Thu nhận hiểu biết từ các nguồn tri thức bên ngoài vào để rồi
tiêu hóa, biến tấu và sử dụng kiến thức ấy trở lại trong cuộc sống
là điều tất cả chúng ta đều làm. Vốn tri thức ấy là tri thức thâu
vào, là thứ tri thức ta học để rồi dùng nhằm hiểu cuộc sống, hiểu
xã hội và hiểu ở tất cả phương diện khác để giúp ta xoay xở, đương
đầu, xử lý các tình huống cuộc sống, để rồi có kỹ năng và nghệ thuật sống hài
hòa, chấp nhận và được chấp nhận trong cuộc sống này với các mối
quan hệ xã hội phức tạp. Hiểu biết này là kiến thức
hấp thụ từ các nguồn sáng “tri thức” bên ngoài, giống như ánh sáng
dịu dàng ta nhận được từ mặt trăng. Mặt trăng vốn không phải là
nguồn sáng, theo nghĩa tự bản thân nó có khả năng phát sáng, mà là
trạm thu nhận ánh sáng từ nguồn sáng mặt trời để phản chiếu trở
lại mà thôi.
Thế nhưng, khả năng
của mặt trăng chỉ là trạm thu và phát ánh sáng, còn khả năng con
người kỳ diệu hơn, vì ngoài chức năng thu và phát kiến thức, con
người còn có chức năng là nguồn tự phát ra ánh sáng trí tuệ, giống
như nguồn sáng của mặt trời. Là nguồn sáng thì ánh sáng ấy mới
dồi dào, mạnh mẽ và bền vững vì tính tự chủ của nó, trong
khi đó, trạm thu-phát thì hạn chế nhiều thứ do lệ thuộc vào nguồn
sáng mà nó thu nhận. Nói như vậy không có nghĩa con người có thể
phát sáng trí tuệ trong mọi lúc mọi nơi. Khả năng làm nguồn phát
sáng ở con người chỉ có thể phát huy trong những điều kiện nhất
định. Hầu hết các tôn giáo đều hướng đến việc tìm hiểu những điều
kiện tốt nhất để con người có khả năng phát sáng trí tuệ này.
Trí tuệ từ
nguồn sáng này phát ra từ nội tâm của mỗi người. Đây là loại trí
tuệ đa năng, đa dụng và có tác dụng nền tảng và xuyên suốt, bền
vững đồng hành cùng chủ nhân của nó. Một vai diễn trên sân khấu muốn
truyền cảm xúc cho khán thính giả phải biết diễn từ cảm xúc xuất
phát từ trong tâm diễn ra. Một mối quan hệ tình người được nuôi dưỡng
lâu dài nhờ chất keo dính của sự chân thật và tình cảm chiết xuất
từ trong tâm. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống tùy thuộc vào khả
năng phát sáng và phương cách sử dụng nguồn sáng ấy làm cho cuộc
sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Vấn đề, tất nhiên, là làm thế nào để phát
triển nguồn trí tuệ này và mỗi tôn giáo có cách đặc trưng để phát triển nó
tùy thuộc vào nhân sinh quan và thế giới quan của tôn giáo đó. Phật giáo gọi
sự phát triển này là con đường của trí tuệ và quán chiếu, và muốn thành tựu trí
tuệ và quán chiếu này cần thiết phải có một nền giáo dục toàn diện về cách
chúng ta sống trong cuộc đời.
Giáo dục
chỉ có ý nghĩa đối với con người mà không có giá trị gì đối với
phần lớn các loài vật. Hầu hết các loài vật, chỉ sau vài tiếng đồng hồ hay
vài ngày sinh ra, một cách bản năng, chúng nó có thể tự lo liệu bản thân.
