Saturday, October 18, 2008

THỰC HÀNH PHÁP Ở GIA ĐÌNH - NHÌN LẠI LỜI NÓI ĐÚNG

Hằng Như dịch từ bản tiếng Anh "Family dhamrma - Right speech recosidered" của Beth Roth ở trang tricycle.
http://www.tricycle.com/web-exclusive/family-dharma-right-speech-reconsidered

Đức Phật đã hướng dẫn rõ ràng về tầm quan trọng của ngôn ngữ và làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ hiệu quả nhất trong giao tiếp. Lời nói đúng, hay còn gọi là lời nói khôn ngoan, lời nói đạo đức là lời nói đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Nói lời đúng là một trong năm nguyên tắc đạo đức, là không giết hại mà bảo hộ sự sống, không lấy cắp mà chỉ nhận những gì được cho, không dùng năng lực tính dục để xâm hại mình và người khác, không uống các chất gây say nghiện làm cho tâm trí mê ám. Đức Phật dạy rằng, đạo đức là căn bản để thực hành thiền và là nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống tâm linh thanh thản yên vui. Đức Phật gọi các nguyên tắc đạo đức này là “năm món quà tặng” vì khi thực hiện năm nguyên tắc này, chúng ta đem lại món quà lớn cho bản thân mình và cho những người xung quanh. Đó là món quà của sự tự do, không sợ hãi, không thù hằn và không áp bức.


Không những là một thành tố cấu thành năm nguyên tắc đạo đức căn bản này, nói lời đúng còn là một trong các yếu tố tạo nên con đường thánh tám ngả. Cùng với thấy biết đúng, tư duy đúng, hành động đúng, nuôi mạng đúng, nỗ lực đúng, tỉnh thức đúng và quán chiếu đúng. Ở đây, từ ‘đúng’ không có nghĩa là trái nghĩa với sai hay xấu được nhận định trên bình diện đạo đức mà đúng, nghĩa là đưa đến an vui hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Con đường thánh tám ngả là con đường đưa đến sự giải thoát, được mô tả là hạnh phúc, an vui trong nội tâm, tự do không còn bị khổ đau ràng buộc trong đời sống. Con đường này còn giúp cho người thực hành thoát khỏi những cảnh giới khổ đau ở những kiếp sống sau.

Đức Phật đưa ra một định nghĩa rõ ràng về lời nói đúng. Theo định nghĩa của Ngài, lời nói đúng là “không nói sai sự thật, không nói lời hiểm độc, không nói lời thô lỗ cộc cằn và không nói chuyện nhảm nhí vô ích.” Nếu dùng thuật ngữ nhà Phật diễn đạt, nghĩa là từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác và từ bỏ nói lời phù phiếm. Nói cách khác, theo hướng tích cực, các nguyên tắc này là động cơ giúp chúng ta chỉ nói sự thật, nói những lời làm cho mọi người hòa hợp, dùng lời nói hòa nhã, dịu dàng và nhỏ nhẹ và nói trong tỉnh thức để lời nói của mình có mục đích và lợi ích.

Dùng lời nói đúng là một cách thực hành tỉnh thức. Bằng cách thực hành này, chúng ta ý thức rõ hơn về cơ thể, tâm ý và tình cảm của chính mình. Chính sự tỉnh thức giúp chúng ta có thể nhận biết những điều mình sắp nói ra trước khi những lời đó được thốt ra. Như vậy, sự tỉnh thức cho ta sự tự do chọn thời điểm mình nói, chọn điều mình nói và cách mình nói như thế nào. Với sự tỉnh thức, chúng ta thấy rõ rằng tâm thức là mảnh đất để cho lời nói sinh sống. Chúng ta học cách kềm chế lời nói trong những lúc mình giận dữ, thù hận và bối rối thiếu bình tĩnh, đồng thời chúng ta cũng học cách luyện tâm để tâm thức thường xuyên hướng về các trạng thái tâm thức thiện lành như yêu thương, tốt bụng và đồng cảm. Từ trong các trạng thái tâm thức thiện lành này, lời nói đúng sẽ phát sinh một cách tự nhiên.

