Tuesday, August 21, 2012

DẠY HỌC LÀ TRỒNG CÂY CHĂM VƯỜN (kỳ 1)


Năm học mới vừa bắt đầu, tôi muốn chia sẻ vài ý tưởng liên quan đến việc cải cách dạy và học ở nước ta. Từ kết quả nghiên cứu về những ảnh hưởng văn hóa xã hội đến quá trình dạy và học tại các trường tiểu học ở Việt Nam mà bản thân tôi thực hiện cách đây vài năm, tôi biết còn lâu và lâu lắm, nền giáo dục nước ta mới được cải thiện. Thế nhưng, đây đó trong số giáo viên tôi tiếp xúc trong quá trình làm nghiên cứu này, những ý tưởng tích cực và đổi mới đặt trọng tâm vào người học vẫn được nuôi dưỡng và thể hiện ở một số ít giáo viên trong quá trình đứng lớp. Hy vọng trong một tương lai không xa, những ý tưởng này không còn là những đốm lửa le lói mà được nhân rộng để trở thành một định hướng giáo dục chủ đạo ở các trường phổ thông Việt Nam. Thật ra, quá trình đổi mới giáo dục đang được thực hiện từ nhiều năm nay là theo định hướng của học thuyết xây dựng kiến thức (constructivism) do nhà giáo dục Vygotsky chủ trương. Tuy nhiên, mọi nỗ lực có thể trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở chỗ đổi mới cái vỏ mà thôi. Những nhà giáo dục mang sứ mệnh “cải cách” ấy đang rơi vào tình thế không nắm vững nguyên lý hoạt động của học thuyết này.  Entry này, tôi chia sẻ vài ý về vai trò của người thầy trên quan điểm của học thuyết xây dựng kiến thức (constructivism).
Nền văn hóa nông nghiệp ăn sâu vào trong cách nhìn, cách nghĩ của người Việt Nam từ bao đời nay. Cách suy nghĩ mộc mạc, chân chất nhưng rất tinh tế, khoa học và biện chứng ấy thật độc đáo góp phần làm phong phú nền văn hóa truyền thống dân tộc. Những lối so sánh, ví von với những hình ảnh rất mộc mạc, dân dã, quê hương được tìm thấy trong nhiều tình huống. Dùng hình ảnh ‘chăm vườn’ hay ‘gieo hạt’ để chỉ cho công việc của những người làm công tác dạy học theo phương pháp xây dựng kiến thức là một điển hình. Biểu tượng  ‘trồng người’ hay ‘người gieo hạt’ dùng để chỉ thầy cô giáo đã trở nên quen thuộc từ lâu. Chúng ta có xu hướng dùng từ “trường mầm non” thay cho “trường mẫu giáo”, gọi “lớp mầm, lớp chồi, lớp lá” nghe hình tượng và sinh động hơn là lớp bé, lớp nhỡ, lớp lớn như trước đây thường gọi.  Sự thay đổi này chứng tỏ chúng ta đang hướng đến một chương trình giáo dục năng động, đặt trọng tâm vào sự sáng tạo của người học. Do đó, hơn bao giờ hết, để đáp ứng chương trình giáo dục mới, vai trò người giáo viên là ‘người gieo hạt’ cần được phát huy để định hướng và đào tạo ra những thế hệ học sinh biết tư duy, sáng tạo, năng động và làm chủ việc học của mình.
Một khi người giáo viên thấy vai trò của mình là một người gieo hạt chăm vườn, người ấy sẽ tận tụy với học sinh, như người làm vườn ngày đêm cần mẫn với công việc của mình. Trước mắt thầy cô, những học sinh bé nhỏ là những bông hoa xinh tươi, lung linh trong nắng ban mai với những giọt sương trong suốt còn đọng lại qua ánh mắt thơ ngây trong sáng của các em. Trong khu vườn lớp học này, có nhiều bông hoa của chung một loài nhưng rồi mỗi hoa một vẻ, như trình độ các em nào có hoàn toàn giống nhau đâu. Trong vườn, lại có những loài hoa khả năng thích nghi kém hơn, nên người làm vườn phải chăm kỹ hơn một tí; cũng như những em bé mới chuyển trường từ nơi khác về còn ngỡ ngàng e sợ, giáo viên cần quan tâm hơn một tí để các em hòa nhập dễ dàng với các bạn cùng lớp, cùng trường. Có những cây hoa dễ dàng ra hoa kết trái, nhưng có những cây hoa thật khó có được hoa trái sum suê; như có em học dễ dàng có em lại gặp khó khăn không ít. Thế nhưng dù có khác nhau nho nhỏ, tất cả những bông hoa trong khu vườn xinh xắn này lúc nào cũng hài hòa, vui vẻ trong sự hòa nhập với thiên nhiên trời đất và công việc của người làm vườn – giáo viên là người chăm sóc khu vườn, bón phân tưới nước phù hợp với nhu cầu của cây, đáp ứng đúng thời gian, đúng liều lượng cũng như giữ ánh sáng và độ ẩm vừa phải để cây trong vườn tươi mát mà không phải chết khô hay úng nước và như thế, cả khu vườn này ngày càng xanh tốt hơn.
Chăm sóc vườn cần có phương pháp, dạy học cũng như thế. Phương pháp dạy học mới đòi hỏi người giáo viên tự phản chiếu lại cách nhận thức của mình về bản chất của học sinh. Trước đây, với truyền thống dạy học cổ điển, giáo viên nghĩ rằng tất cả học sinh đều có một cách học như nhau, cần một lượng kiến thức như nhau và cần được đối xử như nhau, như thế là công bằng. Một người làm vườn không lão luyện cũng chỉ nghĩ như vậy mà thôi. Thế nhưng nếu chúng ta nói chuyện với người làm vườn giàu kinh nghiệm, chúng ta sẽ tìm thấy một sự thật lý thú đến ngạc nhiên khi người làm vườn bảo rằng trong khu vườn của ông, các cây có nhu cầu dinh dưỡng cũng như nhu cầu ánh sáng, độ ẩm khác nhau về thời gian cũng như liều lượng và ông chăm sóc tùy theo nhu cầu của chúng. Dây leo cần giàn, dây bò dưới đất cần không gian rộng để trải lá, cây tán nhỏ trồng dày, cây tán lớn trồng thưa vì cần không gian lớn để vươn vai tỏa cành phủ lá, vv. Trẻ em cũng như những cây trong khu vườn kia, có những nhu cầu khác nhau để học và phát triển.
Một khi người giáo viên nhận thấy có sự khác nhau trong nhu cầu giữa các học sinh trong lớp, người ấy sẽ thay đổi nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình dạy. Nếu người giáo viên có thể làm được như vậy, tất nhiên sẽ đưa đến những thay đổi rất thú vị. Như vậy, với cách dạy và học theo phương pháp mới, thiết lập quan hệ để trao đổi, thảo luận trong tình thân mật giữa thầy cô và học sinh cũng như giữa các em học sinh với nhau cần được chú trọng. Với những giáo viên như vậy, họ luôn tự đặt ra câu hỏi như: ‘với trách nhiệm một người giáo viên, liệu ta làm gì để các em học tốt?’ Câu hỏi này luôn đeo đuổi người giáo viên và là động cơ để người giáo viên nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu cho từng em học sinh. Ví như người làm vườn tìm đọc những cuốn sách viết về kỹ thuật chăm sóc cây và tham khảo ý kiến các chuyên gia, người giáo viên cũng làm công việc tương tự trong quá trình đứng lớp. Đọc sách tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để tiến bộ là điều giáo viên luôn coi trọng.
Lớp học là một vườn hoa. Trước khi gieo hạt, người làm vườn chuẩn bị đất, cũng như vậy, người giáo viên cần có những bước chuẩn bị cho lớp học của mình. Người làm vườn làm sạch cỏ, xới đất, lên luống và chuẩn bị đất sẵn sàng cho vụ mùa mới. Người giáo viên cũng có những bước chuẩn bị tương tự. Ngày giáo viên nhận danh sách học sinh vào lớp mình là ngày giáo viên có trong tay những hạt giống. Những buổi gặp gỡ làm quen và chuẩn bị cho công tác khai giảng là những ngày hạt mầm đang được ươm và đến ngày khai trường, những mầm non xanh xanh bắt đầu nhô ra khỏi vỏ hạt, đâm xuyên qua mô đất vươn mình trên mặt đất rồi đấy.
Người làm vườn chuyên nghiệp có đầy đủ dụng cụ để làm vườn như cuốc, xẻng, cào cỏ, găng tay, vv; người giáo viên cũng có những dụng cụ để chăm sóc lớp học của mình, đó là giáo án, sổ đánh giá, cặp đựng hồ sơ, sổ tay cá nhân, sổ chủ nhiệm, vv. Thức ăn người giáo viên cung cấp cho vườn cây lớp học của mình là là những bài học trên lớp và những hoạt động lý thú trong và ngoài lớp cùng với tình thương yêu và chăm sóc dành cho các em. Ví như những cây trong vườn cần phân, nước và ánh sáng cũng như độ ẩm khác nhau, các em học sinh cũng thế. Do đó, không thể nào bắt buộc các em làm cùng một loại bài tập như nhau vì các em có nhu cầu được chăm sóc theo nhiều cách khác nhau. Trách nhiệm của người giáo viên là tìm hiểu mỗi em cần đến giáo viên ở phương diện nào và người giáo viên định hướng rõ ràng, cần hóa thân làm chỗ nương tựa vững chắc cho các em trong quá trình học ở lớp ra sao. (còn nữa)