Friday, September 12, 2008

SÁCH GIÁO KHOA VÀ XĂNG DẦU

Sáng nay, đọc báo, thấy bài này khá, copy để đây làm tài liệu

http://www.sgtt.com.vn/detail32.aspx?newsid=40229&fld=HTMG/2008/0911/40229

Sách giáo khoa và xăng dầu
Tới giờ, khi năm học mới đã bắt đầu, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về hình thức khắc phục hậu quả – những sai sót trong “mặt hàng” sách giáo khoa ở cả ba cấp học.
Những người có trách nhiệm còn đang xem xét hình thức khắc phục nào ít tốn kém nhất cho… nhà sản xuất – nhà xuất bản Giáo dục nhất: in đính chính thành sách hay thành tờ rơi, số lượng bao nhiêu, phát thế nào… Có vẻ như phương án “tiết kiệm” – in tờ rơi, phát đến trường sẽ thắng thế.
Họ quên rằng, sách giáo khoa là một loại hàng hoá đặc biệt. Sự kém chất lượng của nó có thể mang lại những di chứng lâu dài, có khi là suốt cả cuộc đời, đối với người dùng – học sinh. Sự chậm trễ khắc phục, nếu sai sót là nghiêm trọng, có thể xem đó là tội ác.
Trong khi, đó từng là lý do để giới có thẩm quyền vin vào, trao cho nhà xuất bản Giáo dục quyền… độc quyền kinh doanh, như một dấu chỉ đảm bảo chất lượng.
Họ cũng quên rằng, nhà xuất bản Giáo dục là một pháp nhân, tham gia kinh doanh trên thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra để mua sách chứ không phải được cho không.
Tại sao khi phát hiện một sản phẩm thông thường, kể cả sách, có vấn đề về sự cố, các nhà sản xuất phải xin lỗi, thu hồi, rồi tuỳ mức độ mà tiêu huỷ hay khắc phục, đưa ra lại thị trường mà với sách giáo khoa thì không? Ở các nước, kể cả là hàng phát không để dùng thử, quy trình cũng phải như vậy, thậm chí nếu sản phẩm đã gây ra hậu quả gì, nhà sản xuất còn phải bồi thường thiệt hại.
Do đâu mà nhà xuất bản Giáo dục lại dám cho mình cái quyền tự ấn định hình thức khắc phục không đúng quy luật thị trường như vậy?
Nhà xuất bản không phải là cơ quan công quyền, không thể nhân danh công quyền, như cái cách mà họ đang làm, tính chuyện đính chính nên như thế nào, tiết kiệm hay lãng phí…
Tất nhiên, trong câu chuyện này, cần minh định phần lỗi về nhà xuất bản (trong chuyện in ấn) hay của bộ Giáo dục (trong chuyện duyệt nội dung biên soạn), nhưng trong quan hệ với khách hàng, nhà xuất bản là người trực tiếp nhất.
Điều gì sẽ xảy ra khi phụ huynh hay học sinh đem những cuốn sách kém chất lượng này đến hội Bảo vệ người tiêu dùng để khiếu nại hay khởi kiện ra toà đòi bồi thường thiệt hại?
Tại sao khi phát hiện một sản phẩm thông thường, kể cả sách, có vấn đề về sự cố, các nhà sản xuất phải xin lỗi, thu hồi, rồi tuỳ mức độ mà tiêu huỷ hay khắc phục, đưa ra lại thị trường mà với sách giáo khoa thì không?
Cũng tương tự như vậy là câu chuyện các cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong suốt thời gian dài, trên khắp mọi miền, đã gian dối người mua dưới nhiều hình thức: đánh tráo chủng loại, đong thiếu đến 10%. Đây thực chất là hành vi ăn cắp nhưng cho đến nay, mọi hình thức xử lý chỉ mới dừng lại ở biện pháp hành chính: phạt với mức cao nhất mà luật cho phép chỉ 20 triệu đồng.
Ăn cắp là tội hình sự. Không cần chờ bộ Khoa học công nghệ đề nghị, ngay khi có thông tin, cơ quan công an phải vào cuộc, không chỉ để bảo vệ lợi ích của một lượng người tiêu dùng bị thiệt hại, mà còn để bảo vệ trật tự an ninh kinh tế chung.
Vụ người tiêu dùng mua phải xăng pha aceton trước đây, chuyện bồi thường thiệt hại chìm vào im lặng vì những thủ tục chứng minh mình là nạn nhân quá phức tạp. Đã đến lúc phải xác định lại cách xác định về thiệt hại và bồi thường thiệt hại. Không thể để kéo dài tình trạng người tiêu dùng là hữu hình, thiệt hại là hữu hình nhưng không thể chứng minh được. Một luật gia cho biết ở một số nước, trong những trường hợp thế này, có khi hội Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra kiện đòi bồi thường, số tiền thu được dùng vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Trực tiếp nhất, đó là những câu chuyện của thị trường.
Mỹ Lệ