Saturday, September 27, 2008

TRÍ TUỆ CẢM XÚC



Trước đây, khi nói về sự thành đạt, người ta thường nghĩ đến chỉ số thông minh, gọi là IQ (Intelligent Quotient) như là một yếu tố quyết định. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, chỉ số IQ không giải thích được sự thành công trong cuộc sống. Royane Real, trong cuốn sách xuất bản năm 2004 của ông “How You Can Be Smarter -- Use Your Brain to Learn Faster, Remember Better and Be More Creative” từng chia sẻ rằng: “Mới đây, một chương trình truyền hình của Canada đã làm một phóng sự nhỏ về cuộc sống những người có chỉ số thông minh cao nhất Bắc Mỹ. Người đàn ông có chỉ số IQ cao nhất ở toàn Bắc Mỹ đã làm nghề bảo kê ở quán bar trong 10 năm qua và có thu nhập thuộc mức thấp nhất xã hội. Anh ta hiện đang sống một mình trong một garage nhỏ xíu. Một người đàn ông khác có chỉ số IQ cao ở mức thiên tài (>140) hiện là một thợ sửa xe mô-tô. Người này thường xuyên chơi với những đảng đua xe, cướp giật và đã vào tù ra khám thường xuyên.”



Những câu chuyện được Real trưng dẫn như thế này đang làm mất dần đi ‘uy tín’ của chỉ số thông minh (Intelligent Quotient-IQ) vốn được coi là tiêu chí để đánh giá sự thành công của một người. Điều này chứng tỏ IQ không bảo đảm sự thành công của bạn trong cuộc sống, mà nó chỉ có vai trò dự đoán khả năng nhận thức và thành tựu của chúng ta trong trường học mà thôi. Muốn thành công trong cuộc sống, con người cần thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Những năm gần đây, người ta ngày càng quan tâm tới EQ (Emotion Quotient), chỉ số dùng để đo trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligent-EI) bởi họ tin rằng EI mới chính là yếu tố có thể giúp chúng ta thành công trong cuộc đời thật: trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống cá nhân của mỗi người.



Khi nói đến“trí tuệ cảm xúc”, người ta thường cho rằng thuật từ này được sử dụng lần đầu tiên trong luận án tiến sĩ của Wayne Payne (A study of emotion: Developing emotional intelligence) năm 1985 mặc dù trước đó, khái niệm này đã được Leuner đề cập đến vào năm 1966 rồi. Sau đó, một số nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển đi sâu vào lãnh vực này như Greenspan (1989), Salovey and Mayer (1990), Goleman (1995). Gây ảnh hưởng lớn nhất lúc bấy giờ là cuốn sách của Goleman Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (trí tuệ cảm xúc: tại sao quan trọng hơn chỉ số thông minh). Cuốn sách bán chạy nhất này là tài liệu đầu tiên chính thức bàn về trí tuệ cảm xúc; từ đó nhiều học giả bắt đầu để tâm nghiên cứu lĩnh vực này.

Các nhà nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc nêu trên cũng như các học giả gần đây như William Bennis, và Kay Brugge đã khẳng định rằng trí tuệ cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành công của một người. Nói chung, trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) hay chỉ số trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient) là kỹ năng của một người về việc cảm nhận, đánh giá và quản lý cảm xúc của cá nhân mình, của đồng sự hay của đối tác để có được hiệu quả tối đa trong công việc cũng như trong giao tiếp xã hội. Hiểu một cách đơn giản thì trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm nhận cảm xúc của bản thân và của người khác (nhận biết mình/đối tác đang có những cảm xúc gì?) và hiểu lý do nào mình phát sinh cảm xúc ấy và hiện trạng của nó (Tại sao tôi có cảm xúc này? Nó đang ở mức độ nào?). Và sau đó những hiểu biết về cảm xúc bản thân cũng như người khác này có thể giúp bạn làm chủ những phản ứng tâm lý và cảm xúc của bản thân (Tôi làm thế nào để điều chỉnh và hướng dẫn luồng cảm xúc đang hiện hữu này một cách hiệu quả nhất?), hiểu được động cơ hành động (Tôi làm như thế vì động cơ nào?) và cải thiện mối quan hệ với người khác (tôi làm thế nào để tôi và họ đều hài hòa và thoải mái trong mối quan hệ hiện tại?).

