ: thuyền không có người lái! Ngay lập tức, anh ta dịu cơn giận.


Đây là câu chuyện có tính cổ điển được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau. Hôm nay, tôi liên tưởng câu chuyện này với cách phản ứng của chúng ta trong cuộc sống. Ta có thể thay đổi thái độ với cuộc sống để mình có được an lành hơn và ít dao động hơn với những tác động từ bên ngoài. Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời đối với kẻ ngang ngược, man trá, đê hèn thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi.”Nếu có thái độ này, chúng ta sẽ dễ chịu hơn nhiều và không phải nhọc tâm với những việc không đâu do những người không đâu gây nên. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Mình mà giận gai thì chính mình bị cười chê. Xử sự được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.


Thuyền không người lái nên cứ thế mà trôi. Nếu lỡ đâm phải ta, do cơn gió dữ vô tri vô giác tự nó tạt nhầm. Ta nên coi những sự ngang ngược, xúc phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái. Nếu lỡ đâm phải ta, do các cơn gió dữ tham, sân và si tạo nên một bầu trời u ám mịt mờ nên chẳng khác nào thuyền không người lái. Nghĩ cho cùng, có gì là đáng giận chứ? Bị người dối gạt, dùng tiểu xảo vì mục đích riêng, thậm chí thóa mạ, đối xử tàn tệ, ta thường buồn giận nặng lòng. Ta có thái độ như thế vì ta mong người ta tốt hơn trong khi họ không thể. Ta giận vì ta nghĩ đó là người ‘có trí’. Nếu đó là người điên không có trí, ta nào có giận làm chi? Nếu giận, thì ta lại hóa điên hóa dại mất rồi. Người mang nặng tâm tham, sân, si chính là những người mất trí về phương diện tâm linh, là người điên hiểu theo nghĩa bóng. Họ là chiếc thuyền không người lái, cứ lênh đênh trên dòng sông sanh tử, mặc cho dòng đời đôi lúc lặng êm, lắm khi đầy bão dông sấm sét, mặc cho sóng gió nghiệp lực và ngoại duyên xô dạt đi đâu, về đâu. Lỡ có va trúng mình, nên có thái độ như đối với chiếc thuyền không người lái! Vì thấy có người đó, nhưng mà người mất trí, nào có khác chiếc thuyền không?!


Trong cuộc sống, khi gặp phải người chưa được tốt làm điều gì tổn thương đến mình, chúng ta nên có tâm niệm của người ngắm hoàng hôn trên sông gặp phải chiếc thuyền không người lái, nhẹ nhàng tránh nhẹ hoặc đẩy mũi thuyền ra hướng khác. Hoặc ta có thể nhớ lời Mạnh Tử mà nghĩ mình là người đi đường chẳng may vướng vào gai, nên thong thả đứng lại mà gỡ dần ra. Buồn người mất trí, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đều vô nghĩa và chỉ tự làm tổn thương bản thân mình thôi. Hãy nhẹ lách mũi thuyền mình để tránh chiếc thuyền không người lái ấy mà tiếp tục với thú ngắm hoàng hôn trên dòng sông bàng bạc gió nước trời mây. Hãy nhẹ nhàng bước ra khỏi bụi gai rậm để bước tiếp trên con đường rộng rãi quang đãng dài tít tắp trước mặt.

Lỡ bị nạn thì khéo cho qua, không buồn giận. Thế nhưng về phía mình, cần quán sát từ xa để chúng ta không phải húc đầu vào chiếc thuyền không người lái hay đâm sầm vào bụi gai bên đường.

Sông nước đầy, đường thênh thang...


Monday, January 26, 2009

Tôn trọng


Đầu năm mới, tôi muốn tự nhắc mình một nguyên tắc sống trong đời, đó là ‘tôn trọng’. Những gì tôi học và đọc cũng như cảm nhận cá nhân cho tôi hiểu rằng, cuộc sống này là cộng sinh, nên tôi cần biết tôn trọng mình, tôn trọng những con người cùng chung sống và tôn trọng môi trường sống để cùng nương nhau tồn tại trong cuộc đời này.

Tôn trọng mình, tôi thấy cần tôn trọng sức khỏe của bản thân để cỗ xe này giúp tôi thêm một thời gian nữa. Tôi nhắc mình cần tôn trọng thời gian được dành cho để sống. Tôi cũng ý thức rằng tôn trọng nguyên tắc sống sinh hoạt của bản thân để trong khả năng có thể, làm chủ thời gian của chính mình là một điều tốt. Tôn trọng mình theo cách như vậy, tôi biết tôi đang tôn trọng tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Tôi sẽ cố gắng!

Tôn trọng những người chung sống, tôi không muốn làm tổn thương người khác, vì hơn ai hết, tôi biết cảm giác khó chịu khi bị tổn thương. Vì thế, tôi cố gắng nhắc mình. Những người xung quanh tôi, dù người không quen, tôi cần tôn trọng tối đa, vì tôi biết tôi cùng chia sẻ với họ bầu không khí thở, cùng những món thức ăn, cùng môi trường khí hậu, cùng một mái học đường, cùng điều kiện sống cùng môi trường văn hóa xã hội. Dù chung sống một thời gian, ngắn hay hay dài, tôi luôn ý thức cô gắng không làm tổn thương đến những người tôi chia sẻ, không cái này thì cái khác đó, vì tôi biết nếu tôi làm tổn thương đến họ, tôi làm đau cái môi trường chung ấy và chính tôi cũng trở thành nạn nhân của chính mình khi mình làm ô nhiễm môi trường ấy. Những gì tôi làm người khác buồn đau, tất cả ngoài chủ ý của tôi khi tôi còn quá nhiều vụng về trong đối nhân xử thế. Những người thân quen ở xa, tôi lại cùng chia sẻ cái ‘chung’ xuyên không gian mà tôi luôn ý thức phải trân quý giữ gìn, đó là từ trường tâm linh. Thật ra, đây là một việc khó vì tôi biết mình không thể làm vừa lòng tất cả và mình sinh ra cũng không phải để làm vừa lòng người khác và những người thân thường nặng lòng về nhau vì ai cũng âm thầm nhận thấy mình có một chút ‘trách nhiệm’ với nhau về tâm lý. Thế nhưng, tôi cần phải tôn trọng và phấn đấu cho nguyên tắc sống: giảm thiểu đến mức tối đa những hành động lời nói làm tổn thương và xúc phạm về nhau. Cuộc sống mong manh lắm, tình người tình đời cũng chênh vênh không kém nên tôi thường nhắc mình cần tôn trọng cuộc sống và các mối quan hệ mình có được. Tôi sẽ cố gắng!

Tôn trọng môi trường thì các nhà môi trường học cổ xúy từ nhiều năm nay và ai ai cũng đã và đang thực hiện một cách có ý thức, nhất là những năm gần đây, khi thiên nhiên phản ứng lại với những can thiệp thô bạo của con người. Tập sống thân thiện với môi trường bằng những việc làm nho nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày để môi trường sống xanh hơn là điều tôi đang luyện dần để thành thói quen. Trong cuộc sống ở môi trường tập thể, cần nhẫn nhịn nhiều hơn và chịu khó nhiều hơn mới có thể thực hiện được điều này. Tôi nhắc mình tôn trọng tất cả. Tôi sẽ cố gắng!

Sunday, January 25, 2009

Cảm nghĩ của một người phụ nữ Mỹ về ngày Tết Việt Nam.(Helen Coutant)

Mùa đông lại về trên thị trấn Stonevale. Củi chụm lại được chất đầy kho; khu vườn lại được chuẩn bị để đón cái gió lạnh giá buốt thổi qua thung lũng mang theo băng tuyết. Những cánh đồng bây giờ toàn một màu xám nên trông càng thênh thang hơn là vào mùa hè. Những gốc rạ kêu răng rắc dưới chân và đất cứng đến nỗi làm đau tay tôi. Ở một nơi không ai nghĩ đến và vào khoảng thời gian nầy, khoảng thời gian lạnh nhất trong năm, chồng tôi, một người Việt Nam, con của chúng tôi và tôi, một người đàn bà Hoa Kỳ, chúng tôi cùng quây quần đón Tết.

Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam. Tết tương xứng với ngày lễ đầu năm dương lịch, tuy nhiên nó lại giống cả ba ngày lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và ngày lễ Độc Lập 4-7 hơn là ngày đầu năm dương lịch. Ðối với người Việt Nam, Tết có nghĩa là ngày khởi đầu một năm âm lịch, vừa là ngày bắt đầu mùa xuân. Hơn thế nữa, đó là dịp để mọi người, bằng mọi cách, trở về dưới mái ấm của gia đình và là dịp để mọi người nhớ đến Tổ Tiên. Phải xa cha mẹ, xa anh chị em, xa bà con thân thuộc trong ngày Tết, thật là một điều đau buồn!

Bạn có lý khi tự hỏi Tết có nghĩa gì đối với một người Mỹ chưa hề đặt chân đến Việt Nam bao giờ, và bạn sẽ cảm thấy tức cười khi biết rằng mỗi khi nghĩ đến Tết là tôi liên tưởng đến tuyết và băng, đến bầu trời ảm đạm và đến màu nắng vàng vọt buồn thảm nhất thay vì đến sự ấm áp, đến hoa đào nở và những cành cây xanh tốt. Nhưng từ khi ngày Tết Việt Nam đi vào đời tôi, tôi chưa bao giờ ăn một cái Tết Mỹ thật sự. Tết Việt Nam đã trở thành ngày "Tết" của tôi.

Tết khởi đầu với tôi vào một buổi sáng trung tuần tháng giêng khi chồng tôi bước vào nhà, mặt và tay đỏ vì lạnh, khệ nệ mang ba bốn nhánh anh đào anh cắt ở một vườn cây ăn trái gần nhà. Những cành đào được để vào một cái chậu đem đặt trong một gian phòng có nắng. Chúng tôi theo dõi và nuôi dưỡng những nụ hoa một cách trìu mến. Cuối cùng sự kiên nhẫn của chúng tôi cũng được tưởng thưởng bằng một hai nụ hoa anh đào màu hồng chen lẫn trong đám nụ xanh.

