Wednesday, February 11, 2009

Trụ đá Asoka: xuất xứ và ý nghĩa

Tôi viết entry này qua những gì quan sát được trong thời gian sống và học tại đây và lưu giữ ở blog như là một tài liệu cá nhân.


I. Xuất xứ và ý nghĩa

Vua Asoka (304-232 trước tây lịch), một vị vua Phật tử có nhiều cống hiến rất to lớn cho sự truyền trì mạng mạch Phật pháp và cho đất nước Ấn Độ. Có rất nhiều tài liệu nói về sự nghiệp, sự cải đạo và chủ trương truyền bá chánh pháp Đức Phật của vị vua anh minh này. Một điều đặc biệt là sau khi quy y Phật giáo, vua Asoka đến chiêm bái Tứ Động Tâm - nơi di tích của bậc Đại giác đã để lại. Đến đâu, nhà vua ra lệnh khắc bia đá để làm dấu ấn đến đó. Các trụ đá, bia ký và pháp dụ Asoka được lưu giữ tại các viện bảo tàng ngày nay thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ Đức Phật và Đạo Phật của một vị vua thuần thành cũng như chủ trương duy trì và phát huy tinh hoa của Đạo Phật trong quá trình truyền bá Phật giáo ra khỏi bờ cõi đất nước Ấn Độ. Trị vì một lãnh thổ rộng hơn diện tích Ấn Độ bây giờ, vua Asoka đã gây tiếng vang không chỉ thời ấy mà mãi đến ngày nay. Một trong những biểu tượng nổi bật nhất của vua Asoka phổ biến ở Ấn Độ ngày nay là trụ đá có bốn sư tử. Chúng ta có thể thấy biểu tượng này ở đâu?

Trụ đá Asoka có bốn sư tử được vua Asoka cho khắc dựng làm kỷ niệm tại thánh địa ở Sarnath, nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên và tăng đoàn đầu tiên được thành lập, khi nhà vua đến viếng thánh tích này. Trụ đá này cao 50 feet (15.24 mét). Trên trụ đá có khắc chỉ dụ của vua Asoka rằng “không ai được gây chia rẽ trong tăng đoàn”. Nét đặc biệt của trụ đá Asoka ở Sarnath là trụ đá có đầu trụ là bốn sư tử dựa lưng vào nhau, đặt trên một trụ ngắn tròn. Trên bề mặt của trụ ngắn này có bốn bánh xe chuyển pháp luân, mỗi bánh xe gồm 24 căm, đặt xen kẽ với bốn con vật xung quanh: một con voi, một con bò đực, một con ngựa và một con sư tử. Tiếp nối với đoạn hình trụ là đế bán cầu hình hoa sen dốc ngược xuống.




Bốn sư tử quay về bốn hướng chỉ cho chánh pháp của Đức Phật, từ vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên và là nơi tạo dựng trụ đá này, được truyền bá khắp bốn phương. Bánh xe tương trưng cho bánh xe pháp luân chuyển khắp mọi nơi mọi chốn. sau này, các nước Phật giáo, các tổ chức Phật giáo và các cơ sở tu tập thích lấy biểu tượng bánh xe để trang trí, làm logo và biểu tượng cho tổ chức mình với ý nghĩa tương tự.


Bốn con vật trên trụ đá bốn sư tử ở Sarnath được các nhà nghiên cứu giải thích là tượng trưng cho bốn giai đoạn trong cuộc đời của Đức Phật. Voi tượng trưng cho ý niệm về giấc mơ của hoàng hậu Maya, mẹ của thái tử Sĩ Đạt Ta (sau này là Đức Phật), Bà nằm mộng thấy con voi trắng chui vào bên hông phải, rồi Bà thọ thai thái tử. Con bò đực là tượng trưng cho sự sung mãn hạnh phúc khi Đức Phật còn là một thái tử sống trong hoàng cung. Con ngựa tượng trưng cho sự ra đi tìm đường giải thoát khỏi khổ đau cho nhân loại. Đêm vượt thành xuất gia, thái tử ra đi trên một con ngựa. Con sư tử tượng trưng cho cuộc đời hành đạo viên mãn của Đức Phật. Pháp Ngài truyền giảng như tiếng rống của sư tử đánh thức bao con người lìa bến mê sang bờ giác. Bốn sư tử là biểu tượng cho những nền tảng căn bản của giáo lý Đức Phật dạy về chân lý, trí tuệ, hoà bình, lòng khoan dung và lòng từ bi lan tỏa khắp bốn phương.



