Thursday, January 15, 2015

LỌC BA LẦN HÃY NÓI...

Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates được mọi người đồn là uyên bác hơn người, ai cũng tôn trọng. Một hôm, có một người quen đến gặp vị triết gia vĩ đại này và nói “Ngài có biết tôi nghe người ta nói gì về người bạn của Ngài không?
Socrates trả lời: “Đợi một tí nhé. Trước khi kể cho tôi nghe một điều gì, tôi muốn anh làm một trắc nghiệm nho nhỏ. Trắc nghiệm này gọi là phép lọc ba lần.”
“Lọc ba lần?”
Socrates nói tiếp: “đúng rồi, trước khi anh nói với tôi về người bạn của tôi, một điều anh nên làm là dành một tí thời gian để lọc xem những điều anh sắp nói. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là phép lọc ba lần. Lần lọc thứ nhất là sự thật. Vậy thì anh có chắc chắn 100% những điều anh sắp nói với tôi là chính xác, là sự thật không?”
Người kia nói “ồ không, thật ra tôi cũng chỉ nghe người ta nói thôi, và…”
Socrates nói “được rồi, vậy là anh không thật sự biết chắc điều ấy là đúng sự thật hay không. Bây giờ, hãy thử phép lọc thứ hai, lọc về tính chất của vấn đề, chỉ nên nói điều tốt thôi anh ạ. Những gì anh sắp kể về anh bạn tôi với tôi là tốt đấy chứ?”
“Ồ không, ngược lại ông à”.
Socrates nói tiếp “vậy sao, anh muốn nói một điều xấu về anh bạn tôi, nhưng lại không chắc điều ấy có chính xác không. Thế nhưng anh cũng có thể vượt qua bài trắc nghiệm này bởi vì còn một điều nữa cần phải lọc: lần thứ ba là lọc về sự lợi ích của vấn đề anh sắp nói. Nè, điều về anh bạn tôi mà anh sắp nói cho tôi biết ấy, có lợi ích gì cho anh và cho tôi không vậy?”
“Ồ không có lợi gì cho ông cả, cũng chẳng lợi gì cho tôi”.
Socrates đi đến kết luận “nếu điều anh muốn nói với tôi không chắc là có thật, cũng không tốt, lại không đem lợi ích gì, thì tại sao lại đem nó kể cho tôi nghe?” 
Người kia cụt hứng, xấu hổ và không thể mở lời...

 Đôi lời chia sẻ:
Socrates quả là một triết gia lừng danh, có cách xử lý vấn đề rất hay. Ông dạy cho gã nhiều chuyện kia, và cho cả chúng ta, cách lọc qua ba tiêu chí: thông tin cần truyền tải có chính xác hay không, điều ấy tốt không và điều ấy có đem lại lợi ích cho người nghe và người nói hay không. Cách trắc nghiệm “Lọc ba lần” giúp chúng ta làm chủ mình trước khi muốn phát biểu điều gì với ai. Những gì chúng ta làm, thiết yếu phải đem lại lợi ích, an vui cho người và cho mình. Trong câu chuyện trên, gã nhiều chuyện kia tuy chưa ý thức hết hậu quả của việc truyền tải các câu chuyện nhảm nhí, không đem lại lợi ích cho người nghe, nhưng ít ra, anh ta còn chân thật theo kiểu “thật tình khai báo” khi Socrates hỏi đến.
Trong cuộc sống, ta thấy không ít người nói được gì thì nói, không bao giờ ý thức đầy đủ được tác hại của lời nói thiếu kiểm soát. Một khi mở miệng, đã không suy nghĩ, lại thêm hàm hồ, lại không chân thật. Lời nói thiếu chánh niệm như thế là lời nói trộn lẫn rác rến, sạn đá, thì có lọc đến mười lần hoặc nhiều hơn nữa, chủ nhân của chúng vẫn phát ngôn vô tội vạ. Oái oăm thay, những người như thế thì thường hay nói, lại ưa xen vào chuyện không phải của mình nữa chứ! Đúng là bao đồng không thể tưởng! Đây là những người đáng thương vì khi nói, họ còn không biết nói gì, cuối cùng, kết quả không mấy tốt đẹp mà họ chẳng bao giờ mong muốn lại trở về với họ như món quà bất đắc dĩ, nhưng không thể không nhận!
Nếu trong chúng ta, ai cũng biết tự trắc nghiệm mình bằng phương pháp “lọc ba lần” của Socrates thì chúng ta sẽ không phí năng lượng cho những câu chuyện phiếm chỉ chực chờ mang họa đến cho mình và cho người. Được vậy, những gì mình nói ra đều phải có mục đích lợi ích cho mình, cho người. Nếu duy trì nguyên tắc này, chúng ta sẽ được tôn trọng trong cộng đồng, lời nói có uy tín và sự có mặt của mình đem lại niềm vui cho nhiều người.
Vì lòng thương đối với tất cả, chẳng muốn ai đau khổ mà đức Phật đã dạy cho chúng ta cần ý thức rõ ràng, chịu trách nhiệm và làm chủ được mình trong khi nói, không để hoàn cảnh, người ngoài cuốn ta vào câu chuyện đến mức tự đánh mất mình. Kinh ghi lại rằng:
Chỉ nói lời không hại mình, không hại người khác, chỉ nói lời tốt đẹp, chỉ nói lời nhẹ nhàng và dễ thương, chỉ nói lời đúng sự thật. Đây là bốn yếu tố khiến lời nói được khéo nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. (Kinh Tập - Sn.450)
Hãy nói lời khả ái, lời nói khiến hoan hỷ, không đem lại ác hại cho người khác, khiến người khác ưa thích. (Kinh Tập - Sn. 452)