Friday, January 9, 2015

CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN (Kỳ 2)

Những cách chuyển hóa cơn giận
Không đồng hóa với cơn giận
Một trong những yếu tố làm chất xúc tác sân hận một khi khởi lên là bốc ngọn không ngừng là chúng ta cảm thấy mình đúng khi nổi giận. Khi thấy mình đúng, chúng ta hoàn toàn đồng hoá mình với cơn giận. Thế nhưng, đức Phật dạy đã giận thì không có giận đúng. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải làm để đối trị tâm sân hận là thấy rõ mình không phải là cơn giận. Chúng ta nên cảm nhận nó một cách rõ ràng là một cảm xúc, nó khởi lên, lớn dần và giảm tốc lực cũng như cường độ trước khi biến mất.
Muốn làm được điều  này cần phải có chánh niệm: chánh niệm trên các cảm thọ. Đây là một kỹ năng quán sát do luyện tập thường xuyên mà có. Cách luyện tập căn bản, hiệu quả nhất là trong các thời khóa thiền thường ngày của mình trong tư thế ngồi yên ở một nơi tĩnh lặng trong một thời gian nhất định trong ngày. Phương pháp chánh niệm trên cảm thọ như vậy giúp chúng ta có kỹ năng theo dõi cơn sân với tư cách là một người quan sát khách quan, không còn bị nó đồng hoá hay sai sử nữa. Bởi vậy khi nào chúng ta nổi giận, hãy chánh niệm nhắc mình dừng lại và quan sát. Hãy cố gắng có một giây phút chánh niệm để xem cảm giác đó là thế nào. Với sự ảnh hưởng của chánh niệm, cơn sân sẽ mất sức mạnh và dần dần giảm đi và lặng dần. Chúng ta không đè nén cơn sân mà chỉ quan sát và để cho nó tự biến mất, vì nó tự đến . Phương pháp này có thể xem là giải pháp trung đạo giữa sự cho nó bộc phát nổ tung và sự đè nén để zip nó lại thành con chip giận đã trình bày ở trên.
Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
Tránh né người hoặc tình huống tạo duyên cho sân giận
Có lẽ cách thông thường nhất, tuy chưa phải là cách tốt nhất, để đề phòng tâm sân hận là tránh những người hay tình huống khó chịu. Đức Phật cũng từng dạy, tránh né là một trong những cách để đoạn trừ phiền não (Kinh tất cả các lậu hoặc, Trung bộ kinh số 2). Nếu chúng ta cảm thấy không thể chịu nổi một người hay một tình huống nào đó, mà nếu gặp chúng ta dễ nổi giận, thì tốt hơn nên tránh xa họ như một giải pháp tạm thời. Sự tránh xa này phải ở cả thân lẫn tâm, nghĩa là chúng ta không nên để cho những đối tượng đó hiện diện ngay cả trong tâm chúng ta và quấy nhiễu sự bình an trong tâm hồn mình. Cách này mới nghe qua tưởng chừng khá dễ dàng để khỏi nổi sân, không phải khi nào chúng ta cũng làm được việc không đeo mang trong tâm mình đối tượng tạo duyên cho sân giận nổi lên, mặc dù đã tránh mặt.
Dẫu có thể làm được việc tránh né, chúng ta cũng phải công nhận rằng đó không phải là biện pháp rốt ráo để diệt trừ sân hận, mà chỉ là một kế hoãn binh, làm trì hoãn và chậm đi tốc lực của sân giận mà thôi. Cuối cùng ta cũng phải học cách chấp nhận, chấp nhận con người và cuộc sống không như mình muốn để không kỳ vọng gì từ những yếu tố này, để tách họ ra khỏi cơn sân giận của ta. Chúng ta phải can đảm nhìn nhận rằng, sân giận là việc của cá nhân mình, và mình cần phải làm gì đó với nó, không liên can gì đến người khác, không liên hệ gì với cái bên ngoài, không có “tại, bị…” gì ở đây cả. Muốn vậy, ta cần hiểu và chấp nhận rằng trên đời này không có một cái gì hay một người nào hoàn hảo. Một cái nhìn đúng đắn là con người không thể hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà là một sự kết hợp của các thuộc tính tốt và xấu ở các mức độ khác nhau và mức độ hiển thị trội hay lặn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Lấy mình làm điển hình, ta dễ dàng chấp nhận rằng đã là con người thì đều có thể mắc sai lầm. Chấp nhận những sai sót và khuyết điểm của chính mình và của người khác là một dấu hiệu của lòng nhẫn nại và bao dung, vốn là một thứ thuốc giải độc cho tâm sân hận.
Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
Nghĩ đến tác hại của sân giận để không bị nó chi phối
Tôi lấy kinh nghiệm bản thân để chia sẻ ở đây. Khi tâm vừa móng khởi nổi sân, nếu tôi kịp thời kềm chế, nhắc tâm rằng, “sân hận hay giận dữ không phải là vũ khí tốt nhất để đấu tranh cho sự công bằng, lại đem đến bao nhiêu tai hại cho chính mình và người khác, hãy kìm lòng cho qua.” Nếu tôi ý thức sớm và thắng được cái tâm ương bướng này, tôi kìm được tâm sân giận và thế là ổn. Ngược lại thì tôi thất bại và cơn giận thắng.
