Thursday, September 18, 2008

PHẢN ỨNG THẾ NÀO VỚI LỜI CHÊ?

Thường thì khi nghe một ai đó phán xét khen chê mình, chúng ta có dịp trải nghiệm một thứ cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Nhận được lời phán xét tích cực, thì đó là lời khen ta khởi tâm vui thích, ngay cả khi biết lời khen đó không phản ánh hoàn toàn sự thật về mình. Nhận lời phán xét tiêu cực ta cho đó là chê, khi lời phán xét này vừa lọt vào tai thì y như rằng, mặt ủ mày ê, dù đó là sự thật và mình cũng quá hiểu điều đó. Bản năng tự vệ có công năng đẩy lùi tất cả mọi thứ ‘dám’ chạm đến cái NGÃ to lồ lộ của mình. Có thể cách phản ứng của mình là vụng về, thô tháo với cái nhìn của người ngoài, nhưng ai nghĩ sao mặc kệ, mình không quan tâm, miễn mình đạt được mục đích là che chắn và bảo vệ cái ngã mình không để bị tổn thương là được. Kết cục, đương nhiên chúng ta muốn ăn mày lời khen và tránh né việc bị phán xét chê bai.


Có một điều phổ biến với tất cả chúng ta là mình không thích bị phán xét, vì trong lời phán xét ấy, chê bai là điều không tránh khỏi. Thường thì chúng ta có tâm lý cầu toàn nhưng điều chúng ta quan tâm là làm sao hình ảnh mình xuất hiện đẹp trong mắt người khác hơn là nỗ lực bản thân để hoàn thiện mình. Không chấp nhận bị phán xét, chúng ta luôn lo sợ, bất an, bối rối, bực bội và nghi ngờ trong tâm khi chúng ta thấy lòng mình buộc phải phòng ngừa và đối phó một thứ cảm xúc xem chừng thực sự được người xung quanh ban tặng, nếu biết tiếp thu có chọn lọc, sẽ giúp mình điều chỉnh hoàn thiện bản thân mình hơn. Với bản năng tự vệ để tạo một thành trì bao bọc cho tự ngã, mọi lời nói, hành động không xứng ý của người khác dành cho mình, khi vừa chạm đến mình qua các cửa ngõ giác quan, mình có cảm giác như bị kim đâm muối xát và cứ thế, đánh bật ra ngoài bằng mọi cách mình có thể kịp nghĩ ra để phản ứng.


Tỷ dụ, chúng ta có thể mới gặp một ai đó lần đầu và thấy mình tự giam cầm cảm xúc tiêu cực về họ, nghĩ rằng “họ sắp sửa phán xét, chê bai gì mình đây” trong khi chúng ta không muốn bị rơi vào cái bẫy bị phán xét. Dù chúng ta có ý thức điều này hay không, tâm thức chúng ta vận hành như thế để kịp thời phản ứng và thậm chí ‘tấn công’ trước. Để rồi về sau, trong một thoáng nào đó, chúng ta chợt nhận ra rằng, biết đâu người ấy từng muốn giúp chúng ta giữ gìn, chăm sóc, nuôi dưỡng tâm lành và hoàn thiện bản thân mình. Điều gì khiến chúng ta vội vã dập tắt sự suy nghĩ về thiện chí của họ? Có lẽ chúng ta từng gặp nhiều người nhận xét không đúng và tiêu cực về mình rồi ấn tượng cả với người mình gặp lần đầu tiên theo kiểu “con chim từng bị trúng tên sợ cả cành cây cong” hay sao? Có suy nghĩ và cách ứng xử như vậy, mình sẽ chịu thiệt thòi. Khi phán xét, chúng ta tiến gần tới sự rào kín, khép chặt, thậm chí có khi sử dụng chiêu thức ‘đánh trận giả’ kiểu tắc kè hoa thay màu da để tự vệ bản thân hơn là mong mỏi cởi mở, bộc lộ cho đối tượng biết về mình. Thật ra, nếu chúng ta đủ lớn và khôn để hiểu được chính bản thân mình và việc mình làm, thì dư luận không thể làm cho mình tốt hơn hoặc xấu đi. Đóng cửa giác quan và đủ bản lĩnh tự tin để sống mà không dao động với khen chê là điều tốt, nhưng khởi tâm tiêu cực về người khác, thậm chí ngay cả với người mình gặp lần đầu là gieo hạt giống bất thiện vào tâm thức của chính mình. Ủa, mà sao vội ‘tung hỏa mù’ trước để tự vệ nhỉ? nếu tự tin vào mình và coi thường dư luận thì hà cớ gì phải lo ngại khi người ta nói tốt xấu về mình chứ? đủ mạnh thì cứ ra gió chứ ngại lo gì bị cảm mạo phải không? Do đó, điều quan trọng là chúng ta không nên đóng chặt cửa giác quan, cài then thành kiến và sẵn sàng chiếc gậy ở góc nhà vì lo sợ, ai đến nhà mình…cũng đều có thể là kẻ gian!
Hãy mở cửa cho thoáng mát, nhưng cần đủ tinh nhạy để tiếp ‘khách’ của tâm. Khả năng tiếp thu và chọn lọc ý kiến và thông tin vô cùng quan trọng để có được cuộc sống nhẹ nhàng và thảnh thơi.


