Friday, January 16, 2015

CÁC KIỂU CƯỜI...

Thời đại này, nếu không khéo né, ai cũng có nguy cơ… bội thực thông tin! Thông tin nhiều, hình ảnh đi kèm cũng nhiều. Thú vị hơn, hình ảnh thay lời, mỗi lúc mỗi xuất hiện nhiều hơn. Có nhiều bản tin, nhất là tin tức thời sự, như một bộ hình sự kiện, nội dung cần chuyển tải được hiểu bằng hình thay cho con chữ. Cách này đơn giản, cứ bấm máy rồi post hình lên, vừa nhanh vừa đỡ tiêu hao năng lượng hơn ngồi đó nắn từng con chữ. Như vậy, hình ảnh cũng là một phương tiện ngôn ngữ. Hình nhiều, có dịp “chiêm ngưỡng” nhiều khía cạnh của loại hình ngôn ngữ này; kể ra, ngôn ngữ hình ảnh có khi phong phú và đa dạng còn hơn cả ngôn ngữ màn hình trắng chữ đen! Đọc văn tự thì ngoài thông tin, học cách viết, cách dùng từ, ý tưởng giữa hai dòng chữ, thật là thú vị. Đọc ngôn ngữ qua hình ảnh, ta cũng học được từ những tấm hình kia nhiều thứ, trong đó, tôi ấn tượng nhất là học từ… nụ cười! Hôm nay ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, tôi viết đôi điều học được từ nụ cười ở đây!
Nhà văn Mark Twain từng nói rằng: “loài người chỉ có một thứ vũ khí thực sự hiệu quả, đó là nụ cười”. Kết luận này không những hàm chỉ tiếng cười trào phúng – công cụ được Mark Twain sử dụng xuyên suốt các tác phẩm kinh điển của ông, mà lời nói  này còn được đúc kết đầy chuẩn xác từ kinh nghiệm bản thân của đại văn hào này về tầm quan trọng của nụ cười trong cuộc sống. Nụ cười là thứ ngôn ngữ không lời có uy lực nhất. Đây là một phương tiện để chúng ta bộc lộ ra những gì mà chúng ta không nói ra bằng lời. Nụ cười từ đó sẽ mở ra nhiều phạm vi giao tiếp rộng lớn. Nụ cười là sợi dây kết nối yêu thương. Nụ cười rút ngắn khoảng cách và tạo nên sự thân thiện. Nụ cười mời gọi sự đồng thuận và ủng hộ. Nụ cười gởi gắm thông điệp hòa bình. Nụ cười giải tỏa áp lực tâm lý… chao ôi là nhiều kiểu cười. Nhà tâm lý học Paul Ekman đã liệt kê ra có đến 19 kiểu cười khác nhau, trong đó, bên cạnh những kiểu cười bày tỏ cảm xúc vui mừng, có cả những kiểu cười mang dấu ấn của sự sợ hãi, những nụ cười của sự khinh thường hoặc những kiểu cười nhếch mép, mỉa mai và những nụ cười gượng.
Cười là một cơ chế hoạt động của cơ thể được điều khiển từ não bộ. Theo các nhà khoa học, phản xạ này bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi của não. Đây là một trung khu thần kinh cao cấp chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ trong cơ thể của chúng ta. Từ đó, kích thích này lan ra như một làn sóng và truyền đi một luồng thần kinh đến hệ thống thuộc trung khu cảm xúc của não. Từ đó, tín hiệu sẽ được phát ra, tác động làm cho trương lực cơ sẽ giãn ra, các biểu lộ cảm xúc thoả mãn sẽ xuất hiện ở vùng mặt. Chúng ta hiểu được ý nghĩa và nội dung của mỗi kiểu cười thông qua các biểu cảm thể hiện ở vùng mặt này, nhất là miệng và mắt.