Không giống con vật, con người cần một môi trường để được giáo dục, cần
phụ thuộc vào cha mẹ và thầy cô giáo trong nhiều năm để sinh tồn và được xã hội
hóa. Sự phụ thuộc trong một thời gian dài là đặc tính để định nghĩa về con người;
chúng ta trở thành con người đúng nghĩa qua giáo dục hơn là bản năng sinh tồn
của nòi giống. Nếu nhìn theo hướng tích cực, chân lý này mô tả bản chất căn
bản ở con người là có thể nhận sự giáo
dục. Đây là khả năng bẩm sinh tuyệt vời để chúng ta có thể học và thay đổi
theo các chiều hướng tốt đẹp. Phật giáo luôn dạy phát huy khả năng này đến mức
hoàn hảo nhất để thay đổi toàn triệt con người. Điều này đưa đến khái niệm
giáo dục bao quát mọi phương diện trong cuộc sống – cách chúng ta liên hệ với
cuộc sống vật chất, cách chúng ta giao tiếp với con người xung quanh mình và xã
hội mình đang sống, cách chúng ta xây dựng cuộc sống nội tâm; nó bao gồm giáo dục
về các phương diện đạo đức, tri thức, tình cảm và tâm linh.
Phật giáo xem giáo dục, sự tìm kiếm sự
hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân thông qua điều kiện sống con
người, là trung tâm của đời sống tâm linh. Phật giáo sử dụng nhiều phương tiện
thiện xảo và các cách quán sát cuộc sống từ trí tuệ và kinh nghiệm, việc
mà ai cũng có thể làm được, không nhất thiết dành riêng cho đệ tử
Phật. Nhờ phương pháp hướng dẫn khoa học này, người của các truyền thống
tôn giáo khác hoặc người thật sự không có lấy một truyền thống tôn giáo nào cũng
có được lợi ích từ sự thực hành lời Phật dạy thông qua con đường giáo
dục. Vốn hiểu biết về sự tồn tại của con người và các quy luật vận hành
cuộc sống càng sâu, chúng ta càng có khả năng tự bảo hộ mình, đưa mình
ra khỏi sự phân định mù quáng và không cần thiết giữa mình và người với
các sự phân loại nhỏ hẹp và giới hạn trên cơ sở xã hội, tộc người và tôn
giáo. Thay vì thấy cái khác nhau, riêng lẻ và phân biệt, ta cần hướng
đến cái chung của con người, trong đó khả năng giữ tâm thuần tịnh và
phát sáng trí tuệ từ nội tâm là một trong những điểm chung ở tất
cả con người ta cần phát huy.
Là con người, chúng ta có khả năng phản
chiếu kinh nghiệm của mình và học hỏi từ kinh nghiệm người khác để có thể
học cách quán chiếu, phát triển khả năng tự tri và cách làm phát
khởi nguồn sáng trí tuệ vi diệu trong tâm mình. Là Phật tử, chúng ta
dành trọn đời mình để học cách duy trì tâm thuần tịnh, khơi dậy tâm từ bi làm
nền tảng cho sự phát khởi trí tuệ, xem đó là nơi nương tựa thường xuyên cho
nội tâm. Chánh niệm, một sự chú tâm trong hiện tại mà một phương pháp
rèn luyện khả năng tự tri của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thực
hành chánh niệm trên bất cứ phương diện nào trong số năm nhóm thành
tố cấu thành nên con người mà ta quen gọi là năm uẩn để sự tự tri
trở nên nhạy bén và hoạt dụng hiệu quả. Với sắc uẩn, ta có thể
tập cảm nhận sự thay đổi, chuyển biến, vô thường của các thành tố
tạo nên cấu trúc cơ thể của mình, cụ thể nhất là chọn hơi thở làm
đề tài để theo dõi và trú tâm. Nếu căn cứ trên thọ – các cảm giác,
cảm xúc vui buồn hoặc trung tính mà theo dõi, quán chiếu, ta sẽ nhận
ra sự thay đổi cũng như cảm nhận tính chất của các cảm thọ này để
tôi luyện khả năng tự tri và tự quán chiếu về các đặc tính khách
quan như vô thường, vô ngã nơi thân và tâm mình. Chúng ta cũng có thể
chọn tưởng
– những gì tập hợp thành nhớ
chấp, những nhớ giữ về hình tượng, ảnh tượng lên trên tâm làm đối
tượng để rèn luyện sự chú tâm và khả năng quán chiếu để hiểu ra
bản chất của con người và sự sống. Chọn tập hợp tư cách tạo nghiệp của
thân, của miệng và của ý mà thuật
ngữ Phật học gọi là hành làm đối tượng để ta nương vào đó rèn
luyện kỹ năng chánh niệm cũng là sự chọn lựa của nhiều người. Nếu
nương vào sự nhận thức của mình để theo dõi và trú tâm nhằm tôi
luyện sự chú tâm và kỹ năng tự tri cũng như quán chiếu, ta chọn thức
làm đối tượng để thực hành. Nếu ta cảm thấy từ tổ hợp nào đó trong
số năm thành tố trên mà từ đó, ta dễ dàng cảm nhận được bản chất các quy luật vận hành nơi thân và tâm thì ta chọn để làm đề mục quán chiếu vậy.
