Người kém trí tuệ cảm xúc dễ mất thăng bằng trong cuộc sống
Ý thức cảm xúc chính mình
Trí tuệ cảm xúc có thể rèn luyện và phát triển tùy thuộc vào ý thức và nỗ lực từng người. Khả năng phát triển trí tuệ cảm xúc trước hết phụ thuộc vào mức độ ý thức về cảm xúc của mình. Muốn làm chủ cảm xúc thì chúng ta phải có khả năng ‘đọc’ cảm xúc của mình vốn thay đổi rất nhanh nhạy. Những cảm xúc thay đổi liên tục ấy mang theo những thông điệp cho cơ thể mình, thông báo một cảm xúc với những gì đang diễn ra trong hiện tại, cảm xúc khi hồi tưởng về quá khứ thường là nuối tiếc hay cảm xúc khi nghĩ hướng đến tương lai thường là bất an thì lo lắng không biết nó xảy ra như thế nào. Tất cả những cảm xúc vui, buồn, khó chịu, dễ chịu, thoải mái, bồn chồn...chúng ta nên ghi nhận. Đơn thuần chỉ ghi nhận chứ đừng phản ứng lại gì cả. Cứ theo dõi, mình đang có cảm xúc gì và cảm xúc này muốn nói với mình điều gì, chúng ta ắt sẽ tìm thấy ngay câu trả lời xuất hiện trong đầu mình.
Tập cho mình có thói quen ghi nhận cảm xúc của mình, khả năng tập trung, ý thức được dòng chảy của cảm xúc cũng như những thay đổi trong dòng chảy này, chúng ta sẽ nắm quyền kiểm soát và làm chủ được cảm xúc. Đây là một quá trình cần thực tập liên tục, kiên trì và kết quả sẻ đến tự nhiên. Không nên và không thể can thiệp thô bạo vào dòng cảm xúc như ‘bắt’ nó dừng lại không được tiếc nuối với những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay mơ tưởng ở tương lai. Hãy ghi nhận, chỉ thuần túy ghi nhận và ý thức thật rõ về diện mạo và những dấu hiệu mà các cảm xúc này mang đến cho cơ thể. Trong Phật giáo có một phương pháp thực tập nhằm luyện cho mình kỹ năng và nghệ thuật nhận diện cảm xúc một cách tinh nhạy gọi là thiền định.
Vài phương pháp luyện tập trí tuệ cảm xúc
Thư giãn và hít thở:Chúng ta có thể đơn giản hóa phương pháp thực tập thiền định của Phật giáo thành một vài động tác tập thể dục nhẹ, ngắn gọn để có thể nâng cao kỹ năng ý thức cảm xúc một cách thường xuyên xen kẽ với công việc thường ngày bận rộn của mình. Những lúc ngồi thư giãn, thay vì tán dóc, hóng chuyện, bồi hồi nhớ về và nuối tiếc quá khứ, viển vông với tương lai xa vời, chúng ta có thể tập thể dục như sau. Ngồi thẳng lưng, giữ thân ở tư thế thoải mái, không gồng mình, chú tâm vào hơi thở ra, hơi thở vào. Hãy theo dõi tư tưởng và cảm xúc của mình trong tư thế thư giãn này. Không đánh giá nhận xét, chỉ cần làm một việc đơn giản là ghi nhận cảm xúc. Đây là một trong những cách làm cho trí tuệ cảm xúc ngày càng phát triển.
Hơi thở là cái thiết thân với mỗi con người và liên quan chặt chẽ với cảm xúc. Khi cảm xúc thay đổi, hơi thở cũng thay đổi theo và khi có thể duy trì hơi thở đều đặn, cảm xúc cũng được ổn định theo. Điều này chúng ta có thể nhận biết qua kinh nghiệm cá nhân. Khi lo lắng bồn chồn, hơi thở trở nên cạn và gấp gáp. Do đó, luyện tập hằng ngày trong những lúc rảnh rỗi, dăm ba phút đứng chờ đèn đỏ, vài phút giải lao tại văn phòng, chúng ta nên luyện tập bài tập đem thân và cảm xúc về với hơi thở.
Viết nhật ký cảm xúc
Điều quan trọng để phát triển trí tuệ cảm xúc là mình phải thành thật chịu trách nhiệm về những ý tưởng và cảm xúc của mình. Lắm khi chúng ta đẩy trách nhiệm ấy sang người khác qua cách phản ứng của mình. Không dám nhìn nhận và thiếu trách nhiệm trong những trường hợp này là cản lực lớn nhất cho quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc. Đôi khi nó còn phản tác dụng nữa. Ví dụ khi ta nổi giận, ta cho rằng ‘ai đó’ làm mình giận và mình có quyền giận. “Chị A làm tôi buồn”, “anh B làm tôi tức”, “ông C không đáp ứng nhu cầu của tôi”… thường xuyên xuất hiện trong đầu mình. Thế là bao nhiêu cảm xúc bực bội, khó chịu và tức tối mình sẵn sàng đổ lên đầu người đó, thậm chí đổ trên đầu bao nhiêu người vô tội khác theo quy luật tâm lý 'chuyển đối tượng' theo kiểu 'giận cá chém thớt'. Bao nhiêu mối quan hệ bị bào mòn và rạn nứt vì sự phản ứng của mình, những phản ứng mà mình thấy là có lý mà người khách quan thấy vô lý. Nếu mình biết bình tĩnh để ‘nhìn vào trong’ thay vì ‘trông ra ngoài’, chúng ta kịp thời ghi nhận cảm xúc của mình, có thời gian suy nghĩ để điều chỉnh và phản ứng hợp lý với tình huống và đối tượng, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cách phản ứng và mức độ phản ứng của mỗi người trong cuộc sống phản ánh trí tuệ cảm xúc của người đó.
Người ta thường nói “khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống”. ‘Khôn’ là chỉ cho người có chỉ số thông minh IQ cao còn ‘biết’ là chỉ cho người có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao vậy. Vẫn biết yếu tố thông minh qua chỉ số IQ rất quan trọng để xử lý vấn đề và giải quyết công việc, nhưng nó cần trí tuệ cảm xúc qua thông số EQ để có thể thành công và hạnh phúc ở đời. Bên cạnh trí thông minh, nhận biết, ý thức và điều chỉnh cảm xúc là một phần trong quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc, hoàn thiện nhân cách và tạo nên cuộc sống thành công để có thể nhẹ nhàng bước đi giữa bao nhiêu bề bộn của đời thường.