Tuesday, January 27, 2015

THỨC ĂN NUÔI DƯỠNG CÁC PHÁP ÁC

Khái niệm thiện-ác
Thói quen của nhiều người là sáng ra, mở TV hoặc vào các trang web lướt xem tin tức thời sự trước khi bắt tay vào công việc một ngày mới. Hôm nào đọc tin, thấy ở nơi này, người ta cướp của giết người, nơi nọ có kẻ hận tình, giết người yêu rồi tự tử… lòng ta nặng trĩu với cái ác của con người. Ta tự nhủ rằng thành phần ác đến mức như vậy trong xã hội chỉ là một số nhỏ, trong khi đó, nhiều người trong chúng ta vẫn giữ được một ngưỡng nhất định và có thiện chí cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội hiền lương, tốt đẹp hơn. Đây chính là ý tưởng của những người có lương tri và cũng là ước mơ của những người đệ tử Phật có trí tuệ và có tấm lòng.
Thế nhưng đừng vội nghĩ chỉ những người gây án mới ác, ta không làm thế, ta tự hào ta không ác. Có thể đúng nếu chúng ta mặc định với nhau: ác là phải phạm pháp. Nếu đặt tiêu chuẩn đạo đức cao hơn và vi tế hơn như trong đạo Phật, chỉ cần gây tác động tiêu cực đến tâm mình và tâm người đã là ác rồi. Không phải cứ hại người gây hậu quả sờ sờ ra đó mới gọi là ác, mà “ác” ở đây gần nghĩa với từ  “xấu”. Trong đạo Phật hai từ này thường đi chung với nhau và “xấu ác” là từ để chỉ những khởi tâm tác ý, hành động về thân và lời nói gây tổn thương cho mình, cho người và là chất liệu “kém chất lượng” để xây dựng tòa nhà cuộc sống của chúng ta trong hiện tại và tương lai. Xét ở mức độ này, tất cả chúng ta, ai cũng là người… ác, không nhiều thì ít, không khi này thì khi khác. Hiểu thấu điều này, nghĩ mình không phạm pháp đã là thánh thiện, trong sạch hoàn toàn là điều không nên, tự ti mặc cảm khi biết mình cũng… ác như ai cũng không phải, ta nên có cái nhìn thực tế để sống tốt hơn và giúp người khác sống tốt hơn trong cuộc đời  này.
“Ác” là dám làm người khác đau khổ, tổn thương, mất mát, dù nguyên nhân ban đầu có thể tạo cho mình một cảm giác ấm ức một chút xíu thôi. Ví dụ, để xây thành trì bảo vệ cái ngã của mình, ta nói nặng nói nhẹ, nói cạnh nói khóe người khác khiến họ cảm thấy bị tổn thương, đau khổ, tủi thân là ác; ta ăn cắp món vật gì dù nhỏ cũng khiến người khác bất an trong lòng vì mất của, là ác; ta tình nguyện làm “người thứ ba” không danh phận lặng lẽ đi trong bóng tối bên cạnh một người nào đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc hôn nhân của người khác là ác. Bất cứ lời nói, việc làm nào làm tổn thương đạo tâm của người khác, mất đi niềm tin với Phật pháp cũng là ác, v.v…
Sâu thẳm trong nội tâm con người luôn tồn tại những điều ác tiềm ẩn, đang ngủ ngầm, len lỏi và ẩn náu dưới tầng sâu trong tâm thức. Khi gặp bối cảnh tương thích, các hạt giống này vươn lên, sinh sôi nảy nở. Khi nằm trong tâm thức, những hạt giống ác này được nuôi dưỡng và bảo trì nhờ bốn loại thức ăn: tham lam, sân giận, si mê và lo sợ (Trường bộ kinh số 31: Giáo thọ Thi-ca-la-việt). Nói cách khác, đây là bốn nguyên nhân đưa đẩy con người tạo ác.
