Tuesday, September 30, 2008

HE HE!!! GIẢI TRÍ VỚI TRANSLATE.GOOGLE

Khi vừa biết trang web dịch trực tuyến các ngôn ngữ do google phát triển này, tôi định giới thiệu cho mấy đứa cháu như là một công cụ hỗ trợ học tiếng Anh. Tôi kiểm tra độ chính xác của nó thế nào trước khi giới thiệu người khác áp dụng. Thế là tôi được thư giãn một bữa và có dịp tập thể dục cơ bụng, cơ hàm, cơ mặt và bao nhiêu dây thần kinh mặt có dịp...co giãn miễn phí thoải mái một bữa!


Trang web có địa chỉ:
http://translate.google.com/translate_t#

Tôi bắt đầu thử thế này:

Tôi gõ vào “Ta về ta tắm ao ta”, sau khi ra lệnh “translate” tôi nhận được câu dịch “I have to bathe me ao”. (từ ‘ao’ trong câu này ‘nó’ không nhận diện được nên ‘trung thành' giữ nguyên. Tôi thử gõ vào chữ ‘ao’ thì nó tưởng là...nước Áo và cho kết quả là: ao: austria. Nếu gõ ‘cái ao’ thì ‘nó’ dịch là ‘the pond’; còn bờ ao thì nó..chào thua và cho kết quả là ‘bo ao’). Như vậy, ‘nó; chỉ đọc được từ nào thật là ‘chân phương’ thôi.


Ba mẹ ơi, con thương yêu ba mẹ nhiều lắm (three ơi mother, three children love me very much). Ha ha ha!!! Ba là cha mà nó hiểu là con số 3. Tôi đổi từ ‘ba’ thành ‘cha’ thì câu dịch khá hơn. Cha mẹ ơi, con thương yêu cha mẹ nhiều lắm (ơi parents, children love their parents very much). Cả hai lần, ‘nó’ nghiêng mình chào thua với từ ‘ơi’ biểu hiện tình cảm đầy gần gũi, thân mật của con người Việt mình rồi.

Rồi chị ấy cũng mẹ tròn con vuông (then her mother also circle the square). Câu này thì cười thoải mái, tập thể dục cơ bụng hiệu quả nhất!

Ngôn ngữ trần gian là túi rách (Language is the earth bags tear.) Câu này cũng không thể nào cười lớn hơn vậy nữa!

Mấy hôm rày trời mưa tầm tã.(may the ray is about to rain mind.) He he, chữ ‘tầm’ trong tầm tã mà ‘nó’ đọc ra chữ ‘tâm’ bà con ơi! 'Mấy hôm rày'
thì ‘nó’...vò đầu bứt tai cũng chỉ dừng lại ở ‘may the ray’.

Con chim ở đậu cành tre, con cá ở đậu trong khe suối nguồn. (birds in bamboo cành beans, the fish at the top of the ravine sources.) (chu choa, chắc Trịnh Công Sơn mà còn sống, đọc được chắc...xỉu quá! Ah kìa, vui thật, 2 chữ ‘đậu’ có nghĩa là ‘tạm bợ’ mà chữ ‘đậu’ đầu tiên, ‘nó’ dịch là beans (đậu, loại ngũ cốc), còn chữ ‘đậu’ sau, ‘nó’ nhìn ‘lộn’ ra chữ ‘đầu’ nên dịch là ‘top’. Còn chứ ‘cành’ thì ‘nó’ chịu thua vô điều kiện rồi.
"Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười, Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa" được dịch là "Docile child nhoen mouth laughing, in the mother thought of as no flowers". Ha ha ha!!! Cụ Phạm Duy mà đọc được lời ca trong bài 'Ru con' của cụ dịch thế này, chắc chi cụ còn đủ sức để mà... cười!

Thử nghe công cụ 'thông minh' của google dịch một câu tục ngữ nè: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao." 'Nó' dịch là "one should not make plans for kindergartens, three plants should be re-chum high rock mountains." Hi hi hi!!! Bà con ơi, chắc là 'hết ý kiến' quá! 'non' nghĩa là 'núi' mà nó tưởng trường mầm non! Ha ha ha!!! 'chụm lại' thì 'nó' chỉ có thể dịch chữ lại là 're' như trong chữ repeat, re-think... nên 'nó' sáng tác ra từ...re-chum (chụm lại)! Sáng tạo cỡ này thì không ai qua mặt nổi! Chắc chỉ số IQ của 'nó' hẳn phải vào bậc thiên tài (IQ>140) rồi!

Kính trọng và chăm sóc cha mẹ là truyền thống tốt đẹp. (respect and caring parents is a good tradition.) Câu này chắc được chọn làm ‘hoa hậu’ trong kỳ ‘tranh sắc tranh tài’ này quá! Nhưng vẫn chưa đúng! Chủ ngữ là hai danh từ nối bằng chữ "and" mà sao là "a good tradition", phải là "are good traditions" chứ!

Lâu lâu mới dịch đúng một câu thế này thì gọi là "chó đớp nhằm ruồi". (long long before a question on the right is called a "dog to ruồi dop".) Câu này thì..."người cõi trên" cũng chịu thua thôi!

Dịch kiểu này thì máy móc quá, không đúng đâu. (This kind of outbreak, the machines too, is not exactly where.) Lại sặc cười! ‘Dịch’ là phiên dịch, mà nó hiểu là bệnh dịch. Một công cụ trợ giúp ngôn ngữ chứ đâu phải chuyên gia dịch tễ học đâu trời! chữ ‘đâu’ trong tiếng Việt thì cứ thế là thành ‘where’ tất tần tật. Ha ha... coi bộ bà con với “no star where”.

Tiên học lễ, hậu học văn (First course offerings, logistics education) Khá đấy chứ, coi bộ cũng hiểu từ Hán-Việt khá hen. ‘Tiên’ biết là ‘first’. Mà sao ‘tiên’thì hiểu mà ‘hậu’ thì lại hiểu là ‘hậu cần’ để dịch là ‘logistics’ nhỉ?! Nghĩ cũng...kỳ diệu thật.

Trời đất! dịch kiểu này thì người bản xứ cũng chịu thua luôn!(heaven and earth! This kind of translation, the native land and always yield to none!) câu này thì hết...ý kiến, đúng là thấu đến trời (heaven) và xuyên tận đất (earth) quá!

Dịch giùm chữ "không sao đâu" đi, chắc cười bể bụng quá!(gium on the word "never mind" go, be sure abdomen laugh too!) Đúng là cười...gần bể bụng!
Cuộc đời ngắn ngủi, hơi đâu mà để tâm những chuyện không đáng.(short life, which started slightly to mind is not worth the conversation.) Ah, như vậy, ‘chuyện’ là nói chuyện chứ không phải câu chuyện rồi. Còn từ ‘hơi đâu’ thì ‘nó; lại hiểu là ‘hỏi đầu’. Mèn đét ơi, tôi phải suy nghĩ và dịch ngược lại những từ ‘nó’ dịch. Đúng là...hết chỗ nói! Khi tôi thay chữ ‘chuyện’ là việc, thì câu mới trở thành: cuộc đời ngắn ngủi, hơi đâu mà để tâm những việc không đáng (short life, which started slightly to the heart is). Tôi lại đổi vài từ và giữ nguyên ý nghĩa câu trên như sau: cuộc đời ngắn ngủi, không nên để tâm những việc không đáng thì ‘nó’ cho kết quả là ‘short life, should not to the heart is’. Đúng là tiếng Anh theo kiểu đem gạch lót nền nhà rồi!

Tôi cho nó dịch vui câu là: dịch gì mà như 'lót gạch nền' vậy anh bạn google? (What that translated as' brick background 'so you google him?). Hi hi hi... ‘anh bạn google’ là ‘you google him’, chính xác là ‘anh’ ‘bạn’ ‘google’!!!

Dịch kiểu này thì nói theo ngôn ngữ của lớp trẻ là botay.com. (This kind of outbreak, it said according to the language of the classroom children are botay.com.). Lại ‘dịch bệnh’ nữa rồi. Còn ‘lớp trẻ’ là ‘lớp học’ và ‘trẻ em’. Chịu thua!
Úi cha! dùng công cụ này mà dịch Truyền Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cho người tây hiểu chắc....cần xây gấp gấp nhiều nhà thương tâm thần nữa quá! Nè, thử một câu thôi, đủ thất kinh hồn vía: Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. 'Chuyên gia' google dịch thế này đây "What is the matter from the bi room, Clear blue habits familiar pink cheeks judge ghen." Chắc...'no table' quá!!!
He he he...cười hết nổi rồi nên tạm dừng tại đây. Cám ơn translate.google!!!
Tin hấp dẫn 'giờ chót' đây! vừa viết xong entry này thì thấy ở vnexpress cũng phản ánh cách dịch của google. Đúng là một điều trùng hợp thú vị, nên copy link vào đây luôn:
http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/2008/09/3BA06F4F/

RÀO CẢN NGÔN NGỮ KHIẾN MÌNH KHÓ XỬ...

Thông thường, trong giao tiếp xã hội, chúng ta quen hành xử theo một chuẩn mực (norm) nào đó mà khi ai đó hành xử vượt qua khỏi cái ngưỡng này, mình sẽ thấy ‘lạ lạ’ thường thể hiện bằng sự lúng túng và với mức độ đáng kể thì rõ ràng là hành vi của người đó ‘có vấn đề’ theo cái nhìn thông thường. Chiều hôm qua, tôi gặp một tình thế làm mình lúng túng thật sự.

Ở Ấn Độ, khi di chuyển một đoạn đường chừng dăm ba cây số, người ta thường dùng xe rishaw đạp. Đây là một phương tiện giao thông thô sơ, gần giống kiểu xe lôi (đạp) miền tây của mình vậy. Có điều xe lôi của mình có bốn bánh, căn bản là một chiếc xe đạp có gắn thêm bộ phận chở người phía sau, còn xe rishaw ở đây có ba bánh và dây xích dài hơn vì khoảng cách từ trục giữa đến bánh sau (phía sau chỗ người ngồi) dài hơn (nhìn hình bên cạnh). Do đó, bác ‘tài xế’ thường phải đứng thẳng lên mới có trớn để đạp chiếc xe này khi có người ngồi trên. Đặc biệt, những lúc lên dốc, thấy thương lắm...


