Wednesday, October 15, 2008

TRÍ TUỆ CẢM XÚC (3)


Tôi đã viết hai entry giới thiệu vài nét căn bản về ‘trí tuệ cảm xúc’, hôm nay, thấy cần viết thêm vài điều nữa để kết lại vấn đề này. Trong entry này, tôi đề cập tiếp làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.

Ở entry trước, tôi có nói đến vài phương pháp luyện tập cảm xúc là hít thở thư giãn và viết nhật ký cảm xúc. Những phương pháp này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để cảm xúc hiển thị rõ ràng hơn để chủ nhân nó nhận diện cảm xúc của mình dễ dàng hơn và có thêm thời gian và điều kiện để ngăn ngừa những hành động do suy nghĩ cạn cợt và cảm xúc bốc đồng gây nên. Có những cảm xúc, chỉ cần nhận diện được nó, gọi đúng tên nó là đã có thể quyết định được sự việc, như vậy, vấn đề đã được giải quyết và hai phương pháp này khá hiệu quả để đối trị các loại cảm xúc như vậy. Tuy nhiên, có những cảm xúc sâu sắc có tác động lớn đến bản thân mình thì vấn đề hóa giải nó cần nỗ lực nhiều hơn. Sau đây là một số phương pháp khác để nâng cao trí tuệ cảm xúc.

Trách nhiệm với bản thân


Mức độ chúng ta chịu trách nhiệm với bản thân mình biểu hiện trí tuệ cảm xúc mà mình có được. Trách nhiệm bản thân bao hàm cả việc mình chịu trách nhiệm khi quyết định việc của mình, trong điều kiện cụ thể của mình và cả việc chịu trách nhiệm về hậu quả do quyết định của mình đem lại. Cho dù điều kiện khách quan tác động thế nào đến công việc của mình, hãy sáng suốt phân tích vấn đề và tìm cho ra nguyên nhân thành bại ở chỗ nào. Dẫu cho bị tác động của môi trường bên ngoài, cảm xúc và hành động phản ứng là từ nơi mình và mình có khả năng nhận biết, kiểm soát và điều chỉnh chúng một cách phù hợp. Tập nhìn nhận và chịu trách nhiệm bản thân từ những việc nho nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ những tác nhân bên ngoài sau đây có tác dụng ‘bấm nút’ cảm xúc của mình, bạn hãy tự nhìn vào trong dòng cảm xúc đang chảy liên tục trong người để nhận diện chúng.

Bạn mất đi cơ hội được tiến cử.
Ngân hàng từ chối đơn vay vốn của bạn.
Trời mưa suốt tuần nghỉ trong khi bạn chờ đợi những ngày nghỉ này từ lâu lắm và đã lên kế hoạch.
Bạn dồn hết tâm lực để viết một cuốn sách và cả 10 nhà xuất bản đều từ chối không chịu xuất bản.

Trong các ví dụ trên, rõ ràng nguyên nhân dẫn đến kết quả không như ý và làm cho bạn cảm thấy khổ sở, buồn bực, giận dữ, phiền lòng và không thoải mái là do từ bên ngoài, chúng ta vẫn thường làm vậy. Mình sẽ nghĩ do người này, tại sự kiện kia hay vì mình không may mắn. Tuy nhiên, làm như vậy nghĩa là chúng ta đem vận mạng của mình, công việc và cả bản thân mình giao phó cho người khác hoặc hoàn cảnh. Chúng ta bắt ngoại cảnh thay mình chịu trách nhiệm. Điều này chẳng giúp được gì cho mình để cuộc sống mình nhẹ nhàng thanh thản hơn cả. Hãy đặt mình là người chịu trách nhiệm bản thân và công việc và các tác nhân bên ngoài chỉ là yếu tố phụ thuộc (duyên) như một chất xúc tác (nếu thuận hướng với công việc của mình) hay lực ma sát (nếu ngược hướng với công việc của mình). Đừng cảm thấy bất lực, buông tay hay bế tắc trong những tình huống khó khăn. Trong cuộc sống, không có con đường duy nhất. Hơn lúc nào hết, trí tuệ cảm xúc có thể giúp chúng ta khai mở nhiều con đường mới.