Thomas Carlyle phát biểu rằng “tiếng cười là một trong những đặc quyền của lý trí, chỉ xuất hiện ở loài người”. Một khi lý trí ra lệnh cho trung khu thần kinh điều khiển cơ chế cười, nụ cười trở nên đa dạng và phong phú, có khi đến mức bí ẩn. Nàng Mona Lisa trong bức chân dung nổi tiếng của danh hoạ Leonardo da Vinci có nụ cười bí ẩn đến giờ vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi không bao giờ cạn của bao người qua bao thế hệ.
Nụ cười giúp bộc lộ ra những trạng thái tình cảm mà con người chúng ta đang có lúc đó. Thực tế, cười không phải lúc nào cũng là thước đo của hạnh phúc. Đôi lúc… nó cũng chỉ là cách để định mức chúng ta có thể giấu nỗi đau như thế nào thôi. Chúng ta không chỉ mỉm cười vì hài lòng mà còn cười vì nhiều nguyên nhân tâm lý và tình cảm phức tạp khác. Mỗi người có được những nụ cười khác nhau biểu thị nhiều ý nghĩa của nó.
Có nhiều kiểu cười, mỗi một kiểu cười đều có liên quan đến những bộ phận cơ khác nhau, nhằm tạo ra những nét riêng biệt đặc trưng của từng kiểu cười mà nhìn vào, ai cũng hiểu thông điệp của loại ngôn ngữ không lời này. Sau đây là một số kiểu cười cơ bản và phổ biến ở con người:
Cười vui vẻ
Kiểu cười này cơ bản và phổ biến nhất, dễ thực hiện nhất, dễ hiểu nhất và bắt đầu ở con người từ lúc còn sơ sinh mỗi khi ta được thỏa mãn điều gì và có cảm giác vui thích. Khi em bé bắt gặp ánh mắt quen của mẹ, bé cười; khi nghe âm thanh quen thuộc của tiếng mẹ, bé cười; khi đói được cho bú, bé cười. Nụ cười vui vẻ là yếu tố có khả năng “truyền điện” mạnh mẽ nhất, hơn cả thông điệp phát ra từ ánh mắt hay cái va chạm của đôi tay. Đó là nụ cười làm tan biến bầu không khí căng thẳng do áp lực công việc nơi công sở, nụ cười hiền dịu của người vợ, người mẹ với chồng con bên bữa cơm gia đình đầm ấm, nụ cười chia sẻ niềm hạnh phúc của đứa con vừa thi đậu với điểm cao, nụ cười khi gặp lại một người mình thương yêu, nụ cười cảm ơn của cô gái được nhường chỗ trên xe bus… Nói chung, đây là kiểu cười thể hiện sự vui mừng.
Một tràng cười rạng rỡ khi quá vui mừng sẽ khiến cơ thể phải “huy động” nhiều đến hệ cơ của vành mí mắt, nhất là cơ gò má. Bộ phận cơ này sẽ được kích hoạt một cách tự động từ trung khu thần kinh não bộ khi chúng ta có được những cảm giác khoan khoái dễ chịu. Kiểu cười vui vẻ là kiểu cười “thật thà”, khi niềm vui từ bên trong nó tràn ra bên ngoài bằng nụ cười, nên rất tự nhiên, rất dễ thương và người đối diện rất dễ dàng nhận ra, đồng cảm và vui lây với kiểu cười này. Do đó, không thể nào nhầm lẫn được giữa một nụ cười hạnh phúc viên mãn và một nụ cười ngượng nghịu bất đắc dĩ.
Cười đồng thuận
Đây là nụ cười “lôi kéo” và tâm lý thường tình của hầu hết mọi người là cần lắm nụ cười này. Nụ cười đồng thuận diễn tả đối tượng cũng thuộc về một vấn đề hay một hoàn cảnh chung giống như chúng ta và ủng hộ quan điểm, cách thể hiện của người ấy. Nụ cười đồng thuận như một chất xúc tác cho người ta sức mạnh, như một ngôn ngữ không lời tán thưởng về những gì họ nói và làm. Khi ta nở nụ cười đồng thuận, ta biểu lộ thái độ của mình, đó là sự đồng thanh nhất trí với một vài cá nhân nào đó mà chúng ta có cảm giác như họ nói thay suy nghĩ của mình, họ làm thay việc mình muốn làm mà chưa có cơ hội hoặc điều kiện để làm.
