Cuộc đời này đầy dẫy khổ đau. Khi biết suy nghĩ, ai cũng thấu hiểu điều
này qua kinh nghiệm thực tế của bản thân. Không khổ ở phương diện này thì khổ ở
phương diện khác, không khổ lúc này thì khổ khi khác. Cảm nhận cái khổ quanh ta
và trong thân và tâm ta, nếu chịu khó suy ngẫm một tí, ta sẽ thấy, khổ không
còn là vấn đề cá nhân nữa, mà là một trải nghiệm mang tính cộng đồng. Khổ đến với tất cả
mọi người và rộng hơn nữa, mọi chúng sanh có tình thức. Nói cách khác, khổ là
một phần của sự sống. Khi nào còn sống trong vòng phong tỏa của vô minh, con
người còn tạo khổ đau cho mình và cho người.
Khi ý thức được rằng, vô minh là ‘tài sản’ chung của những người chưa
giác ngộ, ta có sự đồng cảm và thông cảm với những người chịu đựng khổ đau do chính mình gây ra, hay
chấp nhận gánh chịu khổ đau, dù chẳng muốn tí nào, từ sự vụng về của người
khác. Biết đâu, và chắc chắn là vậy, vào một thời điểm nào đó, họ lại trở thành
nạn nhân từ sự vô minh của chúng ta. Do vậy, ý thức rõ ràng được tính chất
chung của khổ đau, khi ta biết thương cảm cho nỗi khổ của mình, cũng đồng nghĩa
với thương cảm nỗi khổ đau của người khác. Đây là nguồn gốc của tâm từ.
Thế nhưng, thử hỏi, nếu tâm từ bắt nguồn từ sự ý thức được nỗi khổ niềm
đau, vậy tại sao khổ đau phủ khắp nhân gian và ai cũng hiểu điều này, mà tâm từ
dường như hiếm hoi quá vậy? Vấn đề là van
tâm chúng ta thường đóng nên không thể cảm nhận khổ đau, dù van tim vẫn mở đóng
đều đặn cho máu trong người lưu thông và trao đổi. Do van tâm đóng chặt, ta
tránh xa khổ đau và trở nên phòng thủ với khổ đau của chính mình cũng như của
người khác, thay vì rộng mở để đón nhận, để nhận diện rõ ràng và để chuyển hóa khổ
đau. Với việc cài then đóng chặt cửa tâm nhằm ngăn ngừa và phòng thủ khổ đau,
ta cũng chặn nguồn tâm từ của mình không cho lưu xuất.
Chúng ta không nhất thiết trở thành một bậc thánh mới có thể trải tâm từ
đến người khác. Thật ra, tâm từ là sự đáp lại mang tính tự nhiên của tâm rộng mở. Thế nhưng, khi nào chúng ta còn tránh xa, chối từ hay kháng cự lại sự thật hiển
nhiên, chân lý mang tính khách quan của
cuộc sống, suối nguồn từ bi sẽ khép kín cửa. Khi chúng ta chối từ không dám nhìn
nhận những trải nghiệm khổ đau, chúng ta xa rời chơn tâm uyên nguyên để bám víu
vào sự giả tạm, dối trá, ma mị và rối rắm hơn. Khi ấy, ngay cả từ bi với chính
mình, ta cũng không thể làm được, mong gì trải tâm từ đến người khác.
Tâm từ có tính chất như hạnh phúc, hình ảnh hơn một tí, như sương rơi, hay
như nguồn phát sáng nào đó. Sương không thể nhỏ giọt trên cây lá mà bản thân nó
không được tẩm ướt. Như bất cứ nguồn sáng nào, muốn chiếu sáng vật khác thì bản
thân nó phải tỏa sáng soi rọi chính mình. Do vậy, người nào chưa biết thương mình thì không
thể thương người khác. Ai đó cho rằng mình chỉ lo cho người khác, hy sinh vì
hạnh phúc của người khác mà mình chìm
trong khổ đau thì đó chỉ là một cách ngụy biện mà thôi.
Hãy mở van tâm cho suối nguồn từ bi lưu xuất để thấy cuộc đời này ý
nghĩa hơn!