Nếu bạn hỏi, liệu chúng ta làm gì đối với những việc không như ý xảy ra, tôi chỉ có thể nói rằng, chúng ta giữ tâm bình an, không chao đảo, không cuống cuồng lo lắng thái quá thì con đường sẽ rộng mở đón chào bước chân ta phía trước. Mặt nước trong thì mọi thứ trong hồ đều có thể thấy rõ, nước đục ngầu thì chẳng thấy được gì. Tâm an tịnh như mặt nước phẳng lì và tâm chao đảo như hồ nước bị khuấy đục nên không còn thấy gì nữa. Hãy bình tĩnh để tìm ra nhiều giải pháp khác và chọn giải pháp tối ưu để thực hiện dự định kế hoạch của mình. Mọi chọn lựa đều ở trong ta và ta có quyền quyết định. Càng phát huy trách nhiệm cá nhân, chúng ta càng nâng cao trí tuệ cảm xúc. Một khi dám nhận trách nhiệm về vận mạng của chính mình, không có việc gì không thể. Trí tuệ cảm xúc thể hiện ở phương diện này có thể rèn luyện và phát triển.

Chăm sóc cảm xúc của chính mình
Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được một cách liên tục trong cuộc sống. Có người ngạc nhiên khi tôi dám nói rằng, rất nhiều người trong chúng ta không hề biết lắng nghe cảm xúc. Cảm xúc, thật ra đó là phản ứng của tâm thức đối với tác động bên ngoài cũng như những suy nghĩ của chính mình. Cố tình lờ đi, không đoái hoài đến cảm xúc, không giải quyết được gì. Kềm chế, thô bạo với cảm xúc, chúng ta không thể có quyết định sánh suốt. Do vậy, phải biết cách tiếp cận cảm xúc của chính mình. Những nhà tâm lý trị liệu khi tiếp xúc với gia chủ, câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra là anh/chị bây giờ cảm thấy như thế nào? Tương tự như vậy, vấn đề đầu tiên chúng ta cần làm với cảm xúc của mình là hiểu rõ bây giờ, mình đang cảm thấy thế nào? Vui, thư thái, nhẹ nhàng, tự hào, tự mãn, buồn, giận,hờn, tức tưởi, căm ghét…muôn màu muôn vẻ cảm xúc, chúng ta cần biết và nếu có thể, gọi tên chính xác cảm xúc đang có trong ta.

Khi xác định được mình đang có cảm xúc gì, vấn đề tiếp theo là hãy tập ‘lắng nghe’ cảm xúc ấy ‘nói’ gì. Tôi đã nói ở trên, cảm xúc là một phản ứng của cơ thể. Như vậy, mỗi cảm xúc có mang theo một thông điệp, hãy cố lắng nghe, bằng tâm chứ không phải bằng tai, thông tin mà cảm xúc đó mang lại. Phải dám nhìn thẳng vào cảm xúc đó, dù nó có tiêu cực thế nào đi nữa thì mới có thể nâng cao được trí tuệ cảm xúc. Nếu che chắn và tránh né, mình không dám đối diện với chính mình thì đừng hy vọng mình khá hơn về khả năng nhận diện và điều khiển cảm xúc của mình. Hãy tập chấp nhận để tiến bộ hơn. Hãy xác định cảm xúc trong mối liên hệ nhân quả. Ví dụ khi mình đang bực, mình hiểu rằng “tôi bực mình quá đi thôi”. Chỉ dừng lại ở đây để rồi phản ứng là trút giận lên cô A thì hậu quả có thể tệ hại. Nói như vậy là chưa xác định được cảm xúc của mình trong mối quan hệ nhân quả. “Cô A làm cho tôi tức quá” cũng chưa thật sự đúng. Nói một cách chính xác về cảm xúc, ta có thể diễn đạt “tôi CẢM THẤY tức giận vì cô A không thực hiện điều đã hứa với tôi.” Cần phản ứng như thế nào đây để người xung quanh không nghĩ rằng, vì mình quá tự tôn cái bản ngã nên khi bị thất hứa, cảm thấy không được tôn trọng và mình không đáng để bị như vậy. Để mình được hiểu đúng và cần giữ hình ảnh mình trong mắt người khác, chúng ta cần có quyết định sáng suốt và hợp lý sau khi nhận thông tin từ cảm xúc của chính mình.
Nếu thực hiện một hành động theo phản xạ bản năng thì lắm khi phải hối hận vì sự bốc đồng và hành động thiếu ý thức của mình. Do đó, nếu một người biết cách ‘lọc’ cảm xúc của mình qua quá trình vừa trình bày trước khi đi đến hành động, người đó đang luyện tập trí tuệ cảm xúc. Nếu một cảm xúc khởi lên và chúng ta đã hành động rồi gặt hái hậu quả không như ý. Chỉ ngồi đó ân hận cũng không giúp được gì. Cách tốt nhất là bình tâm phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để rút kinh nghiệm và học hỏi từ cảm xúc của chính mình.