Ở đây, người đạp rishaw thuộc thành phần lao động nghèo nhất trong xã hội. Họ nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Hầu hết những người này ở nhà tạm che ven đường và ngay cả chiếc xe rishaw, phương tiện kiếm sống hằng ngày, họ cũng không sở hữu nổi mà phải thuê để chạy. Cũng như bao người khác có duyên gặp và hiểu sơ về cuộc sống cơ cực của họ, tôi rất thương cảm những người này. Ít khi tôi trả giá ‘kì kèo’ với những người lao động chân tay vất vả này (trừ một số người đòi giá cao đến mức vô lý), lại còn biếu thêm các chú ấy vài đồng tiền cắc khi chú ấy đưa mình đi đến nơi. Lắm khi gặp trục trặc, thường là dây xích lỏng và trật ra ngoài trục xe vì xe cũ và đường gập ghềnh ổ gà, tôi cũng đủ kiên nhẫn để đợi mà không phàn nàn vì nghĩ các chú ấy không có tiền sửa xe. Hôm qua, tôi gặp sự cố như vậy.
Tôi cần đi một đoạn đường khoảng 3 cây số và bác chạy xe đòi trả 15 rupees, tôi đồng ý. Mới đi được một đoạn, xe trật xích. Người lái xe dừng lại, gắn dây xích vô vị trí cũ. Đi mới được 3 phút, lại lần nữa tôi phải đợi chờ người chạy xe dừng lại với chiếc xích xe bướng bỉnh của mình. Đi tiếp được chừng 100 mét, lại một lần nữa. Lần này thì sự cố càng... khủng hơn khi điểm dừng lại là ngay một bãi rác lớn và ngay tiếp đó là nhà vệ sinh công cộng. Trời đất ạ, tôi choáng váng! Bãi rác khá khổng lồ nằm ngay bên đường lộ với đủ loại rác mới cũ rỉ nước đen sì như chực tràn ra đường. Còn nhà vệ sinh công cộng, che chắn đơn sơ và nghe mùi cũng đủ biết nó dơ bẩn như không thể nào dơ bẩn hơn được nữa. Ruột tôi cồn cào chực nôn ọe vì cái mùi ghê sợ ấy. Thế là không chịu được, tôi bước xuống xe và nói “tôi sẽ đợi bác ở đằng kia” (Câu tôi nói là 'I am waiting for you over there') và lấy tay chỉ về hướng trước mặt. Tôi ba chân bốn cẳng đi nhanh về phía trước để thoát khỏi cái mùi khó chịu, tổng hợp của bãi rác và nhà vệ sinh công cộng kia.
Tôi đứng đợi và tiếp tục đợi. Có sáu bác rishaw khác chạy ngang hỏi tôi đi đâu, nhưng tôi đều từ chối. Tôi phải đợi bác rishaw của tôi. 7 phút trôi qua, tôi sốt ruột vì tôi e trễ hẹn. Tôi đánh bạo đi lui lại, lấy hết cam đảm để vượt qua nhà vệ sinh và đống rác, tôi muốn ná thở! Tôi vẫn không thấy bác chạy xe mặc chiếc áo màu xanh đã bạc thếch màu mà tôi đi lúc nãy. Lui lại một chút là ngã ba, có thể bác đã quẹo phải hay chạy sang bên kia đường ngược về lối cũ rồi. Thêm 5 phút mà không thể tìm thấy dấu vết gì của bác chạy xe tôi cần tìm, ngót nghét hơn 10 phút, tôi lại lo trễ hẹn thì không được. Không còn cách nào khác, tôi đành đón chiếc rishaw khác đi và bác này đòi 10 rupees. Tôi miễn cưỡng lên xe, lòng chùng một chút.

Bác ấy hiền lành quá, hiền đến mức làm tôi cảm thấy khó xử. Người Việt mình có hiền cũng không...hiền đến vậy. Bác xe ôm sẽ chạy xe đến khách để ‘hỏi’ lý do sao bỏ đi (nếu hiểu rằng hành động xuống xe đi về phía trước của tôi là ‘bỏ đi’, một thái độ không vừa lòng) chứ không đơn giản quay xe đi như vậy đâu.
Tôi được gì mất gì trong chuyện này? Rõ ràng là tôi được 5 rupees! Nhưng cái tôi mất nhiều quá. Bác ấy ngỡ tôi không đủ kiên nhẫn với chiếc xe cà tàng của bác ấy mà phản ứng bằng việc xuống xe, đi bộ về phía trước. Có thể bác ấy nghĩ tôi quỵt Bác và không trân trọng công sức bác đã đạp khoảng 400 mét đường và mồ hôi vã ra thấm gần kín lưng áo cũ mèm. Rõ ràng bác chạy xe không hiểu câu nói đơn giản của tôi.
Tôi không biết tiếng Hindi và bác ấy có lẽ không hiểu tiếng Anh. Mà tôi nhớ tôi có dùng body language lúc đó mà, tôi khoát tay chỉ về phía trước. Nếu nói đây là lỗi của tôi khi mình ở xứ người mà không biết tiếng của người địa phương thì chưa hẳn đúng. Tôi thấy không biết ngôn ngữ người bản xứ là thiệt thòi của tôi thì đúng hơn. Dù gì, tôi đã mất niềm tin nơi người chạy xe rishaw này. Lòng thông cảm và kiên nhẫn của tôi thể hiện trong hai lần trật dây xích bằng cách ngồi yên trên xe, được bác ấy hiểu, còn lần này thì không...

Trời chập choạng tối, một nỗi buồn man mác như vừa đánh mất một món gì...

Sunday, September 28, 2008

ĐI BỘ


Khi đô thị dần xâm thực miền quê, những khu công nghiệp len lỏi vào các vùng đồng quê vốn một thời vắng vẻ. Ngày càng nhiều các xí nghiệp, công xưởng và nhà máy đã đẩy các con đường làng ngõ vắng lùi vào dĩ vãng. Đường liên thôn được bê tông hóa đến tận từng nhà. Thế là, năm này tháng nọ, ngày qua ngày, hầu hết chúng ta hạn chế đi bộ do thói quen thường trực cưỡi trên xe máy hoặc ngồi quá lâu trên chiếc ghế văn phòng.


Dường như, với rất nhiều người, tác dụng tích cực về phương diện sức khỏe từ chuyện đi bộ là lẽ đương nhiên khỏi phải nhọc công bàn cãi. Đi bộ, thậm chí chỉ cần băng qua đường, qua vài lối đi ngắn cũng có thể đem lại nhiều lợi ích– không chỉ cho sức khỏe mà còn bồi bổ tinh thần chúng ta nữa.

Đi bộ, để thấy mình gần gũi với thiên nhiên. Thực tế, ngay cả lúc đi bộ qua nền gạch lát hay bê tông thì mặt đất vững chãi, bằng phẳng và chắc chắn vẫn luôn ở bên dưới đôi chân ta, hỗ trợ và nâng đỡ bước chân ta. Điều này cho ta một cảm giác ấm áp lạ, gần gũi với đất trời và thiên nhiên hơn. Tuy nhiên, nếu có thể để tâm vào trong mỗi bước chân, chúng ta mới có thể cảm nhận điều này. Ngược lại, chân bước mà tâm ngổn ngang bao mối lo với cơm áo gạo tiền, với bao cảm xúc trong lòng không được kiểm soát, thậm chí không được nhận diện, thì trời xanh, mây trắng và đất hiền hòa vẫn là điều gì đó vô cùng xa lạ với ta, dù chúng luôn hiện hữu quanh ta. Đi như vậy, thiền sư Nhất Hạnh gọi là “đi như ma đuổi”. Đi bộ mà ‘đi như ma đuổi’ thì chúng ta nhận được rất ít lợi ích từ việc này. Ngay cả lợi ích về thể lực, đi mà không ý thức bước chân, không điều hòa nhịp thở thì kết quả đạt được rất hạn chế. Còn các phần lợi ích khác, ta bỏ phí mà lẽ ra ta được hưởng trọn vẹn nếu chúng ta biết ‘đem tâm về với thân’ trong từng bước chân thanh thản và nhẹ nhàng.

Đi bộ, con người trở nên cân bằng hơn. Cuộc sống ngày càng hối hả với những dịch vụ có khi tiện nghi ‘đến tận răng’, chúng ta càng nên ưu tiên cho hoạt động đi bộ vốn hiếm dần. Đến một lúc nào đó, liệu đi bộ có trở thành một thứ ‘xa xỉ’ không đây? Đi bộ nhắc nhở mỗi người về cái giai đoạn mọi thứ còn đơn giản, chứ chưa đến nỗi phức tạp như bây giờ. Hãy dành một khoản thời gian thích hợp nào đó trong ngày để có dịp sống với tâm ‘đơn giản’ của mình, dù cuộc sống bề bộn nhiều áp lực.

Đi bộ, là lúc tuyệt vời để ta vận động cơ thể và dành thời gian tích hợp năng lượng vào trong từng tế bào. Trong lúc đi bộ, kinh mạch trong người lưu thông điều hòa hơn. Chúng ta cảm thấy khỏe mạnh hơn, tinh thần sảng khoái hơn để có thể hòa vào dòng chảy tự nhiên bất tận của cuộc đời.

Đi bộ, giúp ta ý thức hơn sự hiện hữu của mình trong từng khoảnh khắc. Thay vì chạy đôn chạy đáo từ nơi này đến chốn khác, thay vì dáo dác đi mà chân không bén đất hoặc cố suy nghĩ xem làm thế nào có thể di chuyển nhanh hơn không, chúng ta tập thanh thản hơn trong từng bước chân. Mỗi một bước chân đặt xuống có thể dẫn đưa chúng ta nhận ra sâu sắc hơn về sự tồn tại của bản thân và những xúc cảm nảy sinh ở chính mình. Trong từng bước chân, chúng ta có thể lắng nghe thân thể và tâm thức mình và nhận ra nhiều điều rất kỳ diệu. Nếu làm việc này thuần thục, chúng ta có thể nhận biết được sự vận hành của tâm thức và sự thay đổi, dù rất vi tế, của cơ thể để điều chỉnh và làm chủ mình trong mọi lúc mọi nơi.

Đi bộ thật khoan thai và chậm rãi chẳng những khiến chúng ta tập trung chú ý tới vị trí, địa điểm thân thể ta đang hướng tới mà còn giúp mình quan tâm thực sự tới hơi thở nữa. Hơi thở là mạch sống, ý thức về hơi thở là ý thức và làm chủ được chính mình. Chú tâm vào hơi thở của mình khi sải chân dạo bộ– hơi thở vào-ra, ngắn-dài– rồi để ý từng bước chân hài hòa cùng nhịp thở là phương cách hữu hiệu và tự nhiên nhất giúp chúng ta dần trở nên tỉnh thức hơn, điềm tĩnh hơn để tinh nhạy hơn trong ứng xử xã hội và giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Càng trở nên tỉnh thức hơn, chúng ta càng nâng cao ý thức rõ ràng về mối liên giữa mình và môi trường xung quanh. Đồng thời, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng, dòng chảy tự nhiên của các cảm xúc cũng như suy tư của mình không thực sự cố định và nó luôn lo nghĩ về tương lại, hồi tưởng về quá khứ và rất ít khi nó biết sống cho hiện tại và ngoan ngoãn hiện hữu cùng với thân đang đều đều nhịp bước.

Đi bộ, là lúc có thể tập hít thở trong tỉnh thức, chúng ta nuôi dưỡng mình trong bình an và tĩnh lặng. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ vỡ lẽ ra rằng, đã nhiều lần mình tự đánh mất đi cơ hội sống cho hiện tại nhiệm mầu đang trôi qua trước mặt mình để vào quá khứ. Khi thấy vô lý vì phải bận rộn nhảy tới tương lai, vọt lui về quá khứ, ta sẽ biết cách dừng lại để tận hưởng hiện tại. Khi ấy, những lăng xăng, lo lắng thường xuyên xảy đến trong ngày cứ từ từ biến mất, vì chúng ta ý thức được mình đang sống trong "bây giờ và ở đây".

Một hoạt động đơn giản, dễ dàng và tự nhiên đến mức không cần cố gắng, chúng ta có thể thực hành đi bộ đều đặn mỗi ngày. Điều này giúp chúng ta tạo ra không gian thoáng rộng giao thoa với vũ trụ thiên nhiên, có thêm năng lực để nhận thức chân xác hơn về bối cảnh xung quanh, nơi chính bản thân mình và về sự kỳ diệu ẩn chứa trong trời đất. Mỗi ngày dành ít phút để đi bộ, hít thở đều đặn trong tâm thế tỉnh thức là cách làm đơn giản đưa đến kết quả lớn. Đi bộ giúp chúng ta mở cánh cửa nội tâm lắng dịu hơn để nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới quanh mình.

Saturday, September 27, 2008

ĐỌC HỒI KÝ ÔNG MẠNH

Tối thứ sáu đến trưa thứ bảy, tranh thủ cuối tuần, đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh. Cái hồi ký này vào đầu tháng 9 là hàng ‘hot’ lắm. Khi tác phẩm này ‘mới ra lò’ mà theo tác giả là ‘vô tình bị lộ’, hàng ‘hot’ lại càng ‘hot’ hơn. Sau đó, một số link gỡ xuống, song đến nay vẫn còn nhiều link để nguyên dù tác giả có lên tiếng rằng ông không đồng ý tác phẩm của ông ‘bị’ phát tán bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Tôi kịp có tác phẩm này trước khi đọc được tin ‘cấm vận’ của tác giả qua trang của THD và blog cá nhân của NVT. Thiên hạ lùm xùm kẻ khen người chê, nhưng tôi không đọc ý kiến của ai cả, đơn giản vì tôi chưa đọc tác phẩm này. Tôi không muốn mình có thành kiến nào trong đầu trước khi tiếp cận tác phẩm chính. Gần một tháng, đến bây giờ mới đọc.