Như vậy, căn bản của trí tuệ cảm xúc là, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn, có khả năng làm chủ và điều khiển cảm xúc của chính mình và hiểu được cảm xúc của người khác để thiết lập mối quan hệ xã hội tốt đẹp và hiệu quả nhất. Có khả năng về các phương diện trên, con người có nhiều tiềm năng để thành công trong cuộc sống. Như vậy, trí tuệ cảm xúc liên quan đến hiểu biết và trí thông minh ở hai phương diện: thứ nhất, hiểu biết chính bản thân mình, mục đích, chủ ý, phản ứng, hành vi cùng những trạng thái tâm lý khác của mình. Thứ hai, khả năng hiểu người khác cũng như cảm xúc của họ để điều hòa các mối quan hệ.


Những nhà nghiên cứu cho rằng nếu chỉ dựa vào chỉ số thông minh để dự đoán mức độ thành công của một người thì không chính xác vì chỉ số thông minh chỉ có thể phản ánh được khả năng lý luận, trí nhớ và cách giải quyết vấn đề thuần túy mang tính học đường và lý thuyết. Để thành công, con người cần nhiều yếu tố khác nữa như hành vi ứng xử hay nhân cách thì thông số của chỉ số thông minh không nói lên được, Trong khi đó, trí tuệ cảm xúc có thể được coi là yếu tố dự đoán chính xác hơn.


Theo Goleman, chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ được xác định trên năm phương diện sau:

1. Hiểu biết được cảm xúc của bản thân mình và hậu quả của các cảm xúc đó. Luôn ý thức được hiện tại trong cơ thể mình đang có cảm xúc gì. Đây là nền tảng căn bản của trí tuệ cảm xúc. Có được khả năng này, con người có thể tự hiểu mình một cách đúng đắn và tự tin vào khả năng của mình, từ đó ý thức được mình có thể làm gì và phát triển bản thân theo hướng thế nào. Cọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích, chọn bạn đời phù hợp để có cuộc sống gia đình hạnh phúc là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc ở phương diện này.

2. Làm chủ và điều khiển được cảm xúc của mình để khi tham gia vào công việc hay các mối quan hệ, mình đều có thể làm việc hiệu quả nhất. Người có trí tuệc ảm xúc tốt về mặt này biết kiềm chế bản thân, biết thể hiện cảm xúc đúng cách, đúng đối tượng và với mức độ phù hợp. Những người này sẽ biết cách thể hiện mình và dễ dàng gây cảm tình cho những ngườiời chung quanh với cách thể iện đúng mực của mình.
3. Người có trí tuệ cảm xúc tốt biết cách tạo cho mình động cơ tâm lý tốt để phấn đấu trong cuộc sống, để phát huy sở trường của mình, tạo cơ hội và tận dụng cơ hội để thành công và vượt qua những trở lực trên đường mình đang đi. Người có khả năng về phương diện này sẽ biết cách làm cho ước mơ của họ thành sự thật một cách hiệu quả và thành công nhất. Họ biết vạch con đường đi riêng cho mình để thành công vì hơn ai hết, họ biết họ là ai và đang cần gì.

4. Nhận ra và hiểu biết cảm xúc của người khác. Từ đó, chúng ta có khả năng thấu cảm và đồng cảm với người mình giao tiếp và dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trên nền tảng hiểu và thương. Khả năng tìm bạn, kết bạn và nuôi dưỡng quan hệ tình bạn là một trong những ví dụ cần đến kỹ năng này.

5. Trí tuệ cảm xúc có tác dụng điều chỉnh mối quan hệ xã hội hài hòa và hợp ý. Điều này giúp chúng ta có khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ với đối tác trong uy tín và tin tưởng nhau. Người có khả năng này thường lãnh đạo giỏi, quản lý tốt và điều hành nhân sự tuyệt vời.

Tất nhiên, mỗi người có khả năng khác nhau trên các phương diện nêu trên tùy thuộc vào sự nỗ lực rèn luyện và môi trường làm việc. Như vậy, trí tuệ cảm xúc có thể rèn luyện và phát triển để có được cuộc sống thành công. Tôi sẽ bàn tiếp mục này khi nào có dịp.