Những nụ này sẽ trở thành hoa. Chỉ một nụ thôi cũng đủ cho chúng tôi rồi, cũng đã là một gia tài qúy báu, một đại hội cho cặp mắt của chúng tôi. Những cành anh đào nầy, chín mùi và diễn tả sự ao ước mùa xuân của chúng tôi sẽ được đặt lên bàn thờ gia tiên. Trong một ngôi nhà Việt Nam, bàn thờ luôn luôn chiếm vị trí quan trọng nhất. Đó là nơi tập trung mọi sinh hoạt ngày Tết. Nơi đó, mọi người trong gia đình sẽ đón và cúng ông bà. Đối với người xuất thân từ Huế như chồng tôi chẳng hạn, thì bao giờ trên bàn thờ gia tiên cũng có một bình mai vàng, nhưng tại miền bắc nước Mỹ không thể tìm ra loại hoa nầy được cho nên chúng tôi thay thế bằng hoa anh đào.

Thông thường thì một tuần lễ trước Tết, vào một buổi sáng thứ bảy, tôi thấy chồng tôi đem tất cả đồ trên bàn thờ xuống. Cặp chân đèn bằng đồng to tướng, cái lư hương bằng đồng cong cong nhặt được trên đường phố Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 mà cha mẹ chồng tôi đã tặng cho anh nhân chuyến về thăm nhà ngắn ngủi của anh vào năm 1974, cái chén bằng đồng đựng tràng hạt màu hổ phách - tất cả phải được đánh thật bóng. Cái bát nhang bằng sứ xanh được thay gạo mới.

Và cành hoa anh đào cũ trang trí bằng bông hoa và lá bằng giấy, để trên bàn thờ suốt cả năm qua, được đem xuống và thay bằng cành anh đào mới của chúng tôi. Sau đó, chồng tôi đem trong phòng làm việc ra hai tờ giấy dài màu đỏ trên đó, viết bằng thủ bút của anh, là hai câu đối của một vị thiền sư Việt Nam đồng thời cũng là một trong những ngưòi bạn thân nhất của anh.


Và mỗi năm tôi lại được dịp đọc lại hai câu thơ sau đây:

Xuân đáo tha hương,
Bất kiến hoàng mai sầu việt điểu.
Tâm hoài cố quận,
Thường chiêm bạch tuyết mộng Nam chi.

Cuối cùng ngày 30 Tết đã đến. Chúng tôi tụ tập trong nhà bếp với một con vịt đang tan đá trên bàn, phía sau là mấy hũ dưa món, một loại dưa chua chúng tôi đã ra sức làm mấy ngày trước đó. Trong tủ lạnh có món thịt đông, một loại giò thủ Việt Nam. Nếp và đậu xanh đãi vỏ được ngâm suốt đêm. Thịt heo cắt miếng to được ướp nước mắm, củ hành và tiêu đen. Tôi lấy trong ngăn kéo hai cái khuôn bánh chưng do chồng tôi làm và mấy mẹ con tôi bắt đầu vào việc. Chúng tôi sẽ gói khoảng 20 đến 25 cái bánh chưng, những cái bánh vuông làm bằng gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Bánh được gói trong lá rong, ngoài bọc giấy bạc và giấy nhựa để giữ cho được khô ráo trong suốt 12 tiếng đồng hồ nấu bánh. Trong khi làm việc, đổ nếp và đậu vào khuôn, gói bánh lại, cột dây, tôi không khỏi nghĩ đến những người đàn bà Việt Nam thật kiên nhẫn và vui tính đã dạy cho tôi làm những món ăn đặc biệt của ngày Tết. Tôi yêu quý ngày Tết Việt Nam phần lớn là cũng nhờ họ, vì chính họ, cũng như chính chồng tôi, đã biến tôi thành một người tham dự ngày Tết vậy. Chúng tôi đếm bánh trước khi thả vào nồi nấu khổng lồ. Bánh nhiều, dư để chia cho bạn bè, dư để chúng tôi thưởng thức hàng ngày nguyên cả tuần lễ Tết. Tôi sẽ còn giấu một vài chiếc trong tủ đông lạnh để đem ra thưởng thức trong tháng ba hay tháng tư nữa. Đêm xuống nhanh, vì dù sao đi nữa, bây giờ cũng là giữa mùa đông. Đêm nay, đêm giao thừa, một bầu không khí trang nghiêm và buồn bao trùm căn nhà của chúng tôi. Cặp chân đèn bằng đồng và cái lư hương sáng choang trên bàn thờ. Vài bông hoa anh đào nở lấp lánh tựa những vì sao rơi rụng li ti.

Con vịt quay đã được chặt ra, một cái bánh chưng được mở, hai đôi đũa đỏ và hai cái chén đỏ được đặt lên hai cái mâm. Tiếp đó, chúng tôi xếp đồ lên mâm để cúng ông bà: nào là thịt đông, nào là vịt quay, dưa món, bánh chưng. Hai mâm được đặt trước bàn thờ và chồng tôi bắt đầu thắp nến. Giờ phút cúng ông bà đã đến. Đối với người Việt Nam đó là lúc khấn vái Ông Bà, đối với tôi đó cũng là lúc khấn nguyện và là lúc tĩnh tâm thật êm đềm. Căn phòng nhỏ bé chẳng mấy chốc đã ngạt ngào mùi nhang thơm. Tôi tưởng tượng làn khói thơm ngát đó sẽ len lỏi qua khe cửa, tràn ngập khu vườn để khiến cho tổ tiên Việt Nam của chúng tôi biết nơi đây mà tìm đến, nơi triền núi trơ trụi của vùng Bắc Maryland này. Cái chuông nhỏ treo trên cành cây mimosa trong khu vườn trước nhà khẽ rung lên một hai tiếng. Đó có thể là một phép lành, một lời chúc đẹp. Chúng tôi đứng cúi đầu, mọi người chờ đến phiên để đốt một cây nhang và khấn nguyện. Trong khoảnh khắc vài phút, chúng tôi như sống ngoài sự ràng buộc của thời gian và không gian. Chúng tôi hiểu được rằng đây là giây phút của sự kết hợp giữa quá khứ và tương lai. Nơi đây và bây giờ, sự trường cữu đang hiện hữu. Tôi chăm chú nhìn con gái út đang khấn vái. Con tôi cầm chặt cây nhang trong tay và khấn nguyện thật lâu. Sau đó chúng tôi ngồi im lặng chờ cho tàn nén hương cuối cùng.

Sáng mồng một Tết, chồng tôi mặc áo choàng và ra khỏi nhà trước lúc điểm tâm. Anh trở về và gõ cửa để vào nhà làm người "khách đầu tiên. Theo phong tục Việt Nam, người khách đầu tiên ngày Tết rất quan trọng, phải là một người bạn được kính mến. Nơi đây, giữa rừng núi bốn bề, thật khó đoán ai sẽ là người đến gõ cửa đầu tiên, vì vậy chồng tôi không muốn lệ thuộc vào may rủi. Một khi người “khách” của chúng tôi đã vào nhà, chúng tôi lại đốt nhang khấn nguyện.

Sau cùng chúng tôi nếm chiếc bánh chưng đầu tiên. Trước giờ ngọ không lâu các con tôi xếp hàng để mừng tuổi nhận bao lì xì. Đây là một phong tục Việt Nam cho trẻ em một ít tiền bỏ trong phong bì đỏ vào ngày mồng một Tết. Khi mọi sự nô nức đã qua, tôi ra đứng bên cửa sổ cạnh chồng tôi. Tôi biết anh đang nghĩ đến gia đình ở Việt Nam, đến cha mẹ già, đến anh chị em và nhớ đến thuở ấu thơ của anh khi còn ở quê nhà. Nhìn ra khu vườn của chúng tôi không biết anh ấy có trông thấy cả một thời xa xưa với những phong tục tập quán, sự quý phái nho nhã, sự tận tụy và những lời khấn nguyện hay chăng? Trong thế giới đó, có những cơn mưa nhẹ trên những cành cây bao giờ cũng xanh tốt; hương thơm của nhang bốc lên thành khói lan từ nhà này sang nhà khác có giống như một lời khấn nguyện âm thầm hay chăng; anh có nghe tiếng mẹ anh tụng kinh hay giọng trầm ấm của cha anh gọi hay không? Tôi khẽ nắm tay anh và anh cúi nhìn tôi. Mọi năm Tết đến và đi cũng như mọi ngày lễ khác. Tuy nhiên đối với chúng tôi Tết không chỉ là một tuần lễ nhất định vào giữa mùa đông.

Vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mỗi khi mưa phùn rả rích và thời tiết khoảng chừng mười tám đến hai mươi độ thì chồng tôi lại ra đứng tựa cửa sổ, miên man nghĩ ngợi. Tôi biết anh nghĩ gì - trời hôm nay sao giống ngày Tết Việt Nam ở Huế nơi anh sinh trưởng quá. Bởi vì kể từ ngày chúng tôi lấy nhau, kể từ ngày chồng tôi xa quê hương, chưa bao giờ anh được ăn một cái Tết với mưa phùn lất phất tựa như một màn sương, một cái Tết với đầy đủ gia quyến, với tiếng trẻ con chơi đùa những trò chơi Việt Nam. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin chắc rằng sẽ có một ngày anh ấy lại được hưởng một cái Tết như xưa.


Hà Trúc Bạch dịch tại Hòa Lan, những ngày trước Tết Nguyên Ðán 1984.


Đây là bản dịch từ bài viết của bà Helen Coutant, vợ của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Võ Đình. Bài nầy được trích từ tạp chí The Vietnam Forum, số 3 năm 1984, do Viện Ðại Học Yale, Phân Khoa Nghiên Cứu Văn Hóa Đông Nam Á phát hành.

Helen Coutant, whose full name is Helen Coutant Webb, was born in Washington, D.C. After graduating from the University of California, she received a Master’s degree in Education from Columbia University. Her first book, First Snow, was the winner of the 1975 Christopher Award. She was married to the Vietnamese writer-artist Võ Ðình and they lived at the foot of South Mountain in Western Maryland.