Do tham mà làm ác
Khi hiểu khái niệm ác là làm cho người đau khổ, ta dễ dàng nhận ra rằng pháp ác được sinh ra từ gốc tham dục, vì trong giáo lý Tứ đế đã phân tích rõ, nguyên nhân của khổ đau là do tham dục. Gốc tham dục rất sâu, sâu đến mức dường như nó đồng hành cùng ta đến cõi đời này ngay từ lúc chui vào bào thai và nó xâm chiếm tâm, ngự trị tâm và trú trong tâm. Do tham mà lừa gạt người thân, do tham mà trong nhiều trường hợp, đứa con bất hiếu đã đoạt mạng sống của đấng sinh thành, người một đời tần tảo hy sinh cho mình được sống no đủ. Chính tham ái che mờ tâm trí, người ta không còn thấy đúng sai, thiện ác gì cả. Đức Phật dạy rõ, khi không còn ham muốn mới có thể thoát khỏi khổ đau (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2, kinh số 10 : S1,16)
Do sân giận mà làm ác
Trong cuộc sống, ta thường thấy nhiều người phạm tôi giết người chỉ vì mâu thuẫn ban đầu rất nhỏ, nhưng vì thiếu kềm chế, thiếu kiên nhẫn và không thể nhường nhịn nhau, họ đã vướng vào vòng lao lý chỉ vì sự nóng giận. Nhiều người giết để trả thù do tâm lý dồn nén, uất ức trào dâng chất ngất trong lòng. Các tình huống thì muôn hình vạn trạng, nhưng chung quy lại, do giận mà ai đó ráp tâm hại người đều là do sân giận mà tâm ác sinh khởi, được nuôi lớn và bùng nổ như một cách giải tỏa tâm lý bị thiêu đốt. Kết quả là đem thương đau đến cho mình và cho người, khi biết việc mình làm là sai và hối hận thì đã quá muộn màng.
Do thiếu hiểu biết mà làm ác
Thiếu hiểu biết là ngu si, tên gọi khác của vô minh. Do ngu si mà làm ác, gây lỗi lầm là điều chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày. Tất cả những lời dạy của đức Phật về vô minh cho chúng ta thấy rằng vô minh là điều đáng làm thì không làm, điều không đáng làm thì làm, do đó, đem lại khổ đau cho mình, cho người, khổ đau hiện tại và mai sau. Vô minh là thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề, nó có thể hành hoạt theo hai cách. Thứ nhất, những mê mờ bao quanh các nỗi lo sợ có thể khiến chúng ta không hiểu được những hiểm nguy mà mình đối mặt. Những nơi không có nguy hiểm thì chúng ta thấy có nguy hiểm, những nơi có nguy hiểm thì lại không thấy có nguy hiểm. Nếu bị ám ảnh quá mức về nơi  không có nguy hiểm hoặc những nguy hiểm ấy quá nhỏ nhặt, chúng ta sẽ phí thời gian và năng lượng để tạo nên sự kháng cự vô ích, mà không chú ý đến chỗ có đe dọa thực sự. Ngược lại, nếu chúng ta loại những mối nguy hiểm thực sự như già, bệnh và chết ra khỏi suy nghĩ, chúng ta trở nên chủ quan trong hành động của mình, cho đến khi giật mình hiểu ra thì những nguy hiểm này đã đến quá gần, ta không có đủ thời gian và năng lượng để xoay xở gì được nữa.
Do lo sợ mà làm ác
Lo sợ là một tâm lý bất an, làm cho con người sống trong sự trói buộc, không thoải mái. Trong cuộc sống, chúng ta sợ đủ thứ: sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ mất đi những gì chúng ta yêu thích và đang sở hữu, và sợ nhiều thứ khác nữa (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương II, phẩm II, kinh số 9 : S1, 54). Một khi để tâm lý sợ hãi xâm chiếm và chế ngự, con người sẽ không làm chủ được mình, không tỉnh táo sáng suốt để biết rõ việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Người bị sợ hãi xâm chiếm, chế ngự là người mất cân bằng.
Bốn trong một : nguyên nhân tạo ác nằm trong lo sợ
Do nhân tham dục và sân hận sanh khởi mà chúng ta có thỏa mãn và bất mãn. Sợ hãi từ đây mà sanh khởi.(Tương ưng bộ kinh, tập I, chương X: S1, 207).