Việc thấu hiểu những điều bản thân cảm thấy và lý do tại sao cũng như ý thức được khuynh hướng hành động sẽ giúp chúng ta dần trở nên nhạy cảm với những tình cảm và mong muốn của bản thân. Trên cơ sở này, chúng ta có hành động hợp lý với đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh và chinh phục được những người cộng sự với mình kiểu ‘tâm phục khẩu phục’.Một điều cần nhớ là cần tôn trọng cảm xúc của mình và đừng bao giờ can thiệp vào việc kềm chế chúng. Triệt tiêu cảm xúc, ví dụ như tức giận, là một điều không đúng và kềm chế cảm xúc với mục đích triệt tiêu cảm xúc lại càng sai lầm nhiều hơn. Tức giận là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất và khi bộc phát thành hành động, nó có thể gây ra những hậu quả khiến chúng ta phải ân hận về sau. Hãy tôn trọng cảm xúc giận dữ của mình, nhưng đừng đồng hóa mình với cảm xúc giận dữ ấy. Hãy đủ tỉnh táo để quyết định mình nên phản ứng thế nào với cảm xúc đó.Và cách tốt nhất để làm những cảm xúc không mong muốn ra đi là hãy chấp nhận nó và giúp giải tỏa nó theo những cách tích cực nhất mà mình có thể.
Mỗi người có mỗi cách riêng để ôm ấp và sống với cảm xúc của mình. Có người ngồi một mình ở một nơi vắng vẻ, có người đi dạo hoặc trao đổi với một người thân tín về cảm xúc mình đang có/đang chịu đựng. Đối với một người, ở các thời điểm khác nhau và tùy thuộc vào tính chất vấn đề khác nhau, người ấy cũng có thể có nhiều cách khác nhau để sống với cảm xúc của mình.
Bằng bất kỳ hình thức nào, việc mình cần làm là tập trung nhìn kỹ, nhìn sâu vào cảm xúc, phân tích nó trong các mối liên quan nhân quả và từ đó, chọn cho mình một phương án hành động phù hợp nhất. Câu “không có vấn đề gì đâu”, “Tôi không buồn đâu” không bao giờ giúp chúng ta hết buồn và có hướng giải quyết tốt. Thực ra các cảm xúc là một hệ thống thông tin rất quan trọng và cần thiết cho chúng ta. Cảm xúc là những phản hồi về những lựa chọn và hành động của ta. Khả năng giúp chúng ta nhận thức được cảm xúc, định hướng hành động phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp và giúp ta điều chỉnh cuộc sống của mình là trí tuệ cảm xúc. Nói cách khác, giữa trái tim và khối óc có một mối liên hệ, biểu hiện của nó chính là trí tuệ xúc cảm EQ. EQ không ổn định như IQ mà nó thay đổi tùy thuộc vào con đường tự học, kinh nghiệm sống tích lũy được, trí tuệ và tài năng phát triển theo dòng thời gian. Mỗi người đều có thể tập cho mình những phẩm chất ấy. Những nỗ lực và dụng công có phương pháp sẽ là những viên đá lót đường đưa ta đến thành công hơn trong cuộc sống.