Tinh thần thoải mái là yếu tố cần thiết quyết định chất lượng cuộc sống. Các nhà tâm lý học thực hiện nhiều nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, một tinh thần thoải mái, một tâm lý bình an, tự tại là một trong những điều kiện tiên quyết tuổi thọ con người. Nói cách khác, mức độ an tịnh của tâm tỷ lệ thuận với chất lượng sống và thời lượng sống của mỗi cá nhân. Bây giờ, vấn đề là làm thế nào để tâm an tịnh nếu chúng ta không phải là người xuất gia chuyên tu mà còn phải đi giữa cuộc đời, tham gia nhiều công tác xã hội để duy trì cuộc sống với những thúc bách của cơm áo gạo tiền.
Các nhà tâm lý học thực hiện nhiều nghiên cứu ở quy mô lớn nhỏ khác nhau, ví dụ nhóm nghiên cứu của giáo sư Anita E. Kelly, trường đại học Notre Dame, Áo kết luận rằng người chân thật có sức khỏe tốt hơn, tinh thần an tịnh hơn và sống bình an hơn so với người dối trá. Trong thực tế, ta thấy những nhà lãnh đạo giỏi cũng rất trân trọng sự chân thật và họ cũng đã thể hiện đức tính cao quý nào qua cuộc sống của mình, như Mahatma Gandhi.
Dân dã hơn, cha mẹ nào cũng nhắc con cái sống đời chân thật. Tôi con nhớ, chân thật là điều Cha tôi đã nhắc nhở tôi khi tôi xa mái ấm gia đình bước vào môi trường sống mới. Mãi đến sau này tôi mới hiểu hết lời Cha dạy. Trước khi giã từ Cha Mẹ, tôi thưa Cha tôi cho tôi vài lời dạy căn bản để tôi tự tin ra đi khỏi vòng tay của Cha Mẹ mà không mất phương hướng sống. Khi ấy, Cha tôi chỉ nói đơn giản “con làm gì thì làm, tối đến, con có được một giấc ngủ ngon là được. Hãy nhớ rằng trung thực là thần dược để giúp con có được giấc ngủ ngon.” Đó là hành trang tôi mang vào đời để luôn nhắc mình cố gắng thực hiện.
|
Trung thực là thượng sách
|
Vậy trung thực là gì? Thomas Jefferson nói rằng “trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ”. Theo tự điển, trung thực là khong có lường gạt, thành thật, chân thật, đáng tin cậy, toàn tâm toàn ý. Trung thực là chính trực ở phương diện cá nhân. Spencer Johnson nói rằng “chính trực là nói thật với chính mình; trung thực là nói thật với người khác.”
Sống trung thực, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ thực hiện. Để thực hiện được sự trung thực, chúng ta cần có bản lĩnh sống để chấp nhận và chịu đựng những hậu quả có thể làm cho mình bị thua thiệt người khác nếu nhìn trên bề mặt của hiện tượng. Người trung thực có thể bị số đông phản đối, cô lập, ganh tỵ, ghét bỏ, thù oán và xúc phạm. Mới nghe qua, nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Cứ sống toàn tâm toàn ý cho sự trung thật, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ thái độ đối xử của những người xung quanh. Thế nhưng, không vì những cái chướng ngại tạm thời, ngắn hạn này mà chúng ta không dám sống trung thực. Sống trung thực sẽ đưa đến những kết quả lâu dài đủ để làm động cơ cho chúng ta dám chọn trung thực làm lý tưởng sống, dù bị thiệt thòi nếu nhìn gần. Có thể kể ra một số kết quả lâu bền của cách sống trung thực:
1. Được tôn trọng
2.Thành thật
3. Cởi mở
4. Có uy tín
5.Có niềm tin vào đời sống đạo đức và các điều thiện lành
6. Tâm hồn an tịnh
7. Tự tin
8. Có trách nhiệm
9. Được khen ngợi
10. Có trí tuệ sáng suốt
Chính trung thực làm cho chúng ta không còn lo lắng và sợ hãi. Không có trung thực, cá nhân ấy sẽ không có sự tiến bộ hoặc phát triển khả năng hiểu biết về con người và cuộc sống. Điều này đúng trong mọi trường hợp, kể cả khi đối mặt với người khác hay đối diện với những khiếm khuyết vụng về của chính mình. Trung thực giúp chúng ta dám nhận lãnh trách nhiệm về những gì mình đã làm, dù kết quả có thế nào đi nữa. Trung thực giúp chúng ta có thể giải trình việc mình làm một cách tự tin và nhất quán, vì chân lý chỉ có một mà thôi.
