Monday, October 27, 2008

CHÂN THẬT


Chân thật lúc nào cũng được tất cả mọi người đón nhận, ngay cả những người chưa biết sống và nói chân thật cũng hiểu được giá trị của chân thật. Trong cuộc sống, ai cũng thích được cư xử bằng tấm lòng chân thật, nghe lời chân thật và ai cũng thích chứng minh và mong được nhìn nhận mình là người chân thật. Ấy thế mà oái oăm thay, hiếm ai có thể sống thật và nói được lời chân thật với tất cả mọi người trong mọi lúc mọi nơi.

Bản thân tôi, cũng nhiều lần sống giả dối và nói không chân thật và cứ mỗi lần như thế, tôi đều có lý do để biện minh cho việc mình làm và sau một vài giây áy náy, mình tự trấn an mình như là một cách gián tiếp ủng hộ cách sống thiếu chân thật mà nhất là qua lời nói như thế.


Tôi vẫn biết đường tròn , đường thẳng hay hình phẳng gì cũng chỉ tồn tại trên lý thuyết mà thôi. Trên thực tế, làm gì có vật thể gì tròn, thẳng hay phẳng tuyệt đối đâu. Liệu các chuẩn mực đạo đức cũng nên nhìn theo hướng như vậy để cảm thấy thong dong hơn khi không phải quá e dè vẽ khung cho mình tự đứng chăng? Tôi cứ băn khoăn về phương cách và động cơ sử dụng lời nói trong giao tiếp hằng ngày, sao cho được phần người mà không lỗ lã phần ta.


Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi nói dối, tôi tin rằng người bình thường trong thế gian này, ai cũng…nói dối! (tôi chỉ nói những người bình thường như tôi à nghen). Trong tiếng Anh, từ nhân cách (personality) có nguồn gốc từ chữ Latin persona, nghĩa là cái mặt nạ mà người diễn viên thường mang khi biểu diễn trên sân khấu. Bởi vì con người thường có tâm lý cải trang, che chắn, một cơ chế tâm lý tự vệ - tất nhiên là có nói dối - để bảo vệ mình, nói đúng hơn là hình ảnh của mình trong mắt mọi người, nên từ persona dùng để chỉ nhân cách con người. Nói cách khác, trên sân khấu cuộc đời, mỗi một con người chúng ta, dù là người chân thật nhất, phải đóng nhiều vai diễn khác nhau. Môi trường xã hội bắt buộc phải thế, mỗi con người đều phải đảm trách các vai diễn khác nhau tùy thuộc vào các vai trò khác nhau trong xã hội. Một người vừa có thế là cấp dưới của một số người nhưng cũng là sếp của nhiều người khác, vừa là cha/mẹ của một vài đứa trẻ nhưng vừa là con của cha mẹ mình, v v.

Trong mỗi vai trò, có một chuẩn mực đạo đức tương đối quy định trách nhiệm và bổn phận của mình. Đi ra khỏi ngưỡng quy ước chung của xã hội sẽ không được chấp nhận. Ai cũng muốn mình được đánh giá và nhìn nhận tích cực với những gì chúng ta thể hiện với người khác. Chính vì bổn phận và trách nhiệm mỗi người tự nhận biết và thấy rằng mình phải thực hiện, nói dối được sinh ra và nuôi lớn song hành cùng các mối quan hệ. Chính cái tâm lý TỎ RA mà mình không dám sống thật với mình và với người. Tôi lấy mối quan hệ cha/mẹ với con làm ví dụ.

Mình là một người cha/mẹ chưa đủ tốt, chưa gương mẫu mà không muốn con mình buồn và xấu hổ khi có người cha/mẹ như mình, thế là trước mặt con, mình TỎ RA tốt. Để làm được cái gọi là TỎ RA ấy thì chỉ còn sống thiếu chân thật và nói dối với con cái. Nói dối, trong trường hợp này, là để giữ hình ảnh một người cha/mẹ gương mấu trong mắt con. Ừ mà đúng là giữ ‘hình ảnh’ thiệt, vì chỉ có cái ‘ảnh’ là đẹp thôi, còn thực chất thì không được như vậy. Chắc ít cha mẹ nào đủ cam đảm để nói với con “ba/mẹ có lỗi, ba/mẹ xin lỗi con”, hoặc “về mặt này, cha/mẹ chưa được tốt, cha mẹ sẽ sửa đổi”. Tôi tin rằng, ngay cả trong ý tưởng, các bậc cha mẹ cũng ít ai dám nhìn lại mình một cách đúng đắn để thấy những điều vụng về thiếu sót của mình như vậy. Thường thì người ta hay dùng uy quyền của cha mẹ như là ‘bùa hộ mạng’ khi gặp gay cấn với con cái. Thế là thay vì nỗ lực hoàn thiện mình, cha mẹ gắng tìm cách khéo hơn, tinh vi hơn để ngụy trang và che đậy. Trong những lúc thế này, thiếu chân thật và dối trá sẽ len lỏi vào trong tâm thức, trong cách nghĩ, lời nói và hành động để duy trì cái quyền lực ‘bất khả xâm phạm’ của cha mẹ.


Nói cho cùng, chúng ta sống thiếu chân thật vì để bảo vệ cái ‘ta’ của mình. Cái ‘ta’ ấy chúng ta tự dệt nên với nào là uy tín, thể diện và cả sĩ diện nữa. Để không ‘mất mặt’ mà cần làm cho ‘đẹp mặt’ thì chúng ta phải có nhiều chiêu thức và mánh lới để bao bọc, hộ trì, tự vệ và phản công khi có cảm giác cái ‘ta’ của mình bị đe dọa. Chúng ta làm việc này cả trong ý thức và vô thức. Gọi là vô thức nhưng động cơ tâm lý này âm ỉ chạy bên trong, ẩn sâu dưới bề mặt ý thức như mạch nước ngầm, có tác dụng dẫn dắt và điều khiển tâm thức thực hiện tốt chức năng che chắn, phòng vệ và phản công khi cần thiết.


(entry tiếp theo ở mục ‘mỗi tuần một từ’, tôi sẽ bàn tiếp về từ 'chân thật')