Wednesday, August 22, 2012

CỐT LÕI VẤN ĐỀ


Thich Nhat Hanh
Hằng Như dịch
Hòa thượng Nhất Hạnh trả lời ba câu hỏi về cảm xúc:
Câu hỏi 1: Vì quá ham muốn thành công, con phải chịu khổ đau. Bất cứ những gì con làm, con đều cảm thấy không đủ. Làm thế nào để con có được sự bình an cho chính mình?
Chất lượng của việc ta làm phụ thuộc vào sự có mặt đích thực của chính mình. Giả sử ta mong muốn đem hạnh phúc đến cho người khác để người ấy được hạnh phúc. Đó là một điều tốt. Thế nhưng nếu ta không có hạnh phúc, ta không thể đem hạnh phúc cho người khác được. Muốn đem lại hạnh phúc cho người, trước tiên tự bản thân ta phải có hạnh phúc. Có một sự liên kết giữa những gì ta làm và những gì ta có.  Nếu tự thân ta không có được điều đó thì không thể nào ta có thể đem điều đó cho người khác được. Nếu ta không biết ta đang đi trên con đường đúng hay sai, thì làm sao ta có hạnh phúc được. Điều này là tất nhiên như vậy rồi. Nếu ta không biết mình đang làm gì, chắc chắn ta sẽ khổ thôi. Nhận ra con đường mình đi và thấy biết được con đường đúng là điều quan trọng.
Hạnh phúc nghĩa là chúng ta nhận thấy lúc nào mình cũng đang đi trên con đường đúng. Chúng ta không cần đi đến cuối con đường mới có hạnh phúc. Con đường đúng chỉ cho các phương cách sống cụ thể trong từng phút giây trong cuộc sống. Trong Đạo Phật, chúng ta nói về con đường thánh tám nhánh: thấy biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, hành động chân chánh, nuôi mạng chân chánh, siêng năng chân chánh, ghi nhớ chân chánh và thiền định chân chánh. Chúng ta có thể thực hành tám nhánh của con đường thánh này trong từng phút giây trong đời sống hằng ngày. Làm được như vậy, không những bản thân ta có hạnh phúc mà những người xung quanh mình cũng có hạnh phúc. Nếu chúng ta thực hành con đường này, chúng ta trở nên hài lòng, tươi mát và đầy lòng thương yêu.
Hãy nhìn cái cây ở sân trước nhà. Cái cây dường như không làm gì cả. Nó chỉ đứng đó, đầy sức sống, và duyên dáng, vậy là có ích cho người khác rồi. Đây là sự mầu nhiệm của sự tồn tại. Nếu cái cây không phải là một cái cây trọn vẹn, tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối. Thế nhưng nếu cái cây thật sự là một cái cây, nó đem đến niềm tin và hy vọng. Đó là lý do tại sao khi chúng ta chỉ cần là chính mình, chúng ta đã hành động rồi.  Hành động trên cơ sở của không hành động; hành động là hiện hữu.
Câu hỏi 2: Con bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt. Con ít khi ở một mình. Vậy thì nơi nào con có thể tìm được thời gian và không gian để thực hành yên lặng?
Yên lặng là một trạng thái đến từ nội tâm, chứ không phải từ bên ngoài. Yên lặng, không có nghĩa là không nói không làm gì cả; mà yên lặng có nghĩa là chúng ta không bị quấy nhiễu từ bên trong. Nếu chúng ta thật sự yên lặng, bất luận trong môi trường nào, chúng ta cũng cảm nhận được sự an lạc trong yên lặng. Có những lúc mình tưởng chừng đang yên lặng và tất cả chung quanh đang yên lặng, nhưng các cuộc đối thoại vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ ở trong đầu. Đó không phải là yên lặng. Thực tập là tìm thấy sự yên lặng trong mọi hoạt động mà mình tham gia.
Hãy thay đổi cách nghĩ cách nhìn của mình. Chúng ta nhận ra rằng yên lặng đến từ nội tâm chứ không phải từ việc không nói chuyện. Ngồi xuống để ăn một bữa trưa có lẽ là cơ hội để chúng ta cảm nhận sự yên lặng. Mặc dù người khác đang nói chuyện, chúng ta vẫn có thể giữ được sự yên lặng bên trong. Đức Phật sống giữa hàng ngàn chúng đệ tử vây quanh. Thế nhưng, Ngài đi, đứng, ngồi và ăn giữa hội chúng tăng ni như vậy mà vẫn luôn an trú trong yên lặng. Đức Phật nói rõ ràng rằng, giữ sự vắng lặng, lặng thinh không có nghĩa rằng chúng ta phải vào rừng. Chúng ta có thể sống giữa tăng chúng, có thể đi vào chợ mà vẫn giữ cho mình được sự yên lặng và an tịnh. Sống một mình không có nghĩa là không có ai bên cạnh.
Sống một mình có nghĩa là chúng ta vững chãi ngay trong lúc này, ngay tại ở đây để có thể ý thức rõ ràng những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể dùng tâm chánh niệm để ý thức được từng cảm giác, từng ý tưởng khởi lên trong tâm. Chúng ta cần tỉnh thức những gì đang xảy ra xung quanh ta, nhưng hãy luôn là mình chứ đừng đánh mất mình. Đó là định nghĩa về sự thực hành tịch lặng lý tưởng: đừng nắm bắt những gì đã qua trong quá khứ hay rượt đuổi tương lai, mà hãy luôn trong hiện tại, đem tâm về với thân, ý thức được những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Đây là sự an tịnh đúng nghĩa.
Câu hỏi 3: Con cứ lo sợ một ngày nào đó, mẹ con hay một người thân nào đó của con mất đi. Làm thế nào để con chuyển hóa nỗi lo sợ này?
Chúng ta có thể nhìn sâu vào mẹ mình không phải ở đâu xa mà ngay ở đây. Cha và mẹ chúng ta hiện hữu  đầy đủ trong mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta. Chúng ta mang cha mẹ mình vào trong tương lai. Tôi thường nói chuyện với cha mẹ tôi, tổ tiên tôi vốn hiện hữu trong tôi. Tôi biết rằng tôi là sự tiếp nối của ông bà cha mẹ tôi. Nhận thức theo cách này, tôi biết rằng ngay cả khi thân thể mẹ tôi tan hoại, mẹ tôi vẫn tiếp tục tồn tại trong tôi, đặc biệt là năng lượng mẹ đã tạo ra ở các phương diện ý tưởng, lời nói và hành động. Trong Đạo Phật, chúng ta gọi đó là nghiệp lực. Nghiệp là hành động, hành động của thân thể, của ý tưởng và của lời nói.
Nếu chúng ta nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy có sự tiếp nối của mẹ mình bên trong và bên ngoài bản thân mình. Mỗi ý tưởng, lời nói và hành động của mẹ bây giờ được tiếp tục với sự có mặt và ngay cả với sự không có mặt của hình hài mẹ. Chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào mẹ. Mẹ không được xác định bằng thân thể của mẹ. Nhận thức được như vậy là điều quan trọng. Đây là điều kỳ diệu của thiền Phật giáo – với sự thực hành quán sát sâu sắc, chúng ta có thể chạm đến bản chất thật của chính mình, sự không sanh không diệt của cha, của mẹ, của con chúng ta và của tất cả những gì trong ta và quanh ta.  Chỉ có nhận thức như vậy mới có thể giảm đi và loại trừ nỗi lo sợ mà thôi.
Trích từ “Answers from the Heart” (Đáp từ trái tim), 2009 của Hòa thượng Nhất Hạnh.