Thursday, September 11, 2008

HÃY LÀ MÌNH


Trong cuộc sống, khi quyết định một việc gì, ta thường nghĩ đến người thân của mình để làm sao hạn chế hoặc nếu có thể, tránh bị tổn thương. Chúng ta vẫn làm vậy từ thuở còn bé thơ như là một thói quen, một phương châm sống mà không hề thắc mắc tại sao ta lại làm như vậy.
Rồi khi lớn khôn, đến một thời điểm mà người ta thường nói một cách hình tượng là “đủ lông đủ cánh,” chúng ta bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao, vì lý do gì mình làm một điều gì đó. Khi ấy, thường là lúc chúng ta ra khỏi vòng tay ấm êm của gia đình, hòa nhập vào xã hội và chịu trách nhiệm đầy đủ về mặt pháp lý và xã hội về những hành động của mình. Mối gắn kết với các người thân trong gia đình cũng dần loãng đi vì tình cảm, thời gian, tâm lực và sức lực ta chia sẻ với những công việc và học hành cũng như các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhiều người dần nhận ra rằng, liệu chúng ta có đang cố sống với nỗ lực đem lại niềm vui, làm hài lòng những người chung quanh trong các mối quan hệ của mình nữa hay không? Liệu ý nghĩa đích thực của cuộc sống là chỉ để làm vừa lòng người khác thôi sao?

Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta nhận ra rằng mình không thể làm điều đó, nhất là khi tiêu chí, sở thích và mục đích sống của những người liên quan đến mình cũng không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau nữa. Khi chúng ta thấy vô lý khi nỗ lực sống chỉ để làm vừa lòng người khác, lúc đó ta cũng kịp thời nhận ra một sự thật rằng, ý nghĩa đích thực của cuộc sống là đi theo tiếng gọi của nội tâm. Khi ý thức được như vậy, chúng ta thấy cần trang bị cho mình một nội lực dày chắc để có thể sống cho chính mình. và kiên quyết không kéo dài thêm nữa chuyện làm vừa lòng những người ngoài, đáp lại sự mong đợi và nhìn ngắm của ai đó mà không có gì cho mình. Nếu tự thân mình đủ trưởng thành để suy nghĩ và hành động chín chắn, mình không cần nghĩ đến chuyện làm vừa lòng người khác, việc mình làm, nếu xuất phát từ một nội tâm phong phú và thiện lành, vẫn đem lại lợi ích và hoan hỷ cho người theo cái nhìn hướng thượng và hướng thiện. Nếu không có lập trường và quan kiến rõ ràng và vững vàng, chúng ta sẽ có tâm lý cố gắng làm vừa lòng người khác. Những tâm lý tiêu cực như giả dối, sống khéo léo đậy che, thể hiện cách sống đa nhân cách, chìu lụy, lấy lòng, nịnh bợ và cả thủ đoạn sẽ xuất hiện và hiện hình ngay khi ta khởi tâm muốn làm vừa lòng người khác mà tự bản thân mình không có nền tảng để đặt một điểm tựa.

Một khi chúng ta ngóng trông ra bên ngoài để được thừa nhận, tán đồng, hỗ trợ hoặc định hướng thay vì nhìn vào bên trong con người mình, suốt đời chúng ta tự hy sinh mà không đem lại lợi ích cho ai cả. Những tưởng như thế, chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người thân nhưng chúng ta đã lầm rồi. Hạnh phúc như nước hoa, không thể vẩy lên vật khác mà không giữ lại vài giọt cho mình. Bản thân mình không có hạnh phúc, thì đừng có hoang tưởng nghĩ rằng mình có khă năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Thật ra, không có gì là không đúng nếu cha mẹ định hướng, thậm chí quyết định thay cho mình khi chúng ta còn thơ ấu. Thế nhưng, chúng ta không nên dựa dẫm thành nết khi đã đủ khôn lớn để quyết định việc mình làm và con đường mình đi. Cha mẹ cũng chỉ ẵm bồng con cái trong mấy tháng đầu đời, khi biết đi rồi thì hãy tự đi trên đôi chân của mình. Nếu cứ có thói quen dựa dẫm, phụ thuộc, dù đó là là một lời khen, một sự chấp nhận hay một cảm giác an toàn, ta đã đánh mất mình. Hạt giống nội lực không có dịp nảy mầm và phát triển.

Hãy tập đương đầu với hoàn cảnh bên ngoài, tập chấp nhận khổ đau và tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Thậm chí, chúng ta cần học những bài học từ những lần thất bại trong cuộc sống. Hãy tận dụng những lợi thế của bản thân và hoàn cảnh để nuôi dưỡng nội tâm, phát huy nội lực và tạo cho mình một bản lĩnh, tự tin để không bị ‘mất mình’ trong cuộc sống ngày càng phức tạp với nhiều mối quan hệ chồng chéo đa diện vốn dĩ của cuộc đời. Hãy đón nhận ánh sáng mặt trời tự trong tâm và chăm sóc, tưới nước cho những hạt giống tâm hồn. Hoa trái sẽ đơm kết trong nay mai. Không bao giờ quá muộn màng để đánh thức và nuôi dưỡng những chất liệu nuôi lớn con người thật của chính mình. Ánh sáng của nhận thức phát ra từ nội tâm sẽ không bao giờ cạn nếu chúng ta biết cách phát huy và ấp ủ. Trải nghiệm bản thân để thành nhân là một quá trình gian nan nhưng thật xứng đáng để ta dành công sức đầu tư thực hiện. Đây là cách tuyệt đối để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cuộc đời của chính mình, và biết phương pháp làm thế nào để bản thân mình hạnh phúc trước khi làm cho người khác hạnh phúc.