Thỉnh thoảng, tôi gặp vài huynh đệ, bạn bè hỏi “dạo rày
làm gì?”, tôi trả lời “không làm gì cả!”. Ai cũng ngạc nhiên và thất
vọng với câu trả lời của tôi. Trong thâm tâm họ, tôi cần phải làm gì
đó, cái mà họ cho “phật sự” thì mới phải, thì mới xứng đáng với
thời gian tôi được sống trong môi trường này, xứng đáng với thời gian
tôi dành cho việc học của mình. Họ cứ thắc mắc “học rồi không làm
gì à?”, “giảng dạy gì đi!” Tôi chỉ cười lắc đầu…
Tôi
ước chừng số đông người xuất gia thời nay nằm trong xu thế này…
Làm? đúng rồi, chúng ta vẫn quen làm chứ không hề quen
“không làm”, nên khi nghe nói có ai đó “không làm”, hầu như khó được
chấp nhận. Thêm vào đó, quanh ta ai cũng làm mà. Dám “không làm” giữa
bao người bận rộn là một điều khiến bao người miệng mắt gì cũng
tròn hình chữ O vì quá ngạc nhiên!
Đúng, quanh tôi, nhiều người siêng năng làm và làm giỏi
lắm. Họ làm đến mức không có thời gian để rồi phải ăn ngủ trên xe
thôi! Họ di chuyển mỗi ngày một tỉnh, lưu dấu khắp các miền từ miền
nam trù phú đến miền trung khô cằn, từ miền đông đất đỏ đến miền tây
sông nước, từ miền xuôi đất rộng người đông đến cao nguyên bạt ngàn
nắng gió… đâu đâu họ cũng tích cực đặt chân đến. Họ đi nhiều, thuyết
giảng nhiều, sống vì người khác nhiều quá nên hầu như
không còn mấy thời gian và năng lượng để sống cho mình.
Đúng, quanh tôi, nhiều người siêng năng làm và làm giỏi
lắm. Họ bước lên nấc thang “cơ cấu” ngày một cao (thiết chế này không
có thời Phật nên không biết gọi là gì cho chuẩn, dùng từ thế gian
để nói thì e người trong cuộc cũng không thích, nên tạm dùng từ “cơ
cấu”) và tỏ ra tâm đắc lắm với con đường đi ấy. Họ hy sinh cho việc chung và cộng đồng mà không còn thời gian sống cho bản thân. Có lần một người bạn bảo rằng, “tôi muốn dành thời gian cho một số việc
quan trọng của mình, nhưng chưa thể nào sắp xếp được việc chung. Cứ
việc này việc kia đến và không thể không giải quyết…” Họ hy sinh dấn thân cho cộng đồng và nhanh chóng trở thành người của
công chúng. Trong số họ, có người mang cốt thánh, lúc mới 9,
10 tuổi, cái tuổi mà các đứa trẻ
khác còn vòi vĩnh bố mẹ những thứ vớ vẩn, thì họ đã sớm “nhận thấy con đường cao đẹp của đức Phật đưa ra” mà giác ngộ
xuất gia! Người thoát tục như thế thì có lăn lộn trong cái “cơ cấu”
ấy cỡ nào cũng dễ gì mà “lấm tấc son”, nên họ tự tin dấn thân là
đúng!
Tôi cảm phục sự hy sinh về sức khỏe và tinh thần dấn thân
của họ. Tôi cảm phục họ vì tôi không thể làm được như họ đang làm.
Người đời thường nhắc nhau “hễ yếu thì đừng ra gió” và tôi là người
như thế! Nhìn mình, nhìn người, nhìn đời, tôi nhắc mình “dừng lại”, “sống
chậm lại” để có thể cảm nhận sâu sắc hơn tình thầy trò, tình huynh
đệ, tình bạn bè, tình người, tình đạo và tình đời trong cõi sống
này. Tôi chọn cách “không làm gì” vì tôi không thể “tiêu hóa” các
khái niệm “làm” tôi vừa chia sẻ.
