Thời điểm giao thừa giữa năm cũ và năm mới là thời khắc thiêng
liêng nhất đối với mọi người. Đối với người Việt sống trên đất Việt, thời khắc
ấy là 12 giờ khuya giữa đêm trừ tịch và ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân
tộc, tức 0 giờ 0 phút ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch. Với các nước sử dụng
lịch dương, thời khắc ấy là 0 giờ 0 phút ngày 1 tháng 1 hằng năm.
Mỗi nước có một truyền thống làm lễ đón chào thời khắc giao nhau
giữa hai năm thế này. Có nơi, sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới thật nhạt
nhòa nếu người dân xứ ấy không có truyền thống tổ chức Tết. Ấn Độ là một nơi
như thế đó. Dường như người dân xứ này chỉ tưng bừng trong lễ hội Diwali
(thường vào cuối tháng 10) và các lễ hội tôn giáo nhỏ hơn, nhưng tuyệt nhiên,
không khí Năm mới (theo dương lịch) hầu như không hề có mặt nơi đây, và họ
cũng chẳng có ngày nào theo hệ thống lịch pháp của họ để đánh dấu
một năm mới cả. Ở một số nước khác, lễ hội Năm mới rất phong phú và đặc sắc, ví dụ như ở Nhật. Tôi có vài người quen đang lưu trú trên đất nước Phù Tang, tôi thường được họ chia sẻ những nét văn hóa của người Nhật. Tôi thấy hay hay khi biết thêm nhiều nét văn hóa hay của các dân tộc khác. Trong
nhiều hoạt động văn hóa đón chào Năm mới của người Nhật, tôi thích nhất là lễ ‘Joya no
kane’ – lễ khai chuông giao thừa, nên viết đôi dòng chia sẻ ở đây.
Dù là một nước châu Á, người Nhật sử dụng hệ thống lịch tây, nên tối nay (31 tháng 12), người Nhật sẽ đón giao thừa. Ở Nhật, thời khắc này được đánh dấu bằng một nghi lễ tôn giáo diễn
ra ở chùa gọi là “Khai Chuông Giao Thừa” (除夜の鐘 ; phiên âm là ‘Joya no Kane’).
Theo truyền thống, mọi người, mọi nhà đều đón đợi hồi chuông giao
thừa vang lên vào lúc nửa đêm giữa đêm đông cuối năm cũ và đầu năm mới. Hầu hết
người Nhật đón giao thừa ở chùa. Từ khuya, người ta đã quây quần tại chùa, trật
tự xếp hàng từ rất sớm, để lóng tâm đợi nghe tiếng chuông giao thừa linh
thiêng, mỗi năm chỉ có một lần.
Lễ khai chuông giao thừa được tiến hành rất nghiêm túc và
trịnh trọng sau khi đã có sự chuẩn bị, sắp đặt rất chu đáo từ
nhiều ngày trước đó. Bắt đầu 11.40 pm ngày 31 tháng 12 hằng năm, lễ khai
chuông giao thừa bắt đầu để tiễn đưa năm cũ và đón năm mới. Những tiệc cuối năm
ồn ào náo nhiệt ngập tràn những lời chúc tụng, chén tạc chén thù cũng đã qua đi
ở những ngày trước. Mọi giao thiệp đối đãi chúc tụng quà cáp cũng qua
đi, ai ai cũng dọn lòng an tịnh, chờ đón tiếng chuông giao thừa. Khi
năm cũ chỉ còn tính bằng phút, mọi người trầm mặc, yên tĩnh, hầu như dừng
hết các hoạt động khác, hướng tâm về tiếng chuông giao thừa để tiễn năm cũ
đi, rước năm mới về. Đây là một truyền thống rất hay của người Nhật.