'Du học' vỡ lòng (đọc báo)

Đọc bài báo này, đủ hiểu rằng, đừng mong khi thay đổi sách giáo khoa, hay thậm chí vấn đề căn bản hơn, thay đổi phương pháp dạy và học (nếu có thể làm được) thì việc cải cách giáo dục giáo dục ở Việt Nam sẽ có hiệu quả. Khi cả ngôi nhà mục ruỗng rồi mà còn muốn sửa từ trên nóc thì chỉ là việc vá víu không đi đến đâu, uổng phí công của mà thôi.
Học về quả bí ngô thì các em được đi thăm trang trại cả một ngày. Sau đó, mỗi em vẽ thành tranh việc làm mình thích. Trẻ lớp hai đã biết chuyện về vị tổng thống đầu tiên, ý nghĩa lá cờ, hệ mặt trời, các hành tinh, loài khủng long...

Cái cảm giác chộn rộn ngay khai trường khi tôi học tiểu học, trung học ở Hà Nội như vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí. Vậy mà tôi cũng đã đi dự khai giảng cho con, đứa lớn rồi đứa bé, giờ đây là đưa đứa cháu nội thứ hai. Năm nay cháu vào lớp vỡ lòng.

Hai thằng cháu đều trong cấp tiểu học, nhưng ở quận Montgomery, bang New Jersey này. Tiểu học chia làm hai nấc trường: vỡ lòng, lớp một, lớp hai là một nấc, các lớp còn lại sang trường khác. Giữa hai nấc ấy không thi cử gì. Cho nên hai thằng cháu lít nhít vậy mà mỗi đứa mỗi nơi.


Ở đây hiếm thấy hình ảnh các cô, các cậu học trò tung tăng cắp sách đến trường, vì các cháu được đưa đón bằng xe buýt.

Hôm khai giảng, học trò được xe buýt đón. Phụ huynh đi xe của mình. Tôi cũng theo các con đến xem cháu vào lớp. Tôi nói đến xem mà không đến dự vì trường không làm lễ khai giảng. Không đón tiếp khách khứa hay nghi thức gì cả, việc chính là đón học trò nên tất cả đều đứng ở ngoài đường. Phụ huynh đến đông, bãi đậu xe quanh trường kín chỗ.

Ông Hiệu trưởng và ông cán bộ cấp trên, kiểu như Trưởng phòng Giáo dục, cũng đứng trò chuyện ở hè, họ thường xuyên gật đầu chào đáp lễ phụ huynh. Xe chở học sinh từ các ngả nối đuôi nhau dừng bánh. Các vị phụ huynh có lẽ đông hơn học sinh cũng nhanh chóng quây quanh. Ai cũng máy ảnh, máy quay phim hồi hộp săn đón ghi lại bước chân đầu tiên của con cháu mình trên đường học vấn.

Các phó nháy gia đình vốn tận tâm chạy trước lùi sau, vui hơn cả con trẻ đi học. Các cháu bé vai đeo ba lô gọn gàng, lần lượt bước xuống. Nét long trọng lại ở trên gương mặt bố mẹ đứng nhìn con, có lẽ đón con từ vũ trụ trở về chắc cũng chỉ đến thế thôi.

Các cháu lần đầu đến trường mà khá đĩnh đạc, tự tin, liếc mắt nhìn bố mẹ chút xíu, rồi thản nhiên theo chân các bạn. Thầy Hiệu trưởng ra tận cửa xe đón học trò. Ông là người duy nhất mặc lễ phục, thân mật và trân trọng. Bước đầu tiên đến trường, các em đã gặp bàn tay đón đỡ của chính thầy Hiệu trưởng theo đúng nghĩa đen. Các thầy cô, trên ngực cài một hình hoa có ghi tên thầy cô và tên lớp, cũng đã ra đón trò của lớp mình. Các cháu theo chân thầy cô vào lớp, phụ huynh đi kèm bên.

Trong các hành lang rộng chạy giữa hai dãy phòng học hoặc nối từng khu nhà được trang trí tranh, hoa như một phòng triển lãm dài. Ở lớp vỡ lòng, các em ngồi quây trên thảm chờ nhau. Bàn ghế ngồi học kê như ở tiệm ăn, bốn năm ghế xoay quanh một bàn. Có phòng để đồ chơi, có tủ riêng từng ngăn cho mỗi em để áo, sách ngay cạnh cửa vào.

Tôi ngó vào lớp, thấy thằng cháu ngồi cùng bốn bạn da trắng, hai bạn da đen, một bạn da vàng và một bạn da nâu Ấn Độ. Các cháu vẫn đang còn lạ lẫm nhìn nhau. Hôm ấy cháu về khoe là cô dặn không được bảo bạn ngu và không được xô vào bạn. Nội dung ấy kể cũng đáng là bài tập đầu tiên của mỗi đời người.

Khai giảng chỉ vậy, không họp, không đón khách, không diễn văn, chỉ là đón học trò. Trước khai giảng, nhà trường đã gặp cha mẹ học sinh ở từng lớp vào một buổi tối nói quan điểm giáo dục, cách dạy và cách học.

Tiểu học học như vui chơi. Bài làm không cho điểm vì giỏi - dốt sẽ còn thay đổi. Điều cần bây giờ là các em có học bài, có làm bài. Cho điểm thì các em sẽ thích điểm cao mà không tự làm bài.

Trò học được vài tuần thì cô giáo họp phụ huynh, không gặp cả lớp mà gặp riêng bố mẹ của từng em để nhận xét về từng trò và tìm cách dạy phù hợp cho từng đứa. Lớp có 20 trò, nhiều hơn thì cũng khó mà thực hiện được những việc này.

Nhà trường tạo nhiều cơ hội để bố mẹ lần lượt đến lớp tham gia trang trí, sắp xếp hoặc dự trò chơi cùng thầy trò. Ngày hội hóa trang, bố mẹ đến dự với các con, làm khán giả của chúng. Thỉnh thoảng trường còn mời gia đình tới xem các cháu biểu diễn văn nghệ hoặc xem triển lãm tranh các cháu vẽ. Những dịp ấy các gia đình đều tới tham dự rất đông.

Một con học mà cả nhà đi. Nề nếp này dễ thực hiện mà tạo cho trẻ niềm vui và lòng tự tin rất lớn. Học nhàn thế mà khi đi họp phụ huynh thầy cô giáo còn dặn bố mẹ đừng bắt các cháu làm thêm bài.

Ở các lớp sơ học (vỡ lòng, lớp một, lớp hai) trẻ được dạy về kỹ năng sống hơn là chữ nghĩa, tính toán. Tôi đã thấy bài về nhà của học sinh lớp một: thực hành "phỏng vấn" mà trò chỉ phải điền con số lên tờ bài làm đã in sẵn. Ấy là hỏi cả nhả xem hôm đó áo của mỗi người có bao nhiêu cái khuy. Người trả lời phải có chữ ký.
Học về quả bí ngô thì các em được đi thăm trang trại cả một ngày. Cô giáo vừa gửi về cho phụ huynh xem quyển tranh của các trò trong lớp: mỗi em vẽ thành tranh việc làm mà em thích. Các em tự "vẽ" tên mình và được cô viết lại để bố mẹ nhận ra con. Quyển sách vẽ ấy chưa cho thấy tài năng hội họa nhưng thấy được tâm lý, nguyện vọng và kiểu nghĩ của em.

Trẻ con học được nhiều thứ, nhất là ở các bảo tàng. Ở Mỹ có cái hay là nơi nào cũng có bảo tàng và lĩnh vực nào của đời sống cũng có bảo tàng. Bảo tàng của nhà nước, của trường đại học, của các hãng kỹ thuật, các nơi giải trí, cả tư nhân. Các bảo tàng về chim, cá, thú... là những thứ trẻ con thích thì địa phương nào cũng có.

Các biển giao thông, luật đi đường cũng được học sớm từ dễ đến khó. Cái khéo là tạo được cơ hội vận dụng. Học địa, học sử, học khí hậu trước hết là học của chính khu mình ở. Trẻ lớp hai đã biết chuyện về vị tổng thống đầu tiên, ý nghĩa lá cờ, hệ mặt trời, các hành tinh, loài khủng long, người cổ đại...

Một thứ kiến thức cơ bản rất đại cương, nhưng đủ cho con người dù bé cũng hiểu được mối tương quan của mình với xung quanh. Kiến thức ấy tan vào các trò chơi, các quân bài, phim, truyện tranh, truyện kể. Sách giáo khoa khác nhau ở từng bang, có thể khác nhau ở từng trường. Cách dạy càng biến hóa.

Ngồi trên ghế nhà trường chỉ học cái gì cần cho cuộc sống, cuộc sống tức thời và làm nền cho cuộc sống tự học sau này. Cái gì chưa cần thì tước bỏ, không học để tích kiến thức, vất vào kho trí nhớ. Trước khi giải bài toán thì phải biết bài toán ấy sẽ giúp được những việc gì. Có lẽ vì thế, trẻ con học nhàn mà khi lớn lại làm được việc.

Vũ Quần Phương, theo Sức khỏe & Đời sống

Tết!



Tiễn đưa 365 ngày qua, chào đón 365 ngày tới với hy vọng nhiều tốt đẹp hơn, suông sẻ hơn với tâm bình an hơn trước bao biến thiên trong cuộc sống.


Thử nghiệm


Hãy làm một thử nghiệm nho nhỏ thế này. Hãy cầm một đồng tiền cắc. Tưởng tượng mình đang nắm giữ một vật gì đó. Hãy nắm thật chặt trong lòng bàn tay. Duỗi cánh tay ra, bàn tay hướng xuống đất. Thả lỏng bàn tay, tất cả những gì mình nắm giữ trong tay, giờ rơi xuống đất. Đó là lý do tại sao mình nắm giữ!

Thế nhưng có một cách khác, mình vẫn giữ được những gì trong tay mà không cần nắm chặt. Hãy đưa cánh tay ra, lòng bàn tay hướng lên trời. Buông lỏng các ngón tay ra, bây giờ, đồng tiền cắc vẫn còn nằm nguyên trong lòng bàn tay đang xòe mở. Hãy buông tay, đừng nắm giữ. Đồng tiền vẫn cứ nằm đó với mình, giữa không gian thông thoáng.