Kiểu cười đồng thuận biểu lộ cảm xúc hỉ hả, thỏa mãn khi có cảm giác mình được hiểu,  mình được chấp nhận trong cộng đồng và quan trọng hơn nữa là mình có đồng minh. Đây là một kiểu cười chân thật, nghĩ sao, thể hiện vậy, tuy không phải lúc nào cũng tốt. Tại sao kiểu cười đồng thuận có thể không tốt? Nếu đồng thuận cái dở, cái xấu, cái không lợi ích thì kiểu cười tán thưởng, khuyến khích những điều không đem lại lợi ích cho mình, cho người ấy được nhân rộng thêm ra. Ví dụ, nếu mình có cách phản ứng đập đồ mỗi khi nóng giận. Khi chứng kiến ai có cách phản ứng tương tự, ta cười đồng thuận, nghĩ “sao mà giống tôi thế”. Mình sẵn sàng thông cảm và bênh vực cho người ấy vì mình nghĩ, nếu tôi vào trong tình huống đó, tôi cũng chỉ có thể phản ứng như thế mà thôi.
Nếu đồng thuận với những cái hay, cái đẹp, ta có cơ hội phát triển những yếu tố này mạnh mẽ hơn, với niềm tin nhiều hơn, đồng thời khuyến khích người khác tiếp tục thực hiện những điều hay điều đẹp như thế. Ví dụ, nếu ta là người có tính khí khẳng khái, không luồn cúi, bợ đỡ và với tính khí này, ta tự chuốc lấy nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều bạn bè huynh đệ xu thời, xu hướng ghét bỏ, xa lánh, nhưng ta bằng lòng “lên bờ xuống ruộng” để sống cho ra sống. Khi thấy hoặc biết ai đó, đang “lên bờ xuống ruộng” vì cái tính khí này nó “sát chủ”, ta nở nụ cười đồng thuận. Vẫn biết “làm người khó lắm ai ơi, đắng cay khó liệu, đầy vơi khó lường. Ở cho được người thương đã khó; khi ghét rồi ôi khó biết bao…”, ta vẫn bằng lòng với cách sống mà nhiều người cho là ngu si, không thức thời, không được chấp nhận của số đông ấy và đồng thuận với người có cùng quan điểm sống bằng nụ cười đồng thuận như thế.
Cười quyến rũ
Đây là một nụ cười “cưa cẩm” để người khác xiêu lòng. Chuyên gia người Đức về tập tính học Irenaus Eibl-Eibsfeldt đã chứng minh rằng, hễ khi nào cần quyến rũ người khác, nụ cười luôn hiện diện trong phần lớn các cách thức quyến rũ của loài người trên toàn thế giới. Tại Pháp, phụ nữ đánh giá cao nhất một người nam luôn có những nụ cười vui vẻ (37%), trước cả sức quyến rũ của ánh mắt (13%). Hì! Không chỉ với người khác phái, nụ cười quyến rũ mới có tác dụng, mà nó có sức mạnh ghê gớm với tất cả mọi người. 
Nụ cười quyến rũ còn có tác dụng như một lời ngầm hứa rằng, bạn có thể yên tâm đặt niềm tin vào tôi. Kiểu cười đó vừa mang tính bảo đảm vừa mang tính bảo vệ, tuy sự thật không hẳn như vậy. Một khi bị cuốn hút bởi một nụ cười quyến rũ, ta tự động trấn an mình và tự nguyện đặt niềm tin vào người đó, rằng mình có thể đến với người này, gắn bó với người này, hợp tác với người này, rằng người có nụ cười như thế có thể che chở, bảo vệ ta… Điều này hoàn toàn cảm tính và không có cơ sở nào cả.