Bên cạnh cách giải thích có tính tôn giáo, một số người giải thích trụ đá bốn sư tử của Asoka tai Sarnath theo cách phi tôn giáo. Theo cách giải thích này thì bốn sư tử tượng trưng cho sự thống lãnh khắp bốn phương của vua Asoka. Bánh xe pháp tượng trưng cho cho sự lãnh đạo sáng suốt của vua Asoka và bốn con vật tượng trưng cho các lãnh địa của Ấn Độ thời bấy giờ.


II. Trụ đá bốn sư tử của Asoka tại Sarnath bây giờ được tìm thấy ở đâu?

1. Trụ đá nguyên thủy ở Sarnath


Trụ đá vua Asoka cho khắc dựng tại Sarnath được xác định là khoảng năm 250 trước tây lịch. Trụ đá ấy, qua năm tháng thời gian, đã bị gãy đổ.






Phần thân trụ, còn bốn đoạn gãy và các mảnh vỡ, được lưu giữ ngay trên thánh địa nơi đánh dấu Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, bắt đầu vận chuyển bánh xe chánh pháp. Các đoạn trụ này được bao bọc trong một rào chắn, có mái che, cùng trong khuôn viên thánh tích, cách tháp Dhamek không xa.




Đầu trụ là bốn sư tử như đã mô tả ở trên, được lưu giữ tại viện bảo tàng Sarnath ngay gần khu thánh tích. Khách hành hương chiêm bái thánh tích sẽ nhìn thấy phần thân và đầu trụ đá này.


2. Trên quốc huy Ấn Độ
Biểu tượng bốn sư tử của trụ đá Asoka tại Sarnath được chọn làm quốc huy của đất nước vào ngày Ấn Độ tuyên bố dân chủ, ngày 26 tháng 1 năm 1950. Phần đế nửa vòm tròn có họa tiết hoa sen dốc xuống được cắt đi, thay vào đó là hàng chữ Devanagari “Satyameva Jayate” nghĩa là “chỉ có chân lý là chiến thắng” (Truth Alone Triumphs). Trên quốc huy, hình chụp trụ đá thấy được ba đầu sư tử dựa vào nhau, đầu sư tử thứ tư bị khuất. Ba trong bốn bánh xe được nhìn thấy, một bánh xe chính diện ngay ở giữa và hai bánh xe ở hai bên. Bốn con vật trên trụ đá chỉ thấy được con ngựa bên trái và con bò đực bên phải. Voi và sư tử khuất đằng sau.



a) Trên tiền: Vì được chọn làm quốc huy, nên hình ảnh trụ đá bốn sư tử Asoka này xuất hiện trên tiền giấy cũng như tiền cắc Ấn Độ. Ở tất cả các loại tiền giấy (10 Rs, 20 Rs, 50 Rs, 100 Rs, 500 Rs và 1000 Rs), biểu tượng quốc huy xuất hiện ở góc dưới bên trái.

Ở các đồng tiền cắc (1 R, 2 Rs và 5 Rs), biểu tượng này lớn hơn, nằm trên một mặt của đồng tiền.



b) Trên tem: biểu tượng này cũng xuất hiện trên tem thư.

c) Trên đầu giấy viết thư của các cơ quan nhà nước: biểu tượng quốc huy cũng xuất hiện trên tựa đề các đơn, thư của các cơ quan nhà nước.



d) Trên cơ sở của tổ chức ngoại giao: các cơ sở của tổ chức ngoại giao đều có biểu tượng quốc huy.






e) Trên hộ chiếu: bìa đầu tiên của hộ chiếu công dân Ấn Độ có biểu tượng quốc huy
3. Trên quốc kỳ Ấn Độ



Bánh xe chuyển pháp luân Asoka trên đế trụ đá Sarnath được chọn đặt vào vị trí trung tâm của lá cờ tổ quốc vào năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập. Cờ Ấn Độ có ba sọc ngang ba màu: vàng sậm, trắng và xanh biển, ở giữa là bánh xe 24 căm. Bánh xe chuyển luân này được đặt ở vị trí trung tâm lá cờ, chiếm ba phần tư (3/4) chiều cao phần màu trắng.






Ngày nay, trên bề mặt, Ấn Độ dường như không có Đạo Phật. Thế nhưng sâu thẳm trong triết lý sống, văn hóa, sinh hoạt, người Ấn thể hiện tinh thần, tính chất và nội hàm của Đạo Phật rất nhiều. Biểu tượng trụ đá bốn sư tử của Asoka tại Sarnath và ảnh hưởng của biểu tượng này đến đất nước và con người Ấn Độ cho đến ngày nay là một điển hình.