Với cách này, cùng một lúc, chúng ta chấp nhận vô thường mà vẫn an vui trong cuộc sống, không có ý niệm nắm giữ.
(Sogyal Rinpoche)

Friday, January 23, 2009

Sự thay đổi đường nét trên khuôn mặt tượng Phật

Sonia Kolesnikov-Jessop
Dịch tiếng Việt: nhatkyao
Theo các chuyên gia nghệ thuật Trung Quốc, những pho tượng Phật giáo ở Thanh Châu (Qingzhou) tình cờ được phát hiện vào năm 1996, là một trong những công trình khảo cổ quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 20. Được bảo trì trong một điều kiện đặc biệt, lớp sơn và mạ vàng trên những tượng gốc vẫn còn nguyên.

Những pho tượng từ thế kỷ thứ 6 này cũng là chứng cứ cho sự liên hệ khắng khít giữa các nền văn hóa cổ Châu Á, về phong cách nghệ thuật, rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Ấn Độ.

Tượng Bồ tát từ thời Đông Ngụy


Hiện tại, có một cuộc triển lãm 35 pho tượng với chủ đề “Sự bình an trong đá: Khám phá ở Thanh Châu ” tại viện bảo tàng Peranakan, ở Singapore, đã làm nổi bật phong cách thay đổi nhanh chóng khi đưa hình ảnh Đức Phật vào giai đoạn 50 năm từ khi triều đại Bắc Ngụy (386-534) tan rã đưa đến sự phát triển của triều đại Đông Ngụy (534-550) và Bắc Tề (550-577). Các nhà nghiên cứu đoán rằng, khoảng 90 % các tượng đá có khắc niên đại từ năm 529 đến 577 được tìm thấy tại vùng đất mà sau này, người ta xây chùa Long Hưng ở Thanh Châu, Trung Quốc.

Tượng Phật ngồi cuối thời Bắc Tề


Các nhà vua triều đại Bắc Ngụy hết lòng ủng hộ Phật giáo, mặc dù những giáo lý Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ đã được pha trộn với văn hóa và tín ngưỡng dân tộc (đặc biệt là Đạo Khổng và Đạo Lão). Nghệ thuật Phật giáo phát triển và chịu ảnh hưởng bởi các đặc điểm của người Trung Quốc sâu sắc, bằng chứng rõ ràng nhất là những đường nét trên khuôn mặt giống nét mặt người Trung Quốc, y phục cũng vậy,tương tự như y phục của các học giả người Trung Quốc, nhiều nếp gấp với những đường nét thanh tú.


Ông Liu Yang, người phụ trách bộ phận nghệ thuật Trung Quốc tại phòng nghệ thuật ở tiểu bang New South Wales (NSW) Úc Châu, đồng tổ chức cuộc triển lãm văn minh Châu Á tại viện bảo tàng ở Singapore, phát biểu rằng, ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, người ta tìm thấy những mảnh trang trí bàn thờ Phật giáo bằng đồng đã mở đường đến việc tìm ra những tượng đá có khắc niên đại từ đầu thế kỷ thứ 6. Thế nhưng, trong khi những mẫu tượng có tính sáng tạo hơn lại có thể tìm thấy ở những nơi khác. Tại tỉnh Sơn Đông, có bộ ba tượng: một tượng Phật ở giữa và hai bên là các vị Bồ- tát là mô hình chủ đạo. Ông Liu nói thêm rằng, những hình tượng miêu tả mới như cặp rồng uốn mình ngậm hoa sen tạc trên đế tượng là yếu tố mới được đưa vào nghệ thuật chạm khắc cuối thời Bắc Ngụy.

Nét sâu lắng trên khuôn mặt của tượng từ thời Bắc Tề

Trong bia khắc tượng Phật Di Lặc với hai vị bồ tát, ghi niên đại là 529, hai khuôn mặt cười ở góc trên của tượng, mỗi vị cầm một chiếc đĩa tròn. Cô Tan Huism, phó giám đốc Viện bảo tàng Văn minh Châu Á, nói rằng, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hai đĩa đó, trong đạo Lão, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.

Cô Tan nói tiếp: “Một điều làm cho chúng ta vô cùng ngạc nhiên trong cuộc triển lãm này là bạn có thể thấy phong cách tượng thay đổi trong một thời gian rất ngắn. Vào cuối thời Bắc Ngụy, tượng Phật trông rất trang trọng, thế đứng thẳng cứng, phần thân thì phẳng. Bạn không thể nhận thấy thân thể sau lớp y phục. Thế nhưng, kiểu tượng trong thời Bắc Tề, bạn có thể thấy đường nét của thân thể sau làn y mỏng. Kiểu dáng này trở nên tự nhiên hơn nhiều.”

Cô nói thêm, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi phản ánh những ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Gupta ở Sarnath (nơi Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni giảng bài pháp đàu tiên) và phong cách nghệ thuật tượng Mathura, trường phái phát triển tại trung tâm Bắc Ấn vào giai đoạn này. Tượng tạc trong thời kỳ Bắc Tề có thân thể lớn hơn, vai rộng hơn và kiểu y phục mới được thêm vào, không có nếp gấp ở thân, chỉ có nếp gấp quanh đường viền . Một số y phục, ảnh hưởng nhiều từ trường phái Mathura, tạo nên nếp gấp ngang thân như những gợn sóng. Kiểu dáng y phục như thế không có trong các tượng theo phong cách Trung Quốc, vì khác với phong cách Ấn Độ, phong cách Trung Quốc thường tạo những chi tiết đối xứng.

Tượng Phật đứng từ thời Bắc Tề


Cô Tan cho biết: “Có một sự nỗ lực thật sự để làm nổi bật thân hình sau lớp y phục. Một số tượng là ví dụ điển hình theo phong cách ‘áo vừa nhúng nước theo trường phái nghệ thuật Cao’ giống như áo thun ướt, cho ta có cảm nhận là làn vải dính vào thân thể.” Thuật ngữ ‘áo vừa nhúng nước theo trường phái nghệ thuật Cao’ là kiểu tạc tượng điêu khắc trên thân có nếp gấp do một nghệ nhân tên Cao Zhongda thời Bắc Tề sáng chế ra.

Còn nhiều chi tiết khác biệt giữa các phong cách tạc tượng Ấn Độ và Trung Quốc. Ví dụ nhục kế trên đỉnh đầu Đức Phật (nhục kế trên đầu tượng trưng cho trí tuệ) chỉ tìm thấy ở các tượng theo phong cách Gupta, còn tượng thời Bắc Tề thì đỉnh đầu phẳng đi nhiều rồi.

Tượng bồ tát cũng được chạm khắc ngày càng công phu và tinh tế hơn, đặc biệt tượng trong thời Bắc Tề, có đeo đồ trang sức nhiều hơn và đeo dây chuyền dài. Bồ tát thường được tạc với khuôn mặt đẹp, không rõ giới tính. Có lẽ là người ta tin rằng, một hình tượng như vậy, không nhất thiết giới tính hay hình thức nào, đều có thể giúp chúng sanh trên con đường tiến đến Niết Bàn và cũng có thể, người Trung Quốc coi lòng từ là một đặc tính của phái nữ.

Tượng bồ tát Quan Âm đứng thời Bắc Tề


Ông Kenson Kwok, giám đốc Viện bảo tàng Văn minh Châu Á, phát biểu rằng, “Trên quan điểm lịch sử của nghệ thuật, thì đây là một cuộc triển lãm rất quan trọng.” Những pho tượng này đẹp sắc sảo và đang được bảo trì rất đặc biệt. Một số tượng, bạn thấy có lớp sơn phủ trên lớp mạ vàng. Điều này cũng hiếm thấy vì màu nhuộm thường không bám chắc vào vàng.” Ông nói thêm: “Các nhà sử học nghiên cứu nghệ thuật sẽ thấy rằng tượng của Hy Lạp và La Mã cổ cũng được sơn, nhưng chúng ta thấy rất ít tượng tìm được còn nhìn thấy được màu sắc. Ở đây, bạn có thể thấy nghệ nhân đã rất kỹ lưỡng khi tạo nên những pho tượng thế này.”

400 pho tượng và các mảnh vỡ được tìm thấy dưới lớp đất sâu 1.5 mét trong một cái hố dài 8.7 mét, rộng 6.8 mét và sâu 2 mét. Nhờ vào những đồng tiền cắc xung quanh khu vực chôn tượng và những đồ gốm từ thế kỷ 12, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng các tượng này, hầu hết đều được chạm khắc từ bột đá vôi xanh xám, thường được dùng để xây mộ hay tạo hình tượng thiêng liêng vào thế kỷ thứ 12. Vì vẻ mặt và phong cách các pho tượng khác nhau, các nhà nghiên cứu tin rằng những tượng này được đem về từ nhiều ngôi chùa khác nhau trong tỉnh Sơn Đông, nơi Thanh Châu tọa lạc.


Tượng Phật đứng từ thời Bắc Tề


Qua lời của thông dịch viên, ông Xie Zhixiu, phó giám đốc kiêm chánh văn phòng Sở Văn hóa tỉnh Sơn Đông, phát biểu: “Những mảnh tượng cháy được tìm thấy vẫn còn là một điều bí mật và là vấn đề gây tranh cãi cho các nhà nghiên cứu. “Một giả thuyết thông thường được chấp nhận là các tượng ở Thanh Châu bị thiêu trong suốt thời kỳ chống đối Phật giáo. Vì e rằng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Phật giáo sẽ đe dọa quyền lực của mình, các nhà cầm quyền ra lệnh phá hủy hàng loạt ngôi chùa và tượng Phật giáo.”


Ông Xie nói thêm: “Tuy nhiên, không thể nói rằng, các tượng ở Thanh Châu do lực lượng chống đối Phật giáo phá hủy. Ngược lại, những đồ vật dùng để thiết bày nghi lễ cúng kính một cách cẩn thận cho thấy các tượng này được các tín đồ Phật giáo chôn cất để bảo tồn di sản quý giá này. Nhiều pho tượng được tìm thấy không hề có dấu hiệu bị thiêu đốt gì cả, mà những vết rạn nứt chỉ vì trải qua thời gian lâu trong lòng đất. Cũng có thể những pho tượng này được chôn cất vội vàng trong một tình huống khẩn trương nào đó.”

