Đức Phật nói rằng sân giận có một cái ngọn tẩm mật (madhuragga) và
một cái rễ tẩm thuốc độc (visamula) (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương
I, phẩm 8, kinh Đoạn sát). Bản Chú giải giải thích thêm rằng sân giận có
rễ độc vì nó tạo nên đau khổ lâu dài, và nó có ngọn tẩm mật vì có vẻ như nó tạo cho
người đang nổi cơn thịnh nộ sự khoái trá, hả dạ khi người ta ăn miếng trả
miếng với nhau. Vì vậy nếu suy xét sâu xa, chúng ta sẽ thấy rằng nổi giận không
phải là một biện pháp tốt về lâu về dài mà có rất nhiều biện pháp thay thế
khác để có thể cảm thấy an toàn, mạnh mẽ và được người khác tôn trọng hơn trong
ứng xử với nhau. Vậy nên khi sân nổi lên là lúc ta bị điên, bị khùng,
như con ngựa chứng, như con trâu hoang không được thuần thục, thật đáng
xấu hổ!
Sau khi giận, ta nhìn lại mình, thấy lúc đó mình chẳng
giống ai, chẳng ra làm sao cả. Ai cũng muốn chuyển hóa cơn giận để
không làm tổn thương tâm mình, không làm tổn thương người và không phá
vỡ các mối quan hệ tình người – những mối quan hệ có khi mình đã
bỏ ra nhiều năm để xây dựng và nuôi dưỡng.
Phản ứng thường tình khi sân giận
Theo tâm lý học Phật giáo, sân giận là một trong sáu căn bản phiền
não, những tình cảm gây xung đột, đau khổ cho chúng ta. Sân giận có thể biểu
hiện ở nhiều cấp độ. Có người giấu kỹ trong lòng rồi biến nó thành hiềm hận, để
rồi nó thành ung độc trong tâm. Có người giận lên thì mặt mày xanh mét, có
người tức giận ai thì mặt đỏ như say rượu, đằng đằng sát khí như thế nuốt chửng
người ta. Sân giận quá mức, con người không kiểm soát được mình, lắm khi làm
càn làm bậy, hậu quả đau thương khôn lường. Tôi từng chứng kiến có người bình
thường trông rất hiền lành, ấy vậy mà khi giận lên, không làm chủ được mình, đã
trở thành kẻ giết người trong sự bàng hoàng, sửng sốt của nhiều người xung
quanh. Cũng có người vì giận quá mà dại khờ tìm đến cái chết vì tưởng rằng
chết là giải quyết được tất cả các vấn đề rắc rồi, họ đâu biết những vấn đề
sống mà không giải quyết được thì khi chết, vấn đề càng trở nên rắc rối hơn.
Bản năng chối bỏ, xô đẩy, phá vỡ, đập đổ là những chất
liệu nuôi dưỡng sân giận. Khi sân giận, tâm ta tương ưng với cảnh giới
địa ngục, một trạng thái đau khổ, căng thẳng và lo sợ, bất an với
sự bóp nghẹt, một trạng thái không thoải mái mà mình chẳng hề mong
muốn. Sân giận có sức mạnh, một sức mạnh bản năng, hoang dã và
điên khùng. Người trong cơn sân giận có những phản ứng điên rồ, như
thể con chuột bị dồn vào chân tường. Trong sân giận, ta cứ nghĩ người
khác đang dồn ta vào đường cùng, nhưng không phải, chính chúng ta,
chính cái vô minh tăm tối đã che mờ con mắt lý trí để rồi bộc phát
điên rồ như thế. Cũng có thể ta nén sự sân giận để không bộc lộ thô
thiển bên ngoài. Ta có thể nén cục giận ấy thành con chip giận có
lõi core i5, i7 và cứ thế mà mang kè kè bên mình, nên phảng phất
trong lời nói, và biểu cảm ánh mắt là sự giận hờn, không hài lòng
và thiếu thiện cảm, không có tinh thần xây dựng mà chỉ muốn phá
nát, phủ nhận tất cả những gì đã được xây dựng lâu nay.
