Nó choàng
tỉnh trong tiếng xe cộ ồn ào và âm thanh rung bần bật như một cơn động đất nhẹ
làm rung chuyển cả nền đất nó đang ngủ. Trời sáng bừng tự lúc nào. Nó uể oải
trong dáng bộ biếng lười của một ngày chủ nhật không phải đi làm. Ừ, thì ngủ
ráng tí cũng chẳng sao. Thế nhưng, nó không thể nào ngủ được. Toàn thân nặng
nề, mí mắt mỏi nhừ. Nó mở mắt, lại nhắm; nhắm mỏi, rồi lại mở. Cứ thế, bao dòng
hồi ức cứ tranh nhau ùa về trong đầu nó. Nó suy nghĩ viển vông. Ôi, thời gian!
Ôi, cuộc đời! Ôi, con người! Ôi, nó!!!
Hai năm qua, cuộc
đời nó đổi thay không thể tưởng tượng được. Nó không hề nghĩ nó đến nông nổi này
trong ngày hôm nay. Đầu tóc ngắn củn cỡn trông chẳng giống ai, nó đưa tay vuốt
hoài mà vẫn thấy là lạ như thể không phải nó thuộc về mình. Áo quần trên người,
nó nhìn tới nhìn lui vẫn chưa quen mắt. Nằm đây, một mình trong căn phòng khiêm
tốn chưa đầy 9 mét vuông trong một con hẻm cụt thế này, nó thấy trần nhà rộng
thênh thang, rộng đến rợn người. Số là ở cùng với hai chị em bạn, nhưng hai chị
em ấy đi thăm người bà con và ở lại từ tối qua. Nó thấy mình chỏng cheo giữa
căn nhà nhỏ, bơ vơ giữa phố thị đông người và lẻ loi trên cõi đời này biết bao.
Những ngày đi làm, nó cảm thấy đỡ trống trải hơn. Những ngày cuối tuần là lúc
nó nhớ về sư phụ nhiều nhất.
Khi mới vào,
nó học nghề rồi làm ở một xưởng dệt. Nó chăm chỉ như bao công nhân khác, suốt
ngày chăm đầu trên giàn máy dệt. Thế nhưng, môi trường làm việc này không làm
nó hài lòng lắm. Không một người thân để nó chia sẻ. Cùng thân phận làm công như
nhau, thế mà nó vẫn bị ăn hiếp theo thói thường “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Dọn dẹp
dụng cụ và quét chỗ làm cho đám thợ cũ vào cuối ngày như thể là nhiệm vụ của nó
không bằng. Một lần, tức nước vỡ bờ, nó cãi lộn với đám thợ cũ và bị chủ đuổi
việc. Tiền lương tháng đó, nó không nhận được đồng nào vì nó bị quy là kẻ gây
rối và mất đoàn kết. Ngày đó, nó đi lang thang đến tận khuya mới về đến nhà
trọ. Nó than thân cũng chẳng có ai để than! Có ai là người thân nó đâu, khi
người ta có cha có mẹ, hay chí ít cũng biết gốc gác dòng họ bà con, còn sự hiện
diện của nó trên cuộc đời này bí ẩn như một câu chuyện cổ tích có nhiều dị bản.
Hồi còn ở chùa, khi hỏi về gốc gác của mình, sư phụ nó nói thế này, mấy bác
Phật tử nói thế khác, mấy dì hàng xóm lại kể một câu chuyện khác nữa. Rối quá,
nó không còn muốn biết vì sao nó có mặt ở chùa từ khi còn đỏ hỏn. Nó chỉ biết
và chấp nhận cuộc sống hiện tại, bên người sư phụ già hiền lành chân chất, yêu
thương nó hơn bất cứ người nào khác trên thế gian này. Nó chấp nhận cho đến cái
ngày cách đây ba tháng, cái ngày định mệnh để rồi cuộc đời nó rẽ lối từ đây,
trôi giạt từ một vùng quê miền Trung đến thành phố ngột ngạt này.
