Thursday, October 9, 2008

LỄ HỘI VIJAYADASHAMI


Vijayadashami còn gọi là Dussehra, Dashehra, Dashain, là lễ hội của người theo đạo Hindu và đạo Jain ở nhiều nơi, nhất là trên đất nước Nepal và Ấn Độ cũng như người theo các tôn giáo này ở nước ngoài. Lễ này được tổ chức vào ngày thứ mười trong mùa lễ 10 ngày 9 đêm của tháng Ashvin theo lịch Hindu (thường là tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch). Theo Sanskrit, “Vijay” nghĩa là “chiến thắng” và “Dashami” là ngày thứ 10. Người ta tổ chức lễ này để kỷ niệm ngày thần Rama (hiện thân thứ 7 của thần Vishnu) giết chết thần quỷ 10 đầu Ravana để xiển dương cái thiện chiến thắng cái xấu ác trong cuộc sống. Trong dịp lễ này, người ta cầu nguyện, tụng kinh, thực hành các nghi lễ tôn giáo và đốt hình nộm của thần quỷ Ravana với ý nghĩa tiêu diệt cái ác.

Thần Ravana 10 đầu

Người ta tổ chức lễ hội này rất trang trọng với một niềm tin tâm linh là mở đầu một vận may, một dịp ‘làm mới’ trong năm. Ở Nam Ấn, Đông Ấn và Tây Ấn, lễ hội Vijayadashami là lễ hội cao điểm nhất trong chuỗi ngày lễ hội 10 ngày 9 đêm Navaratri. Chữ Navaratri theo Sanskrit nghĩa là chín đêm (nava nghĩa là 9 và ratri nghĩa là đêm). Trong suốt 10 ngày 9 đêm này, chín hóa thân khác nhau của thần nữ Shakti (còn gọi là Devi) được thờ kính và cầu nguyện. Chuỗi lễ dài ngày này khép lại với lễ hội Vijayadashami, năm 2008 này nhằm vào ngày 9 tháng 10.
Theo truyền thuyết, thần nữ Durga, còn có tên là Chamundeshwari hay Mahishasura Mardini, đã đánh thắng quỷ Mahishasura. Người ta cho rằng sự kiện này diễn ra ở một vùng đất gần Karnataka, thuộc Mysore.


Thần nữ Durga 10 tay

Ở một số nơi thuộc Bắc Ấn, người dân tổ chức lễ hội vào ngày này với cùng ý nghĩa nhưng kỷ niệm một sự kiện khác. Đó là kỷ niệm thần Rama (hiện thân của thần Vishnu), thống lãnh thành cổ Ayodhya (nay thuộc bang Uttar Pradesh), chiến thắng quỷ Ravana, trị vì đảo Lanka.

Truyền thuyết về cây Sami

Lễ hội này cũng có một chút liên quan đến sử thiên Mahābhārata, đặc biệt là sự kiện anh em Pandavas
bị lưu đày vào rừng trong một năm. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, những người này đã tìm đến một nơi cất giấu vũ khí là cây sami, nằm gần chỗ ở của chư thần. Đến cuối năm, họ đến chỗ cây sami thì thấy vũ khí vẫn còn nguyên.


Cây sami
Thế là họ thờ kính cả thần nữ Durga, người đã hộ trì sức mạnh cho họ chiến thắng và cây sami, nơi chở che vũ khí cho họ. Trong khi đó, Kauravas đã xâm chiếm vùng đất kia. Thế là anh em nhà Pandavas đem quân sang đánh và họ giành được chiến thắng ngay trong ngày đó. Ý nghĩa trong sự chiến thắng của các anh em Pandavas đã ảnh hưởng đến con người trong cuộc sống. Họ trao nhau lá sami như là lười chúc mừng chiến thắng và nỗ lực trước khi làm một việc nào đó.


Tổ chức lễ hội

Người ta thường tụ tập ca múa, hát mừng tại nhiều tụ điểm. Các đền thờ lúc nào cũng tấp nập người vào ra cầu nguyện và làm lễ. Người ta luân phiên tụng kinh suốt ngày, bắc loa phóng thanh thật lớn trong những ngày lễ hội này. Đêm đến, pháo nổ đì đoạch liên tục. Nhiều nơi bắn pháo hoa tạo nên những luồng sáng phá tan bóng tối mờ bạc ban đêm trông thật đẹp. Người ta làm hình nộm của Ravana rồi đốt với ý nghĩa là giết chết xấu ác để cho ánh sáng của thiện lành sẽ chiến thắng bóng đêm xấu ác và tội lỗi.

Đốt hình nộm quỷ Ravana


Trong ngày lễ này, người ta còn tổ chức rước hình tượng thần Durga để tỏ lòng kính ngưỡng đến vị nữ thần này. Hình tượng thần nữ Durga oai lẫm cưỡi sư tử, có 10 tay và cầm vũ khí để chống cự quyết liệt với quỷ ác Mahishasur. Suốt 9 ngày đêm chiến đấu ròng rã, đến ngày thứ 10 thì thần nữ đánh bại và giết chết quỷ Mahishasur. Trong ngày lễ hội này, khí giới và các đồ kim loại cũng được thờ cúng.
Thần nữ Durga cưỡi sư tử giao chiến với quỷ Mahishasur
Ngày đầu tiên trong lễ hội kéo dài 9 đêm 10 ngày này, người ta gieo mấy hạt lúa mạch trong một cái chén nhỏ và dặt trên bàn thờ thần cầu nguyện suốt 9 ngày đêm. Đến ngày thứ 10 là lễ Vijayadashami, nếu tất cả các hạt lúa mạch này nảy mầm tốt, người ta tin rằng đây là điềm báo tốt lành, hanh thông cho những gì sắp xảy ra trong tương lai. Họ đem những mầm lúa mạch này trân trọng đặt lên trên đầu hoặc giắt lên vành tai với niềm tin chúng đem lại điều tốt lành cho bản thân họ.
Ý nghĩa của lễ hội này rất hay khi con người có dịp để nhắc mình hãy ủng hộ cho cái thiện và loại trừ cái ác. Do vậy, lễ hội này trở thành một nét văn hóa hơn là lễ hội mang tính tôn giáo. Ở đây, những người không theo đạo Hindu và đạo Jain vẫn tổ chức lễ hội này vì trên cuộc đời này, người lương thiện nào lại không vui mừng và ủng hộ cái thiện lành trong cuộc sống.