Source: http://www.iht.com/articles/2009/01/21/arts/jessop.1-410895.php


Wednesday, January 21, 2009

Diễn văn nhậm chức của Obama (BBC)

Ông Barack Obama đã tuyên thệ nhậm chức để trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông (bản dịch của Ban Việt ngữ BBC):

Thưa quốc dân,

Tôi đứng đây ngày hôm nay, cảm thấy thật khiêm nhường trước trách nhiệm trước mắt, biết ơn về sự tin cậy của quý vị, và nhớ về những hy sinh của tổ tiên. Tôi xin cảm ơn Tổng Thống Bush về những cống hiến của Ngài cho đất nước, về sự hào phóng và tinh thần cộng tác của Ngài trong quá trình chuyển giao này.

Bốn mươi tư công dân Mỹ đã tuyên thệ nhận chức tổng thống. Những từ ngữ được vang lên trong những thời thịnh vượng và thời bình. Và những lời tuyên thệ cũng thường vang lên trong lúc dông bão. Vào những thời khắc đó, nước Mỹ đã vượt qua, không chỉ đơn giản nhờ vào kỹ năng hay tầm nhìn của những người lãnh đạo, mà bởi Chúng Ta, Nhân Dân Mỹ đã có niềm tin vào lý tưởng của cha ông, theo đúng tinh thần của các văn bản lập quốc của chúng ta.

Niềm tin đó đúng trong quá khứ. Niềm tin đó phải đồng hành với thế hệ người Mỹ hiện nay.

Các thách thức nghiêm trọng

Chúng ta hiện đang trong giữa cuộc khủng hoảng mà ai ai cũng biết. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nhà mất, việc không, kinh doanh đình đốn. Chi phí y tế thì quá tốn kém; chất lượng trường học khiến nhiều người thất vọng. Càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy cách chúng ta sử dụng năng lượng càng khiến kẻ thù của chúng ta mạnh thêm trong lúc trái đất càng bị đe doạ thêm.

Đó là các chỉ dấu về cuộc khủng hoảng, tính theo dữ liệu và số liệu thống kê. Không đo đếm được cụ thể đến vậy, nhưng cũng không kém phần sâu sắc, đó là tâm trạng mất niềm tin trên toàn đất nước - một tâm trạng sợ hãi đeo đẳng rằng sự đi xuống của nước Mỹ là không thể tránh khỏi, và rằng thế hệ kế tiếp sẽ phải hạ bớt tầm nhìn.

Hôm nay, tôi xin nói với quý vị rằng các thách thức mà chúng ta đang đối diện là rất thật. Các thách thức đó rất nghiêm trọng và có nhiều. Các thách thức đó không thể xử lý được một cách dễ dàng hay trong một thời gian ngắn. Nhưng xin quý vị hãy biết rằng chúng sẽ được xử lý.

Ngày hôm nay, chúng ta tụ hội về đây bởi chúng ta đã lựa chọn hy vọng thay vì sợ hãi, cùng hướng tới một mục tiêu chung thay vì có xung đột và bất hòa.

Ngày hôm nay, chúng ta tới để tuyên bố chấm dứt những lời than vãn vụn vặt cùng những lời hứa hẹn dối trá, những lời tố cáo lẫn nhau cùng những lời nói giáo điều nhàm chán, những thứ đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta quá nhiều.

Quốc gia dám chấp nhận rủi ro

Chúng ta vẫn là một quốc gia non trẻ, nhưng như kinh thánh nói, đã tới lúc bỏ sang một bên những điều nông nổi. Đã đến lúc tái xác nhận tinh thần kiên nhẫn của chúng ta, nhằm chọn lựa một lịch sử tốt đẹp hơn, nhằm hướng tới món quà quý giá, ý tưởng cao đẹp vốn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.

Trong khi tái khẳng định sự vĩ đại của dân tộc chúng ta, chúng ta hiểu rằng sự vĩ đại đó không bao giờ là thứ được cho không. Chúng ta đã phải giành lấy nó. Hành trình của chúng ta đi cho tới nay chưa bao giờ là một trong những con đường đi tắt hoặc một cái gì đó dễ dàng hơn. Đó không phải là con đường cho những người nhút nhát, cho những người hay ưa thích sự nhàn tản hơn là lao động, hay cho những người chỉ tìm kiếm những thú vui của sự giàu sang và nổi tiếng. Thay vào đó, chính những người dám chấp nhận hiểm nguy, những người lao động, những người làm ra các sản vật – mà một vài trong số họ là những người nổi tiếng nhưng thông thường hơn là những người đàn ông và đàn bà vô danh trong những lao động của họ - là những người đã đưa chúng ta vượt qua con đường dài đầy khó khăn gập ghềnh và dẫn chúng ta tới sự thịnh vượng và tự do.

Vì chúng ta, họ đã phải bươn chải khắp các đại dương mà trong tay chỉ có chút ít tư trang, của cải để mưu cầu một cuộc đời mới.

Vì chúng ta, họ đã phải vất vả lao động ở những công xưởng hà khắc và phải cất công định cư ở miền Tây; đã phải chịu đựng những trận đòn roi da và cấy cầy trên nền đất cứng.

Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi như Concord và Gettysburg, Normandy và Khe Sanh.

Dấu ấn Mỹ

Hết lần này đến lần khác, những người đàn ông và đàn bà này đã tranh đấu, hy sinh và làm việc tới tận khi đôi bàn tay của họ trai sạm để chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn, Họ đã nhìn thấy nước Mỹ lớn hơn tất cả những tham vọng cá nhân, lớn hơn tất cả những khác biệt về sự sinh thành, của cải và phe phái của chúng ta gộp lại.

Đây là hành trình chúng ta tiếp tục ngày hôm nay. Chúng ta vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất, mạnh nhất trên trái đất. Các công nhân của chúng ta không hề làm việc kém hiệu quả hơn thời điểm cuộc khủng hoảng này bắt đầu. Trí óc của chúng ta không hề kém sáng tạo, hàng hoá và dịch vụ của chúng ta không hề kém cần thiết hơn tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Năng lực của chúng ta vẫn không hề bị sút giảm. Nhưng thời của sự bảo vệ những lợi ích hẹp hòi và lảng tránh những quyết định không mấy thú vị của chúng ta - thời đó chắc chắn đã trôi qua.

Bắt đầu ngày hôm nay, chúng ta phải tự mình đứng dậy, tự phủi bụi và bắt đầu trở lại công việc tái lập nước Mỹ. Bởi vì ở bất cứ nơi đâu chúng ta nhìn vào, chúng ta sẽ thấy có việc phải làm. Tình trạng kinh tế hiện nay đang kêu gọi chúng ta hành động, can đảm và mau lẹ, và chúng ta sẽ hành động – không chỉ để tạo ra những việc làm mới, mà còn để đặt một nền móng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây dựng cầu, đường, các lưới điện và đường dây kỹ thuật số để cung cấp cho thương mại và kết nối chúng ta lại với nhau. Chúng ta sẽ khôi phục khoa học ở vị trí đúng đắn của nó, sẽ sử dụng các điều kỳ diệu của công nghệ để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và hạ giá thành của nó. Chúng ta sẽ khai thác năng lượng từ mặt trời, từ gió và đất để cung cấp nhiên liệu cho xe hơi và vận hành các nhà máy của chúng ta. Và chúng ta sẽ chuyển các trường học, trường học phổ thông và đại học để đáp ứng các nhu cầu của một thời đại mới. Tất cả điều này chúng ta có thể làm. Tất cả những điều này, chúng ta sẽ làm.

Khôi phục niềm tin

Vào lúc này, đang có những người đặt ra các câu hỏi trước các tham vọng của chúng ta - những người này cho rằng hệ thống của chúng ta không thể kham nổi quá nhiều các kế hoạch. Trí nhớ của họ quá ngắn. Bởi vì họ đã quên rằng đất nước này đã làm được điều đó; điều mà những con người tự do, nam cũng như nữ, có thể đạt được khi trí tưởng tượng của mọi người được hòa trong một mục đích chung, điều cần thiết cho sự can đảm.

Điều mà những người hoài nghi không thể hiểu là mặt đất đang chuyển dịch dưới chân họ - là những luận điểm chính trị cũ kỹ vốn làm héo mòn chúng ta lâu nay, không còn có thể áp dụng được nữa. Câu hỏi chúng ta đặt ra hôm nay không phải là liệu chính phủ của chúng ta quá lớn hay quá nhỏ, nhưng mà là liệu nó có vận hành được hay không - liệu nó có thể giúp cho các gia đình tìm kiếm được việc làm với một đồng lương tử tế, một sự chăm sóc y tế mà họ có thể chi trả được hay tìm kiếm được một hưu bổng xứng đáng. Ở đâu mà câu trả lời là được, chúng ta dự kiến sẽ tiến tới. Ở đâu mà câu trả lời là không, các chương trình sẽ dừng lại.

Và ai trong số chúng ta đang quản lý những đồng đô-la công cộng sẽ phải thận trọng tính toán - để chi tiêu một cách khôn ngoan, phải thay đổi những thói quen xấu và phải làm công việc của chúng ta dưới thanh thiên bạch nhật – vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể khôi phục được lòng tin hết sức quan trọng giữa người dân và chính phủ của họ.

Cũng không phải đó là câu hỏi đặt ra trước chúng ta rằng liệu thị trường là một lực lượng lành mạnh hay không. Sức mạnh của thị trường nhằm sản xuất ra của cải và mở rộng tự do là không gì sánh nổi, nhưng cuộc khủng hoảng này nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có một con mắt thận trọng, thị trường có thể xoay chuyển và đi ra khỏi vòng kiểm soát - một quốc gia không thể thịnh vượng lâu dài khi nó chỉ tạo thuận lợi cho những người giàu có. Thành công của nền kinh tế của chúng ta đã luôn luôn dựa trên không chỉ quy mô của tổng sản phẩm quốc nội của chúng ta, mà còn dựa trên tầm vóc của sự thịnh vượng của chúng ta; dựa trên khả năng mở rộng cơ hội cho tất cả những người thiện ý, sẵn lòng – không xuất phát từ lòng từ thiện ban phát, mà còn bởi vì đó là con đường chắc chắn nhất đưa tới lợi ích chung của chúng ta.