Vì sức mạnh của kiểu cười quyến rũ, nhiều người ranh mãnh mô phỏng kiểu cười này để lợi dụng niềm tin của người khác. Tất cả các hình thức lừa đảo, từ việc lừa tình, lừa tiền, lừa uy tín danh dự đều có thể dùng chiêu thức cười quyến rũ! Có thể bạn không tin, nhưng chính kiểu cười quyến rũ là cách để tạo mối quan hệ dễ dàng nhất. Có được mối quan hệ rồi, thì mới có thể làm tiếp những bước khác trên đường lừa đảo. Nhưng người khôn và khéo, khéo và đểu thường lạm dụng cách cười này để phục vụ cho mục đích riêng của họ.
Đây là kiểu cười đầy tính toán…
Cười phòng thủ
Đây là một nụ cười  theo kiểu cười “tự vệ”. Khi tình cờ phải đối diện với một người mà chúng ta không quen biết, một cách bản năng để tự vệ mình, vũ khí đầu tiên mà chúng ta sẽ sử dụng đến không gì khác hơn là một nụ cười theo kiểu phòng thủ. Không có gì vui vẻ ở đây đủ để cười; không yêu cầu phải tiếp thị, làm quen chào đón gì ở đây để đủ nở nụ cười công nghiệp; không có ý kiến nào mình đắc ý ở đây để có nụ cười đồng thuận; cũng không có mục đích quyến rũ ở đây để “chào hàng” bằng nụ cười quyến rũ. Đơn giản là ta không muốn tạo thế chống đối của người đối diện bằng  một nụ cười phòng thủ.
Cười phòng thủ là cười để gây thiện cảm với người đối diện mà ta chưa hề quen biết hoặc biết không nhiều. Cười để gởi thông điệp: tôi không muốn có kẻ chống đối. Cười để cầu “dĩ hòa vi quý”. Đây là một “con át chủ bài” được tung ra với tâm lý tự trấn an, đồng thời nhằm vô hiệu hoá đối phương, làm triệt tiêu đi những xung động tấn công mà người đối diện có thể có khi chúng ta nhìn họ, gặp họ và tiếp xúc với họ. Đây được xem là một dấu hiệu yêu chuộng hoà bình mà chúng ta chia sẻ với tất cả mọi người trong mọi nền văn minh trên thế giới. Kiểu cười này cũng khá dễ thương, đúng không?
Cười gượng
Đây là một nụ cười  để che đậy một tâm lý bất an, đau khổ trong lòng. Robert A Heinlein phát biểu rằng “tôi đã phát hiện ra tại sao người ta lại cười. Họ cười bởi đời đầy những thương đau... bởi đó là cách duy nhất để trái tim ngừng đau đớn”. Trong cuộc sống, người ta cười gượng trong nhiều tình huống lắm. Có người vì quá khổ đau trong lòng mà không muốn người chung quanh thấy rằng họ đang đau khổ, họ gượng cười. Cách đây mấy hôm, tôi tiếp một người phụ nữ có chồng vừa đột ngột qua đời. Gặp tôi, nói được vài câu, nước mắt cô tuôn trào, không kềm nén được. Cô nói ở nhà cô không dám khóc, không dám buồn, mà phải cứ gượng cười, vì không muốn hai đứa con buồn và bất an khi thấy mẹ chúng đau khổ. Vậy đấy, có khi lòng muốn khóc mà miệng vẫn phải gượng cười.