Giờ nó mới
nhận ra rằng cuộc sống bên người sư phụ già ở quê mới an ổn và đẹp làm sao. Nó
đã thất bại khi bỏ sư phụ ra đi, sau mười tám năm trời gắn bó. Tất cả lỗi là do
nó thôi. Từ những năm học cấp 2, nó ao ước được tự do như các bạn cùng lớp,
nhưng nó không dám trốn học đi chơi hay vào tiệm internet chit-chat như các
bạn. Nó vẫn đến lớp đầy đủ, nhưng đầu óc nó cứ thả trong các cơn mơ mộng, tưởng
tượng đủ điều, hình dung viễn cảnh đẹp đẽ, vẽ nên tương lai xán lạn nếu mình
không phải là tiểu ở chùa. Những năm học cấp 3 cũng không khá hơn tí nào. Sau
khi đậu tốt nghiệp cấp 3, nó tạm gác bút nghiên, theo lời sư phụ dạy, nó làm ra
vẻ như chuyên tâm tu hành. Mặc dù sư phụ hướng dẫn con đường tu tập, thường
xuyên động viên, nhưng nó cảm thấy môi trường này không còn dành cho nó nữa. Không
còn đi học, sinh chán, nghĩ rằng cuộc đời bên ngoài cổng chùa hẳn thênh thang
hơn. Tâm lý muốn vùng vẫy cho thỏa chí tang bồng của sức trẻ, nó xin phép sư
phụ, giã từ ngôi chùa thân thương từng nuôi dưỡng nó bao năm tháng,
chào sư phụ từng ấp ủ tâm hồn nó trong nếp sống thanh bần đạo đức, nó ra đi. Nó
ra đi để thỏa mãn, nó ra đi để được tự do như bạn bè cùng lứa. Nó ra đi để nếm
trải cuộc đời bên ngoài cổng chùa làng quen thuộc. Nó ra đi để quyết định tự xoay
xở cuộc sống mình từ đây.
Ngày nó ra
đi, sư phụ chỉ dặn dò “Có nhiều hướng đi. Con đủ khôn lớn để chọn hướng đi cho
đời mình, sư phụ không can thiệp. Có điều cần nhớ, đi trong sương, tuy không
ướt áo cũng thấm lạnh; đem rổ xuống sông đựng nước, đựng không được nước, vẫn
ướt nang. Sư phụ mong con dù sống ở đâu làm gì cũng cần có đạo đức, vì con đã
lớn lên từ một ngôi chùa. Cổng chùa luôn rộng mở. Sư phụ lúc nào cũng sẵn lòng.
Khi nào con muốn quay về nơi đây, con không cần phải ngại.” Nó lạy tạ sư phụ trong
nước mắt. Đêm đó, nó thấy quyến luyến với sư phụ và vạn vật quanh mình một cách
lạ thường. Thế nhưng, nó phải ra đi. Mới nghe, tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng
sự thật là vậy. Nó không thể giam thân trong chùa mà tâm rong chơi đủ các ngõ
ngách ngoài phố chợ. Nó không thể lạm dụng tình thương yêu đùm bọc của sư phụ
dành cho nó, một đứa con chào đời không phải trong sự mong đợi của mẹ cha, tệ
hơn nữa, một đứa con vô thừa nhận. Nó phải ra đi cho thỏa mãn cái ‘tôi’ của nó.
Một khi ngôi chùa làng không còn là bến bờ để neo đậu, nó chấp nhận ra đi, dù
con đường trước mặt đầy chông gai và chẳng có gì hứa hẹn là sáng sủa hơn. Đêm
đó, lần đầu tiên trong đời nó không ngủ được. Bao tâm trạng ngổn ngang thổn
thức trong lòng. Dù gì, nó đã quyết là làm. Sáng hôm sau, nó giã từ sư phụ, tạm
biệt mái chùa thân thương đã nuôi dưỡng chở che nó trong ngần ấy năm. Hàng chè
tàu trên lối đi như níu bước chân quen thuộc của nó lại với người xưa cảnh cũ.
Theo một đứa
bạn có người chị làm công nhân ở một công ty dệt may ở sài Gòn, nó bắt xe vào Nam.
Sài Gòn lạ lẫm, nó không khỏi choáng dù thông tin về nơi này nó đã được tiếp
cận nhiều qua các phương tiện truyền thông. Nhịp sống ở đây nhanh hơn nó tưởng.
