Monday, October 6, 2008

ĐỘNG CƠ

Trong các giáo trình tâm lý học đại cương, phần ‘động cơ’ thường được xếp chung một chương với ‘cảm xúc’. Tôi vừa có entry về ‘cảm xúc’ (trí tuệ cảm xúc) thì nay lại có duyên viết vài dòng về ‘động cơ’.


Sáng nay, tôi có dùng từ ‘động cơ’ khi tôi nói tôi hiểu được động cơ và việc làm của một người (còn khá trẻ) đối với tôi. Trời đất ạh, thế mà cô bé đó hiểu là tôi nói cô bé có ‘ý đồ đen tối’ hay còn gọi là ‘mưu đồ’. Thế là trời đất quay cuồng vì CẢM THẤY cái ngã bị tổn thương. Tôi được…một bài học thấm thía! Cô bé ấy (nhỏ hơn tôi 20 tuổi) bắt đầu gọi tôi là BẠN và xưng là TÔI và đang…lên lớp giảng bài! Đại loại như thế này “tôi đến với bạn tôi LỢI DỤNG gì mà nói là động cơ”… bla bla...nhiều lắm, nhiều lắm lắm! Thế là tôi đành…bỏ của chạy lấy người.


Tôi không hiểu học sinh thời nay được học hành thế nào mà khi bước ra khỏi chiếc ghế phổ thông trung học mà các khái niệm căn bản cũng chưa nắm vững. Tôi có nhắc em về tra lại tự điển tiếng Việt thì em chủ quan và tự hào nói rằng, đã hiểu rất rõ nghĩa từ này. Thôi thì…cười (mà cười méo) huề!


Em mới hơn 18 tuổi mà, quá thừa nhiệt huyết, niềm tin vào bản thân và đầy sức sống, chỉ thiếu kinh nghiệm, để khẳng định mình và những hiểu biết mình có được. Một câu nhắc nhở chí lý của người đi trước, tôi đã từng nói với em, bây giờ tôi nhắn nhủ lại là “năm 20 tuổi, con thông minh hơn cha; năm con 30 tuổi, con thông minh bằng cha và năm 40 tuổi, con phải chấp nhận sự thông minh của cha”. Rồi đây, cuộc đời sẽ dạy cho em hiểu được thêm nhiều điều và tâm tánh sẽ thuần hơn. Chắc khi ấy, nếu tôi dùng từ này, em cũng không đến nỗi nổi xung thiên mà gọi tôi bằng BẠN và xưng bằng TÔI và dùng những lời lẽ khó nghe mà người ta gọi là 'xúc phạm' đâu. Tôi đợi đến năm em 30 rồi 40 tuổi, không phải vì để được em công nhận tôi thông minh bằng em hay hơn em, nhưng để thấy em trưởng thành hơn và biết nhìn xa trông rộng hơn thôi.


Em hạ hỏa chưa? Lòng tự ái của em tạm lắng chưa vậy? khi nào lòng em bớt tràn và cảm xúc bị chạm tự ái vơi bớt được tí nào thì mời em vào đọc entry này nhé. Entry này tôi riêng viết tặng em đây. Tôi thấy tôi cần ‘giải hoặc’ cho em về sự hiểu lầm khái niệm này.


Em à, hầu hết các tự điển Tiếng Việt đinh nghĩa động cơ (nghĩa thứ 2) là “những gì thôi thúc con người có những ứng xử nhất định một cách vô thức hay hữu ý và thường gắn liền với những nhu cầu”. Còn hành động là “làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện”. (tôi tra Wiktionary tiếng Việt, link ở đây
http://vi.wiktionary.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnh). Như vậy, khi tôi nói tôi hiểu động cơ và việc làm của em, nghĩa là tôi hiểu và lý giải được việc em làm, hiểu được vì sao em lại làm như vậy. Nói gọn là tôi tin tôi hiểu em (trong việc cụ thể nào đó) và dòng chảy tâm lý để thúc đẩy em hành động như vậy. Việc này là tốt, vì có hiểu nhau mới cảm thông nhau, tại sao em đùng đùng lên như vậy?

Thật ra, ý tưởng nghiên cứu động cơ hoạt động của con người đã tồn tại rất lâu trong lịch sử tâm lý học. Bằng các cách tiếp cận và nghiên cứu khác nhau, các nhà tâm lý học đã tìm cách lý giải tại sao con người có thể thực hiện được hành vi nào đó, tại sao hoạt động của anh ta có thể kéo dài trong một thời gian nhất định hoặc ngưng lại đúng lúc. Động lực thúc đẩy hoạt động của con người là vô thức hay ý thức? Tại sao con người không phải lúc nào cũng ý thức về động cơ của mình?...


Một hoạt động của con người có thể do nhiều động cơ khác nhau đồng thời tác động, trong đó có những động cơ chủ đạo và những động cơ thứ yếu.Những động cơ này nằm trong những mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong một hoàn cảnh hoạt động cụ thể tạo thành một hệ thống gọi là hệ thống động cơ. Hệ thống động cơ này tương tác hỗ tương, đôi khi mâu thuẫn nhau và cuối cùng, động cơ nào chiếm ưu thế sẽ thúc đẩy hành động diễn ra theo hướng đó để thỏa mãn mục đích của hành động. Em nhớ nha, mục đích của hành động, chứ đừng vội nghĩ xiên nghĩ quàng, TÔI được gì ở BẠN mà gọi là mục đích… (lại nghĩ đến lợi dụng, trục lợi thì lại không đúng rồi). Tôi muốn em có cách tiếp cận khách quan và khoa học hơn em ạ. Thuần túy cảm tính chỉ dừng lại ở chỗ cho phép em phản ứng theo bản năng thôi, vậy thì uổng lắm!


Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, động cơ là tác ý, là ý nghiệp. Điều này quan trọng lắm trong quá trình phát triển nhân cách, các mỗi quan hệ xã hội và sự thành công hay thất bại trong cuộc sống của mình đó em ạ. Em còn nhớ câu kệ Pháp cú đầu tiên xác định tầm quan trọng của tâm ý không? (Tâm) ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác… Ý là động cơ đó thôi. Không những trong Phật giáo mà bình thường, pháp luật thế gian cũng đặt trọng tâm vào động cơ của hành động bên cạnh hậu quả của hành động. Một người phạm tội giết người với động cơ cố ý (cố sát) sẽ bị kết án nặng hơn là giết người vì vô ý (ngộ sát).

Một ví dụ nữa, nhà hàng xóm bị cháy vì đứa con vô ý đốt giấy làm lửa bén vào đồ gỗ gần đó. Đứa bé hàng xóm nghe kêu la “lấy nước dập! lấy nước dập!” Em vội vàng vớ lấy lon sữa bò, múc một lon nước, lật đật chạy sang. Gần đến nơi, em vấp té, thế là lon nước đổ hết. Đến nơi, thấy người cha tức giận đứa con gây nên hỏa hoạn, ông bưng gàu nước, tức quá, ông tạt vào người con, may sao đứa con tránh được và nước trong gàu văng vào đám cháy, góp phần làm tắt ngọn lửa…

Tuy đứa bé kia không góp phần làm tắt ngọn lửa cháy nhà hàng xóm em ạ, nhưng so với hành động của người chủ nhà (người cha) thì động cơ ấy quý gấp nhiều lần. Em biết sao mà quý không? Em bé ấy có động cơ tốt, động cơ ấy sẽ nuôi dưỡng tâm niệm lành và thúc đẩy hành động tốt. Trong tương lai, chắc chắn em làm được nhiều việc giúp người và có ích cho xã hội. Người hàng xóm kia, tuy có góp phần làm cho đám cháy tắt đi, nhưng động cơ là tạt nước vào đứa con gây cháy như là một trừng phạt cho việc bất cẩn chứ không phải để dập lửa, có đúng không?


Tôi nói hơi nhiều một chút vì tôi thấy em hiểu quá sai khái niệm căn bản của từ ‘động cơ’ và thế là em trút mọi giận dữ lên tôi như một cách để chứng tỏ sự trong sạch của em khi em hiểu rằng ‘động cơ’ đồng nghĩa với ‘mưu đồ’. Em huy động toàn bộ những từ có nghĩa xấu xa nhất trong kho tàng từ vựng em có được để dành cho tôi. Nếu em còn gọi được tôi là BẠN, xưng TÔI (dù em nhỏ hơn tôi nhiều mà) thì cũng không nên dùng từ ngữ nặng nề đến vậy em ạ. Tôi nói với em, tôi hiểu động cơ và hành động của em, để nhắn với em một điều rằng, tôi hiểu em! Tôi không ngờ em phản ứng bằng cách dựng lên một con người rơm rồi tự quật ngã xuống như vậy.

Tôi không buồn em vì em còn quá nhỏ mà! Gọi là ‘quá nhỏ’ vì khái niệm căn bản của một từ đơn giản như thế em vẫn hiểu sai và phản ứng theo kiểu tự vệ “xù lông nhím” đó mà. Tôi mong được nhìn thấy em trưởng thành hơn. Đúng ra, 18 tuổi, đủ tuổi để chịu trách nhiệm xã hội rồi, đâu còn nhỏ hở em? Mà tôi nhớ, lâu lắm rồi, em đã khẳng định với tôi, em đã là người lớn cơ mà!

Tôi đã từng thương yêu em và có thể bỏ ra hàng giờ mỗi tuần để lắng nghe, trao đổi, nhắc nhở, chia sẻ với em những gì có thể. Tôi từng thay em viết lên cảm xúc của mình và chính em cảm động về bài viết ấy. Tôi đã từng nuôi lớn niềm tin về em rằng một ngày nào đó, em sẽ hiện thực hóa những dự định, mơ ước của mình. Tôi đã từng hiểu và thông cảm cho những sai lầm của em, nhưng em đã phụ lòng tin và tấm lòng tôi đã dành cho em, đúng không em? Em cần được thương yêu và hướng dẫn, nhưng có lẽ điều này nhờ vào những người nào có duyên với em thôi. Còn tôi, chắc tôi không tiếp tục như cách lâu nay tôi dành cho em, đơn giản vì nó không có tác dụng. Chuyện gì không có hiệu quả, tôi sẽ không phí thời gian và tâm lực tiếp tục làm đâu. Em từng có khoảng thời gian khá dài chung sống với tôi, (dù khi ấy em còn nhỏ lắm), và thời gian sau này, mình trao đổi qua mạng nhiều, chắc em cũng hiểu tính tôi, đã nói là làm và đã làm thì làm 'đến nơi đến chốn'. Entry này thay lời tạm biệt đến em.

Tôi không tiếp tục mối quan hệ với em, có nghĩa là tôi đã chịu thua. Trong giáo dục, như thế là thất bại. Tôi đành chịu vậy! Môi trường em sống, những mỗi quan hệ xã hội quanh em và những người trách nhiệm về em có tác động quá lớn và nếu cần thiết phải có một sự thay đổi nào đó, khả năng tôi không đủ để làm việc này. Tôi buông tay...


Chào em, chúc em gặp được nhiều thiện tri thức trong cuộc sống và nhanh trưởng thành hơn!