Có nhiều tình huống mà chúng ta phải đấu tranh tư tưởng, cân nhắc nhiều lắm mới giữ được tính trung thực. Thế nhưng, người biết nhìn xa trông rộng sẽ không nản lòng chùn bước để giữ tâm chánh trực với người và không bị những cám dỗ của cuộc đời lung lạc. Trung thực, ta sẽ ngẩng cao đầu mà không cần tránh né, bao biện dưới bất kỳ hình thức nào cả. Người trung thực là người biết bảo vệ danh dự của mình một cách chính đáng. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của đại thi hào William Shakespeare rằng “trung thực là chính sách tối thượng. Nếu tôi đánh mất danh dự của mình, tôi đã đánh mất chính bản thân mình.” (Honesty is the best policy. If I lose mine honour, I lose myself.)
Người trung thực, toàn tâm toàn ý cảm thấy hài lòng với những gì mình sống. Nhờ vậy, tâm họ an tịnh và thảnh thơi. Với tâm nhẹ nhàng, bình bặng và trong suốt, người trung thực đi vào giấc ngủ dễ dàng và sâu. Hai câu chuyện dưới đây sẽ là minh họa sinh động cho những gì tôi vừa trình bày:
Câu chuyện thứ nhất:
|
Số kẹo sô cô la cô bé sở hữu (hình minh họa)
|
Hai đứa bé hàng xóm, một trai một gái vẫn thường chơi thân với nhau. Một hôm, cậu bé muốn đổi số bi đủ màu sắc và kích cỡ mình có được để lấy số kẹo sô cô la mà cô bé đang có. Cậu bỏ mở lời, thế là cô bé đồng ý. Cậu bé nhanh tay giấu đi viên bi lớn và đẹp nhất trước khi giao bi cho cô bé, trong khi đó, cô bé trao cho cậu tất cả số kẹo mình có như đã hứa.
|
Bi của cậu bé (hình minh họa)
|
Đêm đó, cô bé có một giấc ngủ say và bình an.
Còn cậu bé trằn trọc không ngủ được vì cứ băn khoăn lo nghĩ “liệu cô bạn có giấu đi viên kẹo nào giống như mình đã giấu đi viên bi đẹp nhất không nhỉ?”
Câu chuyện thứ hai:
Đây là câu chuyện hoàn toàn thật từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Một lần nọ, trường chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập UNO (ngày 24 tháng 10).
Nhiều sinh viên nước ngoài tham dự sự kiện này. Ngày hôm đó, mọi người tham dự đều nhận được một gói quà lưu niệm và một đóa hoa hồng. Khi buổi lễ vừa tan, tôi tranh thủ chụp vài kiểu hình lưu niệm một sự kiện như vậy được tổ chức ở đây. Mọi người vẫn chưa rời chỗ. Tôi để túi xách, gói quà và đóa hoa hồng màu nhung thật đẹp vừa nhận được trên bàn ngay tại vị trí tôi đã ngồi, rồi đứng ra giữa lối đi để chụp hình khán đài chính.
|
Đóa hồng tôi nhận được có màu giống đóa hoa này
|
Khi trở lại, tôi thấy đóa hồng màu nhạt đang nằm bên cạnh túi xách của tôi. Điều này dễ dàng nhận ra vì đóa hồng của tôi tươi hơn và màu thắm và sẫm hơn, còn đóa hồng này màu nhạt, hơi héo một tí, lại bị dập gãy hai cánh.
|
Đóa hồng của cô bạn tôi có màu thế này và kém tươi giống vậy
|
Đưa mắt nhanh qua chỗ cô bạn đang ngồi bên cạnh, đóa hồng của tôi lúc nãy giờ đang nằm ở đấy. Tôi giữ tâm bình thường, còn cô bạn thì có vẻ bối rối, dù cô ấy cười nói, cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng sự bất an hiện ra trong ánh mắt và giọng nói. Đêm đó, tôi ngủ một giấc ngon lành.
Những ngày sau, một, hai, rồi ba lần chạm mặt (vì cùng ở chung ký túc xá), cô ấy vẫn cúi mặt, bối rối và tránh ánh mắt tôi.
Tôi thấy cô ta thật tội nghiệp.
Bài học rút ra từ hai câu chuyện
• Khi con người ta không hài lòng với những gì mình đang có, họ sẽ khó có thể chọn cho mình cách sống trung thực.
• Khi đã không trung thực, tâm luôn bất an và khổ sở.
• Khi ta có thể trọn vẹn trải lòng chân thành trong các mối quan hệ, những việc cần làm, ta đã làm, và ta sống bình an!
Trên thực tế, lòng trung thực của chúng ta bị thử thách nhiều và phức tạp với nhiều sắc màu của cuộc sống chứ không chỉ là viên bi đẹp hay đóa hoa hồng tươi hơn. Thật bản lĩnh và kiên quyết, biết nói “không” trong một số tình huống và chịu thiệt thòi, thua kém và mất mát trong một số tình huống khác mới có thể sống trung thực. Hãy chọn cho mình cách sống để đêm về ta có giấc ngủ ngon mà không phải trằn trọc điều gì, ngày mới đến ta bình an tự tại.
Chúc mọi người biết cách vượt qua cám dỗ của nội tâm và ngoại cảnh để dám sống thật. Có như thế, ta mới có thể nhận được tấm lòng chân thật từ người khác.