Chúng ta cũng cần có ý kiến đánh giá hành động, lời nói của người khác. Trên tinh thân học hỏi, nhanh nhạy tách lọc và nhận chân ra sự dẫn dắt từ một nội tâm bình thản, không bị thôi thúc bởi động lực chủ quan nào, rồi có ý kiến, thay vì phán xét vô căn cứ. Khi chưa hiểu hết sự việc và khi tâm bị tâm lý chủ quan thương-ghét chi phối, hơn lúc nào hết, câu ‘im lặng là vàng’ có giá trị nhiều. Lúc đó, điều ta cần làm là thay vì có ý kiến, phán xét người khác, ta quay vào ‘làm việc’ với chính tâm thức mình. Thử coi nó kẹt chỗ nào, vướng chỗ nào và đâu là giải pháp tốt nhất. Bằng không thì chúng ta dễ gặp phải nguy cơ không lắng nghe trực giác của mình mà buông những lời vô tội làm tổn thương người khác và đồng thời gieo vào mảnh đất tâm của mình một hạt cỏ vậy. Hãy dọn tâm cho thanh thản và công bằng. Nên có ý kiến và phát biểu quan kiến của mình trên cơ sở chính xác với tâm lý tích cực để góp ý cho người thân xung quanh cũng như tiếp thu ý kiến người ngoài để ‘làm mới’ mình trong mọi lúc mọi nơi. Nếu có ý kiến và biết tiếp thu ý kiến đúng cách, sự dẫn dắt nội tâm tạo điều kiện cho chúng ta ngày càng tương tác một cách thông minh hơn với thế giới, đủ để chúng ta sống mà không quá lệ thuộc hay lo sợ vào mọi ý kiến đánh giá từ bên ngoài. Khi ấy, thay vì nỗ lực cố sức lẩn tránh việc bị phán xét, chúng ta đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau một cách bình tĩnh và khôn ngoan nhất.


Tự thân trực giác thường khai sáng chúng ta bằng thoáng vụt hiện, đi kèm với một triệu chứng vật lý cụ thể có thế cảm nhận dễ dàng, như đôi chút xốn xang trong dạ dày, gang bàn tay rịn mồ hôi hay cơn rùng mình ớn lạnh. Chúng ta thường sử dụng các thông tin vật lý này nhằm hỗ trợ bản thân định hướng ở một tình huống cụ thể để kịp thời đáp ứng nhu cầu của cơ thể và điều này luôn luôn đem lại lợi lạc cho chính chúng ta. Tương tự thế, lắng nghe trực giác và tạo manh nha một ý kiến do vậy, đều là kết quả tích cực khởi đi từ năng lực cảm nhận tinh nhạy của chính chúng ta để các mối giao tiếp xã hội của mình trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Thu nhận hay phát biểu ý kiến về một người hoặc về một ý tưởng nào đó cho phép chúng ta có cơ hội trao đổi, chuyện trò về nó trong một cách thức thuần túy dự tính mà thôi. Hãy học để có được nghệ thuật lắng nghe trực giác từ sâu thẳm tâm thức trước khi thu nhận và phát ‘dữ liệu’ ra bên ngoài để không sập bẫy và giăng bẫy ‘phán xét’người khác, tôi tự nói với chính mình.