Không ai muốn giận, muốn ôm cục giận hay muốn nổ tung cục
giận của mình làm văng mảnh tổn thương người khác, nhưng thật không
dễ dàng. Cười người khác giận: dễ lắm; chê người khác giận: chuyện
ta làm thường xuyên, thế nhưng, giữ cho mình không giận, mấy ai làm
được? Vì sao vậy? Vì sân giận có gốc rất sâu trong tâm; cây mà có
gốc rễ bám sâu trong đất thì luôn đứng vững, khó nhổ, dù là cây
dại, cây độc. Sân giận cũng như thế. Nó bám chặt tâm ta như thể một
phần của con người mình, sẵn sàng phát huy tác dụng khi không vừa ý
điều gì. Cả hai cách cho nổ tung và kìm nén đều không có tác dụng
vô hiệu hóa hoặc làm cho sân giận ra khỏi con người mình và tan thành
mây khói. Cho nó nổ tung theo lời nói và hành động bạo lực không thể
làm sân giận mất đi, nếu không nói là ngược lại. Mặt khác, nén nó
lại thì nó zip vào đó chứ cũng chẳng mất đi đâu, nó lại bung ra với
tốc lực mạnh hơn, như chiếc lò xo bị nén lại thì khi bung, nó bung
mạnh hơn.
Mặc dù không ưa sân giận, ta không thể dùng bạo lực để
tống khứ nó đi, dù bản thân nó vô cùng bạo lực! Khổ là thế chứ!
Vì không thể dễ dàng đẩy cái sân giận đáng ghét ấy ra khỏi mình,
chúng ta phải có cách “đối xử” với nó khác hơn cách cho nó bùng nổ
như nổ tung một quả bóng chứa đầy khí độc hoặc nén nó thành một
con chip độc hại mang lè kè trên vai mình. Với những lần bị cơn giận
khảo đảo, rồi nhiều lần “nói chuyện ôn hòa” với nó, rồi có dăm lần
chặn đứng nó khi vừa mon men muốn nổi loạn, tôi nhận ra rằng, có
nhiều cách để tiếp cận sân giận, song tất cả các cách này đều đặt
trên nền tảng của thiền tập chánh niệm.
Một điều hiển nhiên cho tất cả những ai thực hành thiền
là khi hành thiền ở tư thế ngồi yên, trong không gian yên tĩnh, tâm
tương đối ở trạng thái bình lặng nhất, ta có cơ hội nhìn mình kỹ
hơn. Khi chưa giận, ta thấy để sân giận nổi lên và lấn át là ngu si
và điên khùng. Thế nhưng, khi bung chân ra rồi, trong các tình huống cuộc
sống đời thường, gặp môi trường hơi thử thách một tí, ta lại nổi
xung thiên. Rõ ràng chánh niệm trong môi trường tĩnh dễ hơn rất nhiều
so với môi trường động. Điều này quá hiển nhiên, như thể nghe nói
tiếng Anh trong phòng lab dễ dàng hơn nhiều so với khi giao tiếp
với mấy người nói tiếng Anh bản xứ trong các tình huống thực
tế. Như vậy đủ biết, để chánh niệm có đủ sức làm chủ mình trong
mỗi lúc, ta cần một nội lực lớn hơn mình nghĩ, tưởng! Chánh niệm
ấy cần tập luyện từ môi trường tĩnh như lớp học chính quy để dần
tập ứng dụng trong môi trường thực tế của đời thường, như người lính
cửu hỏa thực tập thao tác chữa cháy để thuần thục những kỹ năng này
và sử dụng khi tình thế đòi hỏi.
Nhổ cây độc sân giận
Bước thứ nhất: Cắt cành xén nhánh
Muốn nhổ một cái cây có thân to gốc vững, tán lá sum suê,
ta không thể dùng sức ôm gốc cây nhổ bật lên mà được. Đầu tiên, ta
phải cắt xén bớt những cành nhánh cho nó bớt sum suê, để chúng ta
có thể xử lý nó dễ dàng hơn. Nhổ cây sân giận cũng vậy, cái gốc
nó nằm sâu trong tâm thức, khó bề một lần dốc sức là bật được gốc
nó lên. Do đó, ta xén lần cành lá, nhánh nhóc của nó, cụ thể là
lời nói và hành động. Khi niệm sân giận khởi lên, ta cảm thấy muốn
nói ra hoặc hành động như một cách phóng thích, giải tỏa cơn giận,
nhưng như thế là sai lầm, là tiếp thêm nhiên liệu cho lửa sân đang hừng
hực càng cháy to hơn.
Người khôn ngoan biết chọn cách im lặng, im lặng nhìn vào
tâm sân giận của mình. Không làm gì cả lúc này là thượng sách, mặc
dù trong lòng rất muốn làm một cái gì đó. Làm thinh nghĩa là không
tiếp thêm nhiên liệu bằng cách nói hay làm gì đó cho hả giận, cũng
không cố gắng dập tắt cơn giận đang phừng phừng nổi lên, vì thật ra
lúc này ta không đủ sức để làm việc đó. Hãy “sống” với cơn giận một
cách khôn ngoan và hòa hoãn lúc này mà không hề phán xét đúng-sai,
hay-dở. Khi có thể nhìn và sống với cơn giận, ta đã góp phần trì
hoãn phản ứng đối với cơn giận. Sự trì hoãn như một lực ma sát,
thời gian trì hoãn càng nhiều thì lực ma sát kéo trì cường độ và
tốc độ phản ứng trở nên yếu đi và nhờ đó, hậu quả, tai hại do sân giận gây nên cũng giảm đi đáng kể.
Bước thứ hai: xoi tìm rễ cây
Một khi có thể tiếp cận sân giận một cách thông thoáng
cởi mở hơn, chân thật hơn với chính mình mà không phán xét, ta tiến
hành bước tiếp theo là quán sát cơn giận rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Khi cơn giận khởi lên, ta nhìn ngay vào nó, không tránh né, xem xét
thật kỹ và đặt ra cho mình các câu hỏi như: khi nào thì ta đặt cho
mình cái nhãn “sân giận”? do đâu mà có giận? Do mình hay do người
khác? đó là một cảm thọ, một ý tưởng, hay là sự vận hành tâm
thức? Nó có thật không? Nó thâm căn cố đế đến mức nào? Nó đứng yên
hay di động? Khi ta cố đè nén nó xuống, thì nó trở nên thế
nào? Nó từ đâu mà có? Nó sống ở đâu? Cái gì nuôi dưỡng nó sống?
Nó đi về đâu? Nó có những phẩm chất gì? Nó có hình thù, tướng mạo
ra sao? Do đâu nó có sức mạnh bao trùm, nuốt chửng ta mà mình không
thể kiểm soát, quản lý nó vậy?
Từng bước, từng bước một, ta đặt các câu hỏi từ đơn giản
đến phức tạp, rồi lần lượt tìm câu trả lời thích đáng cho từng
thắc mắc. Đi đến tận cùng của các vấn đề này, không phải để thỏa
mãn tri thức của mình, mà để thấy rằng do ích kỷ, tham lam và
ngu si mà sân giận có dịp được nuôi dưỡng, nảy mầm và phát triển.
Khi những gì ta muốn không được thỏa mãn, lòng tham không được đáp
ứng, ta cho phép hạt giống sân giận nảy mầm. Lấy bản thân mình làm
trục xoay, tất cả mọi thứ phải xoay quanh bản ngã, ta thấy mình
đúng, thiên hạ sai, ta thiệt thòi, ta oan ức, ta bị hiểu lầm, ta có
thiện chí, ta tốt, người tồi… Với tâm ích kỷ đó, sân giận được tiếp
thức ăn để tăng trưởng. Vì ngu si, mê muội không thấy toàn cục vấn
đề, không nhìn thấu các mối quan hệ tương duyên trong cuộc sống, ta cho
mình có quyền nổi sân vì nghĩ đó là đúng, phải như vậy mới là
đúng. Khi hiểu thấu vấn đề, ta thấy mình điên rồ không thể tưởng.
Đến đây, ta đã biết dùng các công cụ như xà beng, cuốc, thuổng, xẻng…
tất cả những gì ta có để bắt đầu bới từng lớp đất, lần theo đường
đi chằng chịt, ngoằn ngoèo của các rễ lớn nhỏ của cái cây độc này
để biết mỗi rễ mọc từ đâu, đi qua các ngõ ngách nào, cắm xuống đất
ra sao để giữ cây đứng vững trên mặt đất.
Bước thứ ba: tìm cách nhổ cây
Đức Phật khuyên chúng ta không được giết hại, nhưng có một
thứ Ngài khuyến khích ta giết không có tội, đó là sân giận (Tương
ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 8, kinh Đoạn sát). Bây giờ công
việc cần làm tiếp theo là ta chọn chỗ đứng, thế đứng, vận dụng các
kỹ thuật để nhổ bật gốc cây độc sân giận. Có nhiều cách để chúng
ta nhổ lên gốc sân giận. Sau đây là một số cách tôi vận dụng để chuyển
hóa cơn giận, dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng khá hữu
ích. Tôi chia sẻ ở đây như những gợi ý, ai thấy mình phù hợp với
những cách nào thì ứng dụng phối hợp để đối trị bệnh cho chính
mình.
(Còn nữa)