Sunday, January 18, 2015

CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN (Kỳ cuối)


Thay đổi cách nghĩ để vô hiệu hóa sân giận
Trước khi nổi cơn sân giận, hẳn có một duyên cớ, sự kiện nào đó làm ta không hài lòng. Trước khi sự bực mình ấy chuyển thành cơn giận có thể thiêu đốt tâm can mình, chúng nên thay đổi cách suy nghĩ để kịp thời ngăn chặn khi tâm sân giận chưa kịp khởi lên. Đừng để tâm vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của một vấn đề để vô hiệu hóa cơn giận đang lù lù nổi lên và sẵn sàng nổ tung. Khi một việc gì không được như ý mình muốn, dẫu việc ấy rành rành là do ai đó gây ra, hãy tìm xem có biện pháp nào để khắc phục hậu quả không, hơn là chăm vào tìm lỗi của ai. Đức Phật cũng đã nhắc khi ta bị thương vì trúng mũi tên độc, việc cấp bách và cần thiết nhất là rút mũi tên ra, chữa lành vết thương chứ không phải truy tìm ai bắn mũi tên, đó là người tên gì, tộc tánh gì; kẻ đó cao hay thấp, da đen, da sẫm hay da màu; hắn ở làng nào, thị trấn, thành phố nào? (Tiểu kinh Malunkya, Trung bộ kinh số 63). Nếu tìm được giải pháp thì theo đó mà hành động, bằng không, thì cứ chấp nhận và cho qua. Ích gì khi buồn và bực với cái mình không thể thay đổi chứ?
Nói là vậy nhưng lúc đó ta có khuynh hướng đi tìm người mà ta gán cho họ có trách nhiệm với sự sân giận của mình, hơn là vỗ về, ôm ấp, chăm sóc cơn giận của mình. Chính vì ta làm không đúng cách nên thay vì cơn giận dần nguôi và dần lắng xuống, ta lại làm cho nó bùng cháy to ngọn hơn. Nếu tìm được người mà ta quy kết, bao nhiêu sân giận ta đổ vấy hết lên đầu người đó. Thế nhưng, cách làm này cũng không giúp chúng ta vơi giận, mà giận còn nhiều  hơn, như thể ngọn lửa khi bị khơi lên thì bùng cháy dữ dội hơn, nóng bức nhiều hơn, thiêu đốt cả ta và người. Đây là một sai lầm mà ta quen làm nên luôn phải chuốc lấy phiền não, khổ đau do chính mình gây nên. Cần phải rất chánh niệm, nhắc tâm thường xuyên, ngay cả khi vừa có điều gì làm mình không ưng ý, ta cần sáng suốt và nhạy bén nhắc tâm là không nhìn vào đối tượng gây cho ta sự khó chịu, mà phải xem kỹ trạng thái khó chịu ấy mặt mũi nó ra làm sao, nó nổi lên và vận hành như thế nào trong tâm ta, và làm thế nào để ta đưa nó về nghỉ ngơi cho an toàn.
 Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo. 
Trải tâm từ và tâm bi để phòng tránh sân giận
Tâm từ (metta) là liều thuốc tốt nhất để trị tâm sân hận. Tâm từ là tình thương không chiếm hữu mà chỉ muốn giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh những quyền lợi riêng của chính mình cho hạnh phúc và sự an vui của tất cả chúng sanh. Đã muốn người khác vui thì không thể nào muốn người khác đau khổ vì những cơn sân giận của mình. Tâm từ không lựa chọn hay chối bỏ một đối tượng nào. Tâm từ sẽ làm giảm đi khuynh hướng hay giận dữ và rốt ráo có thể diệt sân hận tận gốc rễ. Điều này tôi đã được đọc, được học nhiều, nhưng thực tế, để ứng dụng đối trị sân giận khi nó đã bắt đầu “bốc hỏa” thì không mấy hiệu quả mà đây là một kỹ năng cần thực hành thường xuyên để phòng tránh sân giận thì đúng hơn.