Muốn thực hành nói lời đúng, chúng ta cần lưu tâm đến luật nhân quả nghiệp báo. Chúng ta cần thường xuyên quán sát để thấy rằng, nhiều loại lời nói khác nhau sẽ đưa đến kết quả khác nhau. Có lời nói gây nên đau khổ cũng có lời nói tạo ra hạnh phúc. Người Tây Tạng có câu cầu nguyện rằng “Cầu mong bạn hạnh phúc và làm cho mình hạnh phúc. Cầu mong bạn hết khổ và làm cho mình hết khổ.” Khi chúng ta hiểu được nguyên tắc vận hành của luật nhân quả, chúng ta mới có thể cảm nhận được ý tưởng sâu sắc trong lời cầu nguyện này.

Thực hành lời dạy về lời nói đúng là thừa nhận mình chưa hoàn hảo. Lỗi lầm là một phần quan trọng trong quá trình học của mỗi con người. Chúng ta cần học trong những lúc mình nói dối, nói phóng đại sự thật, nói lời thêu dệt, nói lời độc ác thô tháo, nói đùa giỡn vô ích, nói không đúng thời để cảm nhận được hậu quả của những lời nói ấy, nó tạo sự căng thẳng không thoải mái cho thân, lo âu mệt nhọc cho trí và ăn năn hối hận cho tâm biết dường nào. Chúng ta cũng hiểu ra được những lời nói không tốt ấy làm hỏng các mối quan hệ cá nhân và có thể làm giảm đi sự an bình của thế giới quanh ta như thế nào.


Bởi vì lời nói đúng là phần rất căn bản trong những lời dạy của Đức Phật, chúng ta cần biết thêm nghe đúng, như là một phần bổ sung cho nói đúng, cũng không kém quan trọng. Vậy nghe đúng là gì?

Tự điển Webster định nghĩa ‘nghe’ là ‘chú ý đến âm thanh’ và ‘để lắng nghe’. Như vậy, nghe một cách hiệu quả nghĩa là chú ý nhiều hơn là âm thanh, do đó, đòi hỏi chúng ta không chỉ dùng hai lỗ tai mà được. Nếu chúng ta tỉnh thức ngày càng nhiều hơn trong các mối quan hệ bình thường, chúng ta sẽ thấy rằng nghe là sự chú tâm vào các cảm thọ thân thể, ý tưởng và tình cảm cũng như giọng nói, biểu hiện trên khuôn mặt người nói, cử chỉ khi nói, những khoảng lặng khi dừng lại, ý nghĩa tiềm ẩn và nhiều sắc thái phong phú cùng với nội dung lời nói được phát ra. Nghe như thế này, thiền sư Nhất Hạnh gọi là “lắng lòng nghe”, bác sĩ Rachel Naomi Remen thì gọi đây là cách “lắng nghe hết lòng”, còn Joan Halifax, người giảng dạy Phật pháp và là huấn luyện viên tại bệnh viện dành cho người hấp hối, gọi đây là “lắng nghe từ trái tim” và Quakers gọi là “ lắng nghe chân thành”. Cũng giống như những cách thực tập tỉnh thức khác, nghe đúng vừa là một kỹ năng vừa là nghệ thuật sống. Trong cuốn sách “thiền nghe”, cô Rebecca Sharif viết “lắng nghe là một nguồn tự nhiên cá nhân lớn nhất của chúng ta, đây là một trong những khả năng phát triển nhất của mình.”

Nói lời đúng, theo tôi, là nguyên tắc khó nhất trong năm nguyên tắc đạo đức và là phương diện tinh tế nhất của con đường thánh tám ngả. Cuộc sống hằng ngày, bất kể là ở nhà, nơi làm việc hay trong cộng đồng, đã cho ta vô số cơ hội để thực hành tỉnh thức và lòng từ ở lãnh vực cần dùng lời nói trong giao tiếp với mọi người. Và mặc dù thực tập trong nhiều năm, chúng ta vẫn gặp thử thách ghê gớm để có được nói đúng và nghe đúng trong môi trường gia đình.