Mọi thứ đều đắt đỏ, nhất là với nó, một đứa vừa ra khỏi cổng chùa. Nó theo bạn
vào học dệt. Công việc khá vất vả vì nó chưa từng quen. Tay bắt đầu chai rồi
rớm máu rồi lại
chai thêm một lần nữa như là một dự báo cho con đường đi đầy khó khăn đang trải
ra trước mắt. Mấy ngày đầu, nó nhớ chùa, nhớ sư phụ đến quay quắt. Đêm nào nó
cũng khóc, có khi khóc không vì một lý do cụ thể nào cả. Mà một đứa trẻ như nó,
chưa bao giờ được gọi tiếng ‘cha mẹ’, có quá đủ lý do để khóc cho sự có mặt của
mình trên cuộc đời này rồi. Nhưng cuộc đời đâu chỉ khóc mà được. Xa chùa, nó
phải lao vào cuộc sống mưu sinh để quên đi nỗi nhớ sư phụ, quên đi nỗi cô đơn
gặm nhấm nó hằng đêm, quên đi nỗi buồn của kẻ mồ côi nơi đất khách. Có lúc nó
muốn chửi cả nhân gian này theo kiểu Chí Phèo vậy. Nó muốn hét vào những người
làm cha làm mẹ vô trách nhiệm với hành động của bản thân để rồi có những đứa trẻ
không bao giờ được chào đời, hoặc như nó, những đứa con không mong đợi của mẹ
cha, để rồi giờ đây, trở thành người tứ cố vô thân giữa dòng đời đông nghẹt
người thế này.
Nó nghĩ, nếu
cha mẹ nào chưa sẵn sàng tâm lý để chào đón đứa con của mình thì tốt hơn đừng
tạo nó ra mà tội. Bản thân nó chịu nhiều thiệt thòi nên nó luôn nghĩ về điều
này. Giá như nó có thể tâm sự điều này với các bạn trẻ đang sống buông thả theo
trào lưu ‘hiện đại’ thì trên đời này, sẽ bớt đi nhiều đứa trẻ vô tội phải chịu
đựng sự què quặt về tâm lý như nó. Dù được sư phụ yêu thương, nó biết tâm lý nó
phát triển không bình thường. So với các bạn cùng lứa tuổi, nó tự ái nhiều hơn,
tự ti mặc cảm lúc nào cũng thường trực và những năm gần đây, tâm lý nổi loạn
trong nó trỗi lên mạnh mẽ. Giã từ sư phụ, xa mái chùa quê, nó chấp nhận cuộc
sống lang bạt một phần cũng từ tâm lý đó.
Sáng hôm sau,
hai chị em bạn vẫn đi làm bình thường. Nó mất việc, nên đành lủi thủi ở nhà
vậy. Nó lại hồi tưởng, suy nghĩ, buồn tủi và khóc. Gia tài nó chỉ có bấy nhiêu
thôi. Qua trưa, nó lang thang, tìm chỗ trốn mình, vô tình nó đi vào một con hẻm.
Nó cứ đi, bao ý tưởng trong tâm nó cứ đi mênh mang không định hướng. Nó giật
mình khi nhận ra trước mặt mình có một quán cà phê. Nó không ngờ nằm sâu trong
một con hẻm nhỏ hun hút và cong queo tưởng như chẳng có gì hấp dẫn thế này lại
có một quán cà phê với một không gian thoáng đãng đến không ngờ.
Quán đủ sang
cho những doanh nhân tầm vừa vừa đến bàn thảo công việc, đủ tĩnh để những người
cô đơn gặm nhấm nỗi buồn và đủ lãng mạn cho những đôi tình nhân hò hẹn. Quán khá
đông khách. Nó nảy ý mình vào xin làm nhân viên ở quán này thử xem sao. Chần chừ
hồi lâu, nó không dám bước vào. Nhưng nghĩ đến tương lai mình sao quá xám xịt,
nó đánh bạo vào hỏi thử. Nhận được cái lắc đầu từ quầy tiếp tân, nó lủi thủi đi
ra, bước chân não nề hơn. Từ ngày nó bị đuổi việc, hai chị em đứa bạn cứ an ủi
và muốn xin cho nó vào làm ở xưởng dệt khác, nhưng nó nghĩ, ở đâu thì cũng ‘ma
mới ăn hiếp ma cũ’ vậy thôi. Nó biết cuộc đời vốn phức tạp, nhưng sao khả năng
chịu đựng bất công của nó kém cỏi quá. Nó quyết định đi tìm công việc khác với
hy vọng ở nơi đó, ‘lính mới’ được đối xử ít tệ hơn.