Tôi nhớ có một vài nhà tâm lý học cho rằng chúng ta nên bộc lộ sự giận dữ của mình để khỏi bị ức chế dẫn đến bệnh hoạn, nhưng một số nhà tâm lý học khác lại đúng hơn khi cho rằng bộc phát cơn giận không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn tệ hơn.  Mặc dù việc bộc lộ sự giận dữ của mình có thể đem lại sự thoả mãn tức thời – có thể bằng cách la hét, múa may, đập phá đồ đạc, chửi rủa, nhưng cách đó không thể xua tan cơn giận, ngược lại, nó chỉ kích thích thêm những khuấy động tình cảm và thậm chí còn kéo dài nó một cách không cần thiết. Đây là ý nghĩa của lời kinh tôi dẫn ở trên là cây sân giận có rễ đắng mà ngọn của nó thì tẩm mật ngọt. Tôi cũng không quên những ví dụ ấn tượng trong kinh rằng, sân giận như một vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một miếng sành đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn.” (Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm 3: phẩm Người, kinh số 25). Lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào là đưa người ấy đến với bất hạnh và khổ đau (Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm 7: phẩm Lớn, kinh số 65).
Với những trải nghiệm tự thân, tôi thấy những tác hại ghê gớm của sân giận thì tôi biết, thế nhưng, vấn đề chế ngự được cơn giận hay không nằm ở chỗ tôi có kịp thời chánh niệm, tỉnh thức để biết cái giận của tôi đang ở giai đoạn nào và sức tôi có đủ để kịp thời can thiệp và chặn đứng nó lại hay không. Có nhiều kiến thức về tác hại của sân giận mà không trải nghiệm, không rèn mình có một kỹ năng thuần thục trong việc chú tâm, theo dõi và huy động sức mạnh nội tâm kịp thời thì cũng chào thua, để cho sân giận nổi lên phủ kín, xâm chiếm toàn bộ con người mình để rồi đi, đứng, nói, làm, nhìn và thậm chí thở cũng mang hơi hướng của sân giận và mình trở thành nạn nhân của nó. Do đó, chánh niệm là một nghệ thuật điều phục cơn giận chứ không phải mớ kiến thức thế gian hay thậm chí kiến thức có được từ trong kinh sách.
Trong quá trình này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
Dùng lý luận để thấy giận là vô lý
Chúng ta cũng có thể dùng lý luận để chặn bớt sân hận. Chúng ta nên tự hỏi là nếu mình giận một người nào thì mình có thể làm gì được họ? Không làm được gì, chỉ tổn hại cho mình trước tiên và nhiều nhất. Hãy nghĩ đến thân và tâm mình phải khổ sở, đau đớn khi cơn giận hoành hành, trước khi nghĩ đến nó có tác dụng thế nào với người. Đừng có mơ ngày mà mong họ thay đổi tích cực với cơn giận của mình. Đức Phật thường nói rằng giận dữ với người khác cũng như cầm phân, than nóng, hay sắt nung đỏ để đánh người khác, chính chúng ta sẽ là người đầu tiên bị vấy bẩn hay bị thương. Tại sao ta lại đi làm một điều ngu xuẩn và điên rồ như vậy? Tại sao ta lại kém tự trọng đối với chính mình vậy?
Vì vậy tự trọng là một vũ khí khác để đối trị tâm sân hận. Tự trọng được định nghĩa là “một cái nhìn thực tế và trân trọng đối với chính mình”. Điều này có nghĩa là chúng ta nhìn chính mình một cách chính xác và trung thực, không đề cao mà cũng không hạ thấp giá trị hay tầm quan trọng của chính mình. Hơn ai hết, chúng ta ý thức được những ưu điểm và nhược điểm của mình, và cảm thấy thoải mái với chính bản thân chúng ta. Ngài Ajhan Chan, một thiền sư nổi tiếng của Thái Lan, thường dạy các đệ tử của ngài: “nếu người ta chửi con là chó, thì con hãy nhìn lui xem mình có cái đuôi không. nếu con có cái đuôi thì họ nói đúng rồi. Đúng thì có gì để giận? Còn nếu con không có đuôi, thì cũng đừng lo lắng làm gì. Con không phải là con chó, vậy thì đâu có vấn đề?” Vì vậy, nếu chúng ta biết rõ giá trị của chính mình, chúng ta không cần phải tranh đấu để tự khẳng định lại mình khi bị người khác lăng mạ. Lúc đó chúng ta sẽ bình an dù có bị tấn công cách mấy, bởi vì tận sâu thẳm trong lòng chúng ta biết rằng không một điều gì mà người khác nói hay làm có thể làm thay đổi giá trị và nhân cách của chúng ta. Giận làm gì cho tổn giảm tâm mình?
Suy nghĩ theo hướng như vậy là một cách hướng tâm tích cực mà trong kinh gọi là “như lý tác ý”. “Như lý tác ý” là một pháp hướng tâm, dẫn tâm vào hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý. Phương pháp này giống như “tự kỷ ám thị”, là dùng sự tác ý (khởi ý) để gom tâm lại, tập trung thành một khối nội lực, không để tâm phân tán, tập trung suy nghiệm vấn đề đúng chân lý. Theo thiền sư Thái-lan P.A.Payutto, “như lý tác ý” là khéo léo giác sát. Ngài cho rằng “như lý tác ý” hướng dòng tâm theo đường lối mà trí tuệ có thể được phát huy. Quá trình này bao hàm cả sự giác sát và trí tuệ, nên được xem như ‘sự giác sát đầy trí tuệ’. Chính vì vậy, trong kinh đức Phật nhấn mạnh rằng, chính không như lý tác ý làm cho sân giận chưa sanh thì sanh khởi, sân giận đã sanh rồi thì bùng nổ nhanh và mạnh hơn (Tương ưng bộ kinh, chương II, phẩm 6, kinh số 51).
Trong quá trình “như lý tác ý” này, chánh niệm đóng vai trò chủ đạo.
(Còn nữa)