Cuốn hồi ký của ông Mạnh dành 120 trang để tự sự về cuộc đời và các hoạt động của tác giả, đúng thế loại ‘hồi ký’. Tuy nhiên, gần hai phần ba cuốn sách (cuốn hồi ký có 303 trang) ông dành để nói về con người, về các đồng nghiệp của ông cùng các sự việc, sự kiện liên quan trong lãnh vực văn chương. Nội dung và cách viết của gần hai phần ba tác phẩm này đã đi chệch thế loại 'ký' rồi.
Cho dù tôi và rất nhiều người khác không am hiểu nhiều về lãnh vực này, chúng ta cũng không cảm thấy xa lạ với những người ‘có mặt’ trong tập hồi ký của ông Mạnh vì chúng ta đã từng “tiêu thụ” các "sản phẩm" của các ông ấy. Tôi không biết mức độ chính xác và trung thực của hồi ký này đến đâu. Cứ cho là 100 % sự thật, tôi rút ra một điều mà mình đã biết từ lâu nay, nhưng giờ thấm hơn; rằng trên sách vở, trên từng trang viết thì mọi thứ đều tốt đẹp. Khi ở ‘ngoài lề’, con người trong văn chương huyền ảo bước ra cuộc sống đời thường khá trần trụi. Việc tác giả dùng những từ ‘nặng ký’ trong giọng văn hằn học có, mỉa mai có, cay cú có… cũng làm toát lên chân dung tác giả viết hồi ký.
Nhìn chệch sang một tí mặt trái, thì mọi con người, dù vĩ nhân, thiên tài…đều có những biểu hiện rất đời thường vì trước khi họ là vĩ nhân, thiên tài, thì họ ắt hẳn phải là con người bình thường trước đã. Nếu cố tình gạt bỏ đi những điều vốn dĩ bình thường đó, thì hẳn là điều “bất bình thường”.
Mình không còn nhỏ, cũng không còn "ngây thơ" để có thể “sụp đổ” một vài thần tượng, nhưng quả thực những chi tiết mà mình biết, để khẳng định thêm một điều, lòng người thật khó lường, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, nếu người ta giữ được mình, vẫn chính là mình, thì điều đó mới thật đáng quý...

TRÍ TUỆ CẢM XÚC



Trước đây, khi nói về sự thành đạt, người ta thường nghĩ đến chỉ số thông minh, gọi là IQ (Intelligent Quotient) như là một yếu tố quyết định. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, chỉ số IQ không giải thích được sự thành công trong cuộc sống. Royane Real, trong cuốn sách xuất bản năm 2004 của ông “How You Can Be Smarter -- Use Your Brain to Learn Faster, Remember Better and Be More Creative” từng chia sẻ rằng: “Mới đây, một chương trình truyền hình của Canada đã làm một phóng sự nhỏ về cuộc sống những người có chỉ số thông minh cao nhất Bắc Mỹ. Người đàn ông có chỉ số IQ cao nhất ở toàn Bắc Mỹ đã làm nghề bảo kê ở quán bar trong 10 năm qua và có thu nhập thuộc mức thấp nhất xã hội. Anh ta hiện đang sống một mình trong một garage nhỏ xíu. Một người đàn ông khác có chỉ số IQ cao ở mức thiên tài (>140) hiện là một thợ sửa xe mô-tô. Người này thường xuyên chơi với những đảng đua xe, cướp giật và đã vào tù ra khám thường xuyên.”



Những câu chuyện được Real trưng dẫn như thế này đang làm mất dần đi ‘uy tín’ của chỉ số thông minh (Intelligent Quotient-IQ) vốn được coi là tiêu chí để đánh giá sự thành công của một người. Điều này chứng tỏ IQ không bảo đảm sự thành công của bạn trong cuộc sống, mà nó chỉ có vai trò dự đoán khả năng nhận thức và thành tựu của chúng ta trong trường học mà thôi. Muốn thành công trong cuộc sống, con người cần thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Những năm gần đây, người ta ngày càng quan tâm tới EQ (Emotion Quotient), chỉ số dùng để đo trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligent-EI) bởi họ tin rằng EI mới chính là yếu tố có thể giúp chúng ta thành công trong cuộc đời thật: trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống cá nhân của mỗi người.



Khi nói đến“trí tuệ cảm xúc”, người ta thường cho rằng thuật từ này được sử dụng lần đầu tiên trong luận án tiến sĩ của Wayne Payne (A study of emotion: Developing emotional intelligence) năm 1985 mặc dù trước đó, khái niệm này đã được Leuner đề cập đến vào năm 1966 rồi. Sau đó, một số nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển đi sâu vào lãnh vực này như Greenspan (1989), Salovey and Mayer (1990), Goleman (1995). Gây ảnh hưởng lớn nhất lúc bấy giờ là cuốn sách của Goleman Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (trí tuệ cảm xúc: tại sao quan trọng hơn chỉ số thông minh). Cuốn sách bán chạy nhất này là tài liệu đầu tiên chính thức bàn về trí tuệ cảm xúc; từ đó nhiều học giả bắt đầu để tâm nghiên cứu lĩnh vực này.

Các nhà nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc nêu trên cũng như các học giả gần đây như William Bennis, và Kay Brugge đã khẳng định rằng trí tuệ cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành công của một người. Nói chung, trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) hay chỉ số trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient) là kỹ năng của một người về việc cảm nhận, đánh giá và quản lý cảm xúc của cá nhân mình, của đồng sự hay của đối tác để có được hiệu quả tối đa trong công việc cũng như trong giao tiếp xã hội. Hiểu một cách đơn giản thì trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm nhận cảm xúc của bản thân và của người khác (nhận biết mình/đối tác đang có những cảm xúc gì?) và hiểu lý do nào mình phát sinh cảm xúc ấy và hiện trạng của nó (Tại sao tôi có cảm xúc này? Nó đang ở mức độ nào?). Và sau đó những hiểu biết về cảm xúc bản thân cũng như người khác này có thể giúp bạn làm chủ những phản ứng tâm lý và cảm xúc của bản thân (Tôi làm thế nào để điều chỉnh và hướng dẫn luồng cảm xúc đang hiện hữu này một cách hiệu quả nhất?), hiểu được động cơ hành động (Tôi làm như thế vì động cơ nào?) và cải thiện mối quan hệ với người khác (tôi làm thế nào để tôi và họ đều hài hòa và thoải mái trong mối quan hệ hiện tại?).

Như vậy, căn bản của trí tuệ cảm xúc là, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn, có khả năng làm chủ và điều khiển cảm xúc của chính mình và hiểu được cảm xúc của người khác để thiết lập mối quan hệ xã hội tốt đẹp và hiệu quả nhất. Có khả năng về các phương diện trên, con người có nhiều tiềm năng để thành công trong cuộc sống. Như vậy, trí tuệ cảm xúc liên quan đến hiểu biết và trí thông minh ở hai phương diện: thứ nhất, hiểu biết chính bản thân mình, mục đích, chủ ý, phản ứng, hành vi cùng những trạng thái tâm lý khác của mình. Thứ hai, khả năng hiểu người khác cũng như cảm xúc của họ để điều hòa các mối quan hệ.


Những nhà nghiên cứu cho rằng nếu chỉ dựa vào chỉ số thông minh để dự đoán mức độ thành công của một người thì không chính xác vì chỉ số thông minh chỉ có thể phản ánh được khả năng lý luận, trí nhớ và cách giải quyết vấn đề thuần túy mang tính học đường và lý thuyết. Để thành công, con người cần nhiều yếu tố khác nữa như hành vi ứng xử hay nhân cách thì thông số của chỉ số thông minh không nói lên được, Trong khi đó, trí tuệ cảm xúc có thể được coi là yếu tố dự đoán chính xác hơn.


Theo Goleman, chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ được xác định trên năm phương diện sau:

1. Hiểu biết được cảm xúc của bản thân mình và hậu quả của các cảm xúc đó. Luôn ý thức được hiện tại trong cơ thể mình đang có cảm xúc gì. Đây là nền tảng căn bản của trí tuệ cảm xúc. Có được khả năng này, con người có thể tự hiểu mình một cách đúng đắn và tự tin vào khả năng của mình, từ đó ý thức được mình có thể làm gì và phát triển bản thân theo hướng thế nào. Cọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích, chọn bạn đời phù hợp để có cuộc sống gia đình hạnh phúc là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc ở phương diện này.

2. Làm chủ và điều khiển được cảm xúc của mình để khi tham gia vào công việc hay các mối quan hệ, mình đều có thể làm việc hiệu quả nhất. Người có trí tuệc ảm xúc tốt về mặt này biết kiềm chế bản thân, biết thể hiện cảm xúc đúng cách, đúng đối tượng và với mức độ phù hợp. Những người này sẽ biết cách thể hiện mình và dễ dàng gây cảm tình cho những ngườiời chung quanh với cách thể iện đúng mực của mình.
3. Người có trí tuệ cảm xúc tốt biết cách tạo cho mình động cơ tâm lý tốt để phấn đấu trong cuộc sống, để phát huy sở trường của mình, tạo cơ hội và tận dụng cơ hội để thành công và vượt qua những trở lực trên đường mình đang đi. Người có khả năng về phương diện này sẽ biết cách làm cho ước mơ của họ thành sự thật một cách hiệu quả và thành công nhất. Họ biết vạch con đường đi riêng cho mình để thành công vì hơn ai hết, họ biết họ là ai và đang cần gì.

4. Nhận ra và hiểu biết cảm xúc của người khác. Từ đó, chúng ta có khả năng thấu cảm và đồng cảm với người mình giao tiếp và dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trên nền tảng hiểu và thương. Khả năng tìm bạn, kết bạn và nuôi dưỡng quan hệ tình bạn là một trong những ví dụ cần đến kỹ năng này.

5. Trí tuệ cảm xúc có tác dụng điều chỉnh mối quan hệ xã hội hài hòa và hợp ý. Điều này giúp chúng ta có khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ với đối tác trong uy tín và tin tưởng nhau. Người có khả năng này thường lãnh đạo giỏi, quản lý tốt và điều hành nhân sự tuyệt vời.

Tất nhiên, mỗi người có khả năng khác nhau trên các phương diện nêu trên tùy thuộc vào sự nỗ lực rèn luyện và môi trường làm việc. Như vậy, trí tuệ cảm xúc có thể rèn luyện và phát triển để có được cuộc sống thành công. Tôi sẽ bàn tiếp mục này khi nào có dịp.