Ngày thứ ba
kể từ hôm mất việc, nó đi lang thang trên các con phố lớn nhỏ, coi có chỗ nào
cần tuyển người làm không. Đi mỏi chân, nó lại ngồi nghỉ bên vệ đường, khi thì
trò chuyện với chị bán thuốc lá dạo lúc thì nghe các em bán vé số kể chuyện
nghề nghiệp làm ăn của chúng, có lúc lại quan sát mấy em đánh giày hay bán quần
áo cũ trên các lối đi. Nhờ vậy, nó hiểu thêm trên đời này còn có nhiều mảnh đời
bất hạnh hơn cả nó. Khi đang quẹo vào một con hẻm, trời bất chợt đổ mưa. Nó vội
tìm chỗ nấp. Một quán bán nước giải khát cho nó đứng bên vỉa hè. Hệ thống thoát
nước bị tắc nghẽn, nước bắt đầu ngập lối đi. Dòng nước đen sì chảy thành dòng
trước nhà. Con hẻm cụt hun hút trong trời mưa xám xịt. Nó nhìn con hẻm, thấy
cuộc đời mình tối tăm không kém. Lời sư phụ cứ văng vẳng bên tai, “hãy canh
chừng cái tâm”, “sống ở đâu làm gì cũng cần có đạo đức”. Và nhớ nhất là câu
“cổng chùa luôn rộng mở. Sư phụ lúc nào cũng sẵn lòng. Khi nào con muốn quay về
nơi đây, con không cần phải ngại”. Bao lần buồn khổ, nó lục danh bạ điện thoại, mấy lần định bấm máy gọi, nhưng rồi lại thôi. Không, nó không thể vin vào lời nói đầy
thương yêu đó mà ỷ lại. Nó không muốn làm sư phụ bận tâm nữa. Nó quyết định tự
mình đứng dậy và đi tiếp trong cuộc đời. Đợi tạnh mưa, nó đi tiếp.
Mấy ngày sau,
nó vẫn cứ lê chân khắp phố phường, nhiều nơi treo bảng ‘cần nhân viên nữ’ đều
là những quán cà phê đèn mờ, những nhà hàng quy mô nhỏ, tiệm massage. Nó không
thích, đúng hơn là không dám bước chân vào làm nhân viên ở những nơi tranh tối
tranh sáng thế này vì nó thấy những nơi đây không phù hợp với mình. Chắc mọi
người sẽ nghĩ, nó làm chảnh, không có chuyên môn, bằng cấp, không gia đình
người thân mà còn kén với chọn. Thế nhưng, hơn ai hết, nó hiểu nó không thể làm
được ở những nơi như thế. Nhớ lời sư phụ dặn, nó biết mình không đủ ‘khỏe’ nên
đơn giản là không dám ra ngoài e gặp ‘gió độc’ vậy thôi.
Đang dạo đi
tìm việc, nó bỗng nhớ về sư phụ. Khi bước chân ra khỏi chùa, nó mới thấy hết
những đắng cay của kiếp người như nó và trong những lúc thế này, nó nhớ về sư
phụ nhiều. Khi còn ở với sư phụ, lúc nào nó cũng được nhắc nhở canh chừng cái
tâm mình để kịp ngăn ngừa những tội ác và đỡ ân hận về sau. Thời gian qua, vật
lộn với miếng ăn hằng ngày, nó có thì giờ đâu mà canh chừng cái tâm như hồi còn
ở chùa. Cũng may là trong thời gian qua, nó cũng chẳng làm gì tội lỗi. Đến giờ,
nó vẫn ăn chay như hồi ở chùa vì nó không biết ăn các món mặn. Đi làm về, nấu
ăn rồi nhốt mình trong ngôi nhà thuê tồi tàn ngột ngạt ấy cùng hai chị em đứa
bạn mà thôi. Nó thấy cuộc sống sao vô vị quá. Những tưởng đời nó sẽ khá hơn khi
ra khỏi chùa, nào ngờ… Xa chùa, xa sư phụ, nó được một chút thanh thản vì không
phải nợ cơm đàn na tín thí, không lạm dụng tình cảm của sư phụ khi thân trong
chùa mà tâm không chuyên chú tu hành. Bao đêm nằm trong căn phòng chật chội này,
nó nhớ chùa đến cồn cào, thương sư phụ nhiều lắm và mường tượng ở nơi miền quê
thanh bình ấy, sư phụ giờ này đang làm gì.
