Monday, February 2, 2009

Cuộc sống


Trong cuộc sống, tự mình chọn cho mình một mục đích, tự hoạch định ra phương án và thực hiện các công đoạn để đến đích mình hoạch định. Cả ba yếu tố này đều có vai trò quan trọng và liên quan mật thiết với nhau để cùng tạo nên cuộc sống. Cuộc sống của mỗi cá nhân có thành công như mong đợi hay không tùy thuộc vào mỗi một yếu tố và sự phối hợp của cả ba.


Mục đích

Trong cuộc sống, người có ý thức và lý tưởng đều tự đặt ra cho mình một mục đích sống. Mục đích sống là cái mốc con người tự đặt ra cho mình để phấn đấu cả một đời để hướng đến. Mục đích có thể hiểu là ước mơ thiết thực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Muốn thành tựu được mục đích sống, chúng ta cần đứng trên mặt đất để xây dựng ước mơ và mục đích cho chính mình, chứ không nên mơ mộng viển vông. Mục đích sống đẹp tạo cho chúng ta một động lực để vươn lên, làm chủ những bản năng của mình, biết nắm bắt thời cơ, biết nương theo điều kiện, môi trường bên ngoài để vươn đến mục đích. Mục đích sống đẹp là sống để hoàn thiện mình, sống để phát huy tiềm năng mình theo hướng đem lại hạnh phúc cho mình, cho người thân và nếu có thể, cho cả những người không thân. Hạnh phúc ấy mình đạt được không phải từ sự đau khổ thiệt thòi của bao con người khác. Nói cách khác, mình không nên đứng trên vai người khác để trở thành cao! Mục đích sống đẹp là sống thể hiện giá trị nhân bản (tính chất người của con người), nhân đạo (tình người của con người) và nhân văn (tính sống tốt đẹp có văn hóa của con người) một cách đúng nghĩa trong xã hội cộng sinh của con người.

Người sống không mục đích như con thuyền không định hướng, cứ lênh đênh trên sóng nước, không làm chủ được vận mạng của mình, mặc cho sóng nước dập dềnh xô dạt, đẩy đưa về đâu cũng được. Người không có mục đích sống dễ sa ngã vào trong những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc đời đời thường. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu sinh học của cơ thể, hầu như họ không có mục đích gì khác trong cuộc sống để phấn đấu. Con người, muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, nên luôn tự nhắc rằng, sống không phải chỉ để tồn tại. Nơi nào ta đến, mỗi bước chân qua, ta để lại dấu chân trên cuộc đời. Hãy để dấu chân ngay thẳng để khi có dịp nhìn lại, ta không tự áy náy với lòng mình và không cảm thấy có lỗi với người đi trước cũng như người đi sau.

Lập kế hoạch

Muốn viết một bài văn tốt, công việc trước tiên của người học là lập dàn bài. Muốn làm một công trình nghiên cứu, người thực hiện cần có một kế hoạch chương trình trong đó, mình vạch ra những gì cần làm, làm như thế nào trong thời lượng bao lâu, với tiến độ công việc thế nào. Một khi bước này được thực hiện tốt, người nghiên cứu sẽ không bị lạc hướng. Cuộc đời cũng cần có những kế hoạch theo cách thế như vậy, nhưng ở mức độ cẩn trọng cao hơn, vì cuộc sống không đơn giản như một công trình nghiên cứu hay một bài văn. Nhỏ như viết một bài văn, vừa vừa như một công trình nghiên cứu hay lớn hơn như một đời người, chúng ta nên có những hoạch định rõ ràng như vậy. Cần có những kế hoạch cụ thể để không chệch hướng và không bị động trước những quyết định lớn có tính chất quyết định trong cuộc đời mình. Khi có kế hoạch, chúng không phí thời gian để dò dẫm lần tìm mà còn có thể làm chủ được thời gian của mình để tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất.
Điều quan trọng nhất trong quá trình hoạch định chương trình của mình là phải có cái nhìn thấu đáo, khách quan trên bình diện rộng để những kế hoạch của mình được xây trên nền đất nơi mình đang đứng chứ không phải ngút tận mây xanh để rồi viễn cảnh được vẽ ra là một bức tranh toàn bích mà bản thân mình không thể nào thực hiện được dù chỉ một phần. Lập phương án không trên thực tế thì đó không còn là phương án nữa và như thế sẽ còn nguy hiểm hơn cả không hoạch định gì. Thiếu thực tế sẽ thành viển vông và đẩy mình vào thế giới của mơ tưởng, hoang tưởng rồi thất vọng càng nhiều hơn. Hãy bắt đầu ngay nơi mình đứng để lên kế hoạch cho tương lai. Cần nhón chân với tay để vươn đến mục đích nhưng nên nhớ, phải ở trong tầm với của mình để đủ cho mình một thử thách để nỗ lực và đủ để không làm thui chột tinh thần vì mệt nhoài, đau chân mỏi tay vẫn không với tới. Hãy bắt đầu lên kế hoạch cho công việc một cách cụ thể, đơn giản nhất bằng cách ghi ra những gì cần làm trong một ngày, một tháng hay một năm. Một khi việc lên kế hoạch cho những gì mình sắp làm trở thành một phần trong cuộc sống, chúng ta có được tâm thế bình an hơn, chủ động hơn, chí ít là đối với những gì mình có thể can thiệp được đối với cuộc sống của mình.

