Thấy trên Sài gòn tiếp thị có đăng bài viết này của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn. Xip chép lại, lưu ở đây đề làm tài liệu cá nhân.
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=39799&fld=HTMG/2008/0902/39799
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn
Điều chưa từng thấy trong giáo dục
Theo giáo sư, những sai sót của việc phải đính chính đến ba cuốn sách cho cả ba bậc học có nguyên nhân từ đâu: từ cách thức biên soạn hay do trình độ của những người tham gia viết sách giáo khoa?
Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục trong và ngoài nước. Đính chính chỉ có thể sửa chữa những lỗi chính tả, còn sai kiến thức và đảo lộn trật tự logic của chương trình thì đính chính làm sao chữa được? Ví dụ, trong chương trình phổ thông, thông thường dạy theo trật tự hết các hàm số sơ cấp, sau mới đến đạo hàm. Năm nay, đạo hàm được chuyển từ lớp 12 xuống lớp 11, còn hai hàm số mũ, hàm số loga lại chuyển lên lớp 12, sau lại học đạo hàm, vừa rối vừa không liên tục. Phần khảo sát 4 hàm số năm nào cũng có trong đề thi tốt nghiệp và thi đại học, song ban cơ bản chỉ dạy 3, còn ban nâng cao mới dạy đủ 4 hàm số. Việc thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nước ta có vấn đề, từ nhận thức, chỉ đạo đến tổ chức triển khai. Chương trình giáo dục là một chỉnh thể, đã được cắt khúc và chia làm ba khúc, theo ba dự án vay tiền của các ngân hàng nước ngoài khác nhau: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mỗi dự án chỉ đạo một phách, vô hình trung tổng thể chương trình bị vi phạm và đảo lộn. Ít ai rõ, đã vay tiền nước ngoài là họ có dịp vào chỉ đạo, xin dẫn một công văn số 10329/VP do thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo ký ngày 10.11.2000, triệu tập các tác giả biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên đến để người nước ngoài tập huấn. Một chỉnh thể khoa học, lại sử dụng cách tiếp cận tiểu nông (cắt khúc cuốn chiếu) cùng với đồng tiền vay và chỉ đạo từ bên ngoài, thì những sai sót mà nhà xuất bản Giáo Dục phải chỉnh sửa triền miên là khó có thể tránh khỏi.
Chúng ta đã tốn bao nhiêu tiền của và thời gian (từ 2002 – 2008) để tiến hành thay sách giáo khoa đợt này. Vừa xong lại phải in sách đính chính, không loại trừ sau đó phải đính chính cả sách đính chính. Giáo sư nhận xét như thế nào về điều này?
Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu pháp lý trong dạy và học. Ở nhiều nước, sách giáo khoa được cung cấp miễn phí cho người học, tại sao chúng ta còn nghèo mà mỗi năm phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua sách giáo khoa? Điều này thật phi lý. Xin đơn cử, từ năm 2002 là năm đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Dự chi của Nhà nước cho đợt đổi mới này từ 2002 – 2009 là 2 tỉ USD. Việc năm nào cũng in lại sách giáo khoa thật lãng phí. Lo giấy để in sách cũng là một vấn đề của Nhà nước. Theo cục Xuất bản, số giấy cần 1,2 triệu tấn, trong nước chỉ đáp ứng được 40%, còn 60% phải nhập từ nước ngoài (báo Tiền Phong ngày 16.8.2008).Năm nay tái bản lại 160 tựa sách từ lớp 1 đến lớp 11, và khoảng 40 tựa sách liên quan đến sách giáo khoa ở lớp 12. Ví dụ môn tiếng Việt, trong vòng bảy năm nhà xuất bản Giáo Dục đã thu thêm của dân khoảng 230 tỉ đồng, xấp xỉ 14 triệu USD/môn, mà hầu như không phải đầu tư gì nhiều. Năm 2002, in 1,7 triệu cuốn, giá hai tập là 19.600 đồng/bộ, thành tiền là 33,32 tỉ đồng; năm 2008 in 1,53 triệu cuốn, giá mới hai tập là 21.400 đồng/bộ, thành tiền 32,742 tỉ đồng. Việc bớt xén tiền thù lao cho tác giả ước đoán hàng tỉ đồng/năm. Kiểm chứng việc này ai cũng làm được, xin mời ra hàng sách và làm một vài phép tính đơn giản sẽ có ngay kết quả. Nhà xuất bản Giáo Dục mỗi năm chiếm trên 80% lượng in ấn của cả nước. Việc in lậu sách giáo dục đã trở thành quốc nạn.
Giáo sư từng phát biểu rằng, dù có ba cuốn sách đính chính cũng không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vậy thì đâu là cái gốc của vấn đề, và giải quyết tận gốc thì phải như thế nào?
Trên thế giới tồn tại một mặt bằng chung về kiến thức, đặc biệt là bậc học phổ thông, để học sinh ở nước này có thể chuyển sang nước khác học (sự khác biệt nếu có cũng nhanh chóng được khắc phục). So với các nước, chương trình và sách giáo khoa của ta chẳng giống ai, nếu tiếp tục sử dụng chương trình – sách giáo khoa hiện nay sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đợt đánh giá vừa qua, GS Nguyễn Tăng – phó chủ tịch liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phát biểu đại ý: chương trình và sách giáo khoa hiện nay phải làm lại, còn nếu bộ Giáo dục và đào tạo không làm lại, thì xã hội sẽ lên án. Việc làm lại chương trình và biên soạn lại sách giáo khoa tốn khoảng 100 tỉ đồng và mất thời gian vài tháng, nếu biết hiện đại hoá kinh nghiệm quý báu trong ngoài nước và thành tựu khoa học kỹ thuật gần đây và phát huy nội lực không vay tiền nước ngoài. Xin lưu ý, tính khoa học và hiệu quả của giải pháp làm tập trung, triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12, tính đến nay không còn phản bác nào, kể cả lãnh đạo bộ Giáo dục và đào tạo. Vấn đề là con người và tổ chức, người chúng ta có, còn lại là biết chọn và sử dụng.