Sau một tuần
kiên trì đi khắp nơi gõ cửa tìm việc, nó vẫn chưa tìm được nơi nào chịu nhận. Đói
và mệt xâm chiếm rồi lan dần khắp cơ thể, một thoáng nản lòng gợn lên trong
tâm, mắt nó như hoa lên trong cái nắng vàng vọt cuối ngày như tia hy vọng le
lói. Đường đã lên đèn. Đi đâu bây giờ? Vừa suy nghĩ vừa rẽ sang con đường ngang
trước mặt, nó thấy cái bảng gì ở một tiệm giày. Nó bước lại gần với một chút hy
vọng. “Tuyển công nhân”, nó vui mừng. Bao mệt mỏi tan biến. Nó bước vào trong
hỏi thăm và được biết, một công ty sản xuất giày đang có nhu cầu tuyển thêm thợ.
Nó được nhận vào làm ngay từ ngày sau đó và công việc của nó là cắt da giày theo
mẫu. Sau khi được hướng dẫn, nó bắt tay vào công việc. Tuy sử dụng máy cắt, nó
không phải vất vả lắm, nhưng công việc này cần chú ý nhiều mới điều khiển miếng
da đi theo đúng mẫu để có được sản phẩm
sắc sảo. Vì chỗ làm mới này xa nhà ở, nó chuyển đến trú chung với hai
chị ở miền Tây lên cùng làm chỗ với nó. Nơi đây, nó tìm thấy niềm vui trong
công việc và dễ chịu hơn trong quan hệ tình người.
Bây giờ, công
việc tương đối ổn định, mặc dù lương không cao. Nó cũng biết suy nghĩ xa hơn
một chút và không còn trách cứ cha mẹ nữa. Nó tự nhủ, hãy nhìn đời bằng cặp mắt
của ‘nửa ly nước có’ để có thể vươn lên trong cuộc sống. Dù không có công nuôi
dưỡng, cha mẹ cũng có công sinh ra nó kia mà. Để làm được việc này, mẹ phải chịu
bao điều tiếng, vượt qua búa rìu dư luận, hy sinh cuộc sống bản thân và quan
trọng hơn là tránh được tội sát sanh để cho nó cơ hội chào đời và trải qua
những điều mầu nhiệm của cuộc sống. Người ta nói rằng ông trời có đức hiếu sinh
nên chẳng bao giờ lấy đi của ai tất cả. Dù sao, nó cũng còn chút duyên lành.
Tuy không lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, nó may mắn được người
sư phụ già khả kính chăm sóc chu đáo, nuôi dạy với tâm từ ái bao dung.
Hôm nay, bỗng
dưng nó dậy sớm hơn mọi ngày. Chợt nghĩ nhớ về sư phụ, niềm tin tăng lên bội
phần. Nằm lắng nghe tiếng lòng, lời sư phụ dạy nó năm nào còn văng vẳng trong
ký ức “có nhiều hướng đi trong cuộc sống, miễn sao sống cho có đạo đức là được.
Cánh cửa này mình không có duyên đi được thì chọn cánh cửa khác vậy”. Nó cảm
thấy ấm lòng với lựa chọn của mình. Nó tự nhủ, trong cuộc sống, nó phải thể
hiện một chút ‘thấm’ của ‘sương Pháp’ trong mười tám năm được nuôi dưỡng trong
môi trường đạo đức, đứng trên đôi chân của mình và sống bằng sức lao động chính
đáng mình bỏ ra. Nó bắt đầu tập yêu công việc của mình…
Hằng Như 2010