Từng tiếng chuông ngân vang trong màn đêm giữa mùa đông cô tịch
thật trầm lắng, đưa con người về với cõi lòng tĩnh lặng trước thời khắc giao
thoa của đất trời, của vạn vật, càng tôn thêm ý nghĩ thiêng liêng của ‘giao
thừa’. Từng tiếng chuông nghiêm trang, khoan thai, chậm rãi, âm lượng đều
đều được gióng lên từ những chiếc chùy dộng chuông được thực hiện
trong chánh niệm của cả một tập thể chư tăng trong tinh thần hòa hợp
và hợp tác. Tiếng chuông ngân vang trong gió đưa, trong tuyết lạnh như xé
màn đêm đông dày đặc vọng vào tâm thức và nhắc nhở mỗi người trở về với chơn
tâm của mình, trở về với chánh niệm trong mỗi tác ý dụng tâm, trở về
với tinh thần hòa hợp và hợp tác với những người chung sống.
Hồi chuông gồm 108 tiếng. Con số 108 có nhiều cách hiểu. Theo cách
hiểu trong Đạo Phật của người Nhật, 108 tiếng chuông trang nghiêm và thanh
thoát gióng lên trong đêm giao thừa tượng trưng cho việc dứt trừ 108 phiền não.
Người ta tin rằng âm thanh ngân vang từ những tiếng chuông này sẽ giúp con
người soi thấu nội tâm mình để bỏ đi 108 phiền não trong nội tâm của chính
mình. Hồi chuông 108 tiếng như thế thường mất một tiếng đồng hồ và như thế,
mọi người có cơ hội nghe chuông trong chánh niệm, soi lòng trong chánh
niệm trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ quý báu này.
Một trong những chuông lớn nhất nước Nhật và cả thế giới là
chuông ở Chion-in (Tri Ân Viện), tổng hành dinh của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, tọa
lạc tại Kyoto. Chuông này nặng đến 74 tấn. Với một quả chuông như vậy, cả mấy
chục vị tăng phối hợp nhịp nhàng, cùng nhau đẩy một cái chùy gỗ thật lớn,
mới có thể đánh nên những tiếng chuông hùng tráng, thanh thoát, ngân vang trong
đêm giao thừa như vậy. Mỗi một tiếng chuông vang lên là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phương diện tâm thế và tư thế. Ai cũng chú tâm cao độ, kẻ kéo người đẩy, lực cần tác động ở mỗi cánh tay cũng không giống nhau, cần phải chuẩn mực và chính xác, đồng điệu trong từng thời điểm. Cần đến tám lần nhịp chùy, đến lần thứ chín, họ mới đồng tâm hiệp lực dộng một tiếng chuông. (Hãy coi đoạn video clip ở dưới). “Hồi chuông giao thừa”
ở Chion-in được truyền trực tiếp trên các kênh truyền hình khắp nước Nhật trong dịp giao thừa hằng năm.
Tiếng chuông ngân dài trong đêm giao thừa vang vọng cả một vùng
lớn thành phố kinh đô cổ kính và trầm mặc này. Theo truyền thống, đêm giao
thừa, khắp nước Nhật đều thức đón chào giây phút trọng đại này tại chùa. Người
người nối nhau về chùa gần nhất để lắng nghe chuông giao thừa ngân vang từng
tiếng, từng tiếng một và âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng. Tiếng chuông giao
thừa gói gọn triết lý sống của người Nhật còn đọng lại trong tâm hồn
mỗi người cho đến tận sáng hôm sau, cho đến nhiều ngày sau và cho cả
một năm.
Hồi chuông giao thừa thật nhiều ý nghĩa. Tiếng chuông tiễn
đưa, tiếng chuông chào đón, tiếng chuông gợi nhớ, tiếng chuông cảnh tỉnh và
chính tiếng chuông đưa con người về với chính mình trong thời khắc giao thoa
cùng đất trời vạn vật và con người!
Mời các bạn thưởng thức tiếng chuông giao thừa trong lễ “Joya
no kane” ở Chion-in: