Thursday, August 16, 2012

Tình cảm và lý trí


Bỗng nhiên hôm nay, tôi chợt nhớ lại một câu trích của Reinhold Niebuhr rằng “God, grant me the serenity to accept the things I cannot change, the courage to change the things I can, and the wisdom to know the difference.” (Lạy chúa, xin cho con đủ trầm tĩnh để chấp nhận những điều không thể thay đổi, đủ dũng khí để thay đổi những điều có thể thay đổi và có đủ trí tuệ để biết được sự khác biệt giữa hai điều này). Tôi rất tâm đắc với câu này và luôn nhắc mình để có quyết định dứt khoát trong những tình huống cần thiết. Một điều quan trọng không kém với tính dứt khoát là sau khi đã dứt khoát quyết định thì hậu quả thế nào, cũng can đảm chấp nhận, không biện hộ, không quy kết trách nhiệm cho ai, không chạy trốn thực tế.
Con người sống và hành xử dưới sự chi phối và điều tiết của tình cảm và lý trí. Tình cảm là nguồn năng lượng thúc đẩy con người hành động, trong khi đó, lý trí định hướng, điều chỉnh cho nguồn năng lượng này hướng về mục đích và hoàn thành mục tiêu của mình. Tùy vào “tỷ lệ” lý trí và tình cảm mà chúng ta đặt vào trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động sẽ quyết định hiệu quả, hậu quả của quá trình tác ý ấy. Chính vì vậy, kết quả ấy cũng rất đa dạng phong phú. Ví như từ một số màu cơ bản nhất định, người ta phối thành rất nhiều màu khác nhau. Tuy nhiều là vậy, nhưng nguyên tắc cơ bản chung nhất là tình cảm có sức mạnh vươn lên, còn lý trí có công năng dẫn đường. Người nào sống thiên về tình cảm sẽ có sức mạnh làm được nhiều thứ tưởng chừng không thể, và họ sẵn sàng hy sinh cho người mình thương mình yêu. Tuy nhiên, nếu không có lý trí dẫn đường, sức mạnh của tình cảm cuối cùng cũng đưa chính chủ nhân nó đến nơi nguy hiểm. Chính vì vậy, câu trích trên có vai trò quan trọng trong việc dùng lý trí can thiệp và định hướng cho con đường đi của tình cảm.
Đủ trầm tĩnh để chấp nhận những gì có thể có nghĩa là nhường cho tình cảm một vị thế nhất định trong tinh thần hài hòa, bao dung. Thế nhưng, đừng để tình cảm bản năng “thừa thắng xông lên” mà rơi vào “vùng mù” để rồi sống và hành xử chỉ nhằm thỏa mãn cảm xúc giác quan mà không còn nghĩ đến giá trị, nhân cách, sỉ diện, danh dự của bản thân. Đến lúc năng lượng của tình cảm cứ xông xáo thì lý trí cần phải phát huy chức năng định hướng của nó. Đủ dũng khí để thay đổi những gì có thể là cách để kịp thời điều chỉnh, định hướng lối đi của mình sao cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là có mong sao ta có đủ trí tuệ để hiểu rõ điều gì mình có thể chấp nhận được với sự kham nhẫn trong trầm tĩnh và điều gì mình cần và có thể thay đổi với dũng khí, can đảm của lý trí.
Hãy để lý trí dẫn đường cho con tim vốn có sức mạnh mà mù lòa!