Trong mắt những người này, tôi là người… lỳ, cứ cười lắc
đầu khi bảo “làm gì đó đi, nhận dạy môn gì đi, đi giảng đi, tham gia
hoằng…pháp đi!”. Cách của tôi trở thành dị hợm đối với họ! Tôi cũng
cảm thấy mình lỳ khi dám sống không giống ai trong tập thể mình đang
sống (tôi biết vẫn có nhiều người chọn cách sống “không làm gì”
này, nhưng những người này may mắn được làm “người ngu” của Nguyễn
Bỉnh Khiêm khi trú mình “nơi vắng vẻ”, còn tôi đành phải làm “người
khôn” đang ở “chốn lao xao.)
Hôm nay, một cái lắc đầu mạnh mẽ của tôi xua tan mọi hồ
nghi, suy nghĩ, và dự định của mọi người về tôi và cho tôi. Tôi vẫn
giữ quan điểm “không làm gì” của mình khi “được” giao việc dưới cái
nhãn “phật sự” mà mọi người cho là quan trọng. Có thể họ thất
vọng về tôi, cái thất vọng cuối cùng về một con người lỳ lợm… Tôi
không muốn làm tổn thương đến niềm tin và hy vọng họ đặt vào tôi,
nhưng cũng không thể cả nể mà nhận lời để phản bội niềm tin tôi nuôi dưỡng bấy lâu, ý chí và
nghị lực của bản thân mình được. Tôi “lỳ lợm” lắc đầu trong khi nhiều
người cảm thấy tiếc với quyết định của tôi vì họ cho đây là cơ hội
không thể tốt hơn!
Tôi biết mỗi người chỉ có
mỗi một cuộc sống này, chỉ sống ở hiện tại này mà thôi và ai cũng phải chịu trách nhiệm cuộc
sống của chính mình không chỉ trong kiếp sống này mà còn
nhiều kiếp sống về sau nữa. Tôi có quá nhiều giới hạn chung của
kiếp người (cộng nghiệp) cùng giới hạn riêng của bản thân (biệt
nghiệp) để mạnh dạn chọn cho mình cách sống “không làm gì”.
Tôi nhớ có lần một thiện tri thức gởi cho tôi bài viết
“Con đường học Phật và tu Phật” của Thích Thanh Thiện, đăng trên tuần
báo Giác Ngộ số 43 (năm 2000) và tôi rất tâm đắc, xin trích lại đây
vài đoạn để tự nhắc mình và chia sẻ:
“.... Chúng tôi đã từng chứng kiến có những người học Phật, viết
sách Phật học quyển này sang quyển khác, nói thao thao bất tuyệt đạo lý đầy vẻ
cao siêu, tưởng như vượt ra ngoài đối đãi thường tình, nhưng khi gặp duyên xúc
cảnh thì than ôi! Thật tế “lý địa bất thọ nhứt trần, vạn hạnh môn trung
bất xả nhứt pháp” (Trên lý thuyết chẳng dính chút bụi trần, nhưng việc
làm thì không việc nào mà không bị vướng mắc).
“… cũng có điều chúng ta phải nghĩ đến, làm sao tinh thần Phật học
được đi vào đời sống của chính những người học Phật pháp. Ðó chính là người
Phật tử hiểu đúng nghĩa chữ Tu và Học mà không phải học giáo lý để nói suông:
“ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời” xa rời thực tế của đời sống tức là chính
chúng ta tự đánh mất tinh thần thiết thực của học Phật và tu Phật và cũng chính
chúng ta làm cho Phật giáo suy đồi vì rơi vào căn bệnh “hội chứng nói
suông” hay tu theo “bệnh hình thức” mà Ngài Huyền Giác đã nói : “Thượng
sĩ nhất quyết nhất thiết liễu, trung hạ đa văn đa bất tín, đản tự hoài trung
giải cấu y, thùy năng hướng ngoại khoa tinh tấn?”(Bậc trung hạ, những căn
cơ thấp kém, học thì nhiều học trích cú tầm chương, luôn mồm khoe học vị với
văn bằng, cởi áo bẩn không biết đường mở nút -- Chứng đạo ca ).
Tôi tự nhắc mình, khoan đã làm gì; mặc cái áo dơ thì
biết nó dơ và biết đường mà cởi áo dơ ra mà thay áo sạch cái đã!
Tôi tin mình có đủ độ lỳ để duy trì cách sống “không làm gì” cho
đến khi nào biết áo mình đang mặc dơ chỗ nào và biết cách giải
quyết cái vết dơ ấy (cởi ra như trong Chứng đạo ca là một trong những
cách). Đến khi ấy, hãy tính tới việc “làm gì” cũng không muộn.