Không phải dùng để biểu cảm sự thoả mãn, một nụ cười gượng có thể nở trên môi chúng ta khi chúng ta vừa mới phạm phải một hành động vụng về nào đó hoặc khi chúng ta thẹn thùng, xấu hổ hoặc biểu thị một tâm lý rối loạn. Cười để giải tỏa sự bối rối. Cười để bớt đi sự bất an. Một nụ cười kiểu này không hề tự nhiên, mà nó sượng sùng, thể hiện chính xác tâm lý lộn xộn trong lòng. Đây là nụ cười chứa đựng nhiều tâm lý cảm xúc: thất vọng về mình, cảm giác biết sai, cảm giác muốn chế ngự cảm xúc pha lẫn một chút không tự tin. Chuyên gia tâm lý liệu pháp Catherine Aimelet-Perissol giải thích, “một nụ cười gượng gạo cho thấy khi đó chúng ta muốn chế ngự cảm xúc của mình chứ không muốn chịu đựng nó”. Đây là kiểu cười diễn tả được … sự mềm yếu của chúng ta…
Cười chào đón
Cười chào đón là tên khác của nụ cười “tiếp thị”, nụ cười “công việc”, nụ cười… “công nghiệp”. Các bạn có thể nhớ lại kiểu cười này đặc trưng ở các cô cậu tiếp viên đón khách lên máy bay, các cô cậu tại quầy lễ tân, những người làm ơ bộ phận tiếp xúc khách hàng. Khi chúng ta cười vì lịch sự, một nụ cười cần phải được thực hiện để người đối diện ghi nhận mình là lịch sự, để không bị chê “người sao mà nhìn cái mặt lạnh lùng, khó ưa thế, không biết cười là sao à?...”. Sợ bị phán xét như thế, nên ý thức gởi về trung khu thần kinh trung ương, chỉ huy các cơ liên quan phải thực hiện cơ chế… cười. Đó chỉ là một động tác đơn giản của đôi môi và sự co giãn của bộ phận cơ gò má. Đó là kiểu cười lịch sự, kiểu cười công nghiệp, khá máy móc mà rất ít, thậm chí không có biểu cảm thật từ đáy lòng.
Nụ cười chào đón hay nụ cười lịch sự mang một tính chất vừa gần gũi vừa tạo khoảng cách. Khi bắt gặp nụ cười này, một phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy vui và tin cậy. Thế nhưng, nụ cười này không chuyển tải bức thông điệp của kiểu cười vui vẻ,  nên khựng lại một chút, cảm giác xa lạ xuất hiện trong ta. Cười chào đón là  một kiểu cười xã giao, cảm xúc đặt vào nụ cười này không nhiều, vì hầu hết ta cười kiểu này với người không có quan hệ thân thiết nào, thậm chí ta và họ không hề quen biết nhau. Tính chất của nụ cười này là không cần biết chúng ta là ai, nhưng lại “đánh” vào phần tình cảm tổng quát trong con người chúng ta: ưa nhìn ai đó cười hơn là không cười, cười vẫn tốt hơn là nhăn nhó. Những người làm công tác tiếp xúc khách hành thường sử dụng kiểu cười này để câu khách, mà thật sự nó có tác dụng. Trong một dãy các cửa hiệu bán cùng các loại sản phẩm như nhau, ta vẫn thích ghé vào cửa hiệu nào có cô bán hàng cười tươi hơn là cửa hiệu có cô bán hàng không biết cười.
Thế nhưng, đừng quá lạm dụng kiểu cười này mà thành phản cảm, một khi đã phản cảm thì cũng phản tác dụng, phản chủ luôn! Một nụ cười tiếp thị, công nghiệp quá chỉ là một sự giãn cơ trên khuôn mặt chứ không hề biểu cảm gì đó. Một bộ mặt cứng đơ như thế cũng chỉ có thể mời gọi những người khách lạ mà thôi. Trên tất cả, nụ cười tiếp thị ấy cần mang đến thông điệp của sự thân mật, nhiệt tình trong giao tiếp và chân thành trong công việc mới có thể níu chân khách hàng lâu dài. Nên nhớ rằng “một nụ cười thành tâm sẽ khơi dậy trong chúng ta một phản xạ bẩm sinh rất nhạy cảm, hướng chúng ta đến điều thiện”, đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh như vậy trong quyển Ancient Wisdom, Modern World: Ethics for the new Millennium.
Chúc mọi người biết cười!!!