Thực hành tâm từ như một liệu pháp phòng bệnh, là trang bị cho tâm chất liệu của lòng yêu thương rộng lớn, không đặt trên nền tảng của ích kỷ chiếm hữu. Người nào giàu tâm từ thì ít sân giận, đây là một thực tế không ai chối cãi. Tuy nhiên, dùng tâm từ để đối trị ngay với cơn sân giận đang ùn ùn bùng lên thì không mấy hiệu quả vì nó không đủ mạnh và nhanh để đảm nhiệm việc này. Đây là kinh nghiệm của riêng tôi. Do đó, ta cần phải thường xuyên thực hành tâm từ trong trạng thái bình thường để giữ tâm, không “bật đèn xanh” cho sân giận phát khởi. Đây là kỹ năng để phòng tránh cháy hơn là chữa cháy, song điều này vô cùng quan trọng. Nếu biết phòng tránh cháy hiệu quả, sẽ chẳng bao giờ có đám cháy xảy ra. Ví sân giận như hình ảnh một đám cháy để có thể dễ dàng hình dung cường độ và tốc độ của nó khi nó hành hoạt, chứ thật ra không mấy chính xác. Việc làm chủ tâm ý và tự chủ sử dụng nhiều biện pháp phòng tránh, ta có thể hoàn toàn làm chủ được cơn giận dễ dàng hơn so với đám cháy có tính chất như một tai họa do nhiều yếu tố khách quan bên ngoài ta không kiểm soát hết được, trong khi đó, nếu có nội lực tốt, ta có thể kiểm soát được tâm mình.
Khi ta cảm thấy bị ai đó làm tổn thương, ta cho mình cái quyền giận người ấy và muốn thể hiện sự bất bình của mình cho người ấy và mọi người hiểu ta bị xúc phạm như thế đó, tổn thương như thế đó. Tuy nhiên, nếu thực hành tâm từ thường xuyên, ta thấy chính người gây tổn thương cho ta, chính bản thân họ cũng là nạn nhân của sự ngu muội, si mê và điên khùng. Nhiều lúc ta cũng rơi vào tình huống thiếu chánh niệm, thiếu kiểm soát tâm và si mê, điên khùng như vậy. Điều này không ai muốn, chỉ vì vụng về, kỹ năng chánh niệm chưa đủ mạnh để làm người lính gác thành trì thường trực cho tâm mình đó thôi. Do đó, khi thấy một người cau có, cay nghiệt, ưa gây sự và cư xử một cách vô lý đến ngu si, thì chắc chắn là người đó đang đau khổ trong lòng, và vì vụng về nên không biết nên cư xử cho phải lẽ. Bằng sự quán xét này chúng ta sẽ nhận ra rằng không phải là một người nào khác, mà chính bản chất của con người đang làm tổn thương chúng ta, và vì vậy mà chúng ta có thể rải tâm từ và tâm bi đến người đó và tha thứ cho họ.
Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
Phát triển tâm xả
Khi cảm thấy hành tâm từ và tâm bi quá khó khăn, hay khi khả năng tha thứ của chúng ta còn quá yếu, thì một phương pháp khác có thể sử dụng, đó là phát triển tâm xả. Tâm xả nghĩa là nhận thức, hiểu biết, chấp nhận, và bằng lòng với sự thật là có một giới hạn nhất định trong những việc ta có thể làm hay thành tựu đuợc. Ta phải chấp nhận rằng người đó là như vậy, ta không thể nào can thiệp vào dòng nghiệp của người ấy, và nếu có, cũng không thể đưa đến kết quả khả quan nào, và rồi bước qua một bên. Đừng cố gắng thay đổi người khác. Đây không phải là thái độ buông xuôi mà là chấp nhận trong hoan hỷ khi hiểu rõ phạm vi ảnh hưởng, trách nhiệm nhân quả của mỗi người đối với chính bản thân mình.
Để phát triển tâm xả, chúng ta cần hiểu và chấp nhận định luật về nghiệp. Tất cả hành động thiện và bất thiện đều cho quả tương ứng. Không ai có thể tránh khỏi những quả mà mình đã gieo. Vì vậy, khi một người lăng nhục hay lừa gạt chúng ta, nếu chúng ta phản ứng bằng cách tương tự thì chính chúng ta đang tạo hành vi bất thiện và quả xấu sẽ đến với chúng ta khi hội đủ điều kiện. Ngược lại, chúng ta nên tin rằng, dù ta có trả thù hay không thì người đó cũng không tránh khỏi nghiệp quả của họ. Có người cho rằng thái độ này quá tiêu cực, rằng ít ra chúng ta cũng nên làm gì đó để tự bảo vệ mình. Nếu có thể “làm gì đó” mà không nổi sân giận, không làm tổn thương mình cũng như người khác mà có thể giúp họ tốt hơn thì quá tốt. Nếu không làm được vậy thì giữ tâm bình thản, dừng lại, lặng nhìn nó trôi qua là phương pháp tốt nhất giúp chúng ta khỏi nổi sân.
