Thursday, September 13, 2012

VƯỢT QUA MẤT MÁT THƯƠNG ĐAU


Mất mát, thương đau là một sự thật ở đời không ai tránh khỏi. Nếu có thể tránh được, có rất nhiều người trong chúng ta mong muốn điều này. Thế nhưng, nếu bình tâm nhìn vào những gì cuộc sống năng động này đang diễn ra trong ta và quanh ta, chúng ta phải chấp nhận mất mát là một sự thật hiển nhiên, một phần của cuộc sống, gắn liền với thân phận mỗi con người. Vấn đề là chúng ta đương đầu và vượt qua chướng ngại này như thế nào. Mất mát để lại trong lòng một khoảng trống tưởng chừng không thể san lấp được. Mất mát tạo tâm lý hụt hẫng, vì tưởng thức về sự hiện diện, đầy đủ đã tạo một thói quen trong tâm lý. Do vậy, thiếu thốn có khi được cường điệu đến mức lớn hơn thực tế rất nhiều, nhất là đối với người mà làm chủ cảm xúc chưa được tốt. Để có thể lập lại thế cân bằng mới, ta cần làm chủ cảm xúc của mình, giữ tâm xả. Nghĩa là trong tình huống hụt hẫng ấy, cần phải giữ tâm an tịnh, trầm tĩnh, vững chãi, không để có cảm tính làm chủ và chi phối tâm mình.

Khi chúng ta làm chủ được tâm mình tạm thời trong một thời điểm nào đó, đừng vội nghĩ rằng mình có khả năng tạo được tâm an tịnh, định tĩnh ấy mãi mãi. Đừng quá phấn khích vì điều này và nhất là đừng sanh tâm tự hào, tự mãn với bước đầu điều phục tâm ý mà ta vừa làm được vì ta thành công trong lúc này có thể lại thất bại trong lúc khác. Nếu chủ quan, tự mãn thì lại càng nguy hiểm hơn. Ngược lại, nếu chúng ta đã nỗ lực nhiều để vượt qua cảm giác thương đau này nhưng có quá nhiều chướng ngại trên đường chúng ta đi và ta có cảm giác như mình không có đủ năng lượng để về đến đích, đừng vì vậy mà nản tâm thối chí. Cái mất đi có thể là một người thân trong gia đình, một đồ vật quý, một địa vị, một danh vọng hay một mối quan hệ đẹp mà ta muốn duy trì. Trong tâm lý hụt hẫng đó, chúng ta cần thấy rõ bản chất của các sự vật hiện tượng. Mất mát là một trạng thái tan rã, không hòa hợp của các duyên. Các duyên bên ngoài không phải là bất di bất dịch. Chúng sẽ thay đổi và các duyên tương tác với nhau để tái tạo,  và kết hợp theo một mô thức khác, một dạng tồn tại khác. “Mất” thật ra là một sự thay đổi, chuyển hóa mà thôi. “Mất” mà không mất, nhưng ta cảm thấy khổ vì sự thay đổi, chuyển hóa này thường là không theo ý muốn của mình. Do đó, khổ là vấn đề của tâm. Cần phải duy trì tâm xả trong mọi tình huống để chúng ta không quá khổ đau với cảm giác mất mát vửa trải qua. Khi có được tâm xả, hoàn cảnh, tình huống, ngoại duyên không chi phối tâm ta và nhờ đó, nguồn tâm được an tịnh, có sức mạnh và sáng suốt vô cùng.
Giữ tâm xả không có nghĩa là ỳ ra, hay thụ động. Chúng ta vẫn cứ phải chu toàn những bổn phận, tránh nhiệm ở đời, mà không để cảm xúc buồn nản do mất mát gây ra chế ngự và làm chủ cảm xúc của mình. Trạng thái mất căng bằng do sự mất mát tạo ra sẽ sớm được điều chỉnh và tái tạo một thế cân bằng mới nếu ta có thái độ sống tích cực. Cuộc sống còn nhiều điều khác có khả năng bù đắp cái chúng ta vừa mất đi…
Trước sự vơi đầy của lòng người, mặn nhạt của nhân tình thế thái, thăng trầm của cuộc sống, nếu ta giữ được tâm dao động trong một biên độ nhỏ và rèn luyện cho biên độ dao động cảm xúc ấy giảm dần, tâm ta được ổn định trong an tịnh. Đây là lúc tâm xả được thực hành một các hiệu quả nhất. Thực hành hạnh xả ly, không vướng mắc, hãy nhìn vạn pháp theo gió cuốn đi để lòng thanh thản nhẹ nhàng!