Khi thực hành chánh niệm
thường xuyên, thân và tâm ta dần trở nên an tịnh, yên tĩnh, nhu nhuyến
và thuần thục. Sự thuần tịnh của tâm là môi trường lý tưởng nhất
để nguồn sáng trí tuệ phát sinh và được nuôi dưỡng để duy trì bền
vững. Quá trình này giống như người nông dân chuẩn bị đất với sự gia
công cày, bừa, nhổ cỏ, làm tơi đất và tưới nước cho đất đủ ẩm để
sẵn sàng gieo hạt. Với tâm thuần tịnh, trong sáng, an bình, nội lực
trong tâm được gom tụ thành một khối sáng của trí tuệ, trí tuệ phát
sinh từ bên trong, chứ không phải do học hỏi, thu nhặt từ bên ngoài
vào rồi tái chế đưa vào sử dụng. Trí tuệ này phát khởi từ tâm
thức thuần tịnh. Mức độ thuần tịnh tỷ lệ thuận với khả năng phát
sáng trí tuệ của tâm và khả năng sử dụng nguồn sáng này để soi
sáng bản thân bằng sự tự tri và soi sáng môi trường quanh ta.
Những thử thách thật sự cho mức độ thuần tịnh và khả năng phát sáng trí
tuệ của tâm là duy trì sự tỉnh thức ngay giữa cuồng phong của tình cảm –
khi ta bị tổn thương, phản bội, giận dữ và sợ hãi. Nếu tâm có sự thuần tịnh,
lắng sâu có nghĩa là khả năng duy trì sự bình an tốt, không bị chi phối
của các yếu tố bên ngoài. Khả năng này được thể hiện rõ nét khi gặp
những tình huống khó khăn, chúng ta vẫn có được sự may mắn là duy trì các
nguyên tắc nhất định để có thể chống đỡ, xoay xở và hành xử trên cơ sở
hợp lý, khoa học, thực tế và nhân bản.
Như vậy sự thuần tịnh nội tâm là nền tảng để chân giá trị và ý nghĩa cuộc
sống phát triển.
Đưa tâm hỗn tạp và lăng xăng như một
nồi canh súp đang sôi trên bếp về trạng thái thuần tịnh, trong sáng,
an lành để nguồn sáng trí tuệ nảy sinh và phát triển không phải là một điều dễ
dàng. Điều này chỉ có thể thành tựu bằng sự nỗ lực không ngừng để thực
hành giáo dục trọn đời, một phương pháp huấn luyện cách sống bên trong cũng như
bên ngoài, với sự hỗ trợ của lời Phật dạy. Tóm lại, chúng ta thấy rằng,
những giáo lý Phật giáo không phải là tín điều để phải tin theo (hay phản đối)
mà là công cụ để sử dụng để phục vụ cho mục đích cuộc sống của mình. Chúng
ta sử dụng những lời dạy này để biết cách kích hoạt nguồn sáng trí tuệ
ấy bừng lên, soi lối cho chúng ta hiểu bản thân mình và kinh nghiệm mình trải
qua trong cuộc sống, để hiểu người khác và thế giới chúng ta đang sống. Trên cơ
sở đó, đặt trên nền tảng này, chúng ta thiết lập đời sống hạnh phúc đích
thực cho bản thân và người khác nhờ vào sự sử dụng khéo léo và hợp lý
nguồn trí tuệ tự phát từ nội tâm này.
Một thế giới bình yên và hạnh phúc
khi được soi mình trong ánh sáng trí tuệ từ nguồn tâm thuần tịnh của
mỗi cá nhân chung sống trong thế giới ấy. Mỗi chúng ta đều có bổn
phận và trách nhiệm với hành trình khơi nguồn và tỏa sáng này qua
quá trình tự giáo dục, một phương thức giáo dục trọn đời dành cho
mỗi cá nhân.