Thực hiện các công đoạn đã hoạch định trong chương trình

Khi đã có mục đích và kế hoạch làm việc, bước cuối cùng là hiện thực hóa kế hoạch ấy để thành tựu mục đích trong cuộc sống. Bước cuối cùng ‘hoàn thành sảm phẩm’ này cũng không kém quan trọng. Một phương cách làm việc có tính khoa học và nghệ thuật là đừng để công việc tạo áp lực cho mình. Với tâm thế nặng nề và mệt mỏi, chúng ta không thể đi xa trên đường dài cuộc đời. Với kế hoạch dài, trung và ngắn hạn đến từng ngày, thậm chí từng giờ, ta không gì phải lo lắng cuống cuồng quá mức mà cứ như thế, tuần tự giải quyết từng vấn đề một cách tốt nhất trong điều kiện có thể. Từng việc một trong từng giai đoạn cụ thể, cần hoàn tất chỉn chu và nghiêm túc nhất. Từ kinh nghiệm thực tế, kịp thời điều chỉnh kế hoạch để sử dụng thời gian tốt nhất. Cần hy sinh một số thú vui cá nhân và điều tiết bản năng thật tốt để giảm thiểu tối đa năng lượng ‘không có ích’ mà dành toàn tâm toàn trí cho việc học và làm. Không khô khan cứng nhắc bằng cách đúc khuôn mẫu sẵn và tự nén mình một cách đau khổ và trong khuôn ấy. Linh động và sáng tạo trong khi thực hiện một kế hoạch có tính mở với nhiều giải pháp lựa chọn dự phòng vẫn là thượng sách trong cuộc sống. Một điều luôn nhớ là dù có nhiều cách thực hiện một vấn đề, cách ấy vẫn không xa rời mục tiêu và phương hướng mình đã lập ra. Câu “đường nào cũng về La Mã” thật đúng khi dùng vào ngữ cảnh này. Hãy ý thức rõ, ‘La Mã’ của mình ở đâu để không lạc lối.

Cuộc đời là những chuỗi sự kiện chắp nối nhau. Nếu nhìn kỹ, sự kiện nào, dù ngắn, cũng có một quá trình. Cố gắng đặt các sự kiện chúng ta phải tham dự vào dưới cái nhìn phân tích để xác định mục đích, phương án khả thi và hành động cụ thể để mình ý thức và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Một cuộc sống có mục đích, có kế hoạch định hướng và các công đoạn này được thực hiện một cách hiệu quả là một cuộc đời đầy ý nghĩa. Ai thực hiện trọn vẹn những bước này trong suốt cuộc đời, người ấy đã trọn vẹn nghĩa sống làm người. Ngoài việc quản lý tốt thời gian của mình, người sống có kế hoạch sẽ bình thản hơn. Hãy là mình đi trong cuộc đời với đầy đủ ý thức về mình và những gì mình thực hiện. Hãy là mình với vai trò chủ động hơn với vận mạng chính mình. Đừng làm lục bình nổi trôi theo dòng chảy.