Sẵn sàng dẫn dắt

Đối với công cuộc quốc phòng, chúng ta bác bỏ sự lựa chọn giữa an toàn và các lý tưởng của chúng ta. Những bậc cha ông khai quốc của chúng ta, vốn đã từng phải đương đầu với những hiểm nguy mà chúng ta hiếm khi có thể hình dung được, đã soạn thảo ra một bản hiến chương đảm bảo pháp trị và các quyền con người, một bản hiến chương đóng góp bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng này vẫn tiếp tục thắp sáng trên thế giới, và chúng ta sẽ không từ bỏ chúng vì những điều không thích hợp.

Và do đó đối với tất cả các dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời: quý vị biết rằng nước Mỹ là bạn bè với từng quốc gia, từng cá nhân dù là nam hay nữ, từng đứa trẻ, đang tìm kiếm tương lai hoà bình và phẩm giá, và chúng ta sẵn sàng để đi đầu một lần nữa.

Hãy nhớ rằng thế hệ cha anh chúng ta đã hạ gục chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, không chỉ bằng tên lửa và xe tăng mà bằng những liên minh vững chắc và bằng niềm tin bền bỉ. Lớp cha anh hiểu rằng chỉ sức mạnh không thôi sẽ không thể bảo vệ nổi chúng ta, và nó cũng không cho phép chúng ta làm những gì mình muốn. Các thế hệ trước hiểu rằng sức mạnh của chúng ta lớn mạnh dần là nhờ chúng ta đã sử dụng nó một cách cẩn trọng. Nền an ninh của chúng ta được xây dựng từ sự chính danh, từ sự gương mẫu, từ sự khiêm nhường và sự biết kiềm chế của chúng ta.

Chúng ta là những người gìn giữ di sản này. Được dẫn dắt bởi những nguyên tắc cơ bản này, một lần nữa chúng ta sẽ đương đầu được với các đe doạ mới, là các đe doạ cần được đối phó bằng những nỗ lực to lớn hơn - thậm chí là cả sự hợp tác to lớn hơn cùng và sự thông hiểu hơn giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ bắt đầu chuyển giao một cách có trách nhiệm đất nước Iraq cho người dân Iraq, và sẽ vượt lên giành giật hòa bình vốn khó giữ tại Afghanistan. Cùng với bạn cũ thù xưa, chúng ta sẽ làm việc không ngừng nhằm giảm bớt đe dọa hạt nhân và đảo ngược tiến trình ấm nóng toàn cầu. Chúng ta sẽ không xin lỗi vì cách sống của chúng ta và không do dự khi bảo vệ lối sống này. Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội, thì các người hãy nghe đây: tinh thần của chúng ta mạnh hơn của các người, các người không thể bẻ gãy ý chí của chúng ta, các người không thể tồn tại lâu chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các người.

Kỷ nguyên hoà bình

Chúng ta biết rằng di sản của chúng ta là sức mạnh chứ không phải là sự yếu đuối. Chúng ta là một quốc gia của người Thiên Chúa Giáo và người Hồi Giáo, người Do Thái giáo và người Ấn giáo, và của cả những người không tôn giáo. Chúng ta được hình thành bởi các ngôn ngữ và văn hóa hội về từ khắp nơi trên trái đất. Từng đã trải qua vị đắng của nội chiến và tệ phân biệt màu da, từng trỗi dậy từ thời kỳ đen tối đó để trở nên mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn, chúng ta tin rằng rồi sẽ đến ngày nỗi thù nghịch cũng qua đi, làn phân ranh giữa các bộ tộc sẽ không còn; khi thế giới này trở nên nhỏ bé hơn, lòng nhân hậu sẽ ngự trị và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò mở ra một kỷ nguyên mới, hoà bình.

Đối với thế giới Hồi giáo, chúng ta tìm hướng đi tới mới, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với các nhà lãnh đạo đang muốn gieo rắc xung đột hay đổ lỗi cho phương Tây gây ra những tệ nạn trong xã hội của họ - quý vị hãy hiểu rằng người dân sẽ đánh giá dựa trên những gì quý vị xây chứ không phải những gì quý vị phá. Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.

Đối với các quốc gia nghèo khó, chúng tôi cam kết sẽ sánh vai cùng quý vị để giúp các trang trại xanh tươi, để dòng nước sạch được tuôn trào, để nuôi dưỡng những sinh linh đói khát. Và đối với những quốc gia được hưởng sự đầy đủ như chúng ta, chúng ta nói với họ rằng chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ với những nỗi thống khổ phía bên ngoài biên giới, cũng không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên thế giới mà không quan tâm gì tới những ảnh hưởng kéo theo. Thế giới đã thay đổi và chúng ta phải thay đổi theo.

'Nghĩa vụ'

Khi chúng ta cân nhắc con đường phía trước, chúng ta tưởng nhớ với lòng biết ơn khiêm nhường trước những người Mỹ dũng cảm, vào chính lúc này đây, đang tuần tra các sa mạc, rặng núi xa xôi. Họ có cái để nói với chúng ta, giống như những anh hùng gục ngã tại Arlington đã thì thầm từ bao thời đại. Chúng ta vinh danh họ không chỉ vì họ là những người bảo vệ tự do của chúng ta, mà còn vì họ hiện thân cho tinh thần phục vụ; sẵn sàng tìm ý nghĩa trong những điều lớn hơn bản thân họ. Và chính trong khoảnh khắc này - một khoảnh khắc sẽ định hình cả một thế hệ, chính tinh thần này phải hiện hữu trong tất cả chúng ta.

Vì cho dù chính phủ có thể làm gì và phải làm gì, quốc gia này chung cuộc là nhờ vào niềm tin và quyết tâm của nhân dân Mỹ. Đó là sự tử tế đùm bọc người xa lạ khi những con đê bị vỡ, là sự vị tha của những công nhân thà làm bớt giờ chứ không để bạn mình mất việc, chính chúng sẽ đưa ta qua những giờ đen tối nhất. Chính là sự dũng cảm của nhân viên chữa cháy băng qua cầu thang đầy khói, chính là bậc cha mẹ sẵn lòng chăm sóc con, mà quyết định số phận của chúng ta.

Các thách thức của chúng ta có thể là mới mẻ. Các công cụ mà chúng ta dùng để đối phó có thể là mới mẻ. Nhưng các giá trị đã dẫn đến thành công của chúng ta - sự trung thực và chăm chỉ, dũng cảm và công bằng, khoan dung và tò mò, trung thành và lòng yêu nước - những điều này là cũ. Những điều này là có thật. Chúng đã là lực đẩy âm thầm cho tiến bộ xuyên suốt lịch sử của chúng ta. Điều đang đòi hỏi chúng ta là quay về với những sự thật đó.

Điều đòi hỏi chúng ta lúc này đây là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm, một sự thừa nhận của từng người Mỹ rằng chúng ta có nghĩa vụ với chính bản thân, quốc gia, và thế giới; những nghĩa vụ mà chúng ta không phải miễn cưỡng chấp nhận mà sẵn sàng nắm lấy, với hiểu biết chắc chắn rằng không có điều gì làm tinh thần thỏa mãn, phản ảnh tư cách của chúng ta cho bằng cống hiến trọn vẹn cho một sự nghiệp khó khăn.

'Món quà của tự do'

Đây là giá và sự hứa hẹn của quyền công dân.

Đây là nguồn gốc của niềm tự tin, sự hiểu biết rằng Thượng Đế trông cậy vào chúng ta để định hình một định mệnh chưa chắc chắn.

Đây là ý nghĩa của tự do và tôn giáo của chúng ta - là vì sao mọi người, nam, nữ, trẻ em thuộc mọi chủng tộc và tín ngưỡng có thể cùng nhau chào đón tại quảng trường quốc gia vĩ đại này và vì sao một người có cha cách đây gần 60 năm có thể không được phục vụ tại một nhà hàng địa phương mà nay đứng trước mặt quý vị để đọc lời thề thiêng liêng nhất.

Vậy chúng ta hãy đánh dấu ngày này bằng cách nhớ lại chúng ta là ai và chúng ta đã đi xa thế nào.

Vào năm Hoa Kỳ ra đời, trong những tháng lạnh nhất, một nhóm nhỏ những người yêu nước chụm lại bên nhau bên cạnh đống lửa gần tàn trên bờ dòng sông băng giá. Thủ đô đã bị bỏ lại. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang lỗ vết máu. Vào thời điểm khi kết quả cuộc cách mạng rơi vào hồ nghi, vị cha già của quốc gia ra lệnh đọc cho mọi người những lời này:

"Hãy nói cho thế giới tương lai... rằng trong mùa đông giá lạnh nhất, khi chỉ còn lại hy vọng và nghị lực... thì thành phố và đất nước, lo lắng trước mối nguy hiểm chung, đã tiến lên để đối đầu."

Nước Mỹ ơi. Giữa những nguy hiểm chung, trong mùa đông gian khó của chúng ta, hãy nhớ những lời bất tử này. Với hy vọng và nghị lực, chúng ta hãy một lần nữa can đảm vượt qua dòng nước băng giá và chịu đựng bất cứ cơn bão nào sẽ đến. Hãy để con cháu chúng ta nhắc lại rằng khi chúng ta bị thử thách, chúng ta đã chối từ không để cuộc hành trình phải ngừng lại, rằng chúng ta không quay lui hay ngập ngừng, và với con mắt chăm chú nhìn vào chân trời và với ân phước của Thượng Đế ban cho, chúng ta mang theo món quà của tự do và chuyền lại bình an cho các thế hệ sau.

Cảm ơn quý vị. Thượng đế ban phước lành cho quý vị. Và Thượng đế ban phước lành cho nước Mỹ.