Khi hai con tôi, Emilio và Claudia còn nhỏ, chúng tôi sử dụng khá thành công khi áp dụng các công cụ giao tiếp dùng trong hoạt động nhóm và giải quyết xung đột với người lớn. Trong các cuộc họp mặt gia đình, buổi thảo luận và nhất nhất không làm gián đoạn người khác khi nói để cho sự truyền thông được liên tục. Thế nhưng, khi các cháu lớn một chút, nói đúng và nghe đúng trở nên một thử thách, nhất là khi phải bàn đến những hành vi không được tốt và sự bất đồng trong quan điểm. Tôi nhận thấy rằng, chúng tôi đã ý thức tạo ra môi trường để có sự lắng nghe đúng, vì nếu không có khả năng lắng lòng nghe, tất cả những lời nói đúng trên đời này không có ý nghĩa bao nhiêu cả.

Vào lúc Emillo vào lớp 6, do nhiều ảnh hưởng kết hợp, bao gồm cả cái mà nếu gọi chính xác là “hóc-môn dữ dội” hội tụ cùng một lúc. Bất chợt, cậu bé không chịu nghe những gì tôi muốn nói. Cũng khó cho tôi khi phải kiên nhẫn với những điều cậu bé không muốn nghe. Tất nhiên là càng xung đột nhiều trong quan điểm, truyền thông nhau lại càng khó hơn. Sự kiên nhẫn, tôn trọng và phụ thuộc vào nhau một thời đã tạo cho chúng tôi cảm giác rất thoải mái dần dần mất đi cùng với năm tháng. Kỹ năng nói và nghe chúng tôi đã khéo nuôi dưỡng giờ thay vào là sự mất tin tưởng, thiếu kiên nhẫn và phản ứng tự vệ. Lúc nào cũng vậy, tôi nghĩ rằng tôi đến với con trai tôi trong tinh thần cởi mở và thân thiện để thực hiện điều mà tôi gọi là nói đúng và đối diện với chính mình để tìm lại trong tôi trạng thái không được ý thức ấy. Thế nhưng chỉ trong vài giây, tôi không chịu nổi nữa, liếc nhìn lưng đứa con trai tôi, nó lao vụt ra khỏi phòng, tay đấm vào hư không và miệng tuôn ra một dòng âm thanh không thể nào hiểu được.

Tôi tư vấn nhiều phụ huynh khác, cả chuyên gia nữa, tất cả đều khẳng định rằng những biểu hiện của con trai tôi là bình thường của một đứa bé ở tuổi dậy thì. Họ nói rằng mối quan hệ giữa tôi và con trai đang trải qua thời kỳ thay đổi bình thường của sự phát triển. Thế là tôi hiểu được hành vi của con trai tôi, sự thất vọng trong tôi và mối quan hệ giữa chúng tôi hỏng đi thật là đau đớn. Tôi tin chắc rằng có một cách gì đó hay hơn và hiệu quả hơn. Tôi quyết định tìm cho ra mới được. Thế là tôi bắt đầu một quá trình thử nghiệm dùng lời nói đúng và lắng nghe đúng, một quá trình đầy thử thách và sáng tạo mở ra, luôn đưa đến kết quả là sự kết hợp giữa sự thất vọng với vài kết quả khả quan.

Tôi có cảm nhận đáng kể sau khi cách giao tiếp gây đổ vỡ xảy ra lần đầu tiên vài tháng. Lúc ấy, Emilio có hành vi phản ứng dữ dội và cực đoan, tôi có cảm giác tôi đang bị tấn công. Như vậy, tôi đáp lại con tôi trong cảm giác bị tấn công. Rõ ràng chúng tôi có vấn đề tiềm ẩn. Tôi cần con tôi giúp tôi nói ra tôi nên tiếp xúc với nó theo cách thế nào để con tôi cảm thấy an ổn và không bị đe dọa.

Một thoáng im lặng, Emilio đồng ý nói chuyện với tôi về vấn đề trong truyền thông giữa hai bên. Con tôi nói rằng nó cảm thấy bị phê bình và tấn công khi tôi cố gắng nói chuyện với nó về những xung đột hay khó khăn, dù là chuyện nhỏ nhặt nhất. Chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng tôi cần thay đổi cách nói để con tôi có thể nghe trong tinh thần cởi mở với những gì tôi muốn nói.
Vài tuần sau, tôi và con trai thảo luận một số bước ‘mở đầu’ để xây dựng một giai đoạn giao tiếp có nghệ thuật hơn. Emilio đề nghị rằng, thay vì bàn về những vấn đề khó khăn, nó muốn tôi nói cho nó biết điều tôi dự định nói, rồi hỏi nó thời điểm nào là thuận tiện nhất để thảo luận. Đây là một yêu cầy hay và hợp lý, tôi thật sự tôn trọng. Chúng tôi cũng thỏa thuận với nhau rằng, nếu có sự thay đổi giờ giấc đã định cho cuộc nói chuyện, thì sẽ dời lại trong vòng vài hôm kể từ lúc tôi đến nói chuyện với cậu bé. Tôi đề nghị rằng, khi chúng tôi thảo luận một vấn đề khó giải quyết, con tôi có thể quyết định trả lời ngay khi vấn đề được nêu lên hoặc suy nghĩ kỹ rồi trả lời sau đó vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Nó thích đề nghị này. Nó nói nó không trả lời ngay lập tức mà cần lắng nghe chăm chú hơn, giảm cảm giác cấp bách của vấn đề và khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, nó sẽ trả lời.

Những cuộc nói chuyện tiếp theo, chúng tôi nói về phản ứng tự vệ của nó khi gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi giải thích cho con tôi biết, tự vệ là một phản ứng tự nhiên của hầu hết tất cả chúng ta, vì mình tin rằng cách này cần thiết và hiệu quả. Và khi đối mặt với sự đe dọa và coi như kẻ thù, tự vệ có thể phục vụ được phần nào mục đích, nhưng khi nói chuyện với người thân, tâm lý này làm cản trở sự truyền thông. Emilio nói rằng nó cảm thấy trở nên ít tự vệ hơn khi tin tưởng vào ý định của tôi hơn. Tôi xác quyết với con tôi rằng thiện chí của tôi là xây dựng sự truyền thông giữa tôi và nó tốt hơn và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp chứ không có ý chỉ trích phê bình nó cũng như thể hiện quyền lực của người mẹ. Chúng tôi nói về cách làm thế nào để tôi thể hiện ý định của mình. Emilio yêu cầu rằng, để mở đầu cho cuộc thảo luận một vấn đề khó khăn, tôi nên nhắc như thế này “Emilio, mẹ yêu con. Mẹ mong hai mẹ con mình cùng nhau tháo gỡ vấn đề mẹ sắp nói ra đây.” Chúng tôi đồng ý với nhau rằng con tôi cũng dùng những lời mở đầu tương tự như vậy để nói về một vấn đề có thể tôi không muốn đề cập đến.

Sau khi lập nên những nguyên tắc này rồi, chúng tôi bắt đầu nói đến việc làm thế nào để duy trì được sự cởi mở trong khi theo bản năng, lúc đó mình muốn khép kín lòng mình lại. Tôi đưa ra cho Emilio nhiều ví dụ để con tôi thấy tôi sử dụng sự chú ý, nhìn thẳng vào nội tâm mình như thế nào để chống lại sự kháng cự khi nói chuyện với người lớn. Ví dụ tôi tập trung ý thức cảm nhận hơi thở, buông thư toàn thân và cố gắng duy trì trạng thái không phản ứng gì cả trong khi người kia đang nói. Tôi hỏi liệu con tôi có thể nghĩ ra năm cách tương tự như vậy để áp dụng cho mình không. Vài phút trôi qua, Emilio đưa tôi coi hai tờ giấy nhỏ, trên đó nó viết ra 10 ý kiến với chữ nhỏ xíu: thở, tự nhắc mình rằng mình không phải đang bị phạt, cố gắng buông thư, cố gắng chuyển tải những gì mình muốn biểu hiện bằng lời nói, không huơ tay xung quanh hay đảo mắt nhìn hoặc lầm bầm, phải ý thức rõ tay mình đang đặt ở đâu, đừng cắt lời hay nói chen vào những lời mỉa mai như “con không thích điều đó”, “rồi sao nữa?”, “có vấn đề gì với việc này chứ?”, hãy im lặng một tí trước khi trả lời lại những gì mẹ nói, đếm nhẩm từ 1 đến 5 trong đầu và trả lời câu hỏi của mẹ vào lúc khác hay vào ngày khác.

Tôi rất vui vì chúng tôi đã làm được nhiều điều khả quan và trong vòng vài tháng và có sự cải thiện nhiều về khả năng nói và lắng nghe. Thế nhưng khi này khi khác, sự truyền thông thỉnh thoảng vẫn bị trục trặc và mỗi lần như vậy, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm giải pháp để làm cho tình thế trở nên tốt hơn.

Tôi cố gắng đặt những trục trặc trong truyền thông giữa tôi và Emilio vào trong một bối cảnh lớn hơn. Tôi nói với cậu bé về sự quan trọng và phức tạp của việc lắng nghe và khi không thể truyền thông nhau trong tinh thần kiên nhẫn và tôn trọng, nó sẽ làm hỏng không chỉ các mối quan hệ cá nhân mà còn gây nên bao vấn đề khác đe dọa thế giới xung quanh mình. Tôi bảo Emilio rằng nếu chúng ta tiếp tục làm cho mối quan hệ của mình ngày một tốt hơn, không những chúng ta có thêm lợi ích trong mối quan hệ của mình mà còn lợi ích cho tất cả các mối quan hệ khác của tôi cũng như con tôi trong hiện tại cũng như trong tương lai. Tôi nói với Emilio rằng, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy nghe điều mình không thích hoàn toàn khác với nghe điều mình thích thú. Emilio đồng ý liền, rằng khi phải “nghe trong áp lực” thật ra đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nữa.

Để minh họa điều này rõ hơn, chúng tôi cùng nhau chơi ‘trò chơi lắng nghe’. Tôi đưa cho Emilio bốn mảnh giấy trắng và yêu cầu con tôi viết vào đó bốn câu mà nó thích nghe tôi nói với nó. Việc này khá dễ dàng. Cậu bé viết ngay “Emilio à, cô giáo khen con là con đã làm bài thật xuất sắc ở trường.” “Chúng ta sắp đi đón chú cún Luna của mình.” Chúng ta chuẩn bị sang tiểu bang Virginia để thăm người bà con.” “ Con thật giỏi Caporiera (Caporiera là nghệ thuật đánh võ của người Brazil tóc xoăn mà con tôi theo học vào thời điểm ấy). Khi Emilio viết xong, tôi đưa cho nó bốn mảnh giấy nữa. Lần này tôi yêu cầu con tôi viết ra bốn điều cậu bé không thích nghe tôi nói. Emilio bối rối một chút. Tôi gợi ý những điều hầu hết mọi người không thích nghe. Cậu bé nói “phê bình và phản đối.” Tôi nói thêm vào rằng hầu hết mọi người phản ứng theo cách tự vệ khi nghe người khác nói điều gì họ không đồng ý hay có ý chỉ trích cá nhân. Với sự gợi ý này, cậu bé liền đặt bút ghi bốn câu tiếp “ sao giường con nhỏ xíu thế này?” “Trường trung học cơ sở con sẽ học vào năm tới là một ngôi trường tồi tệ.” “Border Collies là giống chó xấu nhất.” “Nghe nói em của con là con nuôi ở Bolivia.” “Tại sao con bé ấy không phải là ở Mỹ nhỉ?”

Tiếp đó, tôi yêu cầu nó viết ra bốn câu ‘vô thưởng vô phạt’. Cái này hơi khó hơn. Thế là tôi cho ví dụ một số việc có tính chất trung tính. Nó viết “con nghĩ trời sắp mưa.” “Ba đang trồng cỏ ở vườn sau.” “Claudia đang quét nhà bếp.” “Mưa đêm qua làm ngập bờ sông.”

Đến lúc này thì Emilio ngạc nhiên với cách tôi xử lý các mảnh giấy này. Tôi nói tôi sẽ lần lượt đọc lên từng câu một để Emilio có thể cảm nhận được những phản ứng khác nhau khi nghe các câu khác nhau. Tôi hỏi nó muốn tôi đọc liên tục bốn câu cùng loại hay đọc ngẫu nhiên. Emilio trả lời “ngẫu nhiên,” thế là tôi xóc mấy tờ giấy trước khi lật úp chúng trên tấm thảm. Tôi đọc lớn từng câu một, dừng lại sau mỗi câu để Emilio cảm nhận phản ứng của mình.

Không có gì đáng ngạc nhiên, với những câu có ý tiêu cực, Emilio nói rằng “con khựng lại và không muốn nghe nữa.” “ Các cơ bắp con căng ra.” “Con cảm thấy nhức nhối trong lòng.” “Ngực con cứng và co thắt lại.” “Con dằn lòng lại.” “Con muốn cắt lời mẹ và nói đừng có đọc nữa.” “Con cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.” và “ con cảm thấy da mình nóng lên.”

Đáp lại những câu có ý tích cực, Emilio ghi nhận “niềm vui vỡ òa lên khắp toàn thân.” “Sức sống trỗi dậy mãnh liệt hơn bên trong.” “Con cảm thấy có khoảng không bên trong, giống như một cái cổng lớn dao động đang mở ra.” “Cơ bắp con cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn.” “Toàn thân con cảm thấy rất năng động, như thể muốn chạy đi liền,” và “Niềm vui ngập tràn tâm trí con.”

Đáp lại những câu trung tính, Emilio nói rằng, toàn thân, hơi thở và nhịp tim của cậu bé cảm thấy thoải mái, nhưng không phấn khích và nó cần cố gắng chú tâm nhiều hơn mới có thể ghi nhận được cảm nhận về thân thể.

Emilio ngạc nhiên về những phản ứng của mình đối với các câu mà chính nó vừa viết ra trước đó vài phút. Sự quán sát của nó làm nổi bật một điều là nó phải đương đầu để điều khiển những phản ứng của mình như thế nào nếu không ý thức được những gì đang xảy ra. Chúng tôi nói về những ý tưởng, tình cảm và cảm thọ phản ứng như thế nào ở tất cả mọi người. Tôi nói với con trai tôi rằng nếu ý thức càng nhiều về các phản ứng này, chúng ta có thể hiểu mình nhiều hơn và thời gian cần để quyết định một việc cần nói hay làm sẽ ngắn lại, như vậy chúng ta sẽ ý thức nhiều hơn khi chọn hành vi của mình.

Ở cuộc thảo luận tiếptheo, tôi và Emilio bàn về một ý tưởng khác là làm thế nào để duy trì truyền thông nhau một cách cởi mở. Chúng tôi mua một cuốn sổ để viết những điều cần thảo luận mà không muốn nói ra. Tôi đùa nói cuốn sổ đó là người bạn thân tình của chúng tôi. Chúng tôi thỏa thuận nhau về những nguyên tắc ghi trong cuốn sổ này. Tôi nghĩ cuốn sổ này là phương tiện thích hợp để tôi truyền thông với con trai bằng hình thức viết và cũng nhờ nó, chúng tôi khởi đầu có sự truyền thông nhau tốt hơn. Chúng tôi đặt cuốn sổ ở vị trí giữa và người nào viết vào sổ thì khi viết xong, đặt sổ vào bên trong lối đi vào phòng người kia. Người kia có trách nhiệm đọc và hồi đáp trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Loại sổ tôi mua để dùng cho mục đích này là loại ở ngoài bìa có một cái ô nhỏ để học sinh ghi tên mình vào. Tôi hỏi Emilio chúng ta nên ghi tên cuốn sổ này là gì, nó trả lời “tôi yêu bạn, người bạn nhật ký của Emilio,” rồi nó liền viết dòng chữ này vào ô trống trên bìa sổ.