Tâm lý sợ là phản xạ tự nhiên thể hiện sự yếu đuối và kém cỏi trong con người chúng ta. Nếu đơn giản là vượt qua được nỗi sợ, chúng ta liền trở nên mạnh mẽ, có điều vượt qua bằng cách nào không phải ai cũng biết và có thể làm được. Sợ hãi rõ ràng là phản ứng trung thực nhất của chúng ta khi đối mặt với già, bệnh và chết. Điều này ta không thể đơn giản vượt qua bằng sự thay đổi thái độ trong chốc lát, mà là cả một quá trình luyện tập và ứng dụng xuyên suốt thời gian để trở thành một kỹ năng, một nghệ thuật nhìn sâu và thấy rõ một cách thuần thục. Đến mức độ này, chúng ta mới có nội lực để cân bằng, làm chủ và điều khiển hành động của mình.
Hình ảnh một con nai trong rừng vắng khi đột ngột gặp ánh đèn pha của người thợ săn trong đêm tối được tỳ kheo Thanissaro dùng để mô tả tâm trạng lo sợ của chúng ta. Một chuỗi năm cơ chế cảm xúc được hình thành đồng thời như là một phản ứng đối với cảm giác sợ hãi, đó là cảm giác bối rối, bực bội tức giận, cảm thấy nguy hiểm, tỏ ra yếu đuối trước nguy hiểm và muốn trốn thoát. Năm yếu tố này có mặt cùng một lúc trong mỗi một nỗi lo sợ, với mức độ nhiều ít khác nhau. Nếu hai yếu tố bối rối và bực bội chiếm tỷ lệ nhiều, chắc chắn con nai ấy sẽ phản ứng vụng về, thiếu khôn ngoan và lúc bấy giờ, nếu có nhiều ngả mở để có thể trốn thoát khỏi tay thợ săn, chính bối rối và bực bội có thể làm cho nó bỏ lỡ những cơ hội ấy. Con người cũng vậy, những yếu tố tâm lý trên xuất hiện khi ta sợ hãi sẽ dễ dàng đưa ta đến sai lầm và tội lỗi vì sự vụng về, bất an và cảm thấy yếu kém khi chạm mặt với hiểm nguy.
Nếu chúng ta vượt qua được hai yếu tố bối rối và bực bội, ba yếu tố tâm lý còn lại của lo sợ – nhận thức về sự yếu kém, nhận thức về nguy hiểm và mong muốn thoát khỏi nguy hiểm – là cần thiết để tránh khỏi tội lỗi và thoát khỏi trạng thái lo sợ. Nếu tách bối rối và bực tức ra, thì ba yếu tố còn lại hợp thành một phẩm chất tốt, đó là chú tâm tỉnh giác, một phẩm chất rất cần thiết trong tu tập mà Đức Phật đã nhắc đến rất nhiều lần trong các bài kinh (Trung bộ kinh, số 51: Kinh Kandaraka; Tương ưng bộ kinh, Tập IV, chương I, phần III, phẩm 2, kinh 120; Tập IV, chương I, phần III, phẩm 3, kinh số 127).
Khi chạm mặt với một tình huống nào đó mà ta có cảm giác lo sợ, cùng với tâm trạng bối rối, ta  nhận ra sự nguy hiểm đang đe dọa sự an toàn của mình. Một khi chưa thấy sự nguy hiểm của cuộc sống là có thật, sự yếu kém của chúng ta là có thật thì ta vẫn chưa có nhu cầu nỗ lực tìm con đường giải thoát ra khỏi tâm trạng lo sợ, bất an ấy. Sẽ không có con đường nào có thể giúp chúng ta chấm dứt được nguyên nhân của lo sợ nếu chúng ta chưa thật sự thấy rõ những vấn đề trên. Yếu tố che mờ để ta không thấy rõ sự hiểm nguy, manh nha hiểm nguy trong cuộc sống là do bối rối, tên gọi khác của vô minh, theo thuật ngữ Phật học. Do vậy, để giải quyết vấn đề, đức Phật dạy cần thấu hiểu bản chất của sự bối rối, yếu tố làm cho lo sợ trở nên bất thiện.