Saturday, September 27, 2008

ĐỌC HỒI KÝ ÔNG MẠNH

Tối thứ sáu đến trưa thứ bảy, tranh thủ cuối tuần, đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh. Cái hồi ký này vào đầu tháng 9 là hàng ‘hot’ lắm. Khi tác phẩm này ‘mới ra lò’ mà theo tác giả là ‘vô tình bị lộ’, hàng ‘hot’ lại càng ‘hot’ hơn. Sau đó, một số link gỡ xuống, song đến nay vẫn còn nhiều link để nguyên dù tác giả có lên tiếng rằng ông không đồng ý tác phẩm của ông ‘bị’ phát tán bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Tôi kịp có tác phẩm này trước khi đọc được tin ‘cấm vận’ của tác giả qua trang của THD và blog cá nhân của NVT. Thiên hạ lùm xùm kẻ khen người chê, nhưng tôi không đọc ý kiến của ai cả, đơn giản vì tôi chưa đọc tác phẩm này. Tôi không muốn mình có thành kiến nào trong đầu trước khi tiếp cận tác phẩm chính. Gần một tháng, đến bây giờ mới đọc.

Cuốn hồi ký của ông Mạnh dành 120 trang để tự sự về cuộc đời và các hoạt động của tác giả, đúng thế loại ‘hồi ký’. Tuy nhiên, gần hai phần ba cuốn sách (cuốn hồi ký có 303 trang) ông dành để nói về con người, về các đồng nghiệp của ông cùng các sự việc, sự kiện liên quan trong lãnh vực văn chương. Nội dung và cách viết của gần hai phần ba tác phẩm này đã đi chệch thế loại 'ký' rồi.
Cho dù tôi và rất nhiều người khác không am hiểu nhiều về lãnh vực này, chúng ta cũng không cảm thấy xa lạ với những người ‘có mặt’ trong tập hồi ký của ông Mạnh vì chúng ta đã từng “tiêu thụ” các "sản phẩm" của các ông ấy. Tôi không biết mức độ chính xác và trung thực của hồi ký này đến đâu. Cứ cho là 100 % sự thật, tôi rút ra một điều mà mình đã biết từ lâu nay, nhưng giờ thấm hơn; rằng trên sách vở, trên từng trang viết thì mọi thứ đều tốt đẹp. Khi ở ‘ngoài lề’, con người trong văn chương huyền ảo bước ra cuộc sống đời thường khá trần trụi. Việc tác giả dùng những từ ‘nặng ký’ trong giọng văn hằn học có, mỉa mai có, cay cú có… cũng làm toát lên chân dung tác giả viết hồi ký.
Nhìn chệch sang một tí mặt trái, thì mọi con người, dù vĩ nhân, thiên tài…đều có những biểu hiện rất đời thường vì trước khi họ là vĩ nhân, thiên tài, thì họ ắt hẳn phải là con người bình thường trước đã. Nếu cố tình gạt bỏ đi những điều vốn dĩ bình thường đó, thì hẳn là điều “bất bình thường”.
Mình không còn nhỏ, cũng không còn "ngây thơ" để có thể “sụp đổ” một vài thần tượng, nhưng quả thực những chi tiết mà mình biết, để khẳng định thêm một điều, lòng người thật khó lường, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, nếu người ta giữ được mình, vẫn chính là mình, thì điều đó mới thật đáng quý...