Barack Obama’s inauguration

Chỉ khi nào con người cảm xúc thật sự từ trái tim, mới có tiếng khóc, tiếng cười và tiếng tung hô thật sự...
Những ai vừa theo dõi truyền hình trực tiếp lễ nhậm chức tổng thống thứ 44 của Mỹ, có thể cảm nhận được điều này qua các cung bậc tình cảm của những người có mặt.

The inaugural oath:





"I Barack Hussein Obama do solemnly swear that I will faithfully execute the office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect, and defend the Constitution of the United States."

Inauguration speech:
My fellow citizens:


I stand here today humbled by the task before us, grateful for the trust you have bestowed, mindful of the sacrifices borne by our ancestors. I thank President Bush for his service to our nation, as well as the generosity and co-operation he has shown throughout this transition.


Forty-four Americans have now taken the presidential oath. The words have been spoken during rising tides of prosperity and the still waters of peace. Yet, every so often the oath is taken amidst gathering clouds and raging storms. At these moments, America has carried on not simply because of the skill or vision of those in high office, but because We the People have remained faithful to the ideals of our forbearers, and true to our founding documents.


So it has been. So it must be with this generation of Americans.



That we are in the midst of crisis is now well understood. Our nation is at war, against a far-reaching network of violence and hatred. Our economy is badly weakened, a consequence of greed and irresponsibility on the part of some, but also our collective failure to make hard choices and prepare the nation for a new age. Homes have been lost; jobs shed; businesses shuttered. Our health care is too costly; our schools fail too many; and each day brings further evidence that the ways we use energy strengthen our adversaries and threaten our planet.

These are the indicators of crisis, subject to data and statistics. Less measurable but no less profound is a sapping of confidence across our land - a nagging fear that America's decline is inevitable, and that the next generation must lower its sights.

Today I say to you that the challenges we face are real. They are serious and they are many. They will not be met easily or in a short span of time. But know this, America - they will be met.

On this day, we gather because we have chosen hope over fear, unity of purpose over conflict and discord.

On this day, we come to proclaim an end to the petty grievances and false promises, the recriminations and worn out dogmas, that for far too long have strangled our politics.

We remain a young nation, but in the words of scripture, the time has come to set aside childish things. The time has come to reaffirm our enduring spirit; to choose our better history; to carry forward that precious gift, that noble idea, passed on from generation to generation: the God-given promise that all are equal, all are free, and all deserve a chance to pursue their full measure of happiness.

In reaffirming the greatness of our nation, we understand that greatness is never a given. It must be earned. Our journey has never been one of short-cuts or settling for less. It has not been the path for the faint-hearted - for those who prefer leisure over work, or seek only the pleasures of riches and fame. Rather, it has been the risk-takers, the doers, the makers of things - some celebrated but more often men and women obscure in their labour, who have carried us up the long, rugged path towards prosperity and freedom.

For us, they packed up their few worldly possessions and travelled across oceans in search of a new life.

For us, they toiled in sweatshops and settled the West; endured the lash of the whip and ploughed the hard earth.

For us, they fought and died, in places like Concord and Gettysburg; Normandy and Khe Sahn.

Time and again these men and women struggled and sacrificed and worked till their hands were raw so that we might live a better life. They saw America as bigger than the sum of our individual ambitions; greater than all the differences of birth or wealth or faction.

This is the journey we continue today. We remain the most prosperous, powerful nation on earth. Our workers are no less productive than when this crisis began. Our minds are no less inventive, our goods and services no less needed than they were last week or last month or last year. Our capacity remains undiminished. But our time of standing pat, of protecting narrow interests and putting off unpleasant decisions - that time has surely passed. Starting today, we must pick ourselves up, dust ourselves off, and begin again the work of remaking America.

For everywhere we look, there is work to be done. The state of the economy calls for action, bold and swift, and we will act - not only to create new jobs, but to lay a new foundation for growth. We will build the roads and bridges, the electric grids and digital lines that feed our commerce and bind us together. We will restore science to its rightful place, and wield technology's wonders to raise health care's quality and lower its cost. We will harness the sun and the winds and the soil to fuel our cars and run our factories. And we will transform our schools and colleges and universities to meet the demands of a new age. All this we can do. All this we will do.

Now, there are some who question the scale of our ambitions - who suggest that our system cannot tolerate too many big plans. Their memories are short. For they have forgotten what this country has already done; what free men and women can achieve when imagination is joined to common purpose, and necessity to courage.

What the cynics fail to understand is that the ground has shifted beneath them - that the stale political arguments that have consumed us for so long no longer apply. The question we ask today is not whether our government is too big or too small, but whether it works - whether it helps families find jobs at a decent wage, care they can afford, a retirement that is dignified. Where the answer is yes, we intend to move forward. Where the answer is no, programs will end. And those of us who manage the public's dollars will be held to account - to spend wisely, reform bad habits, and do our business in the light of day - because only then can we restore the vital trust between a people and their government.

Nor is the question before us whether the market is a force for good or ill. Its power to generate wealth and expand freedom is unmatched, but this crisis has reminded us that without a watchful eye, the market can spin out of control - that a nation cannot prosper long when it favours only the prosperous. The success of our economy has always depended not just on the size of our gross domestic product, but on the reach of our prosperity; on the ability to extend opportunity to every willing heart - not out of charity, but because it is the surest route to our common good.

As for our common defence, we reject as false the choice between our safety and our ideals. Our founding fathers, faced with perils we can scarcely imagine, drafted a charter to assure the rule of law and the rights of man, a charter expanded by the blood of generations. Those ideals still light the world, and we will not give them up for expedience's sake. And so to all other peoples and governments who are watching today, from the grandest capitals to the small village where my father was born: know that America is a friend of each nation and every man, woman, and child who seeks a future of peace and dignity, and we are ready to lead once more.

Recall that earlier generations faced down fascism and communism not just with missiles and tanks, but with the sturdy alliances and enduring convictions. They understood that our power alone cannot protect us, nor does it entitle us to do as we please. Instead, they knew that our power grows through its prudent use; our security emanates from the justness of our cause, the force of our example, the tempering qualities of humility and restraint.

We are the keepers of this legacy. Guided by these principles once more, we can meet those new threats that demand even greater effort - even greater cooperation and understanding between nations. We will begin to responsibly leave Iraq to its people, and forge a hard-earned peace in Afghanistan. With old friends and former foes, we will work tirelessly to lessen the nuclear threat, and roll back the spectre of a warming planet. We will not apologize for our way of life, nor will we waver in its defence, and for those who seek to advance their aims by inducing terror and slaughtering innocents, we say to you now that our spirit is stronger and cannot be broken; you cannot outlast us, and we will defeat you.

For we know that our patchwork heritage is a strength, not a weakness. We are a nation of Christians and Muslims, Jews and Hindus - and non-believers. We are shaped by every language and culture, drawn from every end of this earth; and because we have tasted the bitter swill of civil war and segregation, and emerged from that dark chapter stronger and more united, we cannot help but believe that the old hatreds shall someday pass; that the lines of tribe shall soon dissolve; that as the world grows smaller, our common humanity shall reveal itself; and that America must play its role in ushering in a new era of peace.

To the Muslim world, we seek a new way forward, based on mutual interest and mutual respect. To those leaders around the globe who seek to sow conflict, or blame their society's ills on the West - know that your people will judge you on what you can build, not what you destroy. To those who cling to power through corruption and deceit and the silencing of dissent, know that you are on the wrong side of history; but that we will extend a hand if you are willing to unclench your fist.

To the people of poor nations, we pledge to work alongside you to make your farms flourish and let clean waters flow; to nourish starved bodies and feed hungry minds. And to those nations like ours that enjoy relative plenty, we say we can no longer afford indifference to suffering outside our borders; nor can we consume the world's resources without regard to effect. For the world has changed, and we must change with it.

As we consider the road that unfolds before us, we remember with humble gratitude those brave Americans who, at this very hour, patrol far-off deserts and distant mountains. They have something to tell us, just as the fallen heroes who lie in Arlington whisper through the ages. We honour them not only because they are guardians of our liberty, but because they embody the spirit of service; a willingness to find meaning in something greater than themselves. And yet, at this moment - a moment that will define a generation - it is precisely this spirit that must inhabit us all.

For as much as government can do and must do, it is ultimately the faith and determination of the American people upon which this nation relies. It is the kindness to take in a stranger when the levees break, the selflessness of workers who would rather cut their hours than see a friend lose their job which sees us through our darkest hours. It is the firefighter's courage to storm a stairway filled with smoke, but also a parent's willingness to nurture a child, that finally decides our fate.

Our challenges may be new. The instruments with which we meet them may be new. But those values upon which our success depends - honesty and hard work, courage and fair play, tolerance and curiosity, loyalty and patriotism - these things are old. These things are true. They have been the quiet force of progress throughout our history. What is demanded then is a return to these truths. What is required of us now is a new era of responsibility - a recognition, on the part of every American, that we have duties to ourselves, our nation, and the world, duties that we do not grudgingly accept but rather seize gladly, firm in the knowledge that there is nothing so satisfying to the spirit, so defining of our character, than giving our all to a difficult task.

This is the price and the promise of citizenship.

This is the source of our confidence - the knowledge that God calls on us to shape an uncertain destiny.

This is the meaning of our liberty and our creed - why men and women and children of every race and every faith can join in celebration across this magnificent mall, and why a man whose father less than 60 years ago might not have been served at a local restaurant can now stand before you to take a most sacred oath.

So let us mark this day with remembrance, of who we are and how far we have travelled. In the year of America's birth, in the coldest of months, a small band of patriots huddled by dying campfires on the shores of an icy river. The capital was abandoned. The enemy was advancing. The snow was stained with blood. At a moment when the outcome of our revolution was most in doubt, the father of our nation ordered these words be read to the people:

"Let it be told to the future world...that in the depth of winter, when nothing but hope and virtue could survive...that the city and the country, alarmed at one common danger, came forth to meet [it]."

America. In the face of our common dangers, in this winter of our hardship, let us remember these timeless words. With hope and virtue, let us brave once more the icy currents, and endure what storms may come. Let it be said by our children's children that when we were tested we refused to let this journey end, that we did not turn back nor did we falter; and with eyes fixed on the horizon and God's grace upon us, we carried forth that great gift of freedom and delivered it safely to future generations.