Tôi duy trì cuốn nhật ký này trong vòng hai năm. Nó chưa được viết đầy, nhưng chúng tôi có được nhiều lợi ích trong việc sử dụng nó thường xuyên. Rõ ràng là nó giúp cho cả hai mẹ con tôi. Nó chứa đựng cả ý kiến và hồi âm của mỗi người. Ngoài những gì được viết ra, Emilio còn vẽ tranh màu về cơ thể mình để diễn tả những biểu hiện tình cảm và cảm thọ của thân thể. Emilio cũng phác họa ra cảm nhận của tâm khi khó khăn lắm mới có thể điều khiển lời nói hay hành vi và vẽ sơ đồ mô tả cơn giận nổi lên nhanh như thế nào. Chúng tôi cùng nhau giải tỏa những hiểu lầm và giải thích tại sao chúng tôi đã đành động thiếu kiên nhẫn và thiếu tôn trọng nhau như vậy. Chúng tôi xin lỗi nhau, bỏ qua cho nhau, tha thứ cho những lúc đi quá đà và công khai xác nhận tình thương yêu và chăm sóc lẫn nhau. Thỉnh thoảng tôi cười lớn khi viết vào sổ hay đọc phản hồi của Emilio. Nhiều lúc buồn tôi cũng khóc, vào lúc khác tôi lại cảm thấy hạnh phúc vừa ngọt vừa đắng trong tình yêu thương và sự gắn kết.

Tất nhiên, nhiều lúc truyền thông vẫn cứ tiếp tục bị bế tắt. Khi ấy, tôi đến Emilio với một tâm đầy thân thiện và nỗ lực hết mình để dùng lời nói đúng, nhưng cũng chỉ được trong vài giây, có khi vài phút, cuộc trao đổi dừng lại đột ngột. Emilio lao ra khỏi phòng và cả hai chúng tôi đều cảm thấy buồn đau, thất vọng và giận dữ. Tôi tranh đấu để giữ sự an tịnh và không làm cho tình thế trở nên tồi tệ hơn với những phản ứng để tôi phải hối tiếc về sau. Tôi sử dụng các cách như cảm nhận hơi thở, gọi tên các ý tưởng và tình cảm khởi lên và lặp lại những cụm từ về lòng từ và giữ tâm trầm tĩnh để hỗ trợ, nhưng vẫn không đủ. Tôi tự nói với chính mình trong nhiều năm rằng tôi không xử lý vấn đề trên phương diện cá nhân, nhưng rồi thật khó mà chỉ ra rằng làm thế nào để không đứng trên phương diện cá nhân đây. Tôi cần một điều gì khác giúp tôi để vượt qua những giây phút khó khăn này, một phương cách nào đó giúp tôi giảm đi sự gắn chặt mình với cái ngã đang bị ngược đãi ấy. Cuối cùng tôi cũng đã tìm ra một phương cách. Dừng lại để thở một hơi thở có ý thức, rồi tự nhủ thầm với chính mình rằng “đây là bản chất của tuổi dậy thì.”

Tôi không hiểu sao những con chữ này có tác dụng với tôi nhiều đến thế. Cụm từ này trở thành đồng minh đắc lực nhất cho sự nỗ lực của tôi để duy trì một chừng mực nào đó sự chấp nhận và cân bằng trong những lúc có xung đột với con trai tôi. Sự xung đột vẫn cứ tiếp tục xảy ra, tiếp tục gây buồn lòng nhưng mức độ gây buồn cũng giảm đi và bớt đi phần cá nhân so với trước và chúng tôi chuyển hóa những nỗi buồn này cũng nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Tôi và Emilio cùng nhau đi một chặng đường dài và cũng còn lắm lỗ hổng cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì lẽ đó, nói đúng và lắng nghe đúng là một quá trình rèn luyện tỉnh thức suốt cả đời. Tôi bỗng nhớ lại lời của Christine Longaker, một người làm tại bệnh viện dành cho người hấp hối. Trong một tuyển tập do Mark Brady làm chủ biên, cô có viết một chương với tựa đề “trí tuệ của sự lắng nghe”. Cô ấy viết “bạn phải lắng nghe một cách toàn tâm, không chỉ với lỗ tai. Hãy lắng nghe với cơ thể, với tim, với mắt, với năng lượng mình có được, tất cả những gì mình có. Nghe trong yên lặng, không gián đoạn. Hãy lấp kín những khoảng trống trong im lặng của mình bằng tình yêu thương.” Những khoảnh khắc tôi có thể lắng nghe như thế, với con tôi hay với người khác thật hiếm hoi. Những từ này truyền cảm hứng cho tôi trong khả năng có thể, vì vậy tôi cảm thấy biết ơn.