Giữ tâm xả được đức Phật ví là giữ tâm như đất. Trong số các đệ tử của Ngài, người được đức Phật khen khéo giữ tâm như đất là ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật phương pháp giữ tâm này rằng “như trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân” (Tăng chi bộ kinh, chương Chín pháp, phẩm 2).
Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
Thay lời kết: Duy trì chánh niệm là nền tảng căn bản
Tùy tính chất sự việc, tùy đối tượng mà tôi dùng một hoặc kết hợp nhiều cách trên đây để đối trị sân giận và ngu si nơi mình. Mặc dù không phải lúc  nào tôi cũng “thuần” được cơn giận trong tôi, nhưng với sự thực hành chánh niệm, tôi nhận ra rằng, chính chánh niệm là mạch nước ngầm để nuôi tâm tĩnh lặng và sáng suốt để có thể thuần hóa tâm để hạn chế các cơn giận và để đối trị khi cơn giận bắt đầu nhen nhóm. Cuộc chiến giữa tôi và cơn giận ẩn náu trong người là thường xuyên, có khi ở mức độ rất vi tế và khi nào chánh niệm, tôi thắng và khi nào thất niệm, tôi thua!
Muốn nhổ tận gốc sân giận, cần phải có chánh niệm tỉnh giác thường xuyên trong cuộc sống của mình vậy. Muốn có chánh niệm cần phải thực hành thiền chánh niệm. Thiền chánh niệm thường bắt đầu với việc thực hành chánh niệm trên hơi thở vô, hơi thở ra. Đây là bài thực hành căn bản nhất, kinh điển nhất, cổ điển nhất mà chưa có bài thực hành nào tốt hơn có thể thay thế. Sự thực hành căn bản trong các thời khóa chính quy – thời gian cố định tại một thời điểm cố định hợp lý nào đó và được duy trì thường xuyên như một phần của cuộc sống. Đây là nền tảng để chúng ta nhận diện các cảm thọ, trong đó có sân giận. Nhờ đó, ta khám phá ra sức mạnh của sân giận, cũng như cường độ và tốc độ của nó như thế nào để biết cách can thiệp kịp thời trước khi quá muộn. Như một chiếc xe lao dốc, ta chỉ có thể can thiệp, làm chủ nó khi nó còn ở đầu con dốc, chứ khi đã đổ dốc, tăng tốc, thì sự vận hành của chiếc xe là ngoài tầm kiểm soát. Khi cơn giận mới nhóm khởi, ta còn có thể làm gì đó để chuyển hướng, kìm hãm và hóa giải nó, chứ để nó sắp nổ tung ra thì đành bó tay giao nộp mình cho nó mặc sức hoành hành mà thôi.
Khi thực hành ngồi yên, hít vào thở ra tự nhiên, giữ tâm quán sát trên dòng thở tự nhiên này và những cảm nhận của thân thể khi luồng hơi đi vào, đi ra. Quán sát thật kỹ, scan thật chậm và toàn tâm toàn ý, ta sẽ hiểu được những cảm xúc, phản ứng của cơ thể ngay khi nó mới hình thành. Một khi kỹ năng này trở thành phản xạ tự nhiên của mình, thì đây là thuốc để đối trị bệnh bạo lực của sân giận. Năng lực sân giận tiềm ẩn ít ra cũng không có cơ hội bùng nổ khi có chánh niệm trên từng cảm nhận, từng phản ứng, từng tác ý của tâm. Đây là cách thuần hóa tâm. Sân giận từ đâu mà có? Nó từ trong tâm của ta mà ra. Một khi tâm được thuần hóa thì ta hiểu được con đường đi của sân giận, nó khởi lên thế nào, ta có thói quen phản ứng ra sao, nó tuôn trào phủ lấy toàn tâm, toàn thân ta thế nào, nó nổ tung ra và bắn tung tóe độc khí sân giận đó lên người khác thế nào, rồi ta biện hộ, phòng vệ, bào chữa ra sao với việc làm của mình… ta đều hiểu rõ.
Do vậy, để thuần hóa tâm sân giận, trước hết phải chánh niệm và tuần tự từng bước một để tiếp cận và chuyển hóa nó.