Thank you. God bless you. And God bless the United States of America.

Tuesday, January 20, 2009

Obama’s letter to his girls (đọc báo)

Why did Barack Obama want to be President? In this letter to his daughters, Malia and Sasha he shares with us - the public - his reasons. The American magazine, Parade, asked the president-elect “to get personal and tell us what he wants for his children”.


Dear Malia and Sasha,


I know that you’ve both had a lot of fun these last two years on the campaign trail, going to picnics and parades and state fairs, eating all sorts of junk food your mother and I probably shouldn’t have let you have. But I also know that it hasn’t always been easy for you and Mom, and that as excited as you both are about that new puppy, it doesn’t make up for all the time we’ve been apart. I know how much I’ve missed these past two years, and today I want to tell you a little more about why I decided to take our family on this journey.


When I was a young man, I thought life was all about me - about how I’d make my way in the world, become successful, and get the things I want. But then the two of you came into my world with all your curiosity and mischief and those smiles that never fail to fill my heart and light up my day. And suddenly, all my big plans for myself didn’t seem so important anymore. I soon found that the greatest joy in my life was the joy I saw in yours. And I realized that my own life wouldn’t count for much unless I was able to ensure that you had every opportunity for happiness and fulfillment in yours. In the end, girls, that’s why I ran for President: because of what I want for you and for every child in this nation.


I want all our children to go to schools worthy of their potential-schools that challenge them, inspire them, and instill in them a sense of wonder about the world around them. I want them to have the chance to go to college-even if their parents aren’t rich. And I want them to get good jobs: jobs that pay well and give them benefits like health care, jobs that let them spend time with their own kids and retire with dignity.


I want us to push the boundaries of discovery so that you’ll live to see new technologies and inventions that improve our lives and make our planet cleaner and safer. And I want us to push our own human boundaries to reach beyond the divides of race and region, gender and religion that keep us from seeing the best in each other.


Sometimes we have to send our young men and women into war and other dangerous situations to protect our country-but when we do, I want to make sure that it is only for a very good reason, that we try our best to settle our differences with others peacefully, and that we do everything possible to keep our servicemen and women safe. And I want every child to understand that the blessings these brave Americans fight for are not free-that with the great privilege of being a citizen of this nation comes great responsibility.


That was the lesson your grandmother tried to teach me when I was your age, reading me the opening lines of the Declaration of Independence and telling me about the men and women who marched for equality because they believed those words put to paper two centuries ago should mean something.

She helped me understand that America is great not because it is perfect but because it can always be made better-and that the unfinished work of perfecting our union falls to each of us. It’s a charge we pass on to our children, coming closer with each new generation to what we know America should be.


I hope both of you will take up that work, righting the wrongs that you see and working to give others the chances you’ve had. Not just because you have an obligation to give something back to this country that has given our family so much-although you do have that obligation. But because you have an obligation to yourself. Because it is only when you hitch your wagon to something larger than yourself that you will realize your true potential.


These are the things I want for you-to grow up in a world with no limits on your dreams and no achievements beyond your reach, and to grow into compassionate, committed women who will help build that world. And I want every child to have the same chances to learn and dream and grow and thrive that you girls have. That’s why I’ve taken our family on this great adventure.


I am so proud of both of you. I love you more than you can ever know. And I am grateful every day for your patience, poise, grace, and humor as we prepare to start our new life together in the White House.


Love, Dad


Thư TT Obama gửi con gái trước ngày nhậm chức

Những điều cha muốn cho các con, là được lớn lên trong một thế giới không có giới hạn đối với những ước mơ và không có thành công nào nằm ngoài tầm với, và trở thành những người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và tận tuỵ, góp phần xây dựng thế giới này." - Trích thư Tân TT Mỹ Obama gửi các con gái.

Đăng ngày 14/1/2009 trên tạp chí Parade


Malia và Sasha yêu quý,


Cha biết cả hai con đã rất vui vẻ trong hai năm qua với những chuyến vận động tranh cử, các buổi dã ngoại, các cuộc diễu hành và các hội chợ bang, ăn tất cả những món ăn vặt mà đáng nhẽ cha và mẹ các con không nên để các con ăn. Nhưng cha cũng biết rằng mọi việc không phải lúc nào cũng dễ dàng với các con và mẹ, và dù hai con đã rất thích khi có một chú cún mới, thì điều đó cũng chưa thể bù đắp được thời gian mà gia đình chúng ta phải xa nhau. Cha biết trong hai năm qua cha đã bỏ lỡ những gì, và hôm nay cha muốn nói cho hai con biết thêm một chút về lý do tại sao cha lại quyết định đưa cả gia đình vào chuyến đi này. Khi cha còn trẻ, cha đã nghĩ cuộc sống xét cho cùng là về bản thân mình, về việc mình sẽ đi trong thế giới này ra sao, trở nên thành đạt và có được những gì mình muốn. Nhưng rồi hai con đã đến với cuộc sống của cha với tất cả sự tò mò, tinh quái và những nụ cười luôn làm cha ấm lòng và toả sáng cuộc sống của cha mỗi ngày. Và bỗng nhiên, tất cả những kế hoạch to tát cha đặt ra cho bản thân dường như chẳng còn gì quan trọng. Cha nhanh chóng nhận ra rằng niềm vui lớn nhất của cuộc đời cha chính là niềm vui cha nhìn thấy trong cuộc đời các con. Và cha nhận ra rằng cuộc sống riêng của cha sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy nếu cha không thể đảm bảo rằng các con sẽ có được mọi cơ hội để hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của các con. Tóm lại, các con gái của cha, đó chính là lý do tại sao cha tranh cử Tổng thống: vì những gì cha muốn cho các con và cho mọi trẻ em ở đất nước này. Cha muốn tất cả trẻ em đều được học ở những ngôi trường tương xứng với tiềm năng của chúng, những ngôi trường sẽ thử thách chúng, truyền cảm hứng cho chúng, và khiến chúng luôn tò mò về thế giới quanh mình. Cha muốn chúng có cơ hội học đại học, kể cả khi cha mẹ chúng không giàu có. Và cha muốn chúng tìm được việc làm tốt, những công việc lương cao và có đầy đủ phúc lợi y tế, những công việc mà chúng vẫn có thời gian chơi với con cái và nghỉ hưu một cách đầy tự trọng. Cha muốn chúng ta đẩy xa ranh giới của sự khám phá để các con có thể nhìn thấy những công nghệ và phát minh mới, những thứ sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta và làm cho hành tinh này sạch sẽ và an toàn hơn. Và cha cũng muốn chúng ta đẩy xa những ranh giới trong mỗi con người để vượt ra khỏi sự chia rẽ về sắc tộc và vùng miền, giới tính và tôn giáo vốn khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì tốt nhất ở mỗi con người.


Đôi khi chúng ta cũng phải đưa những thanh niên của mình ra chiến trận và những tình huống hiểm nghèo khác để bảo vệ đất nước chúng ta, nhưng khi làm vậy, cha muốn chắc chắn rằng điều đó chỉ vì những lý do tốt, rằng chúng ra đã cố gắng hết sức để hoà giải những khác biệt với các quốc gia khác một cách hoà bình, và rằng chúng ta làm mọi việc có thể để giữ cho các quân nhân của chúng ta an toàn. Và cha muốn mỗi trẻ em đều hiểu rằng những người Mỹ can đảm đó không tự dưng chiến đấu vì những phúc lành đó mà không có lý do, rằng là công dân của đất nước này vừa có quyền lợi to lớn mà cũng có những trách nhiệm nặng nề.

chính là bài học mà bà ngoại đã dạy cha khi cha bằng tuổi các con. Bà đã đọc cho cha nghe những dòng trong Tuyên ngôn độc lập và kể cho cha nghe chuyện về những con người đã đấu tranh cho sự bình đẳng, vì họ tin rằng những lời viết ra trong văn bản đó cách đây hai thế kỷ hẳn phải có ý nghĩa gì đó. Bà đã giúp cha hiểu rằng nước Mỹ vĩ đại không phải vì nước Mỹ hoàn hảo, mà vì nước Mỹ luôn cố gắng hoàn thiện mình. Và những công việc còn dang dở để hoàn thiện sự đoàn kết của chúng ta chính là trách nhiệm của mỗi người. Đó là trách nhiệm mà chúng ta truyền lại cho con cháu, để mỗi thế hệ mới có thể nhìn thấy rõ hơn nước Mỹ mà chúng ta biết mình phải xây dựng nên. Cha hy vọng cả hai con sẽ đảm nhận công việc đó, tìm ra điều đúng từ những điều sai trái các con nhìn thấy và làm việc để đem đến cho người khác những cơ hội mà các con đã có. Không phải chỉ bởi vì các con có nghĩa vụ phải trả ơn đất nước đã cho gia đình ta quá nhiều thứ, mặc dù đúng là các con có nghĩa vụ đó. Mà còn bởi vì các con có nghĩa vụ đối với bản thân mình. Bởi vì chỉ khi các con dấn bước đến điều gì đó lớn hơn bản thân, các con sẽ nhận ra tiềm năng đích thực của mình. Đó là những điều cha muốn cho các con, được lớn lên trong một thế giới không có giới hạn đối với những ước mơ và không có thành công nào nằm ngoài tầm với, và trở thành những người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và tận tuỵ, góp phần xây dựng thế giới này. Và cha muốn mọi trẻ em đều có cơ hội học hành, mơ ước, lớn lên và thành đạt giống như các con. Đó chính là lý do tại sao cha đưa cả gia đình mình vào cuộc phiêu lưu lớn này.Cha rất tự hào về hai con. Cha yêu các con hơn các con biết rất nhiều. Và mỗi ngày, cha đều biết ơn sự kiên nhẫn, bình tĩnh, thái độ và cả sự hài hước của các con khi chúng ta cùng nhau chuẩn bị cho cuộc sống mới trong Nhà Trắng.


Yêu các con,

Cha


Theo Slate.com - Chung Hoàng dịch