Saturday, October 11, 2008

BA CÁI BÁNH ÍT

Câu chuyện này tôi đã nghe nhiều người kể và nghe nhiều lần rồi. Ấy thế mà vẫn thấy hay và chí lý. Đơn giản, nó phản ánh cái phản ứng tâm lý thường tình ở con người khi 'xúc sự'. Hôm nay, tôi lại thích thuật lại câu chuyện này...
Xưa có một lão thầy pháp đi hành nghề, dắt theo một chú đệ tử nhỏ.
Trong lúc cầu đảo cho gia chủ, lão lén lấy được ba cái bánh ít và dúi cho thằng đệ tử đang đứng quạt hầu sau lưng.
Ðám xong, hai thầy trò ra về. Trên đường về lão thầy pháp bảo đệ tử lấy bánh ít ra ăn lót dạ. Thằng bé ấp úng nói:
- Khi ấy con tưởng thầy cho con nên con ăn hết cả rồi…
Hai thầy trò đành tiếp tục đi, thầy trước trò sau. Ðược một quãng, ông thầy quay lại mắng đệ tử:
- Bộ tao là tù nhân sao mà mày đi tò tò phía sau như công an áp giải tội phạm vậy?
Trò nghe quở, lật đật chạy đi trước. Ông thầy lại nạt nộ:
- Bộ mày là thầy tao sao mà dám đi trước tao?
Chú bé liền đi ngang hàng với ông thầy, bấy giờ ông thầy liền trợn mắt quát:
- Bộ mày là bạn bè tao sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Chú học trò khổ sở, lúng túng, đành vòng tay thưa:
- Thưa thầy, vậy con phải đi cách nào cho đúng lễ đây?
Ðến lúc này, ông thầy pháp mới chịu nói…huỵch tẹt ý mình với thằng đệ tử ngây ngô:
- Mày muốn đi kiểu nào cũng được… miễn sao…miễn sao… có ba cái bánh ít trả lại tao thì đúng lễ ngay. (theo 'cặn bã ký ức')

Thật là khổ! Chính vì muốn người khác hiểu và đáp ứng những nhu cầu của mình mà loài người phải có thật nhiều từ ngữ để nói một cách dài dòng, quanh co như lão thầy pháp trên đây vậy. Đi đường vòng rồi mà không đạt được mục đích thì hoặc làm thinh chịu đựng hoặc nói huỵch tẹt ra cho rồi. Sự thật, đôi khi khó nói biết là bao, nhất là cái sự thật ấy được chủ nhân nó ý thức được không có gì là tốt đẹp cả. Kiếm cớ để bao biện cho cái vụng về và chưa được tốt của mình là một thói quen cần phải ý thức nhiều chúng ta mới nhận ra và cần cố gắng lắm thì mới có thể kềm chế và chuyển hóa.