Thursday, September 25, 2008

NIỀM TIN


Tôi bắt đầu entry này bằng một câu chuyện tôi tâm đắc và suy đi nghĩ lại nhiều lần. Có thể các bạn đã từng nghe ai đó kể, có thể đã từng biết, có thể các bạn đã đọc hoặc nghe vô vàn câu chuyện na ná như thế này, nhưng tôi vẫn cứ viết ra đây. Có sao đâu nhỉ, những câu chuyện hay vốn dĩ không bao giờ thừa bởi vì chính bản thân nó làm nên nét đẹp cuộc sống; không những thế, nó hâm nóng và nuôi dưỡng bao tâm hồn đẹp. Câu chuyện thế này.
Có một người đàn ông, vốn là dân trộm cắp, từng giang hồ ngang dọc, tay đã vấy máu tội lỗi không ít, từng là đại ca của nhiều thế hệ ‘đàn em’. Thế rồi, một hôm, trên đường, tình cờ ông gặp một cậu bé mới lớn mới, nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng tinh khôi. Cậu bé có được một mớ tiền nhờ tích góp bằng chính sức lao động của cậu trong mấy năm trời tha phương. Nơi gặp nhau của hai người là trên một chuyến tàu. Qua vài câu trao đổi, tên cướp này biết rằng cậu bé đang ôm bọc tiền dành dụm được bấy lâu về quê để xây nhà cho cha mẹ. Tên cướp hỏi “con đi một mình mang tiền vậy không sợ mất à?”. Cậu bé vui vẻ trả lời “con sẽ cảnh giác, nhưng con tin con sẽ giữ được, sẽ không có ai lấy đi bọc tiền của con cả”.
Người đàn ông kia cùng với đồng bọn đi trên tàu, nhằm tìm hiểu hành khách và đợi khi họ sơ hở là ra tay thôi. Bọn họ đều nghĩ đến thực hiện mục tiêu là lấy cắp bọc tiền kia. Nhưng rồi trong một thoáng, tên cướp nhận ra cậu bé quá ngây thơ. Cậu đã có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng tự vệ và tin vào điều tốt, điều thiện của con người, rằng “sẽ không có ai lấy đi bọc tiền của con cả”. Người này chợt nhận ra mình phải có nhiệm vụ bảo vệ bọc tiền đó trước con mắt thèm thuồng của một băng cướp khác trên chuyến tàu. Cuối cùng, tên cướp vừa kịp hoàn lương trước niềm tin của một đứa bé đã trả giá bằng mạng sống của chính mình, vì anh ta phải chiến đấu với những gã lưu manh khác khi nhóm này nghe lóm được mẩu đối thoại giữa tên cướp và cậu bé.
Có những câu chuyện không chỉ đơn thuần là câu chuyện nếu nó cho ta nhiều suy nghĩ mới và cách nhìn mới về con người và cuộc sống. Ý nghĩa của câu chuyện trên quá rõ rồi, và tôi vẫn gặp đây đó nhiều mẩu chuyện tương tự. Đọc xong câu chuyện này, trong ta đọng lại một điều là, niềm tin thật là một điều kỳ diệu. Nó có khả năng thay đổi cả một mảnh đời. Từ một tướng cướp, niềm tin trong veo của cậu bé đã khơi dậy thiện tâm của tên cướp để rồi ông bằng lòng đánh đổi mạng sống của bản than mình để giúp người khác giữ vững niềm tin. Có niềm tin, ta sẽ làm được nhiều việc tưởng chừng không thể. Vào một lúc nào đó trong cuộc sống, ta có thể đánh mất tất cả; tiền tài, danh vọng, địa vị, gia đình, bè bạn... nhưng tuyệt đối có một thứ mà ta đừng bao giờ đánh mất và hãy luôn luôn mang nó bên mình. Đó là niềm tin. Niềm tin là bệ phóng để chúng ta hoạch định kế hoạch cho cuộc sống và từng bước thực thi kế hoạch của mình. Có niềm tin, ta sẽ có một chỗ nương tựa để chúng ta có thể lấy lại được những gì đã mất. Có niềm tin, ta sẽ có cuộc sống vui vẻ, hài lòng và hạnh phúc hơn.
Với sự phát triển và hòa nhập, giới trẻ ngày này, vận hội đã tạo ra cho họ nhiều cơ hội, họ có thể làm được nhiều điều lớn lao. Thế nhưng, xã hội và các nhà chức trách đang gióng lên hồi chuông báo động rằng, bên cạnh đó, cũng vô vàn cám dỗ và cạm bẫy vây quanh họ. Nếu họ không biết cách giữ vững bản thân thì sẽ dễ dàng sụp đổ. Xung quanh chúng ta là cả một thế giới bao gồm cả tốt lẫn xấu. Đương nhiên, chúng ta không thể dễ dàng tránh né cái xấu và đi tìm cái tốt nếu không có phương pháp hợp lý. Cuộc sống không đơn giản đến vậy. Do đó, muốn thành nhân, chúng ta phải học cách giữ mình khi đương đầu với cái xấu. Một bộ phận thanh thiếu niên ngày càng tăng đang lao vào các trào lưu xấu ác và tiêu cực, đốt sức khỏe, tiền bạc và uy tín bản thân chỉ vì không có được một điểm tựa trong cuộc sống. Có thể nói mà không sợ sai rằng, điếu đáng lo sợ nhất trong giới trẻ hiện nay chính là sự mất đi niềm tin vào bản thân, vào xã hội của các bạn trẻ, sống đua đòi trên những giá trị ảo hào nhoáng mà chúng cho la ‘thời thượng’ đó mới chính là điều đáng sợ nhất. Không có niềm tin thì các bạn sẽ như con thuyền không người lái. Nó sẽ chơi vơi và trôi theo dòng mà không định hướng tương lai.

Giáo dục thế hệ trẻ, tuổi mới lớn là một vấn đề không đơn giản chút nào. Lứa tuổi chập chững bước vào đời này rất nhạy bén, học hỏi nhanh chóng và dễ dàng bị tác động của môi trường sống. Và chính xã hội, các đoàn thể cùng với gia đình, những người có trách nhiệm xung quanh các bạn trẻ, nên ý thức vị trí, vai trò của mình để tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh, tươi trẻ để góp phần giúp chúng có được niềm tin trong sáng vào chính bản thân mình và những người xung quanh. Bằng mọi cách, chúng ta nên thể hiện sự hiểu biết và tâm lượng của người đi trước đối với người nhỏ hơn mình.
Niềm tin, không phải là cái gì đắt tiền mà chỉ có người giàu mới mua được. Trong cuộc đời này, ai cũng có thể sở hữu nó, nhưng có một điều cần nhớ là, nó cũng không dễ dãi cho không bất kỳ ai, và không phải ai cũng nắm bắt sự kỳ điệu mà bản thân nó vốn có. Niềm tin, không phải tự nhiên mà có, mà trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, với những chiêm nghiệm của bản thân, người ta mới thực sự nắm bắt được cái gọi là "niềm tin". Niềm tin là mẹ của tất cả thành công trong cuộc sống. Chúng ta té ngã không phải vì yếu mà vì chúng ta không tin rằng ta đủ mạnh. Tin vào một điều gì đó, tất nhiên là tốt đẹp hơn, có thể xảy ra trong tương lai, với những nỗ lực không mệt mỏi để biến những điều đó thành hiện thực là con đường đi của những người thành công. Trong cuộc sống cũng vậy, gặp năm, ba người chưa đủ tốt, dừng vội nản lòng và mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Hãy tự nhắc mình rằng “nhân chi sơ, bản tánh thiện...”
Tôi thấy hằng ngày những học sinh xách cặp đến lớp học, những công nhân lên công xưởng, những kỹ sư lên văn phòng, hay tỏa ra các công trường... và cả những người bán buôn gánh bán bưng, người bán hàng rong giong ruổi trên khắp các nẻo đường, tất bật với cơm áo gạo tiền. Rồi những người bán hàng đêm với tiếng rao đêm chạnh lòng trong đêm đông mưa gió não nùng... Họ làm việc mệt mài, suốt ngày dài tháng rộng. Rồi những người bệnh tật đang vật lộn với cuộc sống từng giờ để giành từng hơi thở với thần chết…Cuộc sống tuy vẫn còn nhiều khó khăn bề bộn, nhưng họ đã nỗ lực làm việc và cố gắng sống. Động lực đằng sau đó là gì? Là một niềm tin, để làm cho cuộc sống của bản thân, của những người thân thích ngày một tốt hơn.
Tôi cũng đã thấy nhiều em bé trắng như giấy, trong như nước và ngây ngô như mây trời, như cậu bé trong câu chuyện ở trên. Các em bé này, rất dễ thương, rất chân chất, với một tâm hồn trong như trời hạ, vững niềm tin vào bản thân mình và sự thiện lành của những người xung quanh. Song cũng có nhiều em bé không có được niềm tin vững vàng. Tôi thiết nghĩ, tôi cùng các bạn, chúng ta cần thấy rằng mình có nhiệm vụ làm cho những cô bé cậu bé ngây thơ ấy tin rằng, chúng đang sống trong một xã hội tốt, hay ít ra cũng có nhiều người tốt, và cuộc sống xung quanh đang diễn ra tốt đẹp với sự chung tay góp sức của những con người có niềm tin vững chắc vào chính mình. Không ai trải thảm đỏ cho mình bước lên mà con đường của mỗi một con người là do mỗi cá nhân tự bước trên đôi chân của chính mình. Phải có những nghị lực lớn, và niềm tin lớn và sự quyết đoán lớn để sống một đời có ý nghĩa.
Một điều tôi tự nhắc mình, hãy giữ vững niềm tin trước khi giúp người khác giữ vững niềm tin!

Saturday, September 20, 2008

HỌC SINH CẦN HỌC ĐIỀU GÌ?

Xin nhặt bài này từ blog tuanvannguyen ve day lam tu lieu

http://tuanvannguyen.blogspot.com/

Học sinh cần học điều gì ?
Tôi có nhiều câu chuyện cá nhân rất vui. Hàng ngày tôi nhận được vài email (không nhiều lắm) từ các bạn trong nước hỏi về đủ thứ chuyện, có những chuyện tôi chẳng biết mô tê gì cả. Tuy nhiên, điều làm tôi chú ý là ngôn ngữ và thái độ trong email. Thôi thì đủ thứ: từ lịch sự, nhún nhường, đến lên lớp, và cao độ nhất là cách viết cứ như là ra lệnh. Không ngạc nhiên khi thấy không có lời cám ơn (và thật sự thì tôi cũng không cần). Nhưng đặc biệt ngạc nhiên là hầu hết thư đều không hề xưng danh tính. Tôi thấy lúng túng với những thư như thế và đành im lặng. Có lần tôi chuyển một thư của một bạn trẻ cho một người bạn có liên quan, người bạn này kêu lên: sao nó vô lễ thế!

Người mình có câu "tiên học lễ, hậu học văn". Nếu có vô lễ thì chắc phải xét đến nền giáo dục của ta. Thời gian gần đây có nhiều tiếng nói đòi cải cách giáo dục ở nước ta. Người ta cho rằng nhiều vấn nạn xã hội mà nước ta gánh phải ngày nay là do hệ thống giáo dục tồi tệ. Tôi cũng thấy như thế và cũng từng lên tiếng nhiều lần. Tuy nhiên, nay thì tôi thấy chán rồi, vì nói hoài mà chẳng có thay đổi gì. Lực lượng trì trệ đã chiến thắng, đã làm cho những người có tâm huyết nản lòng.

Trong bài "Việt Nam đang đi theo triết lý giáo dục nào?", Gs Chu Hảo viết: "Điều lạ lùng là, mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy. Hình như các kiến nghị của nhóm Giáo sư Hoàng Tụy (2004), của nhóm Trí thức Việt kiều (2005 và 2008), của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2006), của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (2007), của nhóm Bà Nguyễn Thị Bình (2008) đều cứ như là 'đấm vào bị bông'."http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/4845/index.aspx

Tôi không quan tâm đến chuyện triết lí này nọ, nhưng chỉ quan tâm đến những chuyện nhỏ và thực tế. Hôm trước, nhân đọc trên máy bay một bài viết rất hay của ông hiệu trưởng trường Yale về giáo dục, tôi nảy ý định viết bài này.

Bốn trăm năm trước Công nguyên, khi được hỏi học sinh nên được dạy điều gì, triết gia Aristippus của Hi Lạp trả lời: "Những điều mà họ sẽ sử dụng khi họ trở thành người lớn".

Kĩ năng gì học sinh sẽ sử dụng khi các em trưởng thành? Có hai điều chắc chắn trong cuộc đời: cái chết và thuế má. Chúng ta có dạy cho các em về cái chết hay những điều liên quan đến thuế và tài chính hay không? Thú thật, khi Ba Má tôi qua đời, trong nỗi niềm đau khổ, tôi cảm thấy lúng túng trong việc tổ chức tang lễ. Tôi cần phải thông báo cho ai? Nhiệm vụ của tôi trong gia đình là gì? Cũng may là có bà con và các dì tôi cố vấn, chứ không thì tôi cũng bí. Lúc đó tôi mới nhận ra mình quá khờ dại trong cuộc sống thực tế.

Rồi đến thuế má, một chủ đề rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Giới trẻ ngày nay với những bê bối, lem nhem về tài chính, khi họ trở thành nạn nhân của những vụ lường gạt thẻ tín dụng. Chẳng nói đâu xa, ngay cả đứa con lớn của tôi nó không phân biệt được các chương trình khuyến mãi, không quyết định được nên sử dụng công ti điện thoại nào, và không biết tiết kiệm tiền bạc. Có cái gì đó hụt hẫng trong giáo dục kĩ năng đời sống ở bậc trung học.

Thật ra, nhà trường ngày nay chẳng quan tâm đến các vấn đề thực tế như tôi vừa mô tả, những vấn đề mà thanh thiếu niên sẽ phải đối phó khi họ trưởng thành. Các chương trình giáo dục hiện hành được soạn thảo nhằm mục tiêu giúp cho học sinh chuyển tiếp vào hệ thống đại học và chuẩn bị thi cử, chứ không phải để chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống thực tế. Thế thì câu hỏi đặt ra là học sinh cần học những gì để khi trưởng thành họ có thể áp dụng? Bất cứ một câu trả lời nghiêm chỉnh nào cũng không thể bỏ qua các kĩ năng sau đây: * sống trong cộng đồng và vun đắp quan hệ cộng đồng;* kĩ năng thông tin; * tự biết chính mình và có lập trường;* đối phó với các vấn đề cá nhân, kể cả sex; * kiểm soát cảm tính;* quản lí tài chính; * làm những việc thực tế như lau dọn nhà, nấu ăn, sửa đồ đạc trong nhà;* có thái độ tốt, tử tế, và biết cư xử với người ngoài gia đình;* nhận lãnh trách nhiệm; * có khả năng đối phó với những mất mát và khổ đau.

Thật ra, còn biết bao nhiêu chủ đề có thể đưa vào danh sách trên, nhưng một danh sách dài như thế có lẽ cũng đủ để minh họa cho những chasm học sinh cần biết khi lớn và những gì thường được dạy ở nhà trường. Có vài ngoại lệ glorious, dĩ nhiên, và phần lớn trường học sẽ xem xét đến các vấn đề vừa nêu, nhưng tôi tin rằng hệ thống giáo dục phương Tây nói chung đã thất bại trong việc cung cấp cho học sinh những kĩ năng thực tế thiết yếu.

Trường học cần phải huấn luyện nhiều hơn nữa cho học sinh, chứ không phải chỉ là bốn bức tường của nhà giữ trẻ. Trường học nên huấn luyện trái tim và bộ óc, và thực hiện qua các môn học. Tôi đề nghị trường học xem xét đến các kĩ năng sau đây:

1. Cộng đồng. Ngày nay học sinh bị cuốn hút theo những trò chơi điện tử và những trò chơi hay quan hệ trên hệ thống internet. Đây những trò chơi làm cho họ xa lánh với môi trường sống thực tế, và thiếu sự tương tác giữa con người với con người. Kĩ năng xã hội (social skills) của học sinh càng ngày càng kém. Và, điều này dẫn đến tình trạng học sinh trở nên ích kỉ, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, không có khả năng liên kết suy nghĩ của người khác vào quĩ đạo suy nghĩ của mình. Nói ngắn gọn, họ trở nên một gánh nặng cho xã hội và cộng đồng. Điều mà học sinh cần phải biết là kinh nghiệm sống trong cộng đồng, chứ không phải chỉ trong bốn bức tường của trường học. Họ phải có kinh nghiệm sống ngoài trường học, sống với 24 giờ trong cái thế giới hỗn độn và cộng đồng phức tạp. Họ cần phải học cách trở nên tử tế với những người chung quanh.

2. Kĩ năng thông tin. Học sinh, đặc biệt là nam học sinh, cần được rèn luyện kĩ năng thông tin tốt hơn. Họ cần phải học cách diễn tả và lí giải một cách hoạt bát qua viết văn và nói chuyện. Mặc dù các kĩ năng này không phải là nhu cầu gì mới trong giáo dục nhà trường, nhưng cái thách thức là làm sao nâng cao kĩ năng thông tin cho học sinh một cách hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, nhà trường cần phải nhận thức rằng nội dung thông tin chỉ chiếm khoảng 7% độ ảnh hưởng của thông tin. Phần còn lại là do thái độ và thể diện (57%) và âm lượng của người nói chuyện (36%). Học sinh cần phải được dạy để đọc ngôn ngữ cơ thể (body language) của người đối diện để cảm nhận tâm trạng, để diễn giải cảm giác mà không thể mô tả bằng ngôn ngữ, của người đối thoại. Họ cần phải cải tiến khả năng chuyển tải và tiếp nhận thông tin qua ngôn ngữ cơ thể và thái độ, hơn là chửi bới vô duyên.

3. Tự biết mình. Ngày nay, có quá nhiều thanh thiếu niên không có chính kiến, không có lập trường, không biết họ đứng ở vị trí nào và cũng chẳng biết họ tin tưởng vào cái gì. Một số khác thì đáng ngại hơn là họ tỏ ra hài lòng với với sự cuộc sống nhưng không có cứu cánh gì cả, không có lập trường vững chắc. Thậm chí tồi tệ hơn, một số học sinh còn không biết họ là ai, không biết mình có khả năng gì đặc biệt. Do đó, một yêu cầu cơ bản cho tất cả học sinh là họ phải là chủ nhân của những gì họ tin tưởng hay lập trường cá nhân. Họ có thể bắt chước, có thể nói theo ý kiến của người khác, hay tin theo một niềm tin từ cha mẹ hay thầy cô ở nhà trường, nhưng mỗi học sinh phải tìm cho mình một tiếng nói riêng hay một lập trường cá nhân, chứ không phải cứ nghe theo người khác một cách mù quáng.

4. Vấn đề riêng tư. Nói chung, hệ thống giáo dục nước ta không thành công mấy trong việc chuẩn bị cho học sinh để đương đầu với các vấn đề riêng tư, kể cả sex. Chúng ta đang có những chương trình giáo dục về sex, nhưng hình như vẫn chưa có hiệu quả vì giới thầy cô miễn cưỡng giảng dạy chủ đề này. Trong khi đó, học sinh liên tục tiếp thu nhiều thông điệp trái ngược nhau. Cha mẹ thì nói thế này, còn trường thì nói thế khác, nhưng các website thì tuyên bố hoàn toàn khác với cha mẹ và thầy cô. Người có tư cách để giáo dục học sinh về sex chính là cha mẹ các em. Một số cha mẹ không ngần ngại nói về sex với con em mình, nhưng đại đa số cha mẹ không bao giờ muốn nói đến những chuyện tế nhị này.

5. Kiểm soát cảm tính. Có người chỉ ra rằng nhà tù ngày nay đầy rẩy thanh niên và đàn ông, nhưng nếu họ có kĩ năng và nghệ thuật đếm từ 1 đến 10 trước khi hành động thì có lẽ không cần đến nhà tù. Hành động một cách nông nỗi, bốc đồng thường có nghĩa là chỉ có một phần của bộ não được khởi động, còn phần khác của não cần thiết để phòng chống những quyết định thiếu sáng suốt chưa được khởi động. Hành động "chiến đấu hay là chạy" (fight or flight) có thể mang tính di truyền và cần thiết vào từ thời tiền sử, thời mà người đàn ông phải bảo vệ hang động từ các nhóm xâm lăng, nhưng không có hiệu quả trong thế giới hiện tại, thế giới chỉ chấp nhận những hành động và con người trưởng thành trong xã hội hiện đại.

6. Tài chính. Mức độ dốt của học sinh về tài chính thật là đáng sợ. Điều này được biểu hiện qua phần lớn những thanh thiếu niên và học sinh gặp trở ngại trong các vấn đề tài chính vì họ không có khả năng cân đối ngân sách, không hiểu những bẫy trực chờ của các thẻ tín dụng và không có khả năng trả nợ. Sống và chi tiêu quá khả năng (vung tay quá trán) hay quá lệ thuộc vào cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến những thảm nạn tài chính cho học sinh. Trong một xã hội mà nợ nần càng ngày càng trở nên một gánh nặng, vấn đề tài chính cần phải được giảng dạy cho học sinh. Cần phải nói cho học sinh biết những điều kiện hay cạm bẫy để tránh mượn tiền quá nhiều, tránh những chương trình khuyến mãi làm giàu nhanh chóng, và biết chi tiêu một cách thỏa đánh, thích hợp với thu nhập của mình và của gia đình.

7. Thực tế. Thảo luận về tình trạng thiếu các kĩ năng sống ở thanh thiếu niên thường được thêu dệt bằng những câu chuyện kinh khủng về phòng tắm dơ bẩn, nhà bếp với chồng chất chén đĩa dơ dáy, và phòng ngủ lượm thượm. Một số học sinh không bao giờ được dạy nấu ăn, hay nếu được dạy, họ có lẽ chưa được dạy cách rửa nồi niêu, chén đũa sau khi nấu ăn. Do đó, không ngạc nhiên chút nào học sinh ngày nay thiếu hàng loạt kĩ năng sống trong nhà, từ những việc đơn giản nhất (như cắt cỏ, thay nhớt xe, thay ống nước) đến những việc có phần tính toán hơn như cách tiết kiệm điện lực.

8. Lịch thiệp. Thiếu niên có thể ăn như một con heo, nhưng họ cần phải nhận thức được rằng họ ăn uống như heo và có khả năng ngưng ăn khi tình thế đòi hỏi. Tiếc thay những phép lịch sự căn bản như cách xưng hô trong khi nói hay viết là những kĩ năng có nguy cơ bị tuyệt tự ở những thanh thiếu niên ngày nay. Không học các hành vi lịch thiệp trong xã hội có thể dẫn đến bất lợi cho học sinh. Do đó, học sinh cần phải được dạy những kĩ năng căn bản như cách xưng hô, gửi một lời cám ơn, bắt tay một cách thích hợp.

9. Trách nhiệm. Nhiều học sinh có một cuộc sống qua khung cửa sổ. Họ chỉ thích nhìn. Nhìn là điều an toàn. Họ không có trách nhiệm, hay không nhận lãnh trách nhiệm. Khoanh tay nhìn xe bị tai nạn mà không làm gì giúp nạn nhân. Lối sống này rất phổ biến trong thanh thiếu niên ngày nay, phổ biến đến nổi chúng ta có thể nói họ sống thụ động. Họ nhìn, họ xem, họ phê phán từ ghế salon tiện nghi trong phòng khách. Khi trưởng thành, họ sẽ thấy khó làm gì hơn là nhìn và trở nên vô trách nhiệm. Vì thế, học sinh cần phải được dạy cách thức làm chủ thái độ và hành vi của họ, cách làm lãnh đạo, cách quyết định thích hợp, và cách phục vụ người khác.

10. Sức bật. Thanh thiếu niên nói chung thích được khen tặng, tán dương. Có em thậm chí cảm thấy mình bị ngã gục vì họ không được khen ngợi! Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng hay toàn những điều tốt đẹp. Lòng tự trọng cần phải được phát triển và bồi đắp. Những thành công tầm thường không thể tâng bốc là phi thường được. Học sinh không nên tùy thuộc vào những lời khen tặng. Những bất mãn, thất vọng có thể xảy ra trong đời sống. Học sinh cần phải được trang bị cho mình nội lực để và can đảm cần thiết để đương đầu với những bất trắc trong cuộc sống.

Trên đây là những kĩ năng sống mà tôi nghĩ học sinh cần phải được dạy trong trường học. Học sinh cần tình cảm và nghị lực. Ở nước ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" nghe rất hay nhưng tôi nghĩ khá trừu tượng. Trong số những kĩ năng trên đây liên quan đến lễ, nhưng cũng có kĩ năng mà phương châm đó chưa nhắc tới: kĩ năng xã hội. Người ta thường nói chúng ta được sinh ra trần truồng, ướt át, và đói khát, và vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng may mắn thay, vấn đề vẫn có thể trở nên tốt hơn qua giáo dục.

Thursday, September 18, 2008

NHU NHƯỢC

Truyện ngắn hài hước này thật đặc sắc của Anton Chekhov. Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao? Một phần cũng vì kẻ yếu thường hay nhu nhược...!)

Một hôm tôi gọi cô Iulia Vasilievna - gia sư của bọn trẻ đến phòng làm việc. Đã đến hạn thanh toán tiền công cho cô ấy.
-Cô ngồi xuống đi, cô Iulia Vasilievna - tôi nói
- tôi sẽ thanh toán tiền công cho cô. Tôi chắc cô cũng cần tiền, nhưng là một người tự trọng nên chắc cô không tiện hỏi, đúng không? Chúng ta đã thoả thuận với nhau là 30 rúp một tháng nhỉ.
-40 rúp chứ ạ...
-Không, chỉ 30 rúp thôi. Tôi có ghi vào sổ rồi mà. Bao giờ tôi cũng chỉ trả cho gia sư 30 rúp một tháng thôi. Xem nào, cô đã làm cho chúng tôi hai tháng rồi nhỉ.
-Hai tháng 5 ngày ạ....
-Không chính xác hai tháng. Tôi có ghi đây mà. Vậy là phải trả cho cô 60 rúp... trừ đi 9 ngày chủ nhật... Các chủ nhật cô chỉ đưa thằng Koha đi dạo thôi mà, có học hành gì đâu... cộng 3 ngày lễ...
Cô Iulia Vasilevna mặt đỏ bừng, tay mân mê gấu áo, nhưng vẫn không nói gì.
-9 chủ nhật, 3 ngày lễ vị chi là 12 rúp. Thằng Kolia bị ốm mất 4 hôm, không học, cô chỉ trông mỗi con Va ria... 3 ngày cô bị đau răng vợ tôi cho cô nghỉ buổi chiều... 12 với 7 là 19. Sáu mươi rúp trừ đi 19 rúp, vậy chỉ còn 41 rúp, đúng không cô? 

Mắt trái của cô Iuìia đỏ ngầu và ngân ngấn nước mắt, cằm cô run lên bần bật. Nhưng chỉ thấy cô ho và xì mũi, tuyệt nhiên không nói lời nào!
-Đêm giao thừa cô đánh vỡ cái tách uống trà với các đĩa cùng bộ. Tôi sẽ trừ tiền lương của cô đi 2 rúp nữa... Thực ra cái tách ấy đắt hơn kia, vì đó là đồ gia bảo mà, nhưng thôi! Cũng không nên so đo quá với cô. Một lần do cô không cẩn thận đã để thằng Kolia trèo lên cây làm rách mất chiếc áo khoác... Trừ thêm 10 rúp nữa... Rồi cũng vì cô lơ là nên con hầu đã ăn cắp mất đôi giày của con Varia. Cô phải trông nom chúng cẩn thận chứ. Tôi trả lương để cô dạy dỗ và trông chúng nó cơ mà...Vậy trừ tiếp 5 rúp... Hôm mồng 10 tháng giêng cô mượn của tôi 10 rúp...
-Tôi có mượn đâu ạ... Giọng cô Iulia nghèn nghẹn.
-Tôi đã ghi cả đây mà lị.
-Vâng, thế cũng được ạ.
-Vậy là 41 trừ đi 27 còn lại 14. Lúc này thì hai mắt cô giáo trẻ đã đầy nước... Trên chiếc mũi thanh, cao của cô đã lấm tấm mồ hôi. Thật tội nghiệp!
-Tôi chỉ vay vợ ông có 3 rúp - giọng cô run run
- Đúng có một lần 3 rúp mà thôi.
-Thế à? Vậy mà tôi không hề biết gì cả. Thảo nào trong sổ tôi không thấy ghi. 14 rúp trừ 3 còn 11. Đây, tiền lương của cô đây, cô giáo thân mến ạ! 3 này, 3 này, 8 này, 1 rúp, 1rúp. Xin cô nhận cho?
Và tôi đưa cho cô 11 rúp. 
 Cô nhận lấy chúng bằng những ngón tay run rẩy rồi nhét vào túi.
-Cám ơn ông - cô nói thì thầm.
Tôi đứng dậy và tiến lại phía cô. Một sự tức giận xâm chiếm lấy tôi. Tôi cáu phát điên lên.
-Cô cám ơn cái gì? -
Tôi xẵng giọng.
-Vì ông đã trả lương cho tôi...
-Nhưng cô không thấy là tôi ăn chặn của cô, bóc lột cô hay sao? Cô còn cám ơn cái nỗi gì?
-Ở những nơi khác người ta còn chẳng trả cho tôi đồng nào kia. 

-Không trả ư? Cũng dễ hiểu thôi! Thì tôi cũng vừa đùa cô đấy thôi. Tôi muốn dạy cho cô một bài học. Nhưng xin cô cứ yên tâm, tôi sẽ trả đủ 80 rúp cho cô. Chúng ở trong chiếc phong bì kia kìa, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao cô lại có thể nhẫn nhục đến thế? Sao cô không cãi lại tôi? Sao cô cứ ngồi im như thóc thế. Chẳng lẽ có thể nhu nhược đến thế sao? Cô giáo mỉm cười rầu rĩ và tôi đã đọc được trên mặt cô hai chữ "có thể". 

Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!"
(sưu tầm)

PHẢN ỨNG THẾ NÀO VỚI LỜI CHÊ?

Thường thì khi nghe một ai đó phán xét khen chê mình, chúng ta có dịp trải nghiệm một thứ cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Nhận được lời phán xét tích cực, thì đó là lời khen ta khởi tâm vui thích, ngay cả khi biết lời khen đó không phản ánh hoàn toàn sự thật về mình. Nhận lời phán xét tiêu cực ta cho đó là chê, khi lời phán xét này vừa lọt vào tai thì y như rằng, mặt ủ mày ê, dù đó là sự thật và mình cũng quá hiểu điều đó. Bản năng tự vệ có công năng đẩy lùi tất cả mọi thứ ‘dám’ chạm đến cái NGÃ to lồ lộ của mình. Có thể cách phản ứng của mình là vụng về, thô tháo với cái nhìn của người ngoài, nhưng ai nghĩ sao mặc kệ, mình không quan tâm, miễn mình đạt được mục đích là che chắn và bảo vệ cái ngã mình không để bị tổn thương là được. Kết cục, đương nhiên chúng ta muốn ăn mày lời khen và tránh né việc bị phán xét chê bai.


Có một điều phổ biến với tất cả chúng ta là mình không thích bị phán xét, vì trong lời phán xét ấy, chê bai là điều không tránh khỏi. Thường thì chúng ta có tâm lý cầu toàn nhưng điều chúng ta quan tâm là làm sao hình ảnh mình xuất hiện đẹp trong mắt người khác hơn là nỗ lực bản thân để hoàn thiện mình. Không chấp nhận bị phán xét, chúng ta luôn lo sợ, bất an, bối rối, bực bội và nghi ngờ trong tâm khi chúng ta thấy lòng mình buộc phải phòng ngừa và đối phó một thứ cảm xúc xem chừng thực sự được người xung quanh ban tặng, nếu biết tiếp thu có chọn lọc, sẽ giúp mình điều chỉnh hoàn thiện bản thân mình hơn. Với bản năng tự vệ để tạo một thành trì bao bọc cho tự ngã, mọi lời nói, hành động không xứng ý của người khác dành cho mình, khi vừa chạm đến mình qua các cửa ngõ giác quan, mình có cảm giác như bị kim đâm muối xát và cứ thế, đánh bật ra ngoài bằng mọi cách mình có thể kịp nghĩ ra để phản ứng.


Tỷ dụ, chúng ta có thể mới gặp một ai đó lần đầu và thấy mình tự giam cầm cảm xúc tiêu cực về họ, nghĩ rằng “họ sắp sửa phán xét, chê bai gì mình đây” trong khi chúng ta không muốn bị rơi vào cái bẫy bị phán xét. Dù chúng ta có ý thức điều này hay không, tâm thức chúng ta vận hành như thế để kịp thời phản ứng và thậm chí ‘tấn công’ trước. Để rồi về sau, trong một thoáng nào đó, chúng ta chợt nhận ra rằng, biết đâu người ấy từng muốn giúp chúng ta giữ gìn, chăm sóc, nuôi dưỡng tâm lành và hoàn thiện bản thân mình. Điều gì khiến chúng ta vội vã dập tắt sự suy nghĩ về thiện chí của họ? Có lẽ chúng ta từng gặp nhiều người nhận xét không đúng và tiêu cực về mình rồi ấn tượng cả với người mình gặp lần đầu tiên theo kiểu “con chim từng bị trúng tên sợ cả cành cây cong” hay sao? Có suy nghĩ và cách ứng xử như vậy, mình sẽ chịu thiệt thòi. Khi phán xét, chúng ta tiến gần tới sự rào kín, khép chặt, thậm chí có khi sử dụng chiêu thức ‘đánh trận giả’ kiểu tắc kè hoa thay màu da để tự vệ bản thân hơn là mong mỏi cởi mở, bộc lộ cho đối tượng biết về mình. Thật ra, nếu chúng ta đủ lớn và khôn để hiểu được chính bản thân mình và việc mình làm, thì dư luận không thể làm cho mình tốt hơn hoặc xấu đi. Đóng cửa giác quan và đủ bản lĩnh tự tin để sống mà không dao động với khen chê là điều tốt, nhưng khởi tâm tiêu cực về người khác, thậm chí ngay cả với người mình gặp lần đầu là gieo hạt giống bất thiện vào tâm thức của chính mình. Ủa, mà sao vội ‘tung hỏa mù’ trước để tự vệ nhỉ? nếu tự tin vào mình và coi thường dư luận thì hà cớ gì phải lo ngại khi người ta nói tốt xấu về mình chứ? đủ mạnh thì cứ ra gió chứ ngại lo gì bị cảm mạo phải không? Do đó, điều quan trọng là chúng ta không nên đóng chặt cửa giác quan, cài then thành kiến và sẵn sàng chiếc gậy ở góc nhà vì lo sợ, ai đến nhà mình…cũng đều có thể là kẻ gian!
Hãy mở cửa cho thoáng mát, nhưng cần đủ tinh nhạy để tiếp ‘khách’ của tâm. Khả năng tiếp thu và chọn lọc ý kiến và thông tin vô cùng quan trọng để có được cuộc sống nhẹ nhàng và thảnh thơi.


Chúng ta cũng cần có ý kiến đánh giá hành động, lời nói của người khác. Trên tinh thân học hỏi, nhanh nhạy tách lọc và nhận chân ra sự dẫn dắt từ một nội tâm bình thản, không bị thôi thúc bởi động lực chủ quan nào, rồi có ý kiến, thay vì phán xét vô căn cứ. Khi chưa hiểu hết sự việc và khi tâm bị tâm lý chủ quan thương-ghét chi phối, hơn lúc nào hết, câu ‘im lặng là vàng’ có giá trị nhiều. Lúc đó, điều ta cần làm là thay vì có ý kiến, phán xét người khác, ta quay vào ‘làm việc’ với chính tâm thức mình. Thử coi nó kẹt chỗ nào, vướng chỗ nào và đâu là giải pháp tốt nhất. Bằng không thì chúng ta dễ gặp phải nguy cơ không lắng nghe trực giác của mình mà buông những lời vô tội làm tổn thương người khác và đồng thời gieo vào mảnh đất tâm của mình một hạt cỏ vậy. Hãy dọn tâm cho thanh thản và công bằng. Nên có ý kiến và phát biểu quan kiến của mình trên cơ sở chính xác với tâm lý tích cực để góp ý cho người thân xung quanh cũng như tiếp thu ý kiến người ngoài để ‘làm mới’ mình trong mọi lúc mọi nơi. Nếu có ý kiến và biết tiếp thu ý kiến đúng cách, sự dẫn dắt nội tâm tạo điều kiện cho chúng ta ngày càng tương tác một cách thông minh hơn với thế giới, đủ để chúng ta sống mà không quá lệ thuộc hay lo sợ vào mọi ý kiến đánh giá từ bên ngoài. Khi ấy, thay vì nỗ lực cố sức lẩn tránh việc bị phán xét, chúng ta đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau một cách bình tĩnh và khôn ngoan nhất.


Tự thân trực giác thường khai sáng chúng ta bằng thoáng vụt hiện, đi kèm với một triệu chứng vật lý cụ thể có thế cảm nhận dễ dàng, như đôi chút xốn xang trong dạ dày, gang bàn tay rịn mồ hôi hay cơn rùng mình ớn lạnh. Chúng ta thường sử dụng các thông tin vật lý này nhằm hỗ trợ bản thân định hướng ở một tình huống cụ thể để kịp thời đáp ứng nhu cầu của cơ thể và điều này luôn luôn đem lại lợi lạc cho chính chúng ta. Tương tự thế, lắng nghe trực giác và tạo manh nha một ý kiến do vậy, đều là kết quả tích cực khởi đi từ năng lực cảm nhận tinh nhạy của chính chúng ta để các mối giao tiếp xã hội của mình trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Thu nhận hay phát biểu ý kiến về một người hoặc về một ý tưởng nào đó cho phép chúng ta có cơ hội trao đổi, chuyện trò về nó trong một cách thức thuần túy dự tính mà thôi. Hãy học để có được nghệ thuật lắng nghe trực giác từ sâu thẳm tâm thức trước khi thu nhận và phát ‘dữ liệu’ ra bên ngoài để không sập bẫy và giăng bẫy ‘phán xét’người khác, tôi tự nói với chính mình.

Friday, September 12, 2008

SÁCH GIÁO KHOA VÀ XĂNG DẦU

Sáng nay, đọc báo, thấy bài này khá, copy để đây làm tài liệu

http://www.sgtt.com.vn/detail32.aspx?newsid=40229&fld=HTMG/2008/0911/40229

Sách giáo khoa và xăng dầu
Tới giờ, khi năm học mới đã bắt đầu, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về hình thức khắc phục hậu quả – những sai sót trong “mặt hàng” sách giáo khoa ở cả ba cấp học.
Những người có trách nhiệm còn đang xem xét hình thức khắc phục nào ít tốn kém nhất cho… nhà sản xuất – nhà xuất bản Giáo dục nhất: in đính chính thành sách hay thành tờ rơi, số lượng bao nhiêu, phát thế nào… Có vẻ như phương án “tiết kiệm” – in tờ rơi, phát đến trường sẽ thắng thế.
Họ quên rằng, sách giáo khoa là một loại hàng hoá đặc biệt. Sự kém chất lượng của nó có thể mang lại những di chứng lâu dài, có khi là suốt cả cuộc đời, đối với người dùng – học sinh. Sự chậm trễ khắc phục, nếu sai sót là nghiêm trọng, có thể xem đó là tội ác.
Trong khi, đó từng là lý do để giới có thẩm quyền vin vào, trao cho nhà xuất bản Giáo dục quyền… độc quyền kinh doanh, như một dấu chỉ đảm bảo chất lượng.
Họ cũng quên rằng, nhà xuất bản Giáo dục là một pháp nhân, tham gia kinh doanh trên thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra để mua sách chứ không phải được cho không.
Tại sao khi phát hiện một sản phẩm thông thường, kể cả sách, có vấn đề về sự cố, các nhà sản xuất phải xin lỗi, thu hồi, rồi tuỳ mức độ mà tiêu huỷ hay khắc phục, đưa ra lại thị trường mà với sách giáo khoa thì không? Ở các nước, kể cả là hàng phát không để dùng thử, quy trình cũng phải như vậy, thậm chí nếu sản phẩm đã gây ra hậu quả gì, nhà sản xuất còn phải bồi thường thiệt hại.
Do đâu mà nhà xuất bản Giáo dục lại dám cho mình cái quyền tự ấn định hình thức khắc phục không đúng quy luật thị trường như vậy?
Nhà xuất bản không phải là cơ quan công quyền, không thể nhân danh công quyền, như cái cách mà họ đang làm, tính chuyện đính chính nên như thế nào, tiết kiệm hay lãng phí…
Tất nhiên, trong câu chuyện này, cần minh định phần lỗi về nhà xuất bản (trong chuyện in ấn) hay của bộ Giáo dục (trong chuyện duyệt nội dung biên soạn), nhưng trong quan hệ với khách hàng, nhà xuất bản là người trực tiếp nhất.
Điều gì sẽ xảy ra khi phụ huynh hay học sinh đem những cuốn sách kém chất lượng này đến hội Bảo vệ người tiêu dùng để khiếu nại hay khởi kiện ra toà đòi bồi thường thiệt hại?
Tại sao khi phát hiện một sản phẩm thông thường, kể cả sách, có vấn đề về sự cố, các nhà sản xuất phải xin lỗi, thu hồi, rồi tuỳ mức độ mà tiêu huỷ hay khắc phục, đưa ra lại thị trường mà với sách giáo khoa thì không?
Cũng tương tự như vậy là câu chuyện các cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong suốt thời gian dài, trên khắp mọi miền, đã gian dối người mua dưới nhiều hình thức: đánh tráo chủng loại, đong thiếu đến 10%. Đây thực chất là hành vi ăn cắp nhưng cho đến nay, mọi hình thức xử lý chỉ mới dừng lại ở biện pháp hành chính: phạt với mức cao nhất mà luật cho phép chỉ 20 triệu đồng.
Ăn cắp là tội hình sự. Không cần chờ bộ Khoa học công nghệ đề nghị, ngay khi có thông tin, cơ quan công an phải vào cuộc, không chỉ để bảo vệ lợi ích của một lượng người tiêu dùng bị thiệt hại, mà còn để bảo vệ trật tự an ninh kinh tế chung.
Vụ người tiêu dùng mua phải xăng pha aceton trước đây, chuyện bồi thường thiệt hại chìm vào im lặng vì những thủ tục chứng minh mình là nạn nhân quá phức tạp. Đã đến lúc phải xác định lại cách xác định về thiệt hại và bồi thường thiệt hại. Không thể để kéo dài tình trạng người tiêu dùng là hữu hình, thiệt hại là hữu hình nhưng không thể chứng minh được. Một luật gia cho biết ở một số nước, trong những trường hợp thế này, có khi hội Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra kiện đòi bồi thường, số tiền thu được dùng vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Trực tiếp nhất, đó là những câu chuyện của thị trường.
Mỹ Lệ

Thursday, September 11, 2008

HÃY LÀ MÌNH


Trong cuộc sống, khi quyết định một việc gì, ta thường nghĩ đến người thân của mình để làm sao hạn chế hoặc nếu có thể, tránh bị tổn thương. Chúng ta vẫn làm vậy từ thuở còn bé thơ như là một thói quen, một phương châm sống mà không hề thắc mắc tại sao ta lại làm như vậy.
Rồi khi lớn khôn, đến một thời điểm mà người ta thường nói một cách hình tượng là “đủ lông đủ cánh,” chúng ta bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao, vì lý do gì mình làm một điều gì đó. Khi ấy, thường là lúc chúng ta ra khỏi vòng tay ấm êm của gia đình, hòa nhập vào xã hội và chịu trách nhiệm đầy đủ về mặt pháp lý và xã hội về những hành động của mình. Mối gắn kết với các người thân trong gia đình cũng dần loãng đi vì tình cảm, thời gian, tâm lực và sức lực ta chia sẻ với những công việc và học hành cũng như các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhiều người dần nhận ra rằng, liệu chúng ta có đang cố sống với nỗ lực đem lại niềm vui, làm hài lòng những người chung quanh trong các mối quan hệ của mình nữa hay không? Liệu ý nghĩa đích thực của cuộc sống là chỉ để làm vừa lòng người khác thôi sao?

Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta nhận ra rằng mình không thể làm điều đó, nhất là khi tiêu chí, sở thích và mục đích sống của những người liên quan đến mình cũng không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau nữa. Khi chúng ta thấy vô lý khi nỗ lực sống chỉ để làm vừa lòng người khác, lúc đó ta cũng kịp thời nhận ra một sự thật rằng, ý nghĩa đích thực của cuộc sống là đi theo tiếng gọi của nội tâm. Khi ý thức được như vậy, chúng ta thấy cần trang bị cho mình một nội lực dày chắc để có thể sống cho chính mình. và kiên quyết không kéo dài thêm nữa chuyện làm vừa lòng những người ngoài, đáp lại sự mong đợi và nhìn ngắm của ai đó mà không có gì cho mình. Nếu tự thân mình đủ trưởng thành để suy nghĩ và hành động chín chắn, mình không cần nghĩ đến chuyện làm vừa lòng người khác, việc mình làm, nếu xuất phát từ một nội tâm phong phú và thiện lành, vẫn đem lại lợi ích và hoan hỷ cho người theo cái nhìn hướng thượng và hướng thiện. Nếu không có lập trường và quan kiến rõ ràng và vững vàng, chúng ta sẽ có tâm lý cố gắng làm vừa lòng người khác. Những tâm lý tiêu cực như giả dối, sống khéo léo đậy che, thể hiện cách sống đa nhân cách, chìu lụy, lấy lòng, nịnh bợ và cả thủ đoạn sẽ xuất hiện và hiện hình ngay khi ta khởi tâm muốn làm vừa lòng người khác mà tự bản thân mình không có nền tảng để đặt một điểm tựa.

Một khi chúng ta ngóng trông ra bên ngoài để được thừa nhận, tán đồng, hỗ trợ hoặc định hướng thay vì nhìn vào bên trong con người mình, suốt đời chúng ta tự hy sinh mà không đem lại lợi ích cho ai cả. Những tưởng như thế, chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người thân nhưng chúng ta đã lầm rồi. Hạnh phúc như nước hoa, không thể vẩy lên vật khác mà không giữ lại vài giọt cho mình. Bản thân mình không có hạnh phúc, thì đừng có hoang tưởng nghĩ rằng mình có khă năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Thật ra, không có gì là không đúng nếu cha mẹ định hướng, thậm chí quyết định thay cho mình khi chúng ta còn thơ ấu. Thế nhưng, chúng ta không nên dựa dẫm thành nết khi đã đủ khôn lớn để quyết định việc mình làm và con đường mình đi. Cha mẹ cũng chỉ ẵm bồng con cái trong mấy tháng đầu đời, khi biết đi rồi thì hãy tự đi trên đôi chân của mình. Nếu cứ có thói quen dựa dẫm, phụ thuộc, dù đó là là một lời khen, một sự chấp nhận hay một cảm giác an toàn, ta đã đánh mất mình. Hạt giống nội lực không có dịp nảy mầm và phát triển.

Hãy tập đương đầu với hoàn cảnh bên ngoài, tập chấp nhận khổ đau và tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Thậm chí, chúng ta cần học những bài học từ những lần thất bại trong cuộc sống. Hãy tận dụng những lợi thế của bản thân và hoàn cảnh để nuôi dưỡng nội tâm, phát huy nội lực và tạo cho mình một bản lĩnh, tự tin để không bị ‘mất mình’ trong cuộc sống ngày càng phức tạp với nhiều mối quan hệ chồng chéo đa diện vốn dĩ của cuộc đời. Hãy đón nhận ánh sáng mặt trời tự trong tâm và chăm sóc, tưới nước cho những hạt giống tâm hồn. Hoa trái sẽ đơm kết trong nay mai. Không bao giờ quá muộn màng để đánh thức và nuôi dưỡng những chất liệu nuôi lớn con người thật của chính mình. Ánh sáng của nhận thức phát ra từ nội tâm sẽ không bao giờ cạn nếu chúng ta biết cách phát huy và ấp ủ. Trải nghiệm bản thân để thành nhân là một quá trình gian nan nhưng thật xứng đáng để ta dành công sức đầu tư thực hiện. Đây là cách tuyệt đối để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cuộc đời của chính mình, và biết phương pháp làm thế nào để bản thân mình hạnh phúc trước khi làm cho người khác hạnh phúc.

Sunday, September 7, 2008

ĐIỀU CHƯA TỪNG THẤY TRONG GIÁO DỤC

Thấy trên Sài gòn tiếp thị có đăng bài viết này của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn. Xip chép lại, lưu ở đây đề làm tài liệu cá nhân.

http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=39799&fld=HTMG/2008/0902/39799

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn

Điều chưa từng thấy trong giáo dục

Theo giáo sư, những sai sót của việc phải đính chính đến ba cuốn sách cho cả ba bậc học có nguyên nhân từ đâu: từ cách thức biên soạn hay do trình độ của những người tham gia viết sách giáo khoa?

Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục trong và ngoài nước. Đính chính chỉ có thể sửa chữa những lỗi chính tả, còn sai kiến thức và đảo lộn trật tự logic của chương trình thì đính chính làm sao chữa được? Ví dụ, trong chương trình phổ thông, thông thường dạy theo trật tự hết các hàm số sơ cấp, sau mới đến đạo hàm. Năm nay, đạo hàm được chuyển từ lớp 12 xuống lớp 11, còn hai hàm số mũ, hàm số loga lại chuyển lên lớp 12, sau lại học đạo hàm, vừa rối vừa không liên tục. Phần khảo sát 4 hàm số năm nào cũng có trong đề thi tốt nghiệp và thi đại học, song ban cơ bản chỉ dạy 3, còn ban nâng cao mới dạy đủ 4 hàm số. Việc thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nước ta có vấn đề, từ nhận thức, chỉ đạo đến tổ chức triển khai. Chương trình giáo dục là một chỉnh thể, đã được cắt khúc và chia làm ba khúc, theo ba dự án vay tiền của các ngân hàng nước ngoài khác nhau: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mỗi dự án chỉ đạo một phách, vô hình trung tổng thể chương trình bị vi phạm và đảo lộn. Ít ai rõ, đã vay tiền nước ngoài là họ có dịp vào chỉ đạo, xin dẫn một công văn số 10329/VP do thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo ký ngày 10.11.2000, triệu tập các tác giả biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên đến để người nước ngoài tập huấn. Một chỉnh thể khoa học, lại sử dụng cách tiếp cận tiểu nông (cắt khúc cuốn chiếu) cùng với đồng tiền vay và chỉ đạo từ bên ngoài, thì những sai sót mà nhà xuất bản Giáo Dục phải chỉnh sửa triền miên là khó có thể tránh khỏi.

Chúng ta đã tốn bao nhiêu tiền của và thời gian (từ 2002 – 2008) để tiến hành thay sách giáo khoa đợt này. Vừa xong lại phải in sách đính chính, không loại trừ sau đó phải đính chính cả sách đính chính. Giáo sư nhận xét như thế nào về điều này?

Chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu pháp lý trong dạy và học. Ở nhiều nước, sách giáo khoa được cung cấp miễn phí cho người học, tại sao chúng ta còn nghèo mà mỗi năm phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua sách giáo khoa? Điều này thật phi lý. Xin đơn cử, từ năm 2002 là năm đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Dự chi của Nhà nước cho đợt đổi mới này từ 2002 – 2009 là 2 tỉ USD. Việc năm nào cũng in lại sách giáo khoa thật lãng phí. Lo giấy để in sách cũng là một vấn đề của Nhà nước. Theo cục Xuất bản, số giấy cần 1,2 triệu tấn, trong nước chỉ đáp ứng được 40%, còn 60% phải nhập từ nước ngoài (báo Tiền Phong ngày 16.8.2008).Năm nay tái bản lại 160 tựa sách từ lớp 1 đến lớp 11, và khoảng 40 tựa sách liên quan đến sách giáo khoa ở lớp 12. Ví dụ môn tiếng Việt, trong vòng bảy năm nhà xuất bản Giáo Dục đã thu thêm của dân khoảng 230 tỉ đồng, xấp xỉ 14 triệu USD/môn, mà hầu như không phải đầu tư gì nhiều. Năm 2002, in 1,7 triệu cuốn, giá hai tập là 19.600 đồng/bộ, thành tiền là 33,32 tỉ đồng; năm 2008 in 1,53 triệu cuốn, giá mới hai tập là 21.400 đồng/bộ, thành tiền 32,742 tỉ đồng. Việc bớt xén tiền thù lao cho tác giả ước đoán hàng tỉ đồng/năm. Kiểm chứng việc này ai cũng làm được, xin mời ra hàng sách và làm một vài phép tính đơn giản sẽ có ngay kết quả. Nhà xuất bản Giáo Dục mỗi năm chiếm trên 80% lượng in ấn của cả nước. Việc in lậu sách giáo dục đã trở thành quốc nạn.

Giáo sư từng phát biểu rằng, dù có ba cuốn sách đính chính cũng không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vậy thì đâu là cái gốc của vấn đề, và giải quyết tận gốc thì phải như thế nào?

Trên thế giới tồn tại một mặt bằng chung về kiến thức, đặc biệt là bậc học phổ thông, để học sinh ở nước này có thể chuyển sang nước khác học (sự khác biệt nếu có cũng nhanh chóng được khắc phục). So với các nước, chương trình và sách giáo khoa của ta chẳng giống ai, nếu tiếp tục sử dụng chương trình – sách giáo khoa hiện nay sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đợt đánh giá vừa qua, GS Nguyễn Tăng – phó chủ tịch liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phát biểu đại ý: chương trình và sách giáo khoa hiện nay phải làm lại, còn nếu bộ Giáo dục và đào tạo không làm lại, thì xã hội sẽ lên án. Việc làm lại chương trình và biên soạn lại sách giáo khoa tốn khoảng 100 tỉ đồng và mất thời gian vài tháng, nếu biết hiện đại hoá kinh nghiệm quý báu trong ngoài nước và thành tựu khoa học kỹ thuật gần đây và phát huy nội lực không vay tiền nước ngoài. Xin lưu ý, tính khoa học và hiệu quả của giải pháp làm tập trung, triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12, tính đến nay không còn phản bác nào, kể cả lãnh đạo bộ Giáo dục và đào tạo. Vấn đề là con người và tổ chức, người chúng ta có, còn lại là biết chọn và sử dụng.

Thursday, September 4, 2008

MỘT NỖI ĐAU...


Báo Tiền phong on-line chiều nay (04/092008) đưa tin, cháu bé Anh Đạt chưa được hai tuổi tử vong vì bị kẹt trong thang máy trường mầm non tư thục trong vòng 30 phút. Nguyên nhân đưa đến cái chết đáng thương của cháu bé vô tội này là cô bảo mẫu đặt bé trên ghế gần thang máy mở sẵn rồi đi tìm khăn lau mặt cho bé. Tôi đau lòng khi sự tắc trách của cô giáo đã đổi lấy mạng sống của một sinh linh!

Phóng viên bài báo này nói trường mầm non tư thục Thiện Ý, nơi cháu bé xấu số này học là một trường “có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt tại Đà Lạt”, mà khi cháu Anh Đạt đang ở tầng hai khóc, cô bảo mẫu phải đem cháu xuống tầng trệt để tìm khăn lau mặt cho cháu. Khăn lau mặt cho các cháu nhỏ ở một trường mầm non mà hiếm hoi đến như thế à? Hiếm quá thành quý hay sao cất khăn kỹ đến mức phải đi 'tìm'? Hết ý kiến! Cô bảo mẫu đặt cháu bé ngồi một mình, đi tìm khăn lâu đến mức bé tự động rời ghế ngồi, đi/bò vào bên trong thang máy và mắc kẹt trong đó để rồi xảy ra xảy ra tai nạn đáng tiếc. Thử hỏi một cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non có “cơ sở vật chất khá tốt” mà tìm một chiếc khăn cho cháu phải vất vả đến vậy sao?

Tôi có cảm giác cô bảo mẫu này chưa hiểu hết tâm lý trẻ nên mới bỏ mặc cháu Anh Đạt ngồi một mình để đi tìm khăn lau mặt. Có lẽ cô đi khuất tầm nhìn mới không thấy cảnh cháu bé đi hoặc bò vào trong thang máy. Cô có biết chăng, khi em bé khóc, bất cứ lý do gì, điều trẻ em cần đầu tiên là có người lớn bên cạnh để có được cảm giác che chở, vỗ về và ấm áp. Nếu cô đem cái tâm của nghề dạy trẻ để dỗ dành, chắc chắn cháu bé sẽ yên tâm và nín khóc. Sao nỡ bỏ cháu bé nhỏ hai tuổi ngồi khóc một mình như vậy? Khi cô tìm cho được khăn thì hỡi ôi, cháu bé đâu còn để cô lau mặt?! Chắc cô dùng khăn đó để lau nước mắt cho cô rồi. Chắc cô sẽ ân hận lắm nhưng tất cả đã quá muộn màng rồi. Sự thiếu hiểu biết và tắc trách của cô đã trả giá bằng cái chết của một em bé rồi, còn gì đau hơn?!

Bé Anh Đạt mất đi để lại nỗi đau cho ba mẹ em, cho gia đình và người thân. Không chỉ thế, đây là nỗi đau chung cho các thầy cô giáo, cho các trường học và cho cả ngành giáo dục nữa. Khi làm công tác giáo dục, nếu chỉ biết đến lợi nhuận thì tàn nhẫn lắm! Vẫn biết đầu tư trường học là một cách kinh doanh, nhưng sản phẩm kinh doanh này là con người chứ không phải hàng hóa nên đừng quá thực dụng mà coi kinh doanh giáo dục như các hình thức và loại hình kinh doanh khác. Hãy thể hiện tính nhân bản, nhân văn thật rõ và thật đẹp ở mô hình kinh doanh này để tạo niềm tin cho xã hội. Nếu không thể lấy chữ ‘nhân’ làm nền tảng cho công tác giáo dục con người thì tốt nhất, những nhà kinh doanh giáo dục nên chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác đi để đỡ có tội với xã hội và con người. Hãy trân quý con người và quyền được sống của mỗi sinh linh, nhất là những mầm non bé bỏng chưa đủ lớn để tự vệ cho chính bản thân mình.

Nội dung bài báo ở đây:

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=135804&ChannelID=2

Một cháu bé tử vong vì bị kẹt trong thang máy
Thứ Năm, 04/09/2008, 17:50

Sau gần 2 giờ nhập viện cấp cứu do tai nạn kẹt trong thang máy của trường mầm non, lúc 13 giờ 30 phút hôm nay 4/9, cháu Nguyễn Anh Đạt (sinh năm 2006, học lớp Họa My, trường mầm non tư thục Thiện Ý, phường 4, thành phố Đà Lạt) đã tử vong tại bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Ông Hoàng Đình Liệu – Phó chủ tịch UBND phường 4 Đà Lạt, người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn cho biết: theo thông tin ban đầu từ trường Thiện Ý, vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi ăn trưa xong, vì cháu Nguyễn Anh Đạt khóc nên cô bảo mẫu Ngô Thị Dung bế cháu từ tầng hai xuống tầng trệt để tìm khăn lau mặt cho cháu.
Trong khi đang tìm khăn lau, bảo mẫu Ngô Thị Dung đặt cháu ngồi trên một cái ghế trước cửa cầu thang dùng để chuyển thức ăn từ bếp lên các tầng trên.

Khi bảo mẫu này quay lại thì cháu Đạt đã bò vào trong thang máy (để mở sẵn) và thang máy tự động đi lên. Nhấn nút mở thang không được, bảo mẫu Dung đã chạy lên lầu trên gọi các cô giáo khác cùng mở thang nhưng vô hiệu.

Hơn 30 phút sau, lực lượng cứu hộ mới cắt được thang máy để đưa cháu Đạt đi cấp cứu. Đạt được đưa vào bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng tím tái, có vết kẹp ngang bụng và vết thương nặng ở phần chân. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng cháu bé đã tử vong.

Hiện Công an thành phố Đà Lạt đang điều tra làm rõ trách nhiệm của những người liên quan tới cái chết của cháu Đạt tại trường Thiện Ý.
Được biết, mầm non Thiện Ý là trường tư thục mới được thành lập từ tháng 10/2007 và là một trong những trường mầm non tư thục có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt tại Đà Lạt; hiện có khoảng 70 cháu đang học tại đây.
Theo Sơn TùngTTXVN