Thông thường, trong giao tiếp xã hội, chúng ta quen hành xử theo một chuẩn mực (norm) nào đó mà khi ai đó hành xử vượt qua khỏi cái ngưỡng này, mình sẽ thấy ‘lạ lạ’ thường thể hiện bằng sự lúng túng và với mức độ đáng kể thì rõ ràng là hành vi của người đó ‘có vấn đề’ theo cái nhìn thông thường. Chiều hôm qua, tôi gặp một tình thế làm mình lúng túng thật sự.
Ở Ấn Độ, khi di chuyển một đoạn đường chừng dăm ba cây số, người ta thường dùng xe rishaw đạp. Đây là một phương tiện giao thông thô sơ, gần giống kiểu xe lôi (đạp) miền tây của mình vậy. Có điều xe lôi của mình có bốn bánh, căn bản là một chiếc xe đạp có gắn thêm bộ phận chở người phía sau, còn xe rishaw ở đây có ba bánh và dây xích dài hơn vì khoảng cách từ trục giữa đến bánh sau (phía sau chỗ người ngồi) dài hơn (nhìn hình bên cạnh). Do đó, bác ‘tài xế’ thường phải đứng thẳng lên mới có trớn để đạp chiếc xe này khi có người ngồi trên. Đặc biệt, những lúc lên dốc, thấy thương lắm...
Ở đây, người đạp rishaw thuộc thành phần lao động nghèo nhất trong xã hội. Họ nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Hầu hết những người này ở nhà tạm che ven đường và ngay cả chiếc xe rishaw, phương tiện kiếm sống hằng ngày, họ cũng không sở hữu nổi mà phải thuê để chạy. Cũng như bao người khác có duyên gặp và hiểu sơ về cuộc sống cơ cực của họ, tôi rất thương cảm những người này. Ít khi tôi trả giá ‘kì kèo’ với những người lao động chân tay vất vả này (trừ một số người đòi giá cao đến mức vô lý), lại còn biếu thêm các chú ấy vài đồng tiền cắc khi chú ấy đưa mình đi đến nơi. Lắm khi gặp trục trặc, thường là dây xích lỏng và trật ra ngoài trục xe vì xe cũ và đường gập ghềnh ổ gà, tôi cũng đủ kiên nhẫn để đợi mà không phàn nàn vì nghĩ các chú ấy không có tiền sửa xe. Hôm qua, tôi gặp sự cố như vậy.
Tôi cần đi một đoạn đường khoảng 3 cây số và bác chạy xe đòi trả 15 rupees, tôi đồng ý. Mới đi được một đoạn, xe trật xích. Người lái xe dừng lại, gắn dây xích vô vị trí cũ. Đi mới được 3 phút, lại lần nữa tôi phải đợi chờ người chạy xe dừng lại với chiếc xích xe bướng bỉnh của mình. Đi tiếp được chừng 100 mét, lại một lần nữa. Lần này thì sự cố càng... khủng hơn khi điểm dừng lại là ngay một bãi rác lớn và ngay tiếp đó là nhà vệ sinh công cộng. Trời đất ạ, tôi choáng váng! Bãi rác khá khổng lồ nằm ngay bên đường lộ với đủ loại rác mới cũ rỉ nước đen sì như chực tràn ra đường. Còn nhà vệ sinh công cộng, che chắn đơn sơ và nghe mùi cũng đủ biết nó dơ bẩn như không thể nào dơ bẩn hơn được nữa. Ruột tôi cồn cào chực nôn ọe vì cái mùi ghê sợ ấy. Thế là không chịu được, tôi bước xuống xe và nói “tôi sẽ đợi bác ở đằng kia” (Câu tôi nói là 'I am waiting for you over there') và lấy tay chỉ về hướng trước mặt. Tôi ba chân bốn cẳng đi nhanh về phía trước để thoát khỏi cái mùi khó chịu, tổng hợp của bãi rác và nhà vệ sinh công cộng kia.
Tôi đứng đợi và tiếp tục đợi. Có sáu bác rishaw khác chạy ngang hỏi tôi đi đâu, nhưng tôi đều từ chối. Tôi phải đợi bác rishaw của tôi. 7 phút trôi qua, tôi sốt ruột vì tôi e trễ hẹn. Tôi đánh bạo đi lui lại, lấy hết cam đảm để vượt qua nhà vệ sinh và đống rác, tôi muốn ná thở! Tôi vẫn không thấy bác chạy xe mặc chiếc áo màu xanh đã bạc thếch màu mà tôi đi lúc nãy. Lui lại một chút là ngã ba, có thể bác đã quẹo phải hay chạy sang bên kia đường ngược về lối cũ rồi. Thêm 5 phút mà không thể tìm thấy dấu vết gì của bác chạy xe tôi cần tìm, ngót nghét hơn 10 phút, tôi lại lo trễ hẹn thì không được. Không còn cách nào khác, tôi đành đón chiếc rishaw khác đi và bác này đòi 10 rupees. Tôi miễn cưỡng lên xe, lòng chùng một chút.
Bác ấy hiền lành quá, hiền đến mức làm tôi cảm thấy khó xử. Người Việt mình có hiền cũng không...hiền đến vậy. Bác xe ôm sẽ chạy xe đến khách để ‘hỏi’ lý do sao bỏ đi (nếu hiểu rằng hành động xuống xe đi về phía trước của tôi là ‘bỏ đi’, một thái độ không vừa lòng) chứ không đơn giản quay xe đi như vậy đâu.
Tôi được gì mất gì trong chuyện này? Rõ ràng là tôi được 5 rupees! Nhưng cái tôi mất nhiều quá. Bác ấy ngỡ tôi không đủ kiên nhẫn với chiếc xe cà tàng của bác ấy mà phản ứng bằng việc xuống xe, đi bộ về phía trước. Có thể bác ấy nghĩ tôi quỵt Bác và không trân trọng công sức bác đã đạp khoảng 400 mét đường và mồ hôi vã ra thấm gần kín lưng áo cũ mèm. Rõ ràng bác chạy xe không hiểu câu nói đơn giản của tôi.
Tôi không biết tiếng Hindi và bác ấy có lẽ không hiểu tiếng Anh. Mà tôi nhớ tôi có dùng body language lúc đó mà, tôi khoát tay chỉ về phía trước. Nếu nói đây là lỗi của tôi khi mình ở xứ người mà không biết tiếng của người địa phương thì chưa hẳn đúng. Tôi thấy không biết ngôn ngữ người bản xứ là thiệt thòi của tôi thì đúng hơn. Dù gì, tôi đã mất niềm tin nơi người chạy xe rishaw này. Lòng thông cảm và kiên nhẫn của tôi thể hiện trong hai lần trật dây xích bằng cách ngồi yên trên xe, được bác ấy hiểu, còn lần này thì không...
Trời chập choạng tối, một nỗi